Tiến sĩ Dương Trí Trạch – Thân thế và sự nghiệp

Tiến sĩ Dương Trí Trạch là một danh nhân văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh. Ông sống và làm quan dưới triều Lê – Trịnh có nhiều cống hiến không chỉ trên lĩnh vực tư tưởng chính trị quân sự, ngoại giao mà còn cả trên lĩnh vực văn hóa giáo dục. Tài năng và đức độ của ông được nhiều sách sử ghi chép lại, như: Lịch đại đăng khoa, Lịch triều đăng khoa, Đăng khoa sư giảng, Liệt huyện đăng khoa bị khảo, Nghệ An ký, Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, v.v… Có thể nói, tài liệu viết về Dương Trí Trạch khá phong phú tuy nhiên vẫn nằm dưới dạng bề bộn, nhiều trùng lặp. Do đó, bài viết này bước đầu tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của ông một cách hệ thống, nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho các độc giả.

1. Vấn đề xuất thân

Dương Trí Trạch (1586 – 1662), người làng Sơn Huy, xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc (nay là xã Yên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Tổ tiên của ông vốn quê quán tại xã Hoa Viên, huyện Hưng Nguyên (nay thuộc tỉnh Nghệ An), đời cụ Phúc Minh di cư đến xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc. Ông nội là Đệ nhất giáp Chế khoa Tả thị lang Binh bộ Dương Trí Dụng, cha là Tả thị lang Công bộ Thái bảo Nham Thạch hầu Dương Trí Thân. Vào năm ông 34 tuổi, thi đậu Tiến sĩ ở khoa Kỷ Mùi niên hiệu Hoằng Định thứ 20 (1619) đời Lê Kính Tông, làm quan đến chức Tham tụng, Hộ bộ Thượng thư, hàm Thiếu bảo. Khi về trí sĩ, được thăng Lại bộ Thượng thư, Quốc lão, Thái bảo. Sau khi mất, được tặng hàm Thái tể.

Như vậy qua đây có thể thấy, Dương Trí Trạch được xuất thân từ dòng họ có truyền thống hiếu học và khoa bảng, bởi thế mà có đến ba đời đều có người đảm đương trọng trách trụ cột của triều đình Lê Trịnh thế kỷ XVII. Có thể nói, dòng họ Dương Trí trở thành vọng tộc, một dòng họ tham chính, cũng là nhờ truyền thống hiếu học. Tấm gương lớn nhất của dòng họ là cả ba vị với đức tính cần cù, tự học và dạy học cho nhau để bố, con, ông cháu đều đỗ đạt, tạo đà cho các thế hệ về sau noi theo tấm gương sáng của tổ tiên tiếp tục mạch học. Tấm gương này được dòng họ coi trọng và phát huy đến tận ngày nay không chỉ là kiến thức học tập mà còn là những bài học về ứng xử và luân thường đạo lý.

Đền thờ Dương Trí Trạch

2. Sự nghiệp quan trường

Nói đến thời Lê – Trịnh là nói đến thời kỳ chúa Trịnh tồn tại đồng thời với vua Lê cùng điều hành đất nước. Thời kỳ này nằm gọn trong hai thế kỷ XVII và XVIII. Đây là hai thế kỷ khá quan trọng với nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa và giáo dục. Để củng cố địa vị thống trị và cai quản đất nước, triều đình đã hết sức chú trọng đến nhân tài. Do đó, Dương Trí Trạch đã có công đóng góp không nhỏ trong thời kỳ này.

