Nghệ sĩ Ưu tú Dương Minh Đức: “Làm thầy phải truyền được lửa cho học trò”

Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), Đại tá Dương Minh Đức quê ở làng Phùng Xá (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Con sông Đáy chảy qua đây để lại những cánh đồng dâu xanh ngát đôi bờ có lẽ phần nào đã hun đúc nên phong cách nghệ thuật của ông.

1. Dù đã hẹn trước nhưng tôi vẫn phải ngồi phòng khách đợi NSƯT Dương Minh Đức tới cả tiếng đồng hồ, bù lại tôi được “mục sở thị” một buổi “lên lớp” của ông.

Kể từ khi nghỉ hưu (năm 2008) tới nay, nghệ sĩ Dương Minh Đức chẳng mấy khi được nhàn rỗi bởi học trò cứ tới tấp đến tìm ông. Người thì nhờ ông chỉ giáo để tham dự cuộc thi âm nhạc nào đó, người thì đến “cậy” ông luyện thi vào trường âm nhạc, có cả người nhờ ông luyện hát để tham dự liên hoan ca nhạc quần chúng… Nói chung là ông rất bận. Ngôi nhà của ông nằm trong Khu tập thể số 8 phố Lý Nam Đế (Hà Nội) luôn vang tiếng đàn piano, luôn vẳng giọng ca của các lớp học trò.

Sau một hồi luyện giọng cho học trò xong, nghệ sĩ Dương Minh Đức bước ra và xin lỗi vì đã để tôi phải đợi lâu. Tôi cười vui: “Được nghe bác dạy hát cũng mãn nhĩ lắm ạ”. Ông nói: “Các em, các cháu còn tín nhiệm là vui rồi”. Nâng chén trà nóng hổi, chúng tôi cùng nhau đàm đạo, ôn lại những năm tháng đã qua. Nghệ sĩ Dương Minh Đức trải lòng: “Tôi học được nghề làm thầy từ chính những người thầy của mình”.

Nghệ sĩ Dương Minh Đức đến với âm nhạc, cụ thể là ca hát, như “cái duyên tiền định” bởi mẹ ông từng là diễn viên Đoàn văn công Khu 5 thời kháng chiến chống Pháp. Cha ông cũng từ dạo đó đã sáng tác ca khúc “Trung đoàn 82 quân hành khúc”. Lớn lên ở Thủ đô sau ngày giải phóng và trong môi trường quân đội (học trường thiếu sinh quân) nên cậu bé Đức có điều kiện để học hát múa cùng bè bạn. Năm 1969, ông đỗ vào Trường Đại học Kỹ thuật quân sự. Ấy vậy mà sau khi ra trường, mặc dù được giữ lại làm cán bộ của trường nhưng Dương Minh Đức lại từ chối và dự thi vào khoa Thanh nhạc của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Dường như “cái nghiệp ca hát” nó đã “định hình” tương lai của ông?

Vào trường năm 1976, Dương Minh Đức được đặc cách học thẳng hệ Đại học thanh nhạc chứ không qua Trung cấp, bởi được các thầy cô đánh giá “hát rất hay”, và cũng bởi từ năm 1972, khi còn là sinh viên Học viện Kỹ thuật quân sự ông đã giành Huy chương Vàng Hội diễn toàn quân lần thứ nhất. Đến khi học thanh nhạc, ông có may mắn được thụ giáo những người thầy tài năng, trong đó có thầy Mai Khanh, Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Thanh nhạc (từng tu nghiệp âm nhạc ở Liên Xô và Trung Quốc), và đặc biệt là thầy Terukhin, chuyên gia thanh nhạc nổi tiếng của Liên Xô.

Năm 1980, sau khi nhận bằng tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc, Dương Minh Đức về Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội), trở thành người thầy dạy hát từ dạo đó cho tới khi nghỉ hưu. Hai mươi tám năm tận tụy làm thầy trực tiếp tại trường, nếu cộng thêm 14 năm sau khi nghỉ hưu thì NSƯT Dương Minh Đức đã có 42 năm đứng trên bục giảng.

2. Nghe nghệ sĩ Dương Minh Đức kể chuyện, tôi bèn đề nghị: “Hay là hôm nay bác nói về nghề làm thầy của mình đi. Em rất muốn biết làm thầy dạy hát nó khác làm thầy dạy chữ hay dạy nghề ở điểm nào”. Dường như “gãi đúng chỗ” nên ông cười rất to và vang: “Dạy hát cho sinh viên tức là đào tạo một người trở thành ca sĩ, nên trong quá trình dạy, người thầy phải thị phạm cho học sinh làm theo. Ví dụ như phải chỉ ra hát thế nào là hát sâu, hát thế nào là hát giọng ngực…”.

