LƯỢC SỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
- 08/04/2016
- Ban Thông tin truyền thông
Tĩnh Vương Trịnh Sâm (1739 – 1782) có 3 bà phi:
Chính phi: Hoàng Thị Ngọc Phương, quê ở Linh Đường, Thanh Trì, Hà Nội (Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày nay). Bà có 2 công chúa: Công chúa Ngọc Anh và Công chúa Ngọc Lan. Công chúa Ngọc Anh, Chúa Trịnh Sâm đã gả cho Đường Trung hầu Bùi Thế Toại – con trai cả Đoan Quận công Bùi Danh Đạt là trấn thủ Nghệ An.
Thái phi: Dương Thị Ngọc Hoan, quê làng Long Phúc, huyện Thạch Hà, sinh được một con trai là Trịnh Khải (Trịnh Tông) tức Đoan Nam vương.
Tuyên phi: Đặng Thị Huệ, quê Phù Đổng, Tiên Du, Bắc Ninh nay là Gia Lâm, Hà Nội. Có một con trai là Trịnh Cán, tức Điện Đô vương.
Bà Dương Thị được tuyển vào cung, sau một đêm nằm mơ thấy một vị thần đem cho một tấm đoạn có vẽ đầu rồng. Bà không hiểu đó là điềm gì, hỏi viên quan hầu là Khê Trung hầu, vị này biết chắc là điềm sinh thánh. Đêm hôm sau, Chúa cho mời cung tần Ngọc Khoan vào hầu. Khê Trung hầu cố ý giả nghe lầm, đưa ngay Thái phi Ngọc Hoan đến. Thấy nàng Chúa có vẻ không bằng lòng, nhưng đã chót cho gọi đến, không nỡ đuổi ra. Sau đó, Chúa có trách mắng Khê Trung hầu. Khê Trung hầu cúi đầu tạ tội, đoạn thuật rõ đầu đuôi câu chuyện Thái phi nằm mơ cho Chúa nghe. Chúa Trịnh Sâm nín lặng, không nói rõ sao cả. Sau đó, Thái phi có thai và sinh một con trai năm Quý Mùi 1763, cùng tuổi Mùi với Chúa là Trịnh Khải, Chúa nghĩ: Đầu rồng có khí tượng làm vua, chúa nhưng là rồng vẽ, không phải rồng thật, mà lại chỉ có đầu, không có đuôi, chưa hẳn là điềm tốt. Do đó Chúa có ý không vui. Các quan văn, võ vào chúc mừng, Chúa lấy cớ rằng không phải là vợ cả đẻ ra, từ chối, không nhận lời mừng, dù khi Thế Tử Tông đã lớn dung mạo rất khôi ngô, tuấn tú mà chúa cũng chẳng yêu chiều.
Tính Thế tử ham võ nghệ, không thích học hành, năm lên 7 tuỏi, Chúa sai Nguyễn Khản – Tiến sĩ năm Canh Thìn (1760), và Trần Thản – Tiến sĩ khoa Kỷ sửu (1769) để rèn luyện tập cho Thế tử, ít lâu sau, Trần Thản chết. Còn Khản đang được Chúa tin dùng lại bận nhiều việc nên việc dạy dỗ Thế tử không được chu đáo, điều này Chúa cũng biết và lại không được đồng lòng.
Trong lúc đó, tiếng sét ái tình đã nổ ra với nữ tì Đặng Thị Huệ, người quê Phù Đổng, Tiên Du, Bắc Ninh (nay là Gia Lâm, Hà Nội). Huệ mắt phượng mày ngài, vẻ người mười phần xin đẹp, Chúa thấy rất bằng lòng. Huệ không những đẹp người, lại còn giỏi Hán Nôm và đàn hát, khác với lệ thường, Đặng Thị Huệ được ở cùng một nơi với Chúa. Trở thành đội tri kỷ, được đàm đạo với Chúa nhiều việc rất ăn ý. Về sau Đặng Thị Huệ được phong là Tuyên phi. Năm 1788, Tuyên phi sinh con trai là Trịnh Cán.
Thấy không được yêu quí, Thái phi xin Chúa mở một hành cung trên đường Vua và Chúa vào Tử trầm luyện võ, luyện quân. Chỗ đất ấy cạnh Quốc lộ 6, giữa 2 thôn Do Lộ và Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa ngày nay. Trên đường thượng đạo về huyện Chương Đức xưa.
Thái phi thưa rằng:
– Xin chúa cho mở 1 cung nhỏ ven đường Thượng Đạo, làm nơi nghỉ chân của Chúa mỗi khi người qua đây du ngoạn về phía Tây – Nam kinh thành. Vả lại Yên Nghĩa lại gần nơi quê nhà của Thái Phi Nguyễn Thị Ngọc Phụng, đời Khang vương Trịnh Căn là Tam Lộ – Ngũ Lãm (Tam Lộ là 3 làng Yên Lộ, Nghĩa Lộ, Do Lộ; Ngũ Lãm là 5 làng: Thanh Lãm, Quãng Lãm, Bắc Lãm, Đông Lãm và Thắng Lãm còn gọi là Tổng Xóm). Vùng này rất giỏi về hát ả đào, thiết lập một giáo phường ả đào, để mỗi khi Chúa qua đây thưởng thức sẽ làm đẹp ý người.
Nói đến Ả đào, thứ nghệ thuật mà Tĩnh vương và nhiều bầy tôi thường say mê, mà thơ của chúa đã được thể hiện trong nhiều bà ca trù nổi tiếng ca tụng. Ví như các điệu Thổng trong 5 khúc thiên thai của Tào đường … Tĩnh vương đồng ý ngay.
Chúa sai Nguyễn Khản là cận thần vẽ kiểu, đưa thợ về