2.1. Về tư tưởng chính trị, quân sự

Dương Trí Trạch sau nhiều năm đảm nhiệm các chức vụ với nhiều cống hiến, nên vào vào đầu năm Thịnh Đức ông trải đến Thượng thư bộ Lễ, kiêm thị độc Viện Hàn lâm tham dự công việc ở viện, phong dực vận tán trị công thần, tước Bạt quận công. Thế nhưng, cho dù ở cương vị nào thì Dương Trí Trạch cũng hết lòng vì dân vì nước. Ông là người đã hai lần dâng sớ tâu vua, lập mưu đánh giặc, tạo mối hòa hiếu giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong. Dương Trí Trạch cùng với Phạm Công Trứ dâng sớ tâu vua về việc thuê khoán làm trường học và cung đốn các thứ cho các kỳ thi Hương nên giảm bớt để đỡ phí tổn cho dân. Đến tháng 5 năm Canh Tý (1660) Dương Trí Trạch lại cùng với Phạm Công Trứ dâng sớ nói về các thuật pháp trị nước phải dùng cả văn lẫn võ: “Đường lối trí trị là thưởng phạt nghiêm minh theo mệnh ra sức để nên công việc thì tùy theo công lao mà bàn thưởng hoặc người nào dùng dằng nhát sợ hành quân trái luật thì lấy quân luật mà trị tội. Đó là phép thường dùng để khuyên răn rất là nghiêm ngặt. Văn thần thì nên giúp vua thương dân để tô điểm thái bình, nếu biết giữ thanh liêm chăm việc, ngay thẳng để xứng chức vụ thì tùy theo chứng tích mà khen thưởng hoặc người nào thừa hành công việc, cùng là xét hỏi kiện tụng nếu không đỗ lỗi trước mà cứ uốn phép hối lộ để chậm quá kỳ xét xử không đúng, câu kết bè đảng vì ân nghĩa riêng mà nhận lời thỉnh thác làm nhiều nhũng tệ, đến nổi nát chính hại dân, tội nhẹ thì xử giáng chức, tội nặng thì xử theo quân luật để bỏ hết thói tệ cho nghiêm phép nước”.

Song song với công lao về tư tưởng chính trị, Dương Trí Trạch còn có công không nhỏ trong việc giúp việc quân cho Tây quận công Trịnh Tạc đi đánh dư đảng nhà Mạc ở Cao Bằng: “Giáp Thân Phúc Thái thứ 2 (1644) mùa đông tháng 12 sai Thái bảo Tây quận công Trịnh Tạc cùng với Đốc thị là Dương Trí Trạch, Tán lý Phạm Công Trứ đi dẹp địa phương Cao Bằng tiến quân đặt phục chém được một tỳ tướng của giặc bắt được đảng giặc rồi về”.

2.2. Về ngoại giao

Song song với cuộc đối đầu về quân sự, cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao diễn ra cũng không kém phần quyết liệt, có đóng góp quan trọng cho thắng lợi sau cùng. Bấy giờ nhà Lê mới giành lại được thắng lợi trong cuộc chiến với nhà Mạc. Để tăng cường mối giao hảo với nhà Minh, mùa đông năm Canh Ngọ (1630) Dương Trí Trạch được vua Lê Thần Tông cử làm Chánh sứ lãnh trách nhiệm đi sứ nhà Minh, sự kiện này Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Canh Ngọ, Đức Long năm thứ 2 (1630) mùa đông tháng 11, sai Chánh sứ là Trần Hữu Lễ, Dương Trí Trạch, Phó sứ là bọ Nguyễn Kinh Tế, Bùi Bỉnh Quân, Nguyễn Nghi, Hoàng Công Phụ hai sứ bộ sang nước Minh cống hàng năm”. Chuyến đi sứ trong vòng 3 năm đã thu được kết quả tốt đẹp, đoàn sứ đã hoàn thành sứ mạng triều đình giao phó, sau khi về đến Thăng Long đoàn sứ thần đã vào bái yết vua Lê: “Quý Dậu năm thứ 5 (1633) tháng 3 ngày 20 sứ thần là bọn Trần Hữu Lễ, Dương Trí Trạch, Nguyễn Kinh Tế, Nguyễn Nghi, Hoàng Công Phụ về đến kinh sư vào lạy chào” và sau đó ông được thăng chức Bồi Tụng. Năm Đinh Sửu (1637) Dương Trí Trạch tham gia đoàn sứ thứ hai lên hầu lệnh vua đợi mệnh chuẩn bị đi sứ Trung Quốc. Điều đáng chú ý đoàn thứ nhất có sứ thần Giang Văn Minh, một sứ thần đã tỏ rõ khí tiết không để “Bất nhục quân mệnh” (Không để nhục mệnh vua) trước vua quan nhà Minh và ông bị nhà Minh hành hình năm 1738 tại Yên Kinh, Trung Quốc. Qua sự kiện trên có thể thấy rằng đây là giai đoạn bang giao rất cam go với nhà Minh và các sứ thần phải là những người tài giỏi, tiết tháo mới đảm đương được sứ mệnh vẻ vang đó. Sự kiện này sách Đại việt sử ký toàn thư chép: “Sai chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu, Giang Văn Minh (…) hai sứ bộ sang nhà Minh cống hàng năm. Sai bọn Trần Hữu Lê, Dương Trí Trạch lên cửa quan đợi mệnh”.

