Người nuôi dưỡng đất

     “Hiền như đất”; “Đất là máu của con người”, những câu nói này tôi nghe từ ngày mới chào đời, tập nói! Có con người là có đất, hòa hợp, dung hòa cùng tồn tại. Người yêu đất, chăm sóc bảo vệ, đất không phụ lòng người! Các loại cây thiên nhiên, giống cây do người trồng chỉ cần cắm, thả xuống, cây phát triển nhanh, chẳng phải bổ sung các loại phân hóa học nào để đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng, cây tốt tươi, phát triển theo chu kỳ. Ngày tôi cắp sách tới trường, đi qua các cánh đồng lúa khoai rập rờn nghe câu hát mà thấy vui: “Khoa như khoai Quỳnh Hậu, lúa Quỳnh Diện, Hồng Long”. Sản phẩm nông nghiệp những năm tháng ấy đồng hành với chữ “sạch”, tinh khiết, thơm tho “hương đồng gió nội”.

      Bước vào thời đại hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cả nước bị cuốn vào trào lưu cả thế giới, muốn đi tắt, đón đầu, tăng năng suất cây trồng. Các nước ngoài đang phát triển, việc ứng dụng công nghệ dễ dàng, bởi họ có một nền tảng khoa học bền vững. Còn chúng ta, khoa học, quản lý, kỹ thuật, đang ở mức thấp, nên việc ứng dụng công nghệ nghe ra vất vả và chưa ổn định!

Anh Dương Tiến Thành – Giám đốc Công ty đang kiểm tra Trùn quế

      Biết thế, nhưng lại đang ở trong trào lưu công nghệ của cả hành tinh, thoát ra sao được, lại đang nghèo. Muốn “xóa đói giàm nghèo” với tinh thần “máu lửa”, con người “đè nén bóc lột” đất, không cho đất ngưng nghỉ… theo chu kỳ sinh thái. Đất kiệt sức dần. Con người xả thân, bất chấp tất cả, phun thuốc trừ sâu không cần đến bảo hộ, đến khẩu trang có lúc cũng chẳng dùng, ăn cơm bốc ngay trên đồng ruộng, làm chết bỏ luôn, miễn là có nhiều tiền! Tư duy của con người ở nông thôn trên đồng ruộng ngày hôm nay khác với diện mạo tâm lý của con người ngày trước. Cạnh tranh khốc liệt, giành giật, ào ào đua nhau áp dụng công nghệ, tăng tốc sinh trưởng như thể chấn lột đất, gây tai hại khôn lường, không hề tính đến ứng dụng khoa học phải làm sao cho hòa hợp để bảo vệ sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho con người hôm nay và cả mai sau!

      Hàng trăm loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu cứ vậy đổ xuống đất một cách áp đảo sinh lực đất, để tăng năng suất nhảy vọt cho cây trồng. Con giun, con dế chết tiệt. Đất khô cứng, cằn cỗi. Đi trên đồng ruộng nồng nặc mùi phân hóa học, thuốc trừ sâu. Còn đâu “hương đồng gió nội”!

      Khoa học đã và đang giết chết đất thì chính khoa học phải cứu lấy đất.

      Cứu đất, phục hồi màu mỡ cho đất chỉ có Trùn!

      Nhưng muốn có Trùn phải bắt đầu từ hữu cơ vi sinh.

     Tôi đã đến Thị xã Thái hòa – được tách ra từ huyện Nghĩa đàn năm 2008- một vùng đất trung du xưa kia là thủ phủ của Phủ Quỳ, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Nơi nổi tiếng về tài nguyên thiên nhiên phong phú, có vùng đất đỏ bazan rộng lớn. Thái Hòa lâu nay được biết đến bởi nhiều sản phẩm từ cây công nghiệp như chè, cao su, cà phê Phủ Quỳ, cam Thái Hòa. Và 10 năm nay, trên địa bàn Thái hòa có thêm Trang trại bò sữa TH tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động đa số là con em sinh sống tại vùng đất Thái Hòa- Nghĩa Đàn.

      Trên vùng đất trung du, không khí dịu êm của thiên nhiên và tính nết của con người cũng vậy, tôi mừng vô kể được gặp anh Dương Tiến Thành- Giám đốc Công ty Bảo Ngọc chăn nuôi Trùn quế và 100% hữu cơ vi sinh tự nhiên tại xã Nghĩa yên, Nghĩa đàn.

