Nữ Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Lan -Nguyễn Thị Nga người con dâu Họ Dương đồng hành cùng nông dân thoát nghèo.

    “Làm doanh nhân ai cũng muốn chọn cho mình một con đường ngắn nhất, nhiều lợi nhuận nhất, nhưng tôi có những đam mê và tính toán hợp với sở trường và lợi thế mình có, đó là nguồn gốc và truyền thống gia đình, là khí chất con người dám làm dám chịu trách nhiệm khi hướng tới lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn và người nông dân vốn đã chịu nhiều vất vả”. Đó là chia sẻ của Nguyễn Thị Nga khi quyết định chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp.

Nữ giám đốc Nguyễn Thị Nga

     Nhìn giám đốc Nguyễn Thị Nga đích thân cầm lái chiếc xe gầm cao vượt qua những con dốc ngược cua tay áo, chênh vênh bên vực thẳm đến vùng dự án trồng chuối của Công ty ở xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng mới thấy hết điều trăn trở và suy nghĩ của Nga là sự thật.

      Dù Công ty đã bỏ ra hàng  trăm tỷ đồng để mở hệ thống đường nội bộ tại dự án, mặt đường rộng trung bình tới 5 mét, tổng chiều dài gần 200km, nhưng do địa hình núi cao, vực sâu nên phải nói là tay lái cứng vì đã quen thuộc với từng cung đường nơi đây, nữ giám đốc mới có phong thái tự tin, bình thản điều khiển “con ngựa sắt” đến từng đội sản xuất của “vùng dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” rộng 540 ha.

     Hàng ngàn người dân tham gia làm các công việc theo thời vụ như làm đất, cuốc hố, thu hoạch chuối…, phù hợp với sức khỏe và trình độ lao động của người dân, bình quân cho thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/người/ngày.

    Còn việc trồng, chăm sóc chuối thì do 400 lao động là công nhân nhận khoán và gần 100 cán bộ quản lý và kỹ thuật của Công ty đảm nhận.

     Công ty ký kết hợp đồng giao khoán theo cơ chế rất mở: Đơn vị lo đất đai, giống, phân bón, hệ thống tưới tiêu, mỗi hộ gia đình công nhân hoặc người lao động nhận khoán tùy theo khả năng của mình với số lượng 4ha (từ 5.000 – 6.000 gốc) và được thanh toán tiền nhận khoán khi công ty bán sản phẩm.

     Tính đến nay, đã có khoảng 400 lao động có công ăn việc làm là người dân tộc thiểu số như Mông, Dao ở các vùng núi cao Bắc Hà, Bảo Thắng, Si Ma Cai, Mường Khương trở thành công nhân, có cuộc sống hoàn toàn thay đổi, theo hướng tốt hơn nhiều so với trước đây họ làm nương rẫy, thu nhập thấp và không ổn định, cuộc sống bấp bênh.

Các kỹ thuật viên kiểm tra, ghi chép sổ nhật ký  

     Trong ngôi nhà xây cấp bốn, người mẹ trẻ Thào Thị Mỷ, đội 1, không giấu được niềm vui trên khuôn mặt: “Công ty xây nhà cho vợ chồng mình để ở vững chắc, kín đáo hơn ở quê Bắc Hà. Mỗi năm, vợ chồng mình nhận khoán hơn 4 ha, tiền bán chuối cho Công ty được hơn 100 triệu đồng, sắm được ti vi, xe máy; mình sẽ ở đây lâu dài thôi”.

Khu tập kết sản phẩm thu hoạch

Ước mơ sản xuất bằng công nghệ tiên tiến

    Vì sao Công ty Hoàng Lan lại chọn vùng đất ven sông ở xã Thái Niên này để đầu tư trồng chuối?