Có thể thấy rằng chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, Tiến sĩ Dương Trí Trạch đã được vua Lê tín nhiệm 2 lần giao làm Chánh sứ đi sứ phương Bắc chứng tỏ ông là một nhà ngoại giao tài giỏi của Đại Việt.

2.3. Về văn hóa giáo dục

Thời Lê – Trịnh, giáo dục và khoa cử Nho học được tôn trọng và đề cao. Trong  khoa thi Quý Mùi (1643) ông được cử làm: “Giám thí là Lễ bộ Tả Thị lang kiêm Hàn lâm viện thị giảng, Tham chưởng Hàn Lâm viện sự Dương Trí Trạch”.  Năm 1653 chúa Trịnh Tráng đã giao cho ông sao lục tên họ những người thi đỗ Chế khoa kể từ năm Giáp Dần (1554) đến năm giáp Thìn, Khánh Đức thứ 4 (1652) chế độ khoa cử triều Lê tổ chức được 25 khoa thi nhiều người đỗ đạt nhưng chưa được dựng bia Tiến sĩ và chịu trách nhiệm khắc tên và dựng bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử giám và hầu hết lời khắc bia đều do ông biên tập, có bài thì ông khảo đính chú giải thêm.

Cụ thể một bài của ông như sau: “Bề trên đặt khoa thi để thâu tóm hiền tài chứ không phải công cụ để thi thố văn chương. Kẻ dưới ra dự thi cốt để làm bậc thang lập công sự nghiệp, chứ không phải để mưu cầu danh lợi, bởi nền chính trị tốt đẹp của nước nhà không phải có hiền tài ắt không thể xây dựng được, mà kẻ sĩ hào kiệt lại phải do khoa cử mới xuất đầu lộ diện”. Dương Trí Trạch là người chịu trách nhiệm cung cấp bản danh sách Tiến sĩ các khoa để khắc bia và là người tổng duyệt cho tất cả 26 bia khắc dựng trong đợt truy lập này: “Các bài ký phân công cho 7 quan chức ở Viện Hàn lâm là Khương Thế Hiển 7 bia, Nguyễn Văn Lễ 4 bia, Trịnh Cao Lệ 4 bia, Nguyễn Đăng Cảo 3 bia, Nguyễn Đăng Minh 3 bia, Lê Đình Lại 3 bia, Nguyễn Đình Chinh 3 bia và Dương Trí Trạch 1 bia, dựng bia ngày 16 tháng 11 năm Quý Tỵ (1653)”. Viết về những đóng góp của Tiến sĩ Dương Trí Trạch với sự nghiệp giáo dục dưới triều Lê, sách Lịch triều Hiến chương loại chí chép: “Đầu đời Trung hưng [các người đỗ] từ chế khoa năm Thuận Bình giáp Dần(1554) đến năm Khánh Đức Nhâm Thìn (1552) cộng 25 khoa, chưa có bia đề tên, đến nay ông vâng chỉ khắc tên vào bia đá. Khi làm xong việc long trọng ấy rồi được vào làm Tham tụng phủ chúa, lên Thượng thư bộ Hộ thêm chức Thiếu bảo”.

Ngoài ra công còn là người trực tiếp dâng sớ lên triều đình đề xuất sửa đổi chính sách giáo dục có lợi cho dân: “Tham tụng Dương Trí Trạch, Phạm Công Trứ dâng sớ nói về việc thuê khoán làm trường và cung đốn các thứ cho trường thi Hương, nên đơn giản kiện ước để bớt phí tổn cho dân”.

