Từ sân khấu múa… sang sân khấu rối
Nghệ sĩ Dương Văn Học là học viên khóa đầu tiên của Trường Múa Việt Nam (năm 1959), ông đã có nhiều năm gắn bó với sân khấu múa. Ông cho biết bước ngoặt của cuộc đời mình là vào năm 1984, sau khi tốt nghiệp đại học lớp biên đạo múa xong, có người giới thiệu ông đến Nhà hát múa rối Trung ương ở đường Trường Chinh, bởi ở đây đang cần người viết kịch bản múa rối. Hiệu trưởng Trường sân khấu Điện ảnh lúc bấy giờ là thầy Nguyễn Đình Quang động viên ông, khẳng định rằng mặc dù ông không được đào tạo bàn bản về rối nhưng chắc chắn sẽ theo được nghề này.
Từ đó ông lao vào tìm tòi, nghiên cứu tất cả các tài liệu liên quan đến rối. Ông nhận ra được múa rối là một môn nghệ thuật mang tính kỳ và tính ngộ, con rối có thể làm được những động tác như con người và làm được những động tác mà con người không làm được, đồng thời nó là sự trong sáng ngây ngô, hóm hỉnh và hài hước đến tức cười rất phù hợp với tâm lý trẻ em.
Lúc đầu, ông chỉ đảm nhận vai trò viết kịch bản, xây dựng các tiết mục múa rối, nhưng rồi vì đam mê với nghề, ông đã dấn thân lên sân khấu biểu diễn. Thời bấy giờ, các tiết mục múa rối ở Việt Nam thường do nhiều người cùng diễn. Theo nghệ sĩ Văn Học, khi đất nước mở cửa, qua sách báo, băng đĩa của nước ngoài mà bạn bè mang về, ông thấy rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài trình bày múa rối độc diễn (một mình diễn cả tiết mục), ngay lúc đó ông đã nghĩ đến việc xây dựng các chương trình múa rối độc diễn ở Việt Nam.
Thành công muộn màng
Giám đốc Nhà hát múa rối là người đã từng đi du học ở Tiệp Khắc về, khi nghe nghệ sĩ Văn Học trình bày dự án về làm múa rối độc diễn ở Việt Nam, đã can ông rằng: “Anh Học ơi! anh lãng mạn lắm, ở Việt Nam không ai làm được rối độc diễn này đâu!”.
Để chứng minh bản thân mình và để khẳng định có thể làm rối độc diễn, trong 2 năm 1990-1992, ông chạy đôn chạy đáo khắp nơi, bán hết vốn liếng và tài sản, đầu tư cho rối. Cùng lúc ông phải đảm nhiệm viết kịch bản, làm nhạc, nhờ họa sĩ làm con rối theo ý mình, tập điều khiển rối… Mỗi lần nghĩ ra một tiết mục mới ông lại gọi vợ con đến xem thử, đoạn nào vợ con cười nghiêng ngả là thành công, còn nếu họ nhíu mày thì ông phải xem xét lại. Đến năm 1992, ông có buổi biểu diễn báo cáo ở Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa – Thông tin), buổi diễn này rất thành công và gây được tiếng vang lớn. Sau đó, ông đã đi biểu diễn gần như tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc. Điều khiến nhiều người nhắc đến ông không chỉ là kỹ năng biểu diễn điêu luyện, mà còn bởi ở nhiều tiết mục ông đã lồng vào đó những triết lý nhân sinh sâu sắc.
Với niềm đam mê đặc biệt dành cho múa rối, không lâu sau, nghệ sĩ Văn Học đã giới thiệu đến công chúng những tiết mục múa rối độc diễn mới lạ như: Thuyền trên sông, Cái chết của con thiên nga, Keo vật cuộc đời, Cô gái hay nhện, Những con rối…
Tại Liên hoan Múa rối toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức năm 1994, khi nghệ sĩ Văn Học 54 tuổi, ông mới đoạt giải A – Huy chương Vàng ở tất cả các hạng mục nghệ sĩ độc diễn, tác giả, đạo diễn… Đây là thành công muộn màng của người nghệ sĩ, nhưng lại là tiền đề để những tiết mục rối độc diễn của ông thăng hoa hơn nữa, bay cao bay xa hơn nữa ở Việt Nam và thế giới. Thời bấy giờ chưa có mạng internet, việc ông đoạt giải tại Hội diễn toàn quốc được báo chí đưa tin rầm rộ, nổi tiếng trong và ngoài nước, kể từ đó, ông đi biểu diễn khắp thế giới.