Nghệ sĩ Dương Minh Đức kể cho tôi nét đặc biệt của dạy hát là ở chỗ, do đặc thù của việc đào tạo nên trong suốt quá trình dạy và học chỉ là một thầy với một trò. Khâu này bắt đầu từ ngay khi học trò vào trường cho đến tận khi tốt nghiệp. Cái hay ở đây là thầy với trò lại rất gắn bó, thấu hiểu nhau về mọi mặt, từ chuyện học hành cho đến tâm sự riêng tư cũng như những vấn đề nảy sinh trong quá trình đào tạo. Ông cho biết: “Thầy không chỉ dạy chuyên môn mà còn dạy văn hóa của người nghệ sĩ nữa”. Theo ông, văn hóa của người nghệ sĩ rất quan trọng bởi nghệ sĩ là người của công chúng, phải là người giỏi nghề, có hiểu biết, có quan hệ xã hội tốt và phải biết ứng xử văn hóa. Nghệ sĩ Dương Minh Đức nói thêm: “Điều này không phải học trò nào, ca sĩ nào cũng có được. Muốn giỏi nghề thì người học trò phải liên tục rèn luyện, tu dưỡng và chịu khó học hỏi ở thầy, ở đồng nghiệp”. Nói rồi nghệ sĩ Dương Minh Đức trầm ngâm, tựa như đang nghĩ một điều gì. Lúc sau ông nói tiếp: “Trong quá trình dạy học thì người thầy là người dạy, đồng thời cũng là người học bởi vì xã hội luôn biến động, luôn phát triển. Nếu người thầy mà không học hỏi thêm lên thì sẽ không theo kịp xu hướng phát triển của xã hội và sự phát triển của âm nhạc thế giới”.

3. Câu chuyện thật thú vị, đúng là làm thầy không khi nào dễ cả. Quan trọng bậc nhất là từ “thầy” vô cùng thiêng liêng, rất cao cả nên người thầy phải mẫu mực trong nghề nghiệp và cả trong cuộc sống. Cổ nhân chả phải có câu “Có thầy tốt ắt có trò tốt” đó sao.

NSƯT Dương Minh Đức tâm sự rằng: “Người thầy phải truyền được lửa, tức là truyền được nhiệt huyết, cảm hứng và sự đòi hỏi của nghệ thuật cho học trò. Chúng tôi (người thầy) phải tự phấn đấu đạt được những điều đó vì không có được như thế thì người thầy chỉ là người truyền nghề chứ không phải là người dạy nghề”.

Đúng là nghề làm thầy dạy hát với đặc thù là một thầy một trò đòi hỏi trách nhiệm rất lớn. Quá trình dạy và học diễn ra trong khoảng 5 – 10 năm này là cả quá trình lao động vất vả của thầy và trò. NSƯT Dương Minh Đức trải lòng: “Trong hơn 40 năm dạy hát, tôi đã vài lần chứng kiến học trò của mình bỏ cuộc, chứng kiến học trò không đi tới đích. Có nhiều lý do, không phát triển được cũng có, gặp trở ngại trong cuộc sống cũng có. Nói chung là khi gặp những trường hợp ấy, tôi cảm thấy mình còn có lỗi, cảm thấy rất buồn”.

Thấy không khí có vẻ hơi chùng, tôi vội vàng chuyển hướng câu chuyện: “Em thấy có nhiều học trò của bác đạt thành tích cao, có nhiều người thành danh, thành nổi tiếng đấy thôi”. Một tiếng cười sảng khoái làm căn phòng khách như thênh thang hẳn ra. Nghệ sĩ Dương Minh Đức phấn khởi “khoe” về một số học trò ưu tú của mình. Đó là Kasim Hoàng Vũ (giải Nhất dòng nhạc nhẹ, Sao Mai điểm hẹn 2004), Nguyễn Quang Hào (giải Nhì dòng dân gian, Sao Mai 2005), Vũ Thắng Lợi (giải Nhì dòng thính phòng, Sao Mai 2011)… Gần đây nhất là Đỗ Thị Thanh Hoa (Đỗ Tố Hoa) – giải Nhất dòng thính phòng, Sao Mai 2017; Huy chương Vàng Army Games 2022 tại Nga. Đó là chưa kể tới những học trò đoạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc ở rất nhiều cuộc thi và hội diễn ca nhạc khác…

NSƯT Dương Minh Đức sinh năm 1949. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, ông đã giành nhiều giải thưởng quan trọng như: Huy chương Vàng Hội diễn toàn quân năm 1972; Huy chương Vàng Cuộc thi tiếng hát chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980; Giải ba cuộc thi quốc tế mang tên “Hoa cẩm chướng đỏ” tại Liên Xô năm 1981. Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1993 và có tên trong danh sách được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2022.

Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com