3. Những tác phẩm để lại

Về sự nghiệp thi ca của Tiến sĩ Dương Trí Trạch, cho đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa tìm thấy một tác phẩm nào ngoài 25 tác phẩm văn bia do ông vâng sắc nhuận và phục dựng vào ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức năm thứ 1 (1653). Khi ấy ông giữ chức “Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị giảng, Tham Chưởng Hàn lâm viện sự, Bạt Quận công Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch”. Những văn bia này hiện đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và mang các ký hiệu như sau:

1/ Thuận Bình lục niên Giáp Dần chế khoa đề danh ký/ Văn bia đề danh chế khoa Giáp Dần niên hiệu Thuận Bình năm thứ 6 (1554), ký hiệu No.1357.

2/ Chính Trị bát niên Ất Sửu chế khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ chế khoa Ất Sửu niên hiệu Chính Trị năm thứ 8 (1565), ký hiệu No.1322

3/ Gia Thái ngũ niên Đinh Sửu chế khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ chế khoa Đinh Sửu niên hiệu Gia Thái năm thứ 5 (1577), ký hiệu No.1367.

4/ Quang Hưng tam niên Canh Thìn khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Canh Thìn niên hiệu Quang Hưng năm thứ 3 (1580), ký hiệu No.1325.

5/ Quang Hưng lục niên Quý Mùi khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Hưng năm thứ 6 (1583), ký hiệu No.1364.

6/ Quang Hưng thập nhị niên Kỷ Sửu khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Hưng năm thứ 12 (1589), ký hiệu No.1363.

7/ Quang Hưng thập ngũ niên Nhâm Thìn khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Quang Hưng năm thứ 15 (1592), ký hiệu No.1332.

8/ Quang Hưng thập bát niên Ất Mùi khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Quang Hưng năm thứ 18 (1595), ký hiệu No.1370.

9/ Quang Hưng nhị thập nhất niên Mậu Tuất khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Mậu Tuất niên hiệu Quang Hưng năm thứ 21 (1598), ký hiệu No.1339.

10/ Hoằng Định tam niên Nhâm Dần khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Dần niên hiệu Hoằng Định năm thứ 3 (1602), ký hiệu No.1372.

11/ Hoằng Định ngũ niên Giáp Thìn khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Giáp Thìn niên hiệu Hoằng Định năm thứ 5 (1604), ký hiệu No.1373.

12/ Hoằng Định bát niên Đinh Mùi khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Hoằng Định năm thứ 8 (1607), ký hiệu No.1371

13/ Hoằng Định thập nhị niên Canh Tuất khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Canh Tuất niên hiệu Hoằng Định năm thứ 12 (1610), ký hiệu No.1374.

14/ Hoằng Định thập tứ niên Quý Sửu khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Quý Sửu niên hiệu Hoằng Định năm thứ 14 (1613), ký hiệu No.1351

15/ Hoằng Định thập thất niên Bính Thìn khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Hoằng Định năm thứ 17 (1616), ký hiệu No.1375

16/ Hoằng Định nhị thập niên Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi niên hiệu Hoằng Định năm thứ 20 (1619), ký hiệu No.1376.

17/ Vĩnh Tộ ngũ niên Quý Hợi khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 5 (1623), ký hiệu No.1354.

18/ Vĩnh Tộ thập niên Mậu Thìn khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 10 (1628), ký hiệu No.1303.

19/ Long Đức tam niên Tân Mùi khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Tân Mùi niên hiệu Đức Long năm thứ 3 (1631), ký hiệu No.1304.

20/ Dương Hòa tam niên Đinh Sửu khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Đinh Sửu niên hiệu Dương Hòa năm thứ 3 (1637), ký hiệu No.1314.

21/ Dương Hòa lục niên Canh Thìn khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Canh Thìn niên hiệu Dương Hòa năm thứ 6 (1640), ký hiệu No.1308.

22/ Phúc Thái nguyên niên Quý Mùi khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Phúc Thái năm thứ 1 (1643), ký hiệu No.1307.