      Anh Chu Quang Long-  người đã lăn lộn, gắn bó từ những ngày đầu tiên hồ hởi: Tôi là người đã khảo sát và tham mưu cho giám đốc công ty “đổ tiền” vào đây. Với kiến thức và kinh nghiệm mấy chục năm làm nông nghiệp ở các tỉnh miền núi, tôi thấy vùng đất này màu mỡ, đặc biệt ít gió bão, gần biên giới, thuận tiện vận chuyển, nên quyết định tham mưu cho Công ty đưa cây chuối vào đây, ở gần sông Hồng nhưng nơi này khá kín, ít gió bão nên trồng chuối rất phù hợp vì loài cây này rất kỵ gió bão, làm gãy đổ, hư hại.

Công nhân lắp đặt hệ thống nước tưới

    Đứng ở trên bể chứa nước tưới dung tích lớn của Đội sản xuất số 2, cả một vùng chuối rộng vài trăm ha, như một nông trường quốc doanh, được qui hoạch khoa học, liên hoàn, đồng bộ từ đường giao thông, điện lưới, hệ thống bể tưới đến khu vườn ươm giống, trụ sở từng đội sản xuất, nhà ở cho công nhân. Có thể khẳng định đây là vùng chuối hàng hóa lớn nhất, hiện đại nhất ở miền Bắc nước ta hiện nay, bởi diện tích lớn và đầu tư đồng bộ, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiên tiến nhất của Ixraen – quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

“Chỉ riêng hệ thống tưới ẩm theo phương pháp nhỏ giọt, tiết kiệm nước chúng tôi đã đầu tư khoảng 70 tỷ đồng, bảo đảm tưới ẩm hiệu quả, tốt nhất cho quá trình sinh trưởng từng giai đoạn của cây chuối từ khi đặt bầu đến khi thu hoạch quả”

 – Nữ giám đốc Nguyễn Thị Nga cho biết. Cụ thể hơn, hệ thống tưới tiêu này gồm 24 bể chứa lớn, dung tích hàng nghìn mét khối trên các đỉnh đồi cao, với hệ thống đường ống mềm to, nhỏ khác nhau dẫn đến từng gốc chuối, tính tổng cộng lên tới hàng trăm km. Để vận hành hệ thống tưới tiên tiến này, Công ty đã đầu tư lựa chọn, đào tạo hàng chục nhân viên kỹ thuật lành nghề, bảo đảm tiết kiệm nước tối đa và an toàn hệ thống, không bị bục vỡ khi vận hành do áp lực nước rất mạnh, lại không đồng đều giữa các vùng tưới, vì có độ dốc khác nhau.

     Ngoài ra, Công ty đầu tư làm hệ thống đường công tác gồm đường trục chính và đường xương cá tỏa đến bốn đội sản xuất.

      Hệ thống điện gồm bốn trạm biến áp, đường dây điện lưới bảo đảm cung cấp điện ổn định cho hệ thống máy bơm và phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày cho công nhân.

     Để chủ động nguồn giống rất lớn, Công ty Hoàng Lan đã xây dựng thành công khu vườn ươm, làm chủ khoa học kỹ thuật ươm chuối mô, tỷ lệ sống đạt tới trên 98%. “Tự sản xuất được giống tại chỗ, chúng tôi chủ động được thời vụ trồng, tiết giảm chi phí nhập khẩu và cước phí vận chuyển cũng như thủ tục nhập khẩu giống chuối từ Trung Quốc, giảm thấp nhất giá thành đầu vào của sản phẩm chuối xuất khẩu”

 – Giám đốc Nguyễn Thị Nga nói.

      Nhờ đầu tư đồng bộ nên mỗi vụ Công ty sản xuất và tiêu thụ trên 500.000 nghìn buồng chuối, với tổng sản lượng trên 10 nghìn tấn, được khách hàng Trung Quốc, Hàn Quốc đánh giá cao về chất lượng và thời gian cũng như giá cả cạnh tranh của sản phẩm.