Tính đến nay, nghệ sĩ Dương Văn Học đã lưu diễn tại 45 quốc gia trên thế giới. Nhiều vở độc diễn được khán giả các nước như: Pháp, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Bỉ, Hy Lạp, Hà Lan… đón nhận nồng nhiệt. Đến bây giờ, ông vẫn không quên những kỷ niệm trong những chuyến lưu diễn. Một lần, một khán giả vì quá thích tiết mục của ông nên đã ngỏ ý mua con rối với giá rất cao, nhưng ông một mực từ chối. Ông nói: “Nếu ông muốn thì khi về Việt Nam tôi sẽ làm con khác tặng ông. Còn con rối này là người bạn của tôi rồi. Người Việt Nam chúng tôi không bao giờ bán bạn của mình…”.
Mãi khắc ghi lời dạy của Bác Hồ
Nghệ sĩ Văn Học cho biết: “Năm 1956, đoàn múa rối của Tiệp Khắc sang Việt Nam biểu diễn. Sau khi xem đoàn múa rối biểu diễn, Bác Hồ kính yêu ra chỉ thị thành lập ngành rối Việt Nam năm 1956: “Cần có Đoàn Múa rối chuyên nghiệp để các cháu thiếu nhi thêm niềm vui, thêm tiếng cười’, bởi vào những năm 56, đất nước mới hòa bình, thiếu thốn đủ thứ. Chúng tôi lĩnh hội lời dạy của Bác Hồ, rằng các cháu thiếu nhi đã thiếu thốn vật chất, nhưng không được để các cháu thiếu thốn về tinh thần”.
Khắc ghi lời dạy của Bác, từ đó về sau các chương trình múa rối của ông luôn lấy tên là “Vì nụ cười trẻ thơ”, “Vì nụ cười trẻ thơ 1”, “Vì nụ cười trẻ thơ 2”… để mang lại niềm vui và tiếng cười cho thiếu nhi như lời Bác Hồ căn dặn.
Mặc dù là nghệ sĩ múa rối cạn độc diễn, nhưng ông chưa bao giờ cảm thấy đơn độc trên con đường mình đã lựa chọn. Ông đã trình lên Vụ Giáo dục mầm non thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Dự án “Dạy trẻ bằng con rối – cho bé học mà chơi”. Từ đó trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2003, 63 tỉnh, thành phố đều mời ông đến dạy cho giáo viên mầm non cách làm rối, cách diễn rối và làm thế nào để hấp dẫn trẻ. Ông tự biên soạn ra 4 quyển sách, quyển đầu tiên là “Hướng dẫn cách làm và dạy múa rối cho trẻ thơ” và 3 quyển kịch bản múa rối cho giáo viên. Ông đi khắp các tỉnh, thành để truyền niềm đam mê cho giáo viên và học sinh. Ông cho biết đó chính là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ, khi được gặp và giao lưu với trẻ thơ.
Chiếc bảo tàng nhỏ và hoài bão lớn
Sau bao năm rong ruổi trong và ngoài nước với những chuyến biểu diễn, nghệ sĩ Dương Văn Học chọn Nha Trang làm điểm dừng chân. Trong căn nhà ở số 92 Dương Hiến Quyền – Nha Trang, ông đã dành một căn phòng rộng chừng 40m2 để làm Bảo tàng nghệ thuật múa rối độc diễn đương đại duy nhất tại Việt Nam, được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép hoạt động.
Bảo tàng trưng bày khoảng hơn 120 con rối lớn nhỏ với các thể loại khác nhau như: Rối dẹt, rối tay, rối dây, rối mặt nạ, rối hình nộm…, chiếm đa số là các con vật và hình tượng các dân tộc Việt Nam, do chính tay nghệ sĩ Văn Học làm trong mấy chục năm qua và đã được ông biểu diễn khắp nơi trong nước cũng như ở 45 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày nhiều hình ảnh, báo và tạp chí viết về nghệ thuật múa rối độc diễn của nghệ sĩ Văn Học, các đầu sách về múa, múa rối do chính ông viết.