23/ Phúc Thái tứ niên Bính Tuất khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Phúc Thái năm thứ 4 (1646), ký hiệu No.1306.

24/ Khánh Đức nhị niên Canh Dần khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Canh Dần niên hiệu Khánh Đức năm thứ 2 (1650), ký hiệu No.1309

25/ Khánh Đức tứ niên Nhâm Thìn khoa Tiến sĩ đề danh ký/ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Khánh Đức năm thứ 4 (1652), ký hiệu No.1305.

Trên đây là 25 văn bia mà Tiến sĩ Dương Trí Trạch đã sắc nhuận. Để thấy rõ hơn về tư tưởng cũng như văn ngôn mà ông đã nhuận, dưới đây chúng tôi xin trích một đoạn đầu của văn bia số 22 mang ký hiệu No.1306 như sau:

Đời mở nền trí trị, vận thuộc thời yên bình.

Kính nghĩ: Thái Tổ Cao hoàng đế thánh triều, trời ban trí dũng, từng trải kinh luân, xua hết loài cọp beo, giữ cho dân yên ổn, việc đầu dựng trường học nuôi dưỡng nhân tài thiên hạ. Liệt thánh hoàng đế kế thừa thể chế thành pháp, làm sáng rõ quy mô, vun mạch nhân hậu, chỉnh đốn kỷ cương bốn phương, rộng đặt khoa trường để đón bậc tuấn kiệt trong thiên hạ. Buổi bấy giờ khoa mục thịnh hành, văn phong chấn phát, cơ nghiệp thái bình ức vạn năm chính là ở lúc này.

Bỗng chốc ngụy Mạc phạm thượng, nhưng quốc thống như sợi chỉ chưa đứt. May thay mệnh trời chưa đổi, cơ hội trung hưng chính là ở lúc này. Trang Tông Dụ hoàng đế, Trung Tông Vũ hoàng đế, Anh Tông Tuấn hoàng đế kế thừa nghiệp lớn, đều nhờ sức Thế Tổ Minh Khang đại vương giúp cho sáng lại nhật nguyệt đôi vừng. Khi ấy mở Chế khoa gồm hai khoa để chọn dùng nhân tài, chấn hưng sự nghiệp. Thế Tông Nghị hoàng đế, Kính Tông Huệ hoàng đế khôi phục cơ đồ lớn, nhờ hẳn vào công của Thành Tổ Triết vương chỉnh đốn tái tạo lại đất trời. Buổi ấy đặt Chế khoa một khoa, Tiến sĩ 13 khoa, cất nhắc sử dụng hiền tài để cùng lo dựng lại kỷ cương.

Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ thánh văn thần võ, sáng suốt thông minh, từ khi mới lên ngôi thực nhờ có [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương] vỗ yên thiên hạ, gây dựng trị công, tùy thời đặt khoa mục, có tiếng là được nhân tài. Đến năm Quý Mùi bèn truyền ngôi cho Chân Tông Thuần hoàng đế, đặt niên hiệu Phúc Thái năm đầu, vừa đúng tiết tiểu xuân, cho mở khoa thi lớn. Khi đó sĩ tử trong thiên hạ đến đua tài trên 2.000 người, vào trúng cách chỉ được 9 người. Quan hữu ty đem tên dâng lên, vua sai chọn ngày cho vào Điện thí. Đặc sai Đề điệu là Thái bảo Kiên Quận công Trịnh Quân, Tri Cống cử là Ngự sử đài Đô Ngự sử Thọ Lĩnh hầu Nguyễn Nghi, Giám thí là Lễ bộ Tả Thị lang kiêm Hàn lâm viện Thị giảng, Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Thọ Diên hầu Dương Trí Trạch, Lại bộ Hữu Thị lang Mỹ Thọ bá Nguyễn Quang Minh chia giữ các việc.

Hôm sau dâng quyển lên đọc. Vua đích thân xem và định thứ bậc, cho Nguyễn Khắc Thiệu, Lê Hiệu hai người đỗ Tiến sĩ xuất thân; bọn Lê Đình Dự 7 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.

Ngày hôm đó, Hoàng thượng ngự ở cửa điện Kính Thiên, loa truyền tên người đỗ, Bộ Lễ rước bảng vàng treo ngoài cửa nhà Thái học. Sau đó sai ban ân huệ, cho áo mũ, yến tiệc, nghi lễ ban thưởng thật đã hết mức vậy.

Nay nghĩ: Hoàng đế bệ hạ lại nối ngôi báu, làm sáng đẹp công người xưa. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương] sáng suốt phò thánh chúa, dốc sức cầu hiền tài, cùng [Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương] đồng lòng cung kính, chiêu nạp nhân tài, kế tiếp mở khoa trường, nhân văn càng rực rỡ. Xét từ năm Thuận Bình (1549-1555) tới nay, cả thảy 26 khoa, việc dựng bia đá còn chưa theo lệ. Bèn sai quan Bộ Công chọn đá, sai từ thần soạn bài ký. Thần vâng thuật lại khoa này, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, khoa mục là chí công của thiên hạ. Xưa nhà Thành Chu lập trường quốc học là cách để lấy hiền tài, đã có tuyển Tiến sĩ, đó là khởi đầu. Về sau, nhà Đường cho Tiến sĩ là bảng Long hổ, nhà Tống cho Tiến sĩ là khoa Tướng tướng. Thế đủ biết việc đặt khoa mục đã có từ lâu vậy.

Đến nay Hoàng thượng bệ hạ ở ngôi vua, nắm cơ tạo tác, làm chấn phát lớn Nho phong, mở mang phô bày văn giáo. Cho nên nhân tài nối nhau xuất hiện làm bậc danh thần của nước nhà. Còn như khoa thi này là khoa đầu tiên của niên hiệu Phúc Thái, được nhiều nhân tài, làm vẻ vang hơn đời trước. Nay dựng bia đá một lần mà truyền tới lâu dài, đạo tác thành nhân tài, cách khích lệ kẻ sĩ há chẳng rõ ràng, đầy đủ lắm sao?

Thế thì người được khắc tên vào tấm đá này nên cảm kích khắc ghi ơn lớn, dồi mài danh tiết, lấy việc trí quân trạch dân làm trách nhiệm, lấy việc giúp đời hành đạo làm niềm vui, khiến thiên hạ yên ổn như Thái Sơn, nước nhà vững như bàn thạch. Ngày sau người ta tất sẽ chỉ tên mà khen thì tên tuổi ấy còn mãi, thời gian càng xa càng thêm rực rỡ vậy. Còn như ngoài cứng trong mềm, trước trong trắng sau tì vết, danh thực sai lệch, lời nói việc làm trái ngược thì đích thực chỉ làm vết nhơ cho khoa mục, há chẳng đáng răn đe sao!

Thế thì cái cơ vi dẫn đến thành tựu của các bậc thánh đức thần công thật hết mức tinh vi, hết mức huyền diệu, không chỉ khiến sĩ phu đương thời một lòng cố gắng giúp đời thịnh trị như Tam đại Đường Ngu, mà còn tỏ cho kẻ học đời sau biết để khuyên răn, để cùng nhau xem báo đổi lông, phượng gáy múa, nhân tài lớp lớp xuất hiện bảo vệ cho con cháu và lê dân ta đời đời, xã tắc cơ đồ vững bền mãi mãi.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Bạt Quận công Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.

Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Đình Chính1 vâng sắc soạn.

Trung thư giám Hoa văn học sinh Đàm Phú Hoành quê xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai vâng sắc viết chữ (chân kiêm chữ triện).

Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 (1653).

5. Tiểu kết

Trên đây chúng tôi đã phác họa những nét chính về thân thế và sự nghiệp của Tiến sĩ Dương Trí Trạch. Tuy chưa thực sự phong phú và tập trung, song những nội dung này phản ánh khá rõ một xu hướng tư tưởng của ông đối với nước nhà. Sau hơn 40 năm phục vụ triều đình, Bạt quận công về quê trí sĩ: “Tháng 6 năm Tân Sửu (1661) gia phong Hộ bộ Thượng thư kiêm Hàn Lâm viện thị giảng chưởng Hàn Lâm viện sự Thiếu bảo Bạt quận công Dương Trí Trạch làm Lại bộ Thượng thư Quốc lão Thái tể, cho về trí sĩ”(15). Khi ông về, vua Lê Thần Tông có tặng ông đôi câu ca ngợi như sau:

四 十 年 立 朝 朝 廷 意 重

七 十 歲 致 仕 仕 宦 成 名

– Tứ thập niên lập triều, triều đình ý trọng;

– Thất thập tuế trí sĩ, sĩ hoạn thành danh.

