Cựu chiến binh, Tiến sĩ Dương Thanh Biểu
- 09/01/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 4606
Chiến tranh loạn lạc, vào Nam ra Bắc, xông pha nơi chiến trường, cùng đồng đội sát cánh chiến đấu ngày đêm bên nhau, gánh chịu nhiều thương tật. Song trong cuộc sống hôm nay, những cựu chiến binh – người lính Cụ Hồ năm xưa vẫn tràn đầy nghị lực, nhiệt huyết. Mặt khác, với hơn nửa cuộc đời cống hiến cho ngành Kiểm sát, ở nhiều cương vị khác nhau, đảm nhận trọng trách một Công tố cấp cao, ông từng tham gia quyết định sinh mệnh của không ít những nhân vật đặc biệt. Nhân chuyên đề Số 27/7, Thế giới Doanh Nhân Sao Việt xin được khái quát đôi nét về ông – Cựu chiến binh – TS. Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao (VKSNDTC).
Một thời trận mạc
Sinh ra khi đất nước đang trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, cả ông và gia đình bên dòng Lam Giang êm đềm phải ly tán mỗi người một ngả. Lớn lên, khi mới qua tuổi thiếu niên, năm 1968 ông tạm gác bút sách, xung phong vào bộ đội rồi đi B đánh Mỹ. Từ một chiến sĩ, anh đã được đề bạt làm Đại đội trưởng Đại đội Chủ công bộ binh, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, quân đoàn 3, Tây Nguyên khi tuổi còn rất trẻ. Gần 7 năm chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên gian khổ và ác liệt, biết bao kỷ niệm vui buồn luôn ùa về trong tâm trí người cựu chiến binh Dương Thanh Biểu. Đã hơn 40 năm qua giờ đây chỉ cần nhắc lại dù một phần trăm cái gian khổ ác liệt, những hy sinh mất mát ấy thì chỉ có lính Tây Nguyên mới hiểu, mới thấm được:
“Tây Nguyên ơi, ai một lần qua đó.
Suốt cuộc đời hồ dễ để quên nhau.”
Năm 1973, trong trận đánh cắm cờ phía bắc Võ Định (Kon Tum), ông bị thương nặng phải chuyển ra tuyến sau điều trị. Ông cùng những thương binh được chuyển về đoàn an dưỡng 325 thuộc Quân khu Việt Bắc đóng ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc điều trị.
Vết thương đỡ được phần nào, ông hối hả trở về thăm quê nhà để thắp lên mộ song thân nén hương muộn mằn mà trong những ngày ở chiến trường ông không thể về kịp, ông phải chứng kiến cảnh anh em ly tán mỗi người một nơi, ngôi nhà nhỏ ngày xưa đầy ắp tiếng cười giờ chỉ là mái lá mục nát, hoang tàn. Rồi ông nóng lòng sang nhà người bạn gái, sau bao nhiêu năm xa cách, nhớ nhung, ông hồ hởi mong gặp để thưa chuyện lâu dài, nhưng hỡi ôi… tình yêu đầu đời của ông đã bị bom Mỹ giết chết ở bến sông bên dòng Lam Giang trong một lần đi học về muộn.
Một buổi sáng tháng 10/1974, ông và các đồng đội nhận lệnh có mặt đúng từng giây, từng phút tại Ban chỉ huy Đoàn. Đồng chí thủ trưởng Đoàn 325 giới thiệu có các đồng chí ở Vụ Tổ chức cán bộ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao lên đây làm việc về công tác nhân sự. Và bắt đầu giây phút này, ông chính thức bước vào ngành Kiểm sát nhân dân và phục vụ liên tục hơn 35 năm tiếp sau đó.
Những âm hưởng tình người
Hơn nửa cuộc đời cống hiến trong ngành Kiểm sát cho đến lúc nghỉ hưu, trong mỗi vụ án, ông luôn tự răn mình rằng, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải làm đúng lương tâm và trách nhiệm cao nhất, bởi đằng sau những trang hồ sơ vụ án, không chỉ là tội phạm mà còn là số phận của mỗi con người…
Rồi ông được cử đi học lý thuyết về ngành Kiểm sát ở VKSND tỉnh Thái Bình, đi thực tế ở các đơn vị kiểm sát huyện cùng các học viên khác. Đây là những ngày tháng ông bước vào thực tế của nghề công tố, phải tham gia theo dõi diễn biến nhiều vụ xét xử để học hỏi, phân tích cái đúng, cái sai, bổ sung thêm kinh nghiệm cho chính bản thân mình.
