Ông Dương Trung Quốc chia sẻ những thông tin ít người biết sau 20 năm gắn bó nghị trường

Nhà sử học Dương Trung Quốc bắt đầu tham gia làm ĐBQH từ khóa XI (2002-2007) và làm 4 khóa liên tiếp (XI, XII, XIII và XIV).

Dấu ấn của ông thể hiện rõ nét nhất trong 4 nhiệm kỳ trên vai trò đại biểu của dân có lẽ là những phát biểu thẳng thắn, mạnh mẽ, những chất vấn sắc sảo, đi thẳng vào những vấn đề gai góc. Trong phát biểu lần đầu tiên trước Quốc hội, ông cho rằng lúc đó còn “ngây thơ” nên khi phát biểu đã gây “sốc”. Ông bảo, “đọc lý lịch các vị lãnh đạo thấy họ nghèo quá, nghèo chỉ phù hợp với thời đánh Tây đuổi Nhật”. Còn phát biểu tiếp theo, xuất phát từ cuộc gặp gỡ trao đổi giữa ông với người thầy là PGS Lê Mậu Hãn (từng công tác tại Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. PGS Hãn lúc đó đang viết sử cho Quốc hội). ĐBQH Dương Trung Quốc nói số lượng người ứng cử để chọn ra được 1 ĐBQH khóa đầu tiên năm 1946 với so Quốc hội khóa ông bắt đầu tham gia khác nhau khá xa. Sau phát biểu đó ông bình thản ra về đi chơi thể thao. Cũng trong buổi chiều hôm đó có một vị cử tri già ở phố “nhà binh” (phố Lý Nam Đế, Hà Nội) đã tìm đến tận nhà ĐBQH Dương Trung Quốc. Vợ ông hẹn vị khách sáng mai quay lại.

Sáng hôm sau vị khách tìm đến, gặp ông Quốc vị khách hỏi luôn “anh biết tôi là ai không”. Ông cười lắc đầu. Vị khách đó là Tướng Nguyễn Chí Trung (1930-2016- nhà văn, nguyên Trợ lý của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1931-2020).

Tướng Trung chỉ vào ông Quốc rồi nói “hôm qua anh phát biểu tại Quốc hội, tôi ngồi dự khán nghe hết. Tôi về báo cáo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, bác Phiêu tán thành ý kiến của anh, nhưng anh có biết cơ quan chức năng làm gì không?”, nhà văn Nguyễn Chí Trung nói và chìa ra tờ công văn của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đề nghị báo chí không sử dụng phát biểu của ĐBQH Dương Trung Quốc.

Trong lần phát biểu tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV mới đây, như ông nói là phát biểu lần cuối tại nghị trường trước khi thôi nhiệm vụ ĐBQH sau gần 20 năm gắn bó, dường như chưa nói được nhiều những suy nghĩ của ông?

– Thực ra hôm đó tôi không định phát biểu, mình cứ lẳng lặng hoàn thành công việc của một ĐBQH. Nhưng khi có ĐB đề nghị nên tôi đã phát biểu. Thực lòng khi phát biểu tôi mới chỉ nói một phần nào suy nghĩ của mình. Tôi muốn nhấn mạnh điều suy nghĩ ở góc độ nghề nghiệp của người làm sử.

Đương nhiên sau gần 20 năm gắn bó với hoạt động Quốc hội, là người chứng kiến, người trong cuộc, người trải qua thì có lẽ ai cũng như tôi lúc đó, đó là lẫn lộn niềm vui, nỗi buồn kể cả sự ân hận, cũng có một đôi chút cảm thấy yên lòng, tự hào. Tôi nghĩ đối với một người gắn bó với lĩnh vực gì khi cởi bỏ cũng đều có tâm trạng như vậy.

Ông có thể chia sẻ hoàn cảnh nào dẫn tới việc tham gia làm ĐBQH và gắn bó suốt 4 nhiệm kỳ?

