Dương Minh Như Quỳnh làm giàu từ nuôi giun quế
- 26/11/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 502
Sau nhiều năm làm đủ thứ nghề, tiền chẳng thấy đâu mà nợ luôn “ngập đầu”, năm 2016, anh Dương Minh Như Quỳnh (xã Vân Du, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) quyết định chuyển sang nuôi giun quế. Nhờ nuôi con ăn đồ bẩn để làm ra đồ sạch, anh Quỳnh chẳng những trả hết nợ mà còn khấm khá bất ngờ.
Nhiều năm trước, sau khi cưới vợ ra ở riêng, cuộc sống gia đình anh Dương Minh Như Quỳnh (xã Vân Du, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) rất khó khăn bởi làm ăn thua lỗ. Anh phải vay mượn người thân và bên ngoài số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhiều năm ròng rã, anh làm đủ thứ nghề để trả nợ, nhưng nợ vẫn “ngập đầu”.
Năm 2016, anh Quỳnh quyết định chuyển sang nuôi giun quế. Theo anh Quỳnh, anh thấy giun quế làm thức ăn chăn nuôi cho lươn, cá, gà, vịt rất mau lớn và tiết kiệm được nhiều chi phí. Sau khi thu hoạch, phân của giun quế lại thành nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng.
Nuôi lươn, nuôi gà, nuôi cá, nuôi vịt bằng giun quế dĩ nhiên sẽ tạo ra lươn sạch, gà sạch, cá sạch, vịt sạch hơn hẳn cho ăn bằng thức ăn công nghiệp. Đây là 1 trong những yêu cầu trong việc chăn nuôi theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm chăn nuôi sạch, sản phẩm chăn nuôi an toàn.
Đương nhiên, nuôi giun quế cũng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trưởng bởi chất thải từ phân động vật, phân gia súc, gia cầm…
Nhu cầu tiêu thụ giun quế và các sản phẩm từ giun quế ngày một nhiều, trong khi trên địa bàn huyện Đoan Hùng của tỉnh Phú Thọ lại chưa phát triển nhiều mô hình nuôi giun quế. Ngoài ra, gia đình anh Quỳnh có quỹ đất khá lớn, nhưng hiệu quả đem lại chẳng đáng là bao. Do đó, anh quyết định xây dựng chuồng trại nuôi giun quế, phát triển kinh tế.
“Qua tìm hiểu trên mạng Internet, tôi thấy nghề nuôi giun quế phù hợp ở địa phương nên tôi mua giống giun quế về nuôi thử và dần nhân rộng ra. Tôi cũng đi tham quan các trại nuôi giun quế từ Hà Nội đến Phú Thọ để học hỏi kinh nghiệm nuôi giun. Ưu điểm của nuôi giun quế là chi phí đầu tư thấp, tận dụng được nguồn phân của gia súc, gia cầm, góp phần giảm ô nhiễm môi trường”- anh Quỳnh chia sẻ.
Anh Quỳnh cho biết thêm, có nhiều phương pháp nuôi giun quế khác nhau như: Ủ nóng, ủ nguội, ủ hỗn hợp. Phân bò hay phân trâu đều có thể dùng trực tiếp để nuôi giun quế, còn phân lợn cần đem ủ trước khi cho giun ăn.
Chỉ sau 40 ngày thả giun giống, giun quế sẽ cho thu hoạch với giá từ 50.000 – 70.000 đồng/kg.
Theo anh Quỳnh, giun quế là loại sợ ánh sáng nên làm chuồng phải che tối. Ở miền Bắc có 2 mùa nóng và lạnh nên mùa nóng, mình nuôi “mỏng” hơn để giảm nhiệt độ, mái phải tưới nước.
Đến mùa rét, phải quây kín mái, nuôi “dày” lên vì phân gia súc, gia cầm phân hủy sẽ tỏa nhiệt, rất nóng sẽ làm giun phát triển tốt.
Từ việc nuôi giun quế, có thể thu được nhiều sản phẩm như: Giun quế giống để cung ứng các đơn vị nuôi, nguồn phân bón chất lượng cao sau quá trình xử lý của giun quế, phân bón ép viên từ phân giun quế để bón cho hoa lan, cây cảnh.
Hiện nay, mô hình nuôi giun quế của anh Quỳnh đã tăng lên hơn 1.000m2, số lượng giun quế cũng tăng lên rất nhiều so với ban đầu.
Anh Quỳnh cũng đã đầu tư thêm máy móc làm phân bón, phân ép viên phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Cũng theo anh Quỳnh, hiện nguồn phân từ giun quế không đủ bán vì nhu cầu phân bón cho hoa lan, rau màu, cây ăn quả trong và ngoài tỉnh Phú Thọ rất nhiều.
Nhờ mô hình nuôi giun quế, anh Quỳnh không những trả hết nợ, mà còn làm giàu cho bản thân. Anh Quỳnh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi giun quế với bất cứ ai có nhu cầu khởi nghiệp với mô hình này.
“Nuôi giun quế là mô hình mới ở huyện Đoan Hùng quê tôi nhưng hiệu quả kinh tế rất cao. Mô hình chăn nuôi giun quế này khá đơn giản, không cần cầu kỳ trong chăm sóc, chỉ cần có đủ diện tích nuôi”, anh Nguyễn Minh Giang (xã Vân Du, huyện Đoan Hùng) đến tham quan mô hình của anh Quỳnh cho biết.
Ông Nguyễn Đức Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Du, huyện Đoan Hùng cho biết, anh Quỳnh là một trong những đoàn viên tiêu biểu của địa phương cũng như tỉnh Phú Thọ rất tích cực trong phong trào Đoàn, là điểm sáng cho nhiều thanh niên học hỏi, làm theo.
“Anh Quỳnh là đảng viên trẻ nhưng rất chịu khó tìm tòi để làm giàu. Mô hình nuôi giun quế được triển khai từ năm 2016 bước đầu rất nhỏ, nhưng đến khi nhân rộng năm 2020, anh Quỳnh đã phát triển lên mức 500 triệu đồng”- Phó Chủ tịch UBND xã Vân Du cho biết.
Nguồn: Dân Việt