Nghĩa là: – Bốn chục năm ở triều, triều đình trọng dụng;

– Bảy chục tuổi về hưu, đỗ đạt làm quan đều nổi tiếng.

Ngoài ra ông còn được nhà vua cho khắc một bia vinh quy hồi hương, văn bia do nhà vua viết tặng ghi nhận công lao đóng góp cho triều đình trong những năm ông làm quan. Tấm bia được tạc theo mẫu ở Văn Miếu và soạn lời bia đề năm Thịnh Đức thứ nhất (1653), hai mặt bia khắc chữ Hán nhưng dưới triều vua Minh Mạng do truyền dụ cho các địa phương những nơi có thờ tự bia đá đề cao họ Trịnh thì phải mài đục đi nên do sợ liên lụy con cháu họ Dương đã cho đục mài hết chữ cho nên hiện nay không còn nội dung của bài văn bia này.

Một năm sau khi về quê trí sĩ, tháng 7 năm Nhâm Dần (1662) Bạt quận công Dương Trí Trạch qua đời, thọ 77 tuổi, mộ ông được đặt trước cánh đồng làng Bạt Trạc. Vị hiệu thờ ông ghi:

“Tiên tổ khảo tứ vị khoa Đồng Tiến sĩ xuất thân, Dực vận tán trị công thần, Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Tham tụng Lại bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện Thị giảng, Tham Chưởng Hàn Lâm viện sự, Thượng trụ quốc lão Thái bảo, Bạt quận công trí sĩ, tặng Thái tể Dương tướng công, tự Trung Ý, phụng tứ thụy Nha Chính, khâm bao phong Nguy công Đại vương”.

Có thể nói, trải qua 40 năm làm quan giữ các chức vụ Thượng thư bộ Lễ, thượng thư bộ Hộ, Thượng thư Bộ Lại, Hàn Lâm viện sự thị giảng, Tham chưởng Hàn lâm viện sự thiếu bảo, Bồi tụng, Tham tụng phủ chúa, Chánh sứ, Đốc thị tỉnh Cao Bằng. Bạt quận công Dương Trí Trạch được sử gia Phan Huy Chú đánh giá: “Ở triều hơn 40 năm trải qua các chức vụ ở viện Khu mật đã lâu, tính thẳng thắn giữ luật phép (của triều đình) không có ai thỉnh thác được, bàn việc gì tuy hơi nghiêm khắc nhưng theo lẽ công bằng giữ điều ngay thẳng bây giờ ai khen cũng là danh thần”(14) .Ghi nhận công lao của ông đối với triều đình, vua Lê đã ban sắc phong: “Hồng nho Thạc đức, nguyên lão đại thần” ( Nghĩa là: Núi Hồng sinh ra người có công đức cao, vị đại thần cao tuổi đứng đầu quan triều đình). Sau khi ông mất nhân dân địa phương đã lập đền thờ ông ở làng Bạt Trạc và ghi rõ công lao: “Dương Công thần từ đường” (Nhà thờ của Dương Công Thần).

Như vậy, qua tư liệu lịch sử cho biết Bạt quận công Dương Trí Trạch là một vị quan thanh liêm, văn võ toàn tài, công trạng của ông được sử sách ghi nhận, cuộc đời của ông gắn với bó với triều đình, tư tưởng trung quân ái quốc gắn chặt với sự nghiệp của ông nên khi về quê trí sĩ được triều đình vinh danh, nhân dân tôn thờ lập đền thờ phụng. Ngoài ra, ông còn có những đóng góp cho nền khoa bảng, văn hóa Hồng Lam, những cống hiến to lớn đó rất đáng được trân trọng, cần được gìn giữ góp phần phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com