      Từ một doanh nhân thành công trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại ở cửa khẩu khi về Lào Cai lập nghiệp, bằng vốn liếng của doanh nghiệp đã xây dựng thành công một vùng chuối xuất khẩu hàng hóa với giá trị đầu tư hơn 500 tỷ đồng, bước đầu là thành đạt với con đường mình đã chọn, chị có mong muốn điều gì?

 Bà con cõng chuối về khu tập kết

     Nữ giám đốc Nguyễn Thị Nga thẳng thắn: “Có vùng sản xuất ổn định rồi nhưng tôi rất tiếc hàng tỷ đồng rơi rụng vô lý khi chưa có dây chuyền thu hoạch đồng bộ thay vì địu chuối thủ công. Tính ra với trên 500.000 nghìn buồng chuối, với giá thuê vận chuyển bình quân 8 nghìn đồng/buồng, mỗi vụ tôi phải chi ra khoảng 4 tỷ đồng để thu hoạch chuối. Với công nghệ và thiết bị thu hoạch chuối tiên tiến mà tôi đã bước đầu lắp đặt tại vùng sản xuất, nếu được đầu tư đồng bộ, chỉ khoảng 40 tỷ đồng thì hiệu quả sẽ cao gấp nhiều lần, vì phẩm cấp quả chuối được nâng lên, giá bán cao hơn, chủ động hoàn toàn về thời gian giao hàng cho đối tác. Tôi tính kỹ, chênh giá từ tiền chi thuê cõng chuối và tiền chênh giá bán chuối có phẩm chất cao hơn thì chỉ sau khoảng 3-4 năm là thu đủ tiền đầu tư, sau đó thu lãi ròng hàng chục năm, bởi phải 20 năm dây chuyền thu hoạch chuối bằng khung thép, cáp và ròng rọc mới hỏng do han gỉ vì thời tiết”.

– Sao Công ty không vay vốn Ngân hàng?

      Nụ cười cởi mở, chị Nga cho biết doanh nghiệp rất mong muốn được đồng hành cùng với ngân hàng, vì muốn phát triển và thành công trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao thì rất cần sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ giữa năm nhà: “Nhà nước-Nhà đầu tư-Nhà khoa học-Nhà nông-Nhà băng (ngân hàng)”. Đã có nhiều cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp và các Ngân hàng về gói hỗ trợ vay vốn và các ngân hàng đang khảo sát, xem xét đến việc hỗ trợ gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp. Nếu được ngân hàng kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp Công ty có nguồn lực tài chính để đầu tư chiều sâu, thực hiện mục tiêu “Doanh nghiệp phát tài – Lào Cai phát triển”.

      Không chỉ cần một hệ thống thu hoạch công nghiệp mà Hoàng Lan còn muốn nhiều hơn nữa. Nếu như có một phòng nuôi cấy mô ngay tại trang trại, nếu như có một nhà máy chế biến chuối ..thành các sản phẩm có giá trị gia tăng hơn, nếu như có thêm các khu sản xuất để có nguồn phân hữu cơ ngay tại chỗ thì tốt biết bao… Những nếu như của Hoàng Lan là những ước mơ mà chỉ có thể đạt được khi nhà nước, các tổ chức tín dụng các nhà khoa học cùng đồng hành và chia xẻ với Hoàng Lan. Một doanh nghiệp xông pha, bền bỉ như Hoàng Lan trong một lĩnh vực đang được Nhà nước khuyến khích đó là “ Làm Nông nghiệp công nghệ cao” nên được mọi tổ chức quan tâm đồng hành và chia sẻ.

      Công ty TNHH Thương mại Hoàng Lan đã xông pha trong lĩnh vực nông nghiệp mà nữ Giám đốc Nguyễn Thị Nga – Dương Đức Trinh là một mô hình tiêu biểu cho khởi nghiệp của Họ Dương Lào Cai mong rằng các DN-DN Họ Dương và bà con hãy đồng hành, chia sẻ.

Cung cấp sưu tầm: Dương Bá Trực

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com