Nén hương dâng cụ Dương Tam Kha

Tản văn của Dương Thanh Biểu

Hà Nội vào Thu. Hơi may đã man mác trên những mảnh sân, con đường, góc phố. Ngỡ như hương cốm đang phảng phất trong gió nhẹ và hoa sữa thêm nồng nàn trong âu yếm của những lứa đôi. Nét thu Hà thành thêm đậm sắc trong những bó cúc vàng tươi xếp trên những chiếc xe đạp hoặc đôi quang gánh của nhiều người bán dạo. Màu vàng hoa cúc, mùi hương hoa sữa, vị ngon bánh cốm là những cái rất riêng của thu Hà Nội, lưu lại khôn nguôi trong ký ức bao người. Những nhớ nhung, bâng khuâng, dịu êm đã bắt đầu từ đó. Mùa thu Hà Nội, mùa của nhiều cung bậc, sắc thái tình cảm, dịu êm, thương nhớ xa gần, mùa của những ký ức ngọt ngào chợt đến chợt đi…Ai đã từng đến, từng ở Hà Nội thật khó quên lắm mùa thu ở chốn này. Tôi nhớ mãi những câu viết của nhà văn tài hoa Băng Sơn về thu Hà Nội: “Hà Nội thu là một khao khát thèm thuồng của bao người xa quê, phải lang bạt chân trời góc bể, thậm chí dằng dặc xứ người… Mùa thu Hà Nội là mùa thu của một bến bờ neo đậu bao nhiêu thương quý nhớ nhung”.

Những người đóng cọc trên sông Bạch Đằng. Ảnh minh họa

Trong tiết thu nhiều gợi cảm đó, sáng nay tôi cùng đoàn Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam đi thắp hương Cụ Dương Tam Kha ở Thượng Tín, Hà Nội. Dọc đường đi, tôi miên man nghĩ đến Cụ. Người xưa khuất bóng hơn ngàn năm như vầng mây trên bầu trời lồng lộng kia đã bay về đâu đó những chiến công của họ vẫn không mờ phai trong trang sử giữ nước của dân tộc. Là con cháu Họ Dương, tôi không thể không ghi tạc chiến công hiển hách của Cụ, người chém đầu tướng giặc nhà Hán là Hoằng Thao trên sông Bạch Đằng thủa xưa như bài lịch sử tôi từng học ở thời cấp ba. Dương Tam Kha đã cùng cha là Dương Đình Nghệ và anh rể Ngô Quyền đã ba lần đánh đuổi quân Nam Hán tàn bạo, giải phóng đất nước thoát khỏi ách đô hộ hà khắc hơn nghìn năm của giặc phương Bắc.

Bãi cọc trên sông Bạch Đằng

Cuốn Đại Việt sử lược đã ghi chép trận Bạch Đằng: “Ngô Quyền nghe tin Hoằng Thao đến, bèn đóng ngầm những cọc lớn đầu bịt sắt ở cửa biển và “lúc nước thủy triều dâng lên mới sai quân dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến mà giả vờ thua. Hoằng Thao đuổi theo. Lúc ấy nước thủy triều rút xuống, cọc bày ra. Hoằng Tháo chống trả túi bụi, rồi thì nước chảy rất mạnh vào hết các thuyền đang vướng mắc nơi cọc. Ngô Quyền ra sức đánh phá dữ dội. Quân Nam Hán chết đuối đến quá nửa, giết được Hoằng Thao“. Hoằng Thao (có sách chép là Hoằng Tháo, Hoành Thao, Hồng Tháo…) là thái tử, con Lưu Cung, vua sáng lập ra nhà Nam Hán, một trong những nước thời Ngũ đại thập quốc ở phương Bắc. Mặc nhiên, vẫn còn đó những góc khuất, những điểm mờ chưa được giải mã rõ ràng. Những người góp công lớn cho trận thắng này như Cụ Dương Tam Kha trong vai trò Tham mưu trưởng chưa được nhắc tới. Chỉ khi đi sâu nghiên cứu lược sử Họ Dương Việt Nam và các tài liệu cũng như văn bia tại một số địa phương tôi mới hình dung tương đối rõ nét về công trạng của Cụ Dương Tam Kha là không hề nhỏ.

Trong bản thần tích đền Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, Nam Định) có đoạn viết: “Dương Tam Kha sai Dương Thục Phi, Dương Cát Lợi chặt 3.000 cây gỗ đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm, đợi lúc nước triều lên đem quân khiêu chiến dụ địch vượt qua bãi cọc khi nước xuống…”. Ngoài Dương Thục Phi, Dương Cát Lợi, còn có Dương Đức Dũng, Dương Công Thái, Phạm Đức Dũng là những vị tướng tài ba được Dương Tam Kha phân công chặt gỗ cắm sông Bạch Đằng. Sau  khi Ngô Quyền xưng Vương, Dương Thuc Phi, Dương Cát Lợi, Dương Đức Dũng, Dương Công Thái, Phạm Đức Dũng được nhà vua trọng dụng. Trong đó có Dương Thục Phi được phong làm Đại tướng.

Sau chiến thắng Bạch Đằng, đất nước ta hoàn toàn độc lập, tự chủ. Năm 939 Ngô Quyền xưng Vương Ngô Vương. Năm 944 Vương Ngô Quyền mất. Thực hiện di chúc của Ngô Quyền, Dương Tam Kha xưng Bình Vương Dương Tam Kha. Sáu năm trị vì giang sơn, Dương Tam Kha vừa củng cố chính quyền Trung ương, giữ vững sự thống nhất bờ cõi; bên trong thì loại trừ các lực lượng chống đối, bên ngoài sẵn sàng đối phó với ngoại bang, vừa ra sức phò tá các cháu (con của Ngô Quyền) trưởng thành, khôn lớn. Năm 950, khi các cháu đã trưởng thành, Dương Tam Kha nhường ngôi cho hai con của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn lãnh đạo đất nước. Sau đó, Dương Tam Kha đã đưa cả gia quyến về cải tạo vùng đất hoang hóa ken dày lau sậy trở thành miền quê mới là xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội)…

Hội đồng Họ Dương Việt Nam thắp hương nhân ngày giỗ Cụ Dương Tam Kha

Nhìn cánh đồng trù phú của Thường Tín hôm nay, tôi cố hình dung hơn một thiên niên kỷ trước đây vùng đất này như thế nào. Hoang vu, um tùm lau sậy. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa của rất nhiều thế hệ đổ xuống đây, khai hoang lập ấp, quây xóm dựng làng. Nối nhau ruộng mật bờ xôi, thẳng cánh cò bay. Bao mùa màng một nắng hai sương, trông trời trông đất trông mây đã đi qua cùng với những phen giặc giã binh đao chà xát vẫn không làm nhụt ý chí người dân. Dấu tích ngàn xưa không còn là mấy nhưng hình như trong trời đất vẫn còn bấy nhiêu vọng vang dĩ vãng. Hào hùng và bi tráng lắm dân tộc này trong đó không thể không nhắc tới sự đóng góp của Họ Dương.

Sau một thời gian ở Chương Dương, Dương Tam Kha lại cùng gia quyến di dời về phía Nam, đến miền Giao Thủy (nay là Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Trên mảnh đất mới, nhận thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, người dân có phong tục thuần hậu, Cụ quyết định dừng chân lập nghiệp chốn này. Dương Tam Kha đã dạy dân canh tác, đắp đê phòng lụt, khai sông ngòi làm thủy lợi, phát triển sản xuất…Nhân dân tại Cổ Lễ và Chương Dưng ghi nhận, biết ơn công lao của Cụ nên đã lập đền thờ Dương Tam Kha ở nhiều nơi.

Đúng là:

Những người vì nước quên thân,

Nhân dân khắc tạc muôn lần không phai.

Mặc cho năm rộng tháng dài,

Còn đây tỏa sáng gương ai anh hùng.

Đoàn Tế xã Chương Dương tại Lễ giỗ Cụ Dương Tam Kha

Đền thờ Cụ Dương Tam Kha nép mình bên triền đê sông Hồng tại làng Chương Dương, Một ngôi đền trông khá giản dị nhưng thật trang nghiêm. Phía trước có con sông nhỏ chảy qua, thầm thì những hồi ức lịch sử. Bà con ở nơi này vẫn thường kể cho con cháu biết rằng: Sau khi mất, Cụ Dương Tam Kha đã được vua Lê Đại Hành phong làm Thần Hoàng làng Chương Dương. Nhân dân Chương Dương và bà con trong vùng rất quý trọng Thần Hoàng làng và để ghi nhớ, tri ân Cụ, bà con đã đóng góp tiền của để xây đền thờ Dương Tam Kha tại làng Chương Dương, xã Chương Dương, Thượng Tín, Hà Nội. Đền còn lưu giữ 28 đạo sắc phong Thần của các triều đại vua chúa từ thời Tiền Lê cho đến các triều Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn. Thơ văn Hán – Nôm ca ngợi Dương Tam Kha có nhiều, nằm trong các gia phả dòng họ, trong các tuyển tập thơ vịnh, trong các đền thờ. Bài thơ của Tiến sĩ Lê Trung, “Thiên gia thi vựng tưởng” đã ngợi ca công đức cao lớn của Dương Tam Kha:

Quá Bình Vương cựu trạch từ

“Thực thung giang khẩu thiết kỳ mưu,

Trảm Hán Hoàng Thao tuyết phụ cừu.

Khu hoạch hương trang gia khẩn thổ,

Kế trì tự chủ cổ hà liêu”.

Nghĩa là:

Đi ngang qua nền nhà cũ Bình Vương

“Cửa sông đóng cọc bày mưu lạ,

Chém Hán Hoàng Thao rửa hận cha.

Khẩn đất chia làng nêu pháp trị,

Giữ nền tự chủ có đâu xa”.

Thắp nén hương tưởng nhớ Cụ lòng tôi rưng rưng bao nỗi hoài cảm. Một người phải vì nước, vì dân mới được dân yêu, dân trọng. Lẽ đời xưa nay, cũ mới đều thế cả. Dân mới là trăm tay nghìn mắt, phân định con người chẳng mấy khi sai. Với dân, công tội luôn minh bạch rõ ràng. Ngắm nhìn ngôi đền thờ Thần Hoàng làng Chương Dương, tôi thầm nghĩ bà con nơi đây rất kính trọng, tôn thờ Cụ. Đó là việc làm, nghĩa cử cao đẹp của người dân đối với công trạng của Dương Tam Kha. Nhưng trong sâu thẳm lòng mình, nói thật, tôi vẫn buồn khi có một số tài liệu, kể cả chính sử, viết về Dương Tam Kha chưa tương xứng với công lao to lớn của Cụ. Theo tôi, Bình Vương Dương Tam Kha là một nhân vật lịch sử lỗi lạc trong thế kỷ X ở nước ta. Cụ là vị tướng giỏi, vị vua biết trị quốc, rất xứng đáng được tôn vinh trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đã đến lúc cần khôi phục lại vai trò tích cực của Dương Tam Kha trong lịch sử dân tộc. Để xứng là:

Những người vì nước quên thân,

Nhân dân khắc tạc muôn lần không phai.

Mặc cho năm rộng tháng dài,

Còn đây tỏa sáng gương ai anh hùng.

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com