Ông cho biết trong số các con rối ở đây có đến 90% do ông tự tay thiết kế và lên ý tưởng. Ông coi những con rối như những người bạn tri kỷ và trăn trở về số phận của từng con rối. Có những con rối ông phải làm 4-5 lần mới đúng ý tưởng. Rối có thể làm từ rất nhiều chất liệu như: Gỗ, xốp, mây tre đan. Có những chú rối được ông tạo hình từ chiếc gầu trần, rổ tre nhỏ, mẹt… rồi tự tay thiết kế, may trang phục và “trang điểm” cho rối. Khi đã có trong tay những chú rối rồi, ông bắt đầu xây dựng ý tưởng kịch bản, lựa chọn rồi cắt ghép âm nhạc, lồng tiếng động cho những vở diễn của mình.
Nghệ sĩ Văn Học chia sẻ, du khách vào tham quan bảo tàng của ông sẽ được xem trực tiếp biểu diễn múa rối độc diễn. Ông quan niệm rằng nếu những con rối chỉ mãi trưng bày trong tủ kính thì sẽ không có giá trị, sẽ chết, nó phải được trình diễn, đem lại cảm hứng cho người xem, như thế mới có giá trị.
Khi được hỏi về lý do làm bảo tàng, ông cho biết: “Tất cả đều miễn phí. Tôi chỉ mong muốn góp phần gìn giữ, giới thiệu đến đông đảo người dân và du khách một loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Ngoài ra, không có lý do gì cả”.
Đau đáu tìm truyền nhân
Tôi tình cờ có cơ duyên được gặp ông – nghệ sĩ Dương Văn Học tại sự kiện “Tết thiếu nhi – Cùng con khám phá di sản” do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức. Lúc tôi đến, người nghệ sĩ già ấy đang ngồi trầm ngâm, ánh nắng tinh nghịch nhảy nhót trên mái tóc bạch kim trắng như cước và trên cả khuôn mặt hồng hào khỏe khoắn của ông. Ông lặng lẽ nhìn con trẻ chơi đùa với những con rối, thảng hoặc khuôn miệng khẽ nhếch lên theo từng tràng cười giòn tan của lũ trẻ nhỏ đang ríu rít ở dưới, đôi mắt ánh lên những tia nhìn rạng rỡ. Tôi thấy được ở đôi mắt đó niềm tự hào, niềm vui và hạnh phúc, nhưng phảng phất đâu đó là nỗi buồn đến mênh mang… Bởi như ông nói, ông đang cống hiến nốt quãng đời còn lại của mình cho múa rối; bởi như ông nói, ông sợ một mai những con rối này sẽ “chết”, sẽ bị lãng quên ngay khi ông rời đi; bởi như ông nói, ông không có người kế nghiệp….
Khi được ngồi nói chuyện với nghệ sĩ Văn Học, chỉ có đúng 2 lần tôi thấy ông rơi nước mắt. Một lần là khi nhắc tới bố mẹ ông và tuổi thơ cơ cực ngày bé. Và lần thứ hai là khi được hỏi về người kế nghiệp, ông nói: “Con trai tôi từng theo học nghề nhưng cũng bỏ giữa chừng. Bây giờ lớp trẻ không mặn mà lắm với nghề này, nên rất khó để nối nghiệp”.
Được biết tới đây, ông sẽ chuyển giao tất cả những con rối trong bộ sưu tập của mình cho Bảo tàng Dân tộc học, bởi ông tin rằng bảo tàng sẽ lưu giữ thật tốt những người bạn tri kỷ của ông. Đồng thời ông cũng yêu cầu Bảo tàng cam kết bảo quản tốt, không để những người bạn của ông trở thành “những con rối chết”.
Năm nay nghệ sĩ Văn Học đã 83 tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh, đặc biệt khi được vui chơi cùng các cháu thiếu nhi, nụ cười của ông càng trở nên rạng rỡ hơn bao giờ hết. Chào ông ra về, trong đầu tôi vẫn còn văng vẳng lời dạy của ông về đời người: “Cuộc đời như là một sân khấu rối và mỗi chúng ta cũng chỉ là những con rối trên đời mà thôi… Thế đấy”. Kính chúc ông thật nhiều sức khỏe, để tiếp tục mang tới nhiều hơn nữa niềm vui và tiếng cười cho trẻ thơ.
Nghệ sĩ Dương Văn Học sinh năm 1940 tại Hà Nội. Ông đã giành được giải thưởng danh giá như: Huy chương Vàng tại Liên hoan Múa rối toàn quốc 1994; Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam các năm 1994, 2000; Giải thưởng của Quỹ Văn hóa Việt Nam – Thụy Điển; Giải thưởng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và nhiều giải thưởng, bằng khen tại các sân khấu múa rối quốc tế.
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân