Cô giáo Dương Thị Ngọc Sương biến môn học ‘ít ai thích’ thành môn học sinh ‘chờ đợi’

Với sự sáng tạo của mình, cô Dương Thị Ngọc Sương – giáo viên môn Địa lý Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Gò Vấp (TPHCM) đã tạo sự hứng thú, yêu thích môn học cho nhiều thế hệ học sinh.

Ngày mai 20/11, Sở GDĐT TPHCM sẽ tổ chức trao giải thưởng Võ Trường Toản để tôn vinh những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của 40 nhà giáo, 10 cán bộ quản lý. Cô Dương Thị Ngọc Sương – giáo viên môn Địa lý Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Gò Vấp, TPHCM) là một trong 10 giáo viên bậc THPT vinh dự được nhận giải thưởng này.

Cô giáo mang “cả thế giới” vào môn Địa

Gặp cô Sương tại Trường THPT Trần Hưng Đạo đúng vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trên tay cô vẫn đầy đủ “đồ nghề” như mọi ngày. Ngoài cặp táp đựng tài liệu, giáo án, cô Sương còn xách thêm một chiếc túi “siêu to khổng lồ” chứa đựng “cả thế giới” để mang vào bài giảng môn Địa lý.

Cô Dương Thị Ngọc Sương với chiếc túi mang cả “thế giới” vào bài giảng môn Địa lý.

Cô chia sẻ, chương trình học hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với trước. Tư duy của học sinh cũng đổi mới nên không thể áp dụng phương pháp dạy học cũ mà phải thay đổi, khơi gợi, tạo cảm hứng để học sinh hứng thú với bài học. Ngoài yêu cầu phải đổi mới, sáng tạo nội dung giảng dạy, thầy cô còn có nhiệm vụ định hướng cho học sinh để các em tự tìm tòi kiến thức thông qua sách vở, tài liệu, internet… Việc kiểm tra bài cũ như trước đây gần như không còn áp dụng, thay vào đó, giáo viên sẽ chấm điểm cho học sinh thông qua các hoạt động trong tiết học.

Mở chiếc túi “thần kỳ” mang theo mình, cô Sương giới thiệu những món đồ bên trong được cô tự tay thực hiện. Đầu tiên là bộ thẻ ghi số thứ tự dùng để bốc thăm, mỗi con số ứng với một học sinh trong lớp. Bốc trúng số em nào, em đó sẽ phải trả lời câu hỏi hoặc thực hiện các yêu cầu mà bài học đưa ra; hoặc bốc thăm để chọn nhóm thi. Theo cô Sương, đây là cách khiến học sinh tập trung học, hồi hộp chờ đợi xem con số bốc trúng là ai, và quan trọng hơn cả là tạo không khí vui tươi, không căng thẳng trong giờ học.

Tiếp đó, các món đồ khác được cô chuẩn bị cẩn thận như những lá cờ tổ quốc dùng để phát cho mỗi đội khi tham gia thi, đội nào nhanh nhất thì phất cờ, bộ thẻ ghi số điểm từ 100 – 1.200 dùng để chơi trò chơi, tích điểm, bộ quạt quay có các lựa chọn đúng – sai, bộ thẻ in hình quả địa cầu dành cho học sinh lớp 10 và bản đồ Việt Nam dành cho học sinh lớp 12, bộ tiền giả ép plastic để chơi trò chơi Ai là triệu phú, bộ lô tô quay số, dụng cụ chơi Rung chuông vàng…

Cô Sương cho biết, học sinh rất thích, rất hứng thú khi được cô phổ biến một bài học mới thông qua các trò chơi. Đồng thời, hiệu quả của phương pháp này cũng rất tích cực. Theo cô Sương, bằng chứng là học sinh làm bài kiểm tra môn Địa rất tốt, thi học sinh giỏi hay thi tốt nghiệp đều dành được số điểm cao.

 khi nào giáo viên trở thành nghề “nguy hiểm”?

Chia sẻ với Dân Việt, cô Sương cho biết đã đứng bục giảng tròn 20 năm. Trước đây, một phần vì mơ ước được trở thành cô giáo, một phần vì điều kiện gia đình khó khăn nên cô Sương chọn học sư phạm để đỡ chi phí học hành. Thế nhưng, càng đi dạy, cô Sương càng cảm thấy hợp với nghề này.

“Cho đến nay, chưa một lần tôi cảm thấy hối hận với quyết định trở thành giáo viên của mình. Ngược lại, tôi còn cảm thấy hạnh phúc, hãnh diện vì được đứng trong hàng ngũ những người làm giáo dục”, cô Sương tâm sự.

20 năm làm giáo viên, cô Dương Thị Ngọc Sương chưa bao giờ hối hận về quyết định chọn nghề giáo của mình.

Về những trăn trở trong nghề, cô Sương chia sẻ, trước đây nghề giáo được xem là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Ngày nay, dù nghề giáo vẫn cao quý, nhưng cũng trở thành một nghề “nguy hiểm”, giáo viên rất dễ “nổi tiếng” nếu lỡ quá một chút, lỡ sai một chút.

Ngoài ra, cô Sương cũng trăn trở, hiện nay đa số phụ huynh đều bận rộn và “khoán” học sinh cho giáo viên, nhà trường. Nếu học sinh ngoan, chăm chỉ, học hành tiến bộ thì không sao. Còn nếu học sinh hư hỏng, chơi bời không chịu học hành thì mọi sự đều tại thầy cô. Bên cạnh đó, rất nhiều phụ huynh bênh con, khi xảy ra sự việc nào đó là nóng vội, quy trách nhiệm, thậm chí có hành vi sai trái với giáo viên dù chưa tìm hiểu ngọn ngành, mới nghe từ một phía.

“Một điều đáng buồn hơn nữa đó là việc người thầy không được tôn trọng như ngày xưa, có giáo viên ra đường không dám giới thiệu mình là nhà giáo. Nguyên nhân là do một bộ phận nhỏ giáo viên không giữ gìn được chuẩn mực đạo đức của nghề nên làm xấu hình ảnh người thầy. Vì bản thân nhiều phụ huynh không tôn trọng giáo viên, dẫn đến việc học sinh cũng không tôn trọng giáo viên”, cô Sương chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô Sương cho biết, học sinh thời nay khó dạy hơn học sinh thời xưa rất nhiều. Các em có điều kiện hơn nhưng cũng có nhiều cám dỗ hơn, dễ bị sa đà vào mạng xã hội và các trò chơi trên điện thoại thông minh…

Dù vậy, cô Sương cho biết, đã yêu nghề, chọn nghề nên cô vượt qua tất cả bằng cách hoàn thiện bản thân mỗi ngày, cố gắng làm bài giảng hay, hấp dẫn để học sinh yêu quý môn học. Về mặt chủ nhiệm, cô luôn quan tâm sâu sát từng em, kịp thời nắm bắt khi các em có vấn đề. Đồng thời, cô cũng cố gắng kết nối với phụ huynh để trò chuyện, tương tác, cùng thống nhất cách dạy dỗ, uốn nắn học sinh. Bên cạnh đó, cô Sương cũng tương tác với giáo viên bộ môn, thầy cô giám thị… để nắm chắc tình hình lớp học mình chủ nhiệm.

Nguồn: Báo Dân Việt

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com