Những phụ nữ Họ Dương làm rạng danh lịch sử
- 01/06/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 4007
Từ thời kỳ đất nước độc lập (thế kỷ X) phụ nữ Họ Dương có nhiều người đóng góp công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chưa có thống kê chính thức nhưng Họ Dương là một trong những dòng họ có nhiều người làm Hoàng hậu nhất. Đó là: Dương Thị Như Ngọc và Dương Phương Lan là hai Hoàng hậu của Ngô Quyền; Dương Vân Nga là Hoàng Thái hậu của Nhà Đinh và Nhà Lê; Thượng Dương là Hoàng hậu của Lý Thánh Tông; Dương Phương Hoài là Hoàng hậu của Lý Nhân Tông; Dương Thị Bí, Hoàng hậu của Lê Thái Tông… Tuy nhiên, các sử gia thời phong kiến, với cách nhìn khắt khe của Nho giáo đã có những đánh giá thiếu công bằng, thậm chí có lúc chỉ trích gay gắt về khía cạnh luân thường đạo lý của một số Hoàng hậu. Họ cho các Hoàng hậu đó đã vi phạm đạo đức, lễ tiết. Thật buồn khi có những Hoàng hậu Họ Dương tuy tài giỏi hơn người nhưng không được sử sách ghi tên xứng đáng mà chỉ ghi là Dương Thị.
1. Hoàng hậu Dương Thị Như Ngọc
Tháng 7 năm 923 (Qúy Mùi), Khúc Thừa Mỹ bị quân Nam Hán đánh bại, đất nước ta rơi vào tay giặc phương Bắc. Lúc này Dương Đình Nghệ, là tướng của Họ Khúc nuôi 3000 tráng sĩ (con nuôi), huấn luyện võ nghệ, chuẩn bị vũ khí, lương thực để quyết tâm đánh bại quân Nam Hán. Nhiều người tài giỏi trở thành tướng sĩ của Dương Đình Nghệ như Ngô Quyền, Đinh Công Trứ…
Dương Đình Nghệ có người con gái cả xinh đẹp, võ nghệ cao cường là Dương Thị Như Ngọc. Yêu nước, căm thù giặc phương Bắc, bà đã giúp cha mình tuyển mộ thành lập đội “Nữ nương Tử quân”. Trong cuộc tiến công vào thành Tống Bình, bà chỉ huy Nữ nương Tử quân, động viên chị em góp công tham gia cứu nước. Bà là người giúp cha mình tổ chức đánh tan quân Nam Hán. Có thể khẳng định rằng, cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán do Dương Đình Nghệ lãnh đạo và đã dành thắng lợi có công lao không nhỏ của Dương Thị Như Ngọc. Sau khi dẹp tan quân Nam Hán, đất nước thanh bình, Dương Thị Như Ngọc kết duyên với Ngô Quyền.
Năm 938, Ngô Quyền và Dương Tam Kha (em Dương Thị Như Ngọc) đánh bại quân xâm lược nhà Hán trên sông Bạch Đằng. Ngô Quyền xưng Vương và lập Dương Thị Như Ngọc làm Hoàng hậu. Hoàng hậu Dương Thị Như Ngọc đã có công lớn, giúp Ngô Quyền trị vì đất nước 6 năm.
2. Dương Vân Nga
Bà là con gái của Dương Tam Kha và cháu nội của Dương Đình Nghệ nhưng sử sách trước đây chỉ ghi Dương Thị hoặc Dương Hậu mà không ghi đầy đủ tên. Trong xã hội phong kiến, quan niệm trọng nam khinh nữ rất phổ biến. Sự bất bình đẳng giới thể hiện đầy đủ trong quan niệm Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Phụ nữ luôn bị gán cho là nguyên nhân của mọi sự rắc rối, tội lỗi. Vì thế, khi nhìn nhận, đánh giá Dương Vân Nga các sử gia phong kiến cho rằng bà vi phạm đạo đức, lễ tiết phu thê nên cần phải phê phán để răn dạy cho các bậc Vương Hậu đời sau.