Sau đợt thực tập ở Thái Bình, ông được điều về Vụ Kiểm sát điều tra án trị an an ninh (Vụ 2B). Ông công tác ở đây cho đến khi lên giữ vị trí cao nhất là Vụ trưởng, Viện trưởng VKSND tỉnh Ninh Binh, sau đó được tín nhiệm cử lên Phó Viện trưởng, VKSNDTC. Thời ông về công tác, lúc này Viện trưởng là ông Hoàng Quốc Việt (tức Hạ Bá Cang) một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong thời gian công tác ở Viện KSNDTC, ông đã cùng đồng nghiệp xử lý hàng ngàn vụ án. Mỗi vụ có một đặc điểm, cách xử lý khác nhau và mang lại cho ông những cảm xúc khác nhau. Kể ra thì nhiều, nhưng với ông có những vụ đã lui vào quá khứ gần 40 năm, nhưng nó vẫn như hiển diện trước mặt ông, trong tâm trí ông. Có nhiều vụ thật sự gắn liền với ông về những niềm vui và nỗi buồn, những ngọt bùi và cay đắng, những thành công và thất bại của mình và của đồng nghiệp. Đó là vụ án về Tạ Đình Đề, một con người đã đi vào lòng người như một huyền thoại, vào sách báo lẫn truyền tụng trong dân gian. “Tất cả như hòa trộn vào nhau như bản hòa ca chân thực chứa đựng nhiều cung bậc và âm hưởng của tình người…”, ông bồi hồi nhớ lại.
Hay vụ án mà ông cũng day dứt khi nghiên cứu đề xuất giải quyết, đó là vụ án N2 ở Đồng Nai, vụ án gây cho ông nhiều ấn tượng như Lý Tống – kẻ mới đây khiến cho giới truyền thông, báo chí ở Việt Nam tốn khá nhiều giấy mực. Cũng có những vụ án mà mối hiểm nguy của ông và gia đình bị đe doạ. Vụ án Vũ Xuân Trường và đồng bọn những năm 1996-1997. Thậm chí có những vụ án liên đới đến Bộ trưởng như vụ Lã Thị Kim Oanh…v.v
Ông dễ gần, dễ chia sẻ và thẳng thắn. Ấn tượng của tôi về ông là như thế. Ông bảo, làm nghề như ông mà né tránh sự thật, né tránh dư luận thì không bao giờ mang lại công bằng, công lý cho xã hội được. Vì sự thật là sức mạnh nên cái gì là sự thật, thì hãy luôn đối thoại với nó bằng sự thật. Kinh nghiệm 40 năm trong nghề và chất lính của một cựu chiến binh nên tâm đức ông đã tỏa sáng bản lĩnh đó.
Và ông đúc kết một điều: “cái gì cũng vậy, sau sóng gió, con người ta cần những bến đậu, những khoảng lặng bình yên. Không gì thú vị hơn khi được sống thanh thản…Tính mình hay hồi tưởng, hay nhớ về ký ức một thời khó khăn, bom đạn, cả những người đồng đội đã ngã xuống cho sự bình yên của đất nước. Thời gian rảnh, tôi dành để ghi lại những kinh nghiệm, ký ức đó trên những trang sách. Đó cũng chính là đam mê của ông, những tác phẩm ông cho xuất bản có đủ thể loại từ những sách chuyên ngành Luật – Kiểm Sát cho đến các tác phẩm truyện ký(Tạ Đình Đề – Những góc khuất cuộc đời ,Theo dòng công lý), hồi ký(Một thời trận mạc),…
Thấm thoắt đã 40 năm trôi qua. Giờ ông đã nghỉ hưu, yên bề cùng vui với con cháu. Và ông gọi đó là tuổi xế chiều như câu thơ ông tặng đồng đội: “Cuộc sống xế chiều hay nghĩ lại ngày xưa/Những năm tháng hào hùng không có gì đổi được/…”
Theo Tạp chí Thế giới doanh nhân