– Ngược lại thời gian một chút, lẽ ra tôi tham gia ứng cử ĐBQH từ khóa X (1997-2002), hồ sơ, thủ tục đã làm xong nhưng chính tôi cũng không tự tin. Tôi nghĩ, tại sao mình lại là đại biểu cho cả giới khoa học như vậy, ở đó có bao nhiêu người thầy và cả những đồng nghiệp giỏi. Chính vì thế đến phút cuối sau khi trao đổi với đồng nghiệp, tôi đã rút lui.

Hội khoa học Lịch sử vận động được một người thầy có tiếng trong giới ra ứng cử. Tôi tin chắc với uy tín của mình, ông sẽ trúng cử, tuy nhiên điều đáng buồn là kết quả không thành.

Chính vì thế cho đến nhiệm kỳ bầu cử ĐBQH sau đó (khóa XI) những người trong giới sử học có tâm lý ngại và tôi được giới thiệu ra ứng cử. Ngay từ đầu tôi ứng cử tại Đồng Nai, một tỉnh xa xôi với Hà Nội.

Vì sao tôi chọn Đồng Nai?. Vì lúc đó tôi đang cùng các đồng nghiệp tham gia phục hồi, trùng tu Văn miếu ở Đồng Nai. Đi lại nhiều nên cũng cảm tình và quen biết mảnh đất, con người nơi đây nên tôi đã ứng cử ĐBQH tại đây.

Tôi cũng nhớ mỗi ứng cử viên ứng cử ĐBQH được quyền giành 10 phút trên truyền hình địa phương để đưa ra chương trình hành động. Lúc đó tôi cũng chỉ nói đơn giản, là lần đầu ứng cử, tôi chưa biết sẽ làm như thế nào để hứa. Tôi chỉ hứa giữ chọn phẩm chất của người làm báo và người làm sử, đó là trung thực và bản lĩnh.

Có lẽ bài phát biểu của tôi ngắn nhất so với các phát biểu của những ứng cử viên đương thời. Như vậy mình đã nói thành thật, bởi đã biết gì đâu để hứa, đã hứa mà không làm thì không thể chấp nhận được. Đó là bước đầu tiên tôi đến với nghị trường nay nhìn lại đã gần 20 năm, cảm thấy giật mình.

Hôm bà con cử tri ở Đồng Nai chia tay với tôi mới đây, mọi người có phát biểu chia sẻ với nhau một cách vui vẻ. Họ bảo anh Quốc vào đây nếu kiếm được một chị thì có khi con đã đi học đại học rồi (cười). Nói vui như vậy để thấy sự thấm thoắt của thời gian, nhìn lại mới thấy rất nhiều điều mình đã chứng kiến, nhiều việc đã đi qua, nhiều vấn đề tham dự, trong đó có đôi chút  đóng góp và cuối cùng cũng có cả món nợ mà mình chưa trả.

Tôi nghĩ việc dừng nhiệm vụ ĐBQH khi hết nhiệm kỳ này là phải, bởi quãng thời gian trải qua cũng dài. Có thể nói vui hoa thơm mỗi người ngửi một chút hay nói cách khác gánh nặng thì mỗi người ghé vai một chút. Tôi rất có niềm tin trong xu thế thay đổi tích cực như ngày nay, lớp ĐBQH trẻ hơn sẽ có cách nghĩ, cách nói, cách tiếp cận khác. Có thể nhiều người nghĩ cần lấy một số tiêu chí ra làm chuẩn mực nhưng thực ra bản chất của sự thay đổi là để phát triển.

Có thời dư luận hay truyền khẩu câu để đánh giá về các ĐBQH “nhất Thước, nhì Lân, tam Trân, tứ Quốc” (Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Lân Dũng,Nguyễn Ngọc Trân, Dương Trung Quốc), rồi “nhất Ngoạn, nhì Lân, tam Trân, tứ Quốc” (Đỗ Trọng Ngoạn, Bắc Giang) để nói về 4 vị ĐBQH có những phát biểu thẳng thắn, mạnh mẽ, đi vào những vấn đề gai góc và chất vấn sắc sảo, ông có suy nghĩ gì khi là hình tượng được dư luận ca tụng?

– Có lẽ đây là một cách nhận thức rất dân gian, đó có thể là sự biểu dương, ghi nhận nào đó. Điều đó tôi trân trọng và có chút tự hào. Nhưng tôi đã tham gia Quốc hội rất lâu, tiếp cận rất nhiều anh chị em khác nhau, cũng phải nói thật đôi khi công chúng nhìn Quốc hội chủ yếu trên lĩnh vực dễ trực quan nhất, dễ gây tác động hiệu ứng nhất, đó là tại diễn đàn. Điều đó đúng, vì liên quan chữ nghị trường, nghị sĩ là phải nghị luận, phải trao đổi, phải phát biểu ý kiến, nhất là trong các phiên chất vấn trả lời chất vấn. Diễn đàn Quốc hội còn có sự cộng lực của các phương tiện truyền thông nên hiệu ứng rất cao.

Nhưng phải nói Quốc hội không chỉ có thế, tôi biết, có rất nhiều ĐBQH âm thầm làm những việc rất cụ thể. Có những ĐBQH lúc đầu tôi cảm thấy không hiểu vì sao như vậy, nhưng nghĩ lại thấy họ có những điều rất trân quý. Ví dụ trường hợp chị Khánh (ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Hà Nội), chị cũng có 4 nhiệm kỳ liên tiếp giống tôi; có thể người nghĩ thế này, nghĩ thế khác về chị nhưng có 2 điều ở chị tôi thấy rất quý. Thứ nhất, việc gì chị cũng muốn tham gia, chị cũng muốn phát biểu nêu chính kiến. Trong phát biểu có điều trúng, có điều chưa trúng và có thể chệch đó là chuyện rất bình thường.

Thứ hai, chị kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng khi đã cho là đúng, như theo đuổi xây dựng Luật hành chính công. Chị nói kiên trì đến mức cứ đứng lên bắt đầu nói là có người… cười. Nhưng tôi thấy rõ ràng đó là phẩm chất rất cần của một ĐBQH.

Nói như vậy để mong cử tri hiểu ĐBQH có những người làm việc rất âm thầm và kiên trì, nhất là đội ngũ xây dựng luật, đi giám sát. Nói thế để thấy nếu có một điều gì đó ghi nhận bên ngoài về một số cá nhân ĐBQH, tôi nghĩ đấy là một vài ưu trội của cá nhân đó trên lĩnh vực nào đó. Việc ghi nhận của người dân, dư luận là điều rất cần, tôi cũng cảm thấy vui nhưng không nên coi đó là một điều gì quá khoảng cách, ghê gớm.

Ông Dương Trung Quốc chia sẻ những chuyện ít người biết sau 20 năm gắn bó nghị trường - Ảnh 7.

Tuy nhiên, cũng có lần chính một ĐBQH chê bai ông trên mạng là… “tứ đại ngu”, ngẫm về sự cố này ông thấy sao?

– Trong cuộc sống người khác đánh giá về mình là quyền của họ. Còn về cách đánh giá như vị ĐBQH khóa XIII đó đúng là đã tạo cho tôi chút hơi sốc ban đầu. Vì sao? Vì nghĩ cùng sinh hoạt với nhau trong Quốc hội ai lại dùng những câu từ như vậy, tất nhiên anh ấy viết trên một diễn đàn riêng tư để chia sẻ cộng đồng.

Trước sự việc như vậy nhưng tôi chỉ nói lại một cách nhẹ nhàng, mức độ và tôn trọng quyền của anh ấy. Sau đó dường như có áp lực nào của dư luận, cũng có tác động nào đó của Đoàn ĐBQH TP.HCM, vị ĐBQH đó đã viết thư xin lỗi tôi. Khi gặp nhau tôi cố gắng vui vẻ mặc dù anh vẫn còn khoảng cách với tôi. Sau này tôi hỏi anh chị em ĐBQH ở TP.HCM, được biết anh đó là người rất có nghị lực trong cuộc sống nên tôi trân trọng. Tóm lại, tôi cho rằng đó là kỷ niệm không vui thoáng qua trong quãng thời gian dài làm ĐBQH.

Là ĐBQH thường có những câu chất vấn thẳng thắn, đụng đến vấn đề gai góc, có bao giờ ông bị “vỗ vai” không thưa ông?

– (Cười). Nếu “vỗ vai” hiểu theo nghĩa cơ quan chức năng hay ai đó nhắc nhở tôi phải thế này, thế kia, tôi khẳng định tuyệt đối không có chuyện đó. Tất nhiên, khi phát biểu được người yêu, kẻ ghét là chuyện rất bình thường. Tôi luôn kiểm nghiệm và giữ nguyên tắc khi đối thoại là phải tôn trọng người đối thoại, từ thành viên Chính phủ hay Quốc hội, hoặc người đối thoại hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau. Mình tôn trọng người đối thoại, điều quan trọng nhất để họ nghe mình nói; còn việc họ tiếp thu đến đâu, chấp nhận đến đâu và kể cả phản bác là quyền của họ. Đừng để người nghe “bịt tai” lại không thiết nghe nữa vì mình nói lấy được, nói quá sự cần thiết.

Tôi kiểm nghiệm lại thấy khi phát biểu góp ý, chất vấn hay khi đối thoại tôi đều giữ nguyên tắc, ngay với việc chất vấn Thủ tướng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII Nguyễn Tấn Dũng, sau đó tôi giữ được mối quan hệ rất bình thường với ông. Thực ra khi chất vấn Thủ tướng trong ngữ cảnh ấy có thể tạo ra cái gì đó hơi trực diện. Còn cách đặt vấn đề của tôi là một sự logic, tức là thay đổi lời xin lỗi bằng hành vi khác. Hành vi này đã rất phổ biến trên thế giới, chuyện từ chức là việc bình thường, trong lịch sử Việt Nam chuyện từ quan là điều rất bình thường nếu giữ được lòng tự trọng, giữ được tinh thần trách nhiệm với việc công. Chỉ đó điều hệ thống giá trị của xã hội mình hiện giờ hơi bị lệch lạc, coi chuyện từ chức là gì đó ghê gớm, nhục nhã lắm, vấn đề không phải hoàn toàn như thế. Vì thế tôi cho rằng chất vấn đó như việc đánh thức.

Sau đó Chính phủ cũng đã quan tâm đến việc xây dựng một quy trình, khuyến khích việc từ chức một cách phù hợp. Nhưng tôi cảm thấy vẫn không dễ đi vào đời sống, nhất là đời sống của quan chức.

Ông có nhắc tới chuyện chất vấn Thủ tướng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII Nguyễn Tấn Dũng. Chất vấn của ông liên quan đến “văn hóa từ chức” nhưng vào thời điểm đó dư luận đang râm ran về điều này, điều kia xung quanh Thủ tướng. Việc đặt vấn đề một cách trực diện vào lúc đó dễ gây cách hiểu khác thưa ông?

– Thực ra việc chất vấn Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII Nguyễn Tấn Dũng không chỉ diễn ra ở trong thời điểm chất vấn, nó là một hệ quả của quá trình nhận thức về vai trò của người đứng đầu Chính phủ lúc đó. Chắc khi có thời gian tôi sẽ viết lại việc này kỹ hơn.

Trước đó, tôi có đăng ký phát biểu khi Quốc hội thảo luận về cáo của Thủ tướng nhưng không tới lượt vì hết thời gian. Thời điểm đó bà Nguyễn Thị Kim Ngân là Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận có nói muốn biết ý kiến của tôi. Tôi đã viết thành văn bản, bình thường tôi rất ít khi viết bài phát biểu của mình. Sau đó, rất ngẫu nhiên khi tôi trao văn bản cho bà Ngân thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có mặt tại đó. Ông hồ hởi hỏi tôi, hôm qua thấy anh đăng ký phát biểu nhưng tôi bận về họp Chính phủ nên không biết anh đã phát biểu chưa. Tôi trả lời ông và bảo nếu anh muốn biết ý kiến thì tôi xin gửi văn bản giống như gửi cho bà Ngân.

Nội dung văn bản đó là gì, vì chưa có cơ hội nên tôi chưa nói nhưng có lẽ hiệu ứng từ văn bản đó dẫn tới cách trả lời của Thủ tướng khi tôi đặt câu hỏi ở phiên chất vấn.

Cá nhân tôi đánh giá Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII Nguyễn Tấn Dũng rất tích cực, đặc biệt về tính cách. Ông là người bản lĩnh nhưng tôi không đủ khả năng để nói một cách đầy đủ những hạn chế gì dẫn tới tác động tiêu cực trong sự phát triển thời ông còn giữ quyền. Còn trong phát biểu, trong chất vấn, tôi cố gắng tập trung nói điều mình thấy tốt và điều chưa tốt để người nghe tự thay đổi, tự chuyển biến, hơn là chúng ta đưa vấn đề vượt ra khỏi quyền hạn của ĐBQH.

Trở lại với việc tôi chất vấn Thủ tướng về “văn hóa từ chức”, câu chuyện đó là cả một sự đánh giá và không hề đơn giản. Chúng ta hay dùng từ theo quy trình cũng đúng, cho nên là ĐBQH tôi cố gắng nói đúng giới hạn. Dùng khái niệm văn hóa từ chức là để tạo ra một nền nếp. Nền nếp này các nước đã làm. Cha ông ta ngày xưa cũng đã làm, không có lý gì nó không đi vào đời sống hôm nay, phù hợp với điều kiện hôm nay.

Là một ĐBQH ngoài Đảng, liệu đây có phải điều khiến ông không bị ràng buộc trong mỗi phát biểu thưa ông?

– Điều đó anh nói đúng, bởi vì một ĐBQH là đảng viên trong họ dường như có 2 con người, con người đó vừa phải thực thi tất cả trách nhiệm khi đã đại diện cho cử tri và người dân, đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm với tổ chức chính trị, tuân thủ kỷ luật của tổ chức. Chúng ta vẫn hay nói “ý Đảng lòng dân” tuy nhiên không phải lúc nào “ý Đảng lòng dân” cũng là một. Chúng ta phấn đấu để tạo ra được mối quan hệ biện chứng nhưng cuộc sống đôi khi khác nhau.

Tôi cũng rất chia sẻ với nhiều anh chị em ĐBQH là đảng viên, nhiều khi chúng tôi tâm sự với nhau thấy cũng nghĩ như nhau nhưng khi nói phải khác nhau, có giới hạn của nó. Điều này cũng giống như việc tôi tham gia vào ngoại giao nhân dân, đối với các anh chị ĐBQH là đảng viên thì phải tuân thủ những quy định, thỏa thuận từ cả hai vai, còn như tôi không bị ràng buộc đó. Nên nhiều khi anh chị em cũng gửi gắm để mình nói. Đúng là người ngoài Đảng có gì đó thuận hơn trong vấn đề thể hiện quan điểm. Nhưng nói cho cùng ai cũng vậy, phải vì cái chung và phải trung thực.

Tôi nói thêm, có nhiều nhà báo nước ngoài, bà con ta sinh sống ở nước ngoài có quan niệm, khi ở Việt Nam không phải đảng viên như là gì đó đối lập. Ở nước ta không phải thế, vào Đảng hay không vào Đảng có thể do hoàn cảnh mà thôi.

