Dương Tấn Sự: Người đàn ông nặng lòng với nghề biển

Từ một người làm thuê đến ông chủ của đội tàu hậu cần nghề cá hàng chục tỉ đồng dong duỗi ở các ngư trường thu mua hải sản, cung cấp đồ dùng thiết yếu, hỗ trợ đối tác về vốn, ngư cụ khi vươn khơi…

Một ngày tháng 7 chúng tôi tìm về cảng Lạch Bạng (Thanh Hóa) gặp ông Dương Tấn Sự (53 tuổi, trú phường Hải Bình, TX Nghi Sơn, Thanh Hóa), ông chủ của 5 con tàu hàng chục tỉ đồng vươn khơi chuyên thu mua hải sản xa bờ.

Nhớ số tàu chứ không nhớ được… năm sinh con cái

Sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em ở vùng biển nghèo, khi cha là ngư dân Quảng Ngãi theo tàu đánh bắt và về vùng cảng Lạch Bạng lấy vợ, an cư lập nghiệp nơi đây. Lớn lên ông Sự 14-15 tuổi đã đi theo tàu thuyền đánh cá làm thuê cho người ta.

Mỗi chuyến tàu ra khơi ông Sự thường kiểm tra, chỉnh cờ cho ngay ngắn

Đến khi cuộc sống khấm khá hơn thì gia đình (bố mẹ ông Sự-PV) sắm được tàu ông cùng các anh chị lại về phụ giúp cha mẹ đi biển. Năm 1992 thì ông lập gia đình với người phụ nữ cùng địa phương rồi sinh lần lượt 6 người con, đặc sản của người vùng biển (đẻ nhiều).

“Khi đó cuộc sống khó khăn, vất vả lắm tôi đi làm thuê cho người ta trên các tàu cá đi biển mong sao có đủ ăn, có tiền nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn chứ cũng không mong muốn giàu có gì cả” ông Sự cho biết.

Trong lúc trò chuyện chúng tôi có hỏi về năm sinh của các con ông thì ông  Sự không nhớ rõ và chỉ biết 2 năm sinh một đứa và cho hay “Khó khăn chỉ lo làm ăn nên con tôi, tôi có nhờ ngày tháng năm sinh của chúng nó đâu chỉ nhớ ở cảng với số ghe, số tàu thôi”.

Cũng theo ông Sự thì ở cảng Lạch Bạng phát triển từ những năm 90 khi ngư dân, anh em họ hàng kết hợp sắm tàu thuyền lớn vươn khơi bám biển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Cũng vào thời điểm đó khi ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt ra phía bắc thường xuyên cập cảng Lạch Bạng bán hải sản, mua nhu yếu phẩm nên nơi đây càng phát triển mạnh hơn.

Từ không biết chữ đến ông chủ tiền tỷ

Vừa ngồi xuống bàn khi biết chúng tôi là PV ông Sự vừa xua tay nói “Tui nói trước không ký cái chi đâu nhé, viết bài xong mà phải đi đâu là tui không đi mô”.

hấy chúng tôi ngạc nhiên người anh trai ông Sự ngồi cạnh tôi cho biết: Do chú ấy (Sự-PV) ít đi ra ngoài, không biết chữ nên sợ đi ra ngoài ký tá giấy tờ bị người ta lừa đảo.

Nhận thấy sự phát triển của nghề biển và việc mua bán hải sản trên biển lớn ông Sự bàn với vợ đánh liều dốc toàn bộ vốn liếng của gia đình cũng như vay mượn anh em, họ hàng  để lấy tiền đóng tàu thu mua dịch vụ hậu cần nghề cá.

Nói là làm năm 2005, ông Sự đóng con tàu thu mua đầu tiên với công suất hơn 300CV để vươn khơi thu mua hải sản. Chưa dừng lại ở đó, một năm sau (2006) ông Sự tiếp tục vay mượn đóng thêm một con tàu thu mua mới.

Cứ như thế ông Sự hình thành đội hậu cần cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho tàu bạn rồi thu mua hải sản của tàu bạn ở các ngư trường từ Quảng Bình trở ra đến Quảng Ninh.

Đến năm 2017 ông Sự tiếp tục đóng thêm 2 con tàu công suất lớn với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng, đưa số tàu của ông lên 7 con chuyên thmua hải sản ngoài khơi và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Dù không được ăn học và chỉ biết viết mỗi tên mình (Sự-PV) nhưng đến nay ông Sự có khối tài sản trên 20 tỷ đồng, trong đó có 5 chiếc tàu thu mua. Ông Sự cũng tạo công ăn việc làm cho hơn 80 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7-12 triệu đồng/ người/tháng.

Ông Sự (áo đen) đang trò chuyện cùng ngư dân Quảng Ngãi

“Sinh ra từ biển, gắn bó với nghề biển nên tôi rất yêu nghề của mình mỗi khi mà tàu không về cảng thì ngày cũng phải xuống cảng 2-3 lần cho đỡ nhớ. Tôi cũng chỉ gắn bó cả đời với nghề này và sau này về già sẽ truyền lại cho con cháu nối tiếp nghề của mình” ông Sự nói.

Hiện nay đội tàu của ông Sự nếu ra khơi thuận lợi và trừ tất cả các chi phí cũng mang về cho ông hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Giúp đỡ bạn nghề

Không chỉ nghỉ đến chuyện làm kinh tế, ông Sự còn giúp đỡ rất nhiều tàu thuyền bạn khi bỏ ra số  tiền vài chục triệu đồng hỗ trợ tàu bạn mua ngư cụ, mua dầu, nhu yếu phẩm…sau đó mua lại hải sản của các tàu để trừ nợ. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này chỉ nói bằng miệng với nhau chứ không có bất kỳ giấy tờ gì cả mà hoàn toàn dựa vào uy tín và lòng tin với nhau. Chính vì thế do 2 năm qua ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá xăng dầu tăng nhiều tàu làm ăn thua lỗ, chuyển ngư trường đánh bắt, nhiều chủ tàu khó khăn không có tiền trả ông Sự vẫn vui vẻ cho họ số tiền trên.

“Có lần vào nhà chủ tàu mà tôi đầu tư cho ở Quảng Ngãi để đòi tiền nhưng nhìn thấy hoàn cảnh họ quá khó khăn, làm ăn thua lỗ tôi chỉ biết động viên họ rồi quay về quê hương. Dù lúc đó hoàn cảnh của tôi cũng rất khó khăn, vợ tôi cũng đã phải khóc khi công sức lao động bỏ ra không được gì, nhiều đại lý mà chúng tôi bán hải sản cho không trả tiền, ngư dân đánh bắt thua lỗ không thu lại được vốn…” ông Sự chia sẻ.

Ông Sự cũng cho hay, ông làm bằng lòng tin, uy tín và lương tâm của bản thân nên trong mọi hoàn cảnh khó khăn thì các tàu đánh bắt khi vươn khơi đều gửi chọn niềm tin và bán hải sản cho tàu thu mua của ông.

Cũng theo ông Sự, mặc dù do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giá xăng dầu tăng có chuyến vươn khơi phải bù lỗ, có chuyến hòa vốn nhưng ông vẫn quyết định bám biển vươn khơi không từ bỏ.

Nguồn: Infonet

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com