      Anh Thành là con trai của ông Dương Tiến Ngọc, một con người trưởng thành đi lên từ đất, lăn xả với cuộc sống ở vùng đất đỏ Phủ Qùy cho hết đời công chức- năm nay ông Ngọc đã 75 tuổi. Ông có 22 năm làm giám đốc ở đất Phủ Qùy, tích lũy nhiều kinh nghiệm từ đất, đã từng là: Giám đốc Nông trường Cờ đỏ; Phó Tổng giám đốc Liên hiệp các Nông trường Sông Hiếu; Giám đốc Nông trường 1/5; Giám đốc Nông trường Tây Hiếu. Đó là chưa kể thời gian ông Dương Tiến Ngọc đi học hỏi ở Nga về vấn đề nông nghiệp. Nghỉ hưu rồi ông tình nguyện làm “cố vấn” cho thế hệ trẻ những gì có thể!

      Ông Ngọc kể, thời gian đi học không được nhiều, vả lại đất đai, trang trại, cuộc sống ở Nga khác Việt Nam. Ta sang bên ấy chủ yếu tham quan, tìm hiểu, mày mò, học hỏi áp dụng vào vùng đất mình đang sống phải thế nào cho phù hợp! Cũng có nhiều ước mơ với đồng ruộng của vùng đất mình đang sống, nhưng ngày ấy khó khăn đủ điều đã đành, mà cách nhìn nhận về con người, cách làm việc của một số người chưa thống nhất. Vô hình trung, góp phần kéo lùi chậm tiến của xã hội! Thế hệ sau, thời kỳ đổi mới, anh Thành có điều kiện hơn, cách làm việc được nhiều người ủng hộ, giúp đỡ, thông thoáng hơn trong cách nhìn, cách làm việc! Nhưng nói gì thì nói, vấn đề cuối cùng quyết định tất cả vẫn là một tấm lòng của chủ thể!

     Tôi hiểu điều ông Ngọc đang nói về công ty hữu cơ vi sinh và Trùn quế của anh Dương Tiến Thành( sinh năm 1971). Anh tiếp bước theo cha về tình yêu đất nồng nàn, nhưng cách thể hiện khác nhau. Anh lăn lê bò toài sống cùng đất, hít thở hưởng hương vị của thiên nhiên thành thói quen, thấm thía sâu sắc khi hiểu người nông dân đã lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng tác hại đến màu mỡ của đất ra sao? Đất đã và đang khô cứng lại, trùn đất trên đồng ruộng hiếm dần đi. Đem lại sinh thái, màu mỡ tươi xốp cho đất chỉ có trùn. Trùn là “thợ cày” của đất. Charles Robert Darwin là một nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực tự nhiên học người Anh đã đúc kết: “ Không có mảnh đất màu mỡ nào mà đất đai nơi đó lại không được nhào nặn qua cơ thể của Trùn”. Nhưng phục hồi lại thế giới thầm lặng trùn đất “thợ cày” thì phải có hữu cơ vi sinh. Trùn quế là “nhà khoa học” sản xuất ra thành phẩm được nhà nông ưa chuộng: Phân trùn quế. Một loại phân hữu cơ vi sinh tốt nhất mà người nông dân gọi là “vàng đen”. Từ thế giới thầm lặng này, sản phẩm trùn quế mang lại thật quý giá với hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao cho cây trồng, vượt trỗi nhiều lần phân bón truyền thống lẫn phân hóa học, cải tạo đất đai, phục hồi màu mỡ, tạo môi trường phát triển của thiên nhiên.

     Anh Dương Tiến Thành thực sự là người nông dân của khoa học công nghệ thời đại mới: Nước da xạm nắng, nụ cười rộn ràng thân thiện khi có khách. Anh Thành không có “bằng cấp đầy mình” như nhiều người khác, nhưng những gì anh hiểu biết về đất lại từ trái tim và dòng máu! Anh “đi lên từ đất” âm thầm lặng lẽ kiên nhẫn đến ngạc nhiên, bước tiến bộ của anh khiến thân sinh cũng phải nể! “Hữu xạ tự nhiên hương”. Có những việc anh làm, không ai biết, người thân nhất cũng không hay, như việc anh quyết định thuê đất, tìm nguồn nguyên liệu chế biến hữu cơ vi sinh, rồi quyết định xây dựng cơ sở hạ tấng giao thông, trang trại chăn nuôi trùn quế…có kết quả mọi người mới hay. “Đất là máu của con người”, thật đúng với anh Thành. Anh đã cùng tập thể của công ty đi lên bằng nội lực, một tấm lòng: yêu thiên nhiên, đất đai và khát vọng của nhà nông ngay trên vùng đất mình đang sống. Nhờ hiểu  biết về đất đến từng hơi thở, chân tơ kẽ tóc, nhờ nắm bắt được nhu cầu sử dụng của người nông dân đang cần gì? Công ty Bảo Ngọc hữu cơ vi sinh, trùn quế của anh đã không ngừng phát triển sau hơn 10 năm thành lập (2008). Ngày mới ra đời, công ty phải thuê 2ha đất (hai héc ta), giờ thì diện tích trang trại chế biến phân hữu cơ, nuôi trùn quế đã phát triển lên 5 ha nơi vùng đồi. Mối quan hệ rộng mở hơn, phương tiện, cơ sở hạ tầng phải xây dựng hơn 1 km đường giao thông. Phân trùn quế là loại phân hữu cơ tốt nhất, mà người nông dân gọi là “vàng đen” từ Công ty Bảo Ngọc đã đi khắp đất nước. Việc nuôi trùn quế không phải là mới nhưng nuôi công nghiệp với công nghệ khép kín có sự đầu tư bài bản khoa học, Công ty Bảo Ngọc xứng tầm với các thương hiệu hàng đầu trong tỉnh nhà. Công ty có đội ngũ cán bộ đã học chuyên về vi sinh; hàng chục chàng trai nông thôn trở thành công nhân; 20 xe tải kéo phục vụ cho việc vận chuyển thành phẩm đến các nơi: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng trị…sang cả nước bạn Lào. Đặc biệt tất cả sản xuất trên 5 giàn giây chuyền hiện đại khép kín từ khâu ủ men vi sinh đến khâu đóng bao thành phẩm đều tự động, làm sạch môi trường, tăng độ phì nhiêu cho đất.

     Tôi im lặng nghe anh Dương Tiến Thành nói chuyện say sưa, rồi hỏi:

     –  Anh Thành vừa nói chế biến phân hữu cơ còn “làm sạch môi trường” là sao?

     Anh thành cười cười hỏi lại:

     – Chị vừa lên Thái hòa tham quan Trang trại bò sữa TH phải không?

     – Đúng vậy. Mà sao?

     – À, vắt sữa bò thì phải cho ăn, bò ăn rồi đào thải. Hàng ngàn con bò đào thải có khối lượng phân rất lớn.

     – Chị có biết lượng phân bò đó đi đâu không?

      Tôi nghe và hiểu ý anh Thành muốn nói gì. Lượng phân bò khổng lồ trở thành quan trọng, “nguồn tài nguyên” vô tận ở Trang trại và khắp nơi, là thức ăn cho trùn quế, một “đội quân” hùng hậu chuyên ăn chất thải, phân gia súc làm sạch môi trường đem lại sự hữu ích không hề nhỏ. Anh Thành hợp đồng luôn vấn đề thức ăn hằng ngày cho hàng ngàn con bò sữa của Trang trại TH. Mà bò sữa ăn, uống cũng cầu kỳ: nước uống phải tinh khiết, ăn phải Ngô, Cao Lương, Hướng Dương, cỏ Mom ba sa (Mỹ)…

     Hai mươi xe kéo chuyên chở đầu vào, rồi đầu ra từ đàn bò trang trại TH nhịp nhàng đúng quy trình hàng ngày, sau đó tỏa đi khắp nơi trên mọi nẻo đường rất chuyên nghiệp! Với nhịp điệu như hiện nay thì Công ty Bảo Ngọc sẽ còn tiến xa hơn nữa trong nền công nghiệp phân bón của Nghệ An.

     Anh Dương Tiến Thành – một nhà nông chính hang – còn trẻ trung, yêu quê, yêu việc mình đang làm, cần mẫn học hỏi từ thực tiễn, tiếp nhận chuyển giao thế hệ, vận động hết chất xám,“đổ mồ hôi sôi nước mắt” cống hiến trên đồng ruộng. Hàng chục triệu người đang phó thác sinh mệnh cho thiên nhiên thì phân hữu cơ vi sinh học vẫn đang phải có để trả món nợ giữa người và đất, tạo cân bằng sinh thái, và cũng là quy luật vay – trả giữa đất và người! Tôi tin những gì đang có ở Công Ty Bảo Ngọc là có cơ sở để khẳng định mối quan hệ này: bền, vững!

     Những ngày tôi về Thị xã – đơn vị cấp huyện đầu tiên của Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015- ngắm nghía hoa trái đang trĩu cành, tiếng chim chóc trong rừng cây, đàn bò sữa TH lim dim nghe nhạc, trên đồng ruộng có mầm xanh của ngô, lúa đang tua tủa vươn lên… mà thấy ấm lòng đến lạ!

Dương Ngọc Bích sưu tầm Nguồn Văn nghệ số 44/2018

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com