Chúng ta theo dõi nghị trường thấy có nhiều ĐBQH là đảng viên cũng phát biểu rất quyết liệt, nói thẳng vào những cá nhân đồng chí của mình. Họ nói thẳng vào những vấn đề thuộc về đường lối của tổ chức ngay tại Quốc hội. Còn tôi không đề cập đến những chuyện đó, tôi đề cập tới vấn đề mang tính phổ quát đối với công chúng.

Ông từng cho rằng mỗi ĐBQH là một tiếng nói độc lập, với kinh nghiệm gần 20 năm gắn bó với nghị trường ông có chia sẻ gì, đặc biệt với những người lần đầu ứng cử vào Quốc hội?

– Độc lập không có nghĩa là nói ý riêng của mình. Độc lập được hiểu theo nghĩa là tư duy theo cách riêng của mình nhưng đòi hỏi phải tập hợp được những ý kiến của công chúng, trước hết các ý kiến của những người mình đại diện, thêm cả sắc thái riêng. Có thể ĐBQH là bác sĩ phát biểu theo cách của người làm trong ngành y, tôi là người làm sử phát biểu dưới góc độ lịch sử, nhà khoa học nông nghiệp theo cách nông nghiệp, như vậy làm phong phú đa dạng hơn tiếng nói của Quốc hội.

Thực chất Quốc hội là diễn đàn để thuyết phục lẫn nhau rồi thuyết phục toàn xã hội. Tôi không thể hiểu được những vấn đề rất chi tiết trong luật về tài chính nhưng qua nghe ĐB này phát biểu, ĐB kia nêu ý kiến, cộng với những yếu tố khác như tài liệu, các hội thảo và nhất là ý kiến của các các chuyên gia để đi tới quyết định. Quyết định cuối cùng là bình đẳng, cái ấn nút của 1 ĐBQH bình thường tương đương với cái ấn nút Chủ tịch Quốc hội, tương đương với các ĐBQH là chuyên gia thực thụ về lĩnh vực đó. Nói như thế để thấy phải làm sao cho nhận thức và tiếp thu của mình phải đạt hiệu quả để đưa ra quyết định. Tôi nói thêm, độc lập là quyền của ĐB nhưng quyền đó phải tích hợp được những gì mình đã tiếp thu được trong sinh hoạt Quốc hội, như vậy mới có chất lượng, không phải độc lập là thích thế nào sẽ làm thế.

 

Là người làm công tác lịch sử, làm báo, sau khi rời nghị trường ông sẽ viết về những điều mình đã được chứng kiến trong suốt 20 năm gắn bó với hoạt động của Quốc hội?

– Thực ra hơi tiếclà mình không ý thức ở lâu như vậy nên đôi khi giật mình nghĩ lại:  Tại sao hồi đó không tập hợp tài liệu cho tốt, ghi chép cho tốt để giờ nghỉ sẽ nhàn hơn, chỉ chắp nối lại.

Còn ký ức tất nhiên là một phần đời sống, mình chia sẻ ký ức đó cũng là trách nhiệm của người làm báo, làm sử. Thời kỳ đầu tham gia Quốc hội, tôi còn còn trẻ hơn, còn hăng hái nên hay có những ghi chép hoạt động của Quốc hội đăng báo. Tôi có lợi thế là làm sử nên có cách nhìn rộng theo một diễn trình, không phải lấy xưa nói nay mà rõ ràng nhiều lúc chuyện xưa có tác dụng làm sáng tỏ những điều đang diễn ra trước mắt. Những ngày này tôi vẫn làm nốt công việc của một ĐBQH cho đến hết nhiệm kỳ. Chắc chắn tôi sẽ ngồi để “vun vén” xem có thể để lại được gì, làm được gì một cách hiệu quả với thời gian không còn dài của mình (cười).

Liệu những điều ông định viết đó sẽ trở thành cuốn hồi ký về nghị trường?

– Không. Tôi nghĩ mình không viết hồi ký, có thể sẽ làm như chắp nối những mảnh ghép nào đó trong cuộc sống. Viết hồi ký phải nói thật, nhưng quả thật mỗi con người có những điều không thể nói thật. Ai cũng thế. Không nói thật toàn diện thì đừng làm hồi ký. Tôi chỉ viết lại một số vấn đề khi “lắp ghép” lại nó cũng có thể là một chuỗi hay là một cái gì đó mà tôi chưa hình dung ra.

Ở nhiều nước họ coi việc viết về những điều đã trải qua là trách nhiệm nhất là đối với những người hoạt động chính trị, hoạt động nghệ thuật. Đó là một sự tích lũy kinh nghiệm không phải cho riêng mình mà còn chia sẻ cho người khác.

 

Ông có thú vui tầm tượng lợn, có lẽ số lượng sưu tầm nhiều nhất cả nước, ông có thể chia sẻ?

– Có lẽ về số lượng tượng lợn tôi sưu tầm được đúng là nhiều nhất nước. Việc này xuất phát từ cá nhân vì nó có liên quan đến tuổi của tôi (ông sinh năm 1947- Đinh Hợi). Tôi nghĩ mỗi người nên có ý thức sưu tầm một cái gì đó phù hợp với sở thích và điều kiện của mình, khi tích lũy lại thành bộ sưu tập sẽ có hai điều thú vị: Thứ nhất, với mình nó là bằng chứng của ký ức, nghĩa là khi nhìn hiện vật này sẽ nhớ câu chuyện gì, hoàn cảnh nào nó đến với mình, hôm đó gặp những ai; đọc lại bộ sưu tập thấy như cuốn nhật ký của mình. Thứ hai, với xã hội có thể việc sưu tầm của mình sẽ đóng góp một niềm vui, dù niềm vui đó cho trẻ nhỏ, dạy người ta phải quan tâm đến một điều gì để đóng góp cho cái chung.

Được biết ông chơi với nhiều văn nghệ sĩ, ông tìm được điều gì từ họ đối với cuộc sống của mình?

– Trước hết đừng được hiểu văn nghệ sĩ là lơ tơ mơ thế này, thế kia. Theo quan niệm của tôi, từ trải nghiệm với những con người rất cụ thể mà mình sống, phải nói họ là những người tiên tri, họ nói những điều mình chưa nghĩ tới, có thể tưởng là mơ mộng nhưng họ nói đúng, chưa kể họ còn tạo hứng thú, gây hứng thú cho mình. Thứ hai, họ nhìn được tất cả các khía cạnh của cuộc sống đầy phức tạp, đặc biệt nghệ sĩ có tính nhân văn, niềm tin vào con người rất cao. Tôi thấy điều đó là phẩm chất rất cần đối với người làm công tác ĐBQH. Hơn nữa đời sống của văn nghệ sĩ cũng rất vui vẻ, giúp ta giảm bớt những căng thẳng, áp lực trong công việc.

Xin cảm ơn ông!

Ông Dương Trung Quốc là người đầu tiên đề xuất các ĐBQH hát Quốc ca khi chào cờ trong phiên khai mạc và bế mạc kỳ họp Quốc hội; là người đầu tiên đề xuất việc tuyên thệ đối với một số chức danh được Quốc hội bầu khi nhậm chức.

Khi Tòa nhà Quốc hội hoàn thành, ông là người đề xuất và vinh dự được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chọn đặt tên Phòng họp Diên Hồng (hội trường chính diễn ra các phiên họp toàn thể của kỳ họp Quốc hội) và Phòng họp Tân Trào (nơi diễn ra các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). 

Nguồn: Báo Dân Việt
Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com