Vì sao vậy? Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, lấy tôn hiệu Đinh Tiên Hoàng, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Truyền thuyết kể rằng, trong một lần đến vùng Nga My (Ninh Bình), Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng hát trong trẻo của một cô gái, ông đã xuống ngựa và tìm gặp nàng. Người sở hữu giọng hát du dương lại có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành đó là Dương Vân Nga. Cô gái có gương mặt bầu bĩnh phúc hậu nhưng vẫn đầy nét thanh tú, cao sang với nước da trắng hồng, đôi mắt phượng đen láy, tình tứ dưới cặp mày ngài thanh mảnh. Đinh Bộ Lĩnh đón Dương Vân Nga về làm Hoàng Hậu. Tuy vậy, chính sử chỉ cho biết Bà là người Họ Dương, không ghi rõ tên và nguồn gốc xuất thân.
Đinh Bộ Lĩnh làm vua được 12 năm. Tháng 10 năm 979, Đinh Bộ Lĩnh và Hoàng tử Đinh Liễn bị hoạn quan Đỗ Thích giết hại. Triều thần tôn Vệ Vương Đinh Toàn (mới được 6 tuổi) lên ngôi Hoàng đế, tôn Dương Vân Nga làm Hoàng Thái Hậu. Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn (Lê Đại Hành) được Dương Thái Hậu chọn làm Nhiếp chính, tự xưng là Phó Vương.
Năm 980, phía Bắc quân Tống chuẩn bị xâm lược Đại Việt, phía Nam quân Xiêm cũng đang rình rập báo thù. Đất nước rơi vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Vận mệnh giang sơn xã tắc lúc này phụ thuộc vào quyết sách của Hoàng Thái Hậu Dương Vân Nga. Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Lạng Châu nghe tin quân nhà Tống sắp tràn sang, làm tờ tấu lên, Thái Hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ để chống cự, cho Phạm Cự Lạng xuất quân…Cự Lạng cùng với các tướng quân tâu rằng: Chi bằng trước hãy tôn Thập đạo tướng quân làm thiên tử, rồi sau sẽ đem quân đi đánh thì hơn. Thái Hậu thấy mọi người đều vui lòng quy phục, sai lấy áo long cổn mặc cho Lê Hoàn và mời Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế…” (trang 134). Tháng 7 năm ấy, quân Tống xâm lược Đại Cồ Việt. Lê Hoàn vừa lên ngôi đã phải triển khai lực lượng kháng chiến đánh giặc bảo vệ đất nước. Đến tháng 3 năm 981, cuộc kháng chiến chống Tống do Lê Hoàn trực tiếp chỉ huy thắng lợi hoàn toàn. Năm 982, Lê Đại Hành phong Dương Vân Nga là Đại Thắng Minh Hoàng Hậu.
Như vậy, Dương Vân Nga là người phụ nữ đặc biệt, Hoàng Hậu của 2 vị Hoàng đế thời kỳ đầu lập quốc. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê. Trong bối cảnh triều đình nhà Đinh đang lúng túng, rối bời chưa biết xử trí ra sao, thì Dương Thái Hậu đã mời Lê Hoàn lên ngôi vua. Hành động táo bạo và sáng suốt của bà mở lối thoát cho triều đình, tạo cơ sở cho Lê Hoàn thay nhà Đinh mà vẫn không mang tiếng là cướp ngôi của nhà Đinh
Gần đây các nhà khoa học đã có cách nhìn nhận về vai trò đặc biệt của Thái Hậu Dương Vân Nga. Những quan điểm này đã có chung tiếng nói, bênh vực bà và cho rằng, trong khi đất nước đang lâm nguy; phía Bắc quân Tống đang chuẩn bị xua quân xâm lược, phía Nam quân Xiêm cũng đang chuẩn bị binh lực để phục thù thì những quyết sách của Dương Vân Nga lúc đó là hết sức sáng suốt, thông minh và đầy trách nhiệm vì lợi ích của dân tộc. Việc làm của bà đã đưa dân tộc Đại Việt vượt qua thời khắc hiểm nghèo trước họa xâm lăng, giữ vững sự toàn vẹn bờ cõi. Rõ ràng, hành động của Thái Hậu Dương Vân Nga lúc đó xứng đáng được tôn vinh Anh hùng dân tộc.
3. Hoàng hậu Dương Phương Hoài
Theo Dương tộc ký sử, Dương Phương Hoài là Hoàng hậu vua Lý Nhân Tông. Dương Phương Hoài có người em là Dương Công Khanh (tước Sùng Hiển hầu) là Quận công của vua Lý Nhân Tông. Vua Lý Nhân Tông không có con trai nên đón cháu là Dương Hoán lúc mới 2 tuổi, con của Dương Công Khanh làm con nuôi, lập Thái tử. Trước khi mất, vua Lý Nhân Tông truyền ngôi vua cho Dương Hoán, lấy hiệu là Lý Thần Tông. Dương Hoán ở ngôi 11 năm (1128 – 1138). Con Lý Thần Tông là Thiên Tộ lên ngôi làm vua, hiệu là Lý Anh Tông, là người lập bản đồ đầu tiên cho nước Đại Viêt…
Việc Nhà Lý lập Dương Hoán làm Thái tử và sau đó chuyển ngôi cho Dương Hoàn, hiệu Lý Thần Tông là sự việc ít xảy ra trong xã hội phong kiến. Vì trong thực tiễn, việc chuyển ngôi vua cho một người khác họ thường rất phức tạp trong nội chính, thậm chí có lúc xảy ra trả thù đẫm máu lẫn nhau. Nhưng việc Lý Nhân Tông chuyển ngôi vua cho Dương Hoán được diễn ra trật tự, hòa bình. Sau đó, Lý Thần Tông – Dương Hoán vẫn lãnh đạo đất nước theo trật tự của Nhà Lý.
Để có được sự chuyển giao cho Dương Hoán làm vua, không thể không nói tới sự sắp xếp, đạo diễn rất xuất sắc của Hoàng hậu Dương Phương Hoài. Người quyết định việc chuyển giao là vua Lý Nhân Tông nhưng để cho trong ấm ngoài yên, Hoàng hậu Dương Phương Hoài đã có công lớn trong vận động, thuyết phục các cận thần. Cho nên, chín đời vua Lý trải qua 215 năm thì đã có năm đời do người Họ Dương đảm nhiệm, mở đầu là vua Lý Thần Tông – Dương Hoán, đến cuối cùng là Lý Chiêu Hoàng, trị vì tất cả 97 năm.
Những Hoàng hậu người Họ Dương trong thời kỳ lập quốc trên đây đã làm rạng rỡ non sông Đại Việt. Công trạng của các Bà đánh dấu những mốc son chói lọi trong hành trình dựng nước và giữ nước bi tráng của dân tộc. Con cháu Họ Dương ngày nay rất đỗi tự hào về Dòng tộc, về những người phụ nữ Họ Dương. Nguyện nắm chặt tay nhau, đoàn kết, để xây dựng Dòng tộc ngày càng phát triển, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhìn lại những tấm gương phụ nữ tiêu biểu của Họ Dương, không thể không rưng rưng xúc động nghĩ rằng:
Bao nhan sắc nghiêng thành nghiêng nước
Bao tài năng tỏa sáng giang sơn
Những Hoàng Hậu Họ Dương thuở trước
Vẫn lung linh trong gió cả, sóng cồn.
Những vinh hạnh, oan khuất mờ tỏ
Ai biết đời sau minh định được gì?
Vì giang sơn, đấy là điều cao cả
Non sông vững bền, mới thấu nỗi nữ nhi!
Dương Thanh Biểu