Cùng các diễn giả Họ Dương “thả hồn” tại Không gian đường sách
- 03/02/2023
- Ban Thông tin truyền thông
- 429
Không gian Đường sách – Chiếu thơ – Ký họa và Thư pháp là một hoạt động đặc sắc, hứa hẹn thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con tại Ngày hội văn hóa mùa xuân Họ Dương Việt Nam diễn ra vào ngày 10 – 12/2/2023 (tức ngày 20 – 22 tháng Giêng năm Quý Mão) tới đây.
Trong khuôn khổ Ngày hội, bên cạnh hoạt động trưng bày sách, Góc chia sẻ còn có hoạt động giới thiệu sách từ diễn giả là những người con Họ Dương. Các diễn giả sẽ đưa bà con “Thả hồn” vào những cuốn sách, để thỏa mãn tình yêu với sách, với văn hóa đọc và kết nối tri thức.
1. Tiến sĩ Dương Thu
Diễn giả – TS.Dương Thu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược Sleader. TS.Dương Thu là chuyên gia tư vấn trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. Chị là người tiên phong trong việc chuyển giao các công cụ quản lý hiện đại từ Viện Malik, Thụy Sỹ cho các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Dương Thu là dịch giả cuốn sách “Quản lý: Những điều cốt lõi”, 1 trong 15 cuốn sách hay nhất về Quản trị năm 2022.Cuốn sách này cung cấp mô hình quản lý hiệu quả chưa từng được biết đến ở Việt Nam, trong đó bao gồm 5 nhiệm vụ, 6 nguyên tắc và 7 công cụ.Với 15 chương, cuốn sách đi từ tổng thể đến chi tiết, xuyên suốt nội dung cuốn sách là những hướng dẫn thực tế với kiến thức và những yếu tố cần thiết để tạo thành quản lý đúng và tốt, như một nghề chuyên nghiệp, có chuẩn mực.
“Đi trong thế giới mơ hồ: Cần phải quản lý, quản trị và lãnh đạo tổ chức như thế nào?” cũng là cuốn sách mang lại nhiều thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp. Cuốn sách giúp doanh nghiệp/tổ chức tìm hướng đi trong một thế giới đầy biến động, luôn thay đổi và không chắc chắn.
Đồng thời, chị cũng là tác giả của cuốn “Giải mã chiến lược Đông Tây”, cẩm nang giúp doanh nghiệp tìm ra con đường đi riêng biệt để phát triển bền vững.
2. Nhà thơ Dương Phượng Toại
Dương Phượng Toại (bút danh Cẩm Phượng) là một người con của đất Cẩm La, Yên Hưng, nay là thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Ông có hơn 40 năm viết báo, làm thơ, viết văn. Ông là hội viên Hội VHNT Quảng Ninh, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Quảng Ninh. Ông đã xuất bản 17 đầu sách gồm đủ các thể loại: Thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, và có nhiều giải thưởng văn học từ địa phương đến Trung ương… Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: “Tiếng còi gốc rạ” (Tập thơ – Hội VHNT Quảng Ninh 1997), “Làng bây giờ” (Tập truyện và ký – NXB Hội Nhà văn 2005), “Người đàn bà cọp vồ” (Tập truyện ngắn – NXB Văn học 2008), “Thăm thẳm miền sông” (Tập bút ký và tản văn – NXB Văn học 2012), “Dưới ngực trăng rằm” (Tập thơ lục bát – NXB Hội nhà văn 2015), “Người của Phật” (Tiểu thuyết – NXB Hội Nhà văn 2019), “Hạt trong mùa” (Tập thơ – NXB Hội Nhà văn 2023)… Trong quá trình công tác báo chí, VHNT, đã được nhận Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa quần chúng, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Thơ – Câu lạc bộ Thơ Việt Nam.
Trong khuôn khổ Ngày hội, tác giả Dương Phương Toại sẽ giới thiệu tiểu thuyết “Người của Phật” và tập thơ lục bát “Dưới ngực trăng rằm”.
“Người của Phật” với gần 400 trang, viết về thời kỳ cải cách ruộng đất, nhân vật trung tâm là Lý Tấn và gia đình của ông trong giai đoạn cải cách và sau giai đoạn xây dựng HTX Nông nghiệp ở nông thôn nước ta.
Người của Phật, được tác giả cấu trúc 22 chương, nhiều chương viết về vùng quê ven biển với lối văn tả thật đẹp, thấm đẫm tình người, tình đất. Lý Tấn được coi là nhân vật của Đất đai. Bởi mồ hôi, nước mắt cũng như nỗi niềm vui buồn của gia đình Lý Tấn được cất lên từ hương đông gió nội của đất đai vùng quê nghèo ven biển nhưng giầu nghĩa tình xóm mạc. Thông qua tác phẩm, độc giả sẽ thấy hiện ra vẻ đẹp vùng quê Việt làng biển với đầy hình ảnh và tâm trạng con người thời kỳ lịch sử và hiện tại.
“Dưới ngực trăng rằm” là tập thơ với hơn một trăm bài thơ lục bát. Tập thơ là cái tôi trữ tình mang đậm chất “hồn quê” của Dương Phượng Toại. Xuyên suốt tập thơ là những ký ức ngày xa xưa của một cái tôi trữ tình luôn khắc khoải, là tình cảm gia đình, cha mẹ, bạn bè, con cháu, là tình yêu… Cái tôi trữ tình trong con người Dương Phượng Toại lúc nào cũng âm ỉ cháy, tất cả được gửi gắm qua những vần thơ lục bát nhuần nhị, trong trẻo và cũng đầy tâm trạng…
3. TS Dương Văn Sáu
PGS.TS Dương Văn Sáu, hiện là giảng viên cao cấp Trường Đại học văn hóa Hà Nội. Ông là tác giả nhiều cuốn giáo trình, sách về văn hóa, du lịch. Ngoài ra ông còn sáng tác và xuất bản thơ, truyện và ký.
Trong khuôn khổ Ngày hội, PGS.TS Dương Văn Sáu sẽ giới thiệu cuốn sách “Giải mã văn hóa Việt”. Cuốn sách luận bàn về đời sống vật chất và tinh thần của người Việt thông qua việc “giải mã văn hóa”, “giải ảo hiện thực” các hình tượng văn hóa truyền thống Việt Nam. Với những người yêu thích văn hóa dân gian truyền thống muốn tìm hiểu cội nguồn của văn hóa dân tộc đây sẽ là một cuốn sách hữu ích, bổ sung các cách tiếp cận đa chiều về một số sự vật – hiện tượng diễn ra trong cuộc sống để từ đó tìm ra sự liên kết văn hóa tiềm ẩn bên trong các sự vật hiện tượng vốn diễn ra bình thường trong cuộc sống đương đại.
Cuốn sách cũng giúp bổ sung tri thức, những hiểu biết cho các hướng dẫn viên du lịch về các hình tượng văn hóa vật thể và phi vật thể sẽ gặp trong các chương trình du lịch. Thông qua việc “giải mã văn hóa” các hình tượng văn hóa truyền thống, các hướng dẫn viên sẽ đem đến cho du khách sự “mới mẻ” trong cách tiếp cận những sự vật – hiện tượng truyền thống vốn có.
4. Nhà giáo – nhà văn – nhà sử học Dương Thị Bích Thảo
Dương Thị Bích Thảo có bút danh Ánh Dương, Hương Thảo. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại thôn Hòa Loan – xã Lũng Hòa – huyện Vĩnh Tường – tỉnh Vĩnh Phúc, với niềm đam mê cháy bỏng giữ gìn bản sắc văn hóa và lịch sử dân tộc qua các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông ta từ xưa đến nay, chị đến với sự nghiệp viết lách. Hiện nay, chị đang sinh hoạt tại Hội đồng Họ Dương Từ Liêm – thành phố Hà Nội.
Chị là tác giả của nhiều cuốn sách chuyên đề: Nữ lưu nước Việt, Hành trình vĩ đại, Hào kiệt anh tài dưới cờ cách mạng, Kể chuyện lịch sử: Hà Nội những ngày tháng Tám… Đặc biệt, chị là tác giả của nhiều cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp như: Có một Hồ Chí Minh như thế trong mắt bạn bè quốc tế, Tình bạn lớn của Bác Hồ với những người bạn quốc tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Từ người thầy dạy Sử đến vị tướng viết nên lịch sử, Bác Hồ – Tấm gương sáng về đọc sách và tự học, Hồ Chí Minh – Tình cảm lớn của Người dành cho Văn hóa đọc và ngành thư viện…
Trong khuôn khổ Ngày hội Nhà giáo – nhà văn – nhà sử học sẽ giới thiệu những tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
5. TS Dương Thị Thu Hà
PGS.TS Dương Thị Thu Hà hiện đang công tác tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Chị là tác giả của các cuốn sách: Giáo trình “Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch” (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội – 2011), sách chuyên khảo: “Văn hóa Thiền tông trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội – 2019), sách chuyên khảo “Giáo dục văn hóa môi trường cho sinh viên nghệ thuật” (viết chung – Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội – 2021).
Trong khuôn khổ Ngày hội, PGS.TS Dương Thị Thu Hà sẽ giới thiệu cuốn sách “Văn hóa Thiền tông trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam hiện nay”. Cuốn sách gốm 4 phần: Khái luận về văn hóa Thiền tông trong đời sống xã hội Việt Nam, Thiền tông Việt Nam và Văn hóa Thiền tông Việt Nam, Ảnh hưởng của văn hóa Thiền tông trong đời sông xã hội Việt Nam hiện nay, Xu hướng phát triển của Văn hóa Thiền tông Việt Nam và những vấn đề đặt ra.
Những giá trị văn hóa mà Thiền tông Việt Nam đóng góp vào nền văn hóa dân tộc không hề nhỏ bé. Những giá trị văn hóa của Thiền tông Việt Nam đã kết tinh thành di sản văn hóa dân tộc từ trong quá khứ như tư tưởng, thơ thiền, di tích, đạo đức, lối sống, lễ hội, các danh nhân. Cuốn sách là những nghiên cứu tiếp cận Thiền tông dưới góc độ văn hóa học, để khẳng định những giá trị đó tiếp tục đóng góp tích cực vào đời sống xã hội và đang phát triển, hoàn thiện hơn trong điều kiện thực tế.
6. Dương Thành Phát
Cây viết trẻ Thành Phát (bút danh: Phát Dương) sinh năm 1995, hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh. Anh có các tập truyện ngắn đã xuất bản: “Tự nhiên say” (NXB Trẻ – 2018), “Bộ móng tay màu đỏ” (NXB Tổng hợp – 2020), “Mở mắt mà mơ” (NXB Văn hóa Văn nghệ 2020), truyện dài thiếu nhi “100 cửa sổ” (NXB Kim Đồng, 2022), có nhiều truyện ngắn và thơ đăng báo. Anh đã đoạt giải Nhất cuộc thi “Tác phẩm đầu tay” do Du Tử Lê Foundation tổ chức (2017), giải Nhì cuộc thi bút ký – truyện ngắn Tạp chí Cửa Việt (2018 – 2019), giải Tư cuộc thi “Một nửa làm đầy thế giới (2019), giải Ba thơ “Tổ quốc và mẹ” của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên (2021), giải Ba cuộc thi viết “Hà Nội thành phố tôi yêu” của báo Thanh Niên (2021), giải Ba cuộc thi Truyện ngắn “làng Việt thời hội nhập” (2021) và nhiều giải khác.
Trong khuôn khổ Ngày hội, Dương Thành Phát sẽ giới thiệu tác phẩm “Bộ móng tay màu đỏ”. Đây là tập truyện ngắn bao gồm 18 truyện ngắn hiện thực về những lát cắt số phận con người, chủ yếu là những người phụ nữ. Sách nhẹ nhàng cuốn hút người đọc bởi cái cách thể hiện cảm xúc, tâm lý nhân vật gần gũi và đời thường.
“Người lèo lái những con thuyền đời của Bộ móng tay màu đỏ không phải là những người đàn ông. Nhưng hình bóng người đàn ông quá lớn, quá nặng nề và quyền lực. Những người phụ nữ với sự nhẫn nhịn dường như đủ để xoay chuyển cả càn khôn nhưng rốt cuộc họ chỉ là một chiếc bóng mang sứ mệnh oằn oại. Những chiếc bóng đóng vai hiền và vai ác. Những chiếc bóng sống loi nhoi trong khi người tạo ra bóng lại lặng lờ tưởng như không còn sống nữa. Nghĩa là gần như nếu cuộc đời không có sự hi sinh lặng thầm những chiếc bóng thì cuộc đời sẽ nhẹ nhàng biết bao nhiêu. Dường như thấy những bàn tay nâng đỡ của bóng ngày càng yếu dần thì trượng phu cũng ngày càng trở nên hẹp hòi non nớt. Công cuộc bảo tồn nòi giống của hai phía chẳng có gì đáng để chờ đợi, vở bi hài kịch cuộc đời trở nên lẻ mọn chẳng đáng để tham gia. Phát Dương đứng từ một góc nhìn của người ngoài cuộc xem những thước phim lặn hụp, chới với. Người đọc cùng xem phim với Phát Dương và hoài nghi bản thân, coi chừng những hẹp hòi tủn mủn kia có chính mình.” (Trích lời bình của nhà văn Võ Diệu Thanh).
Dương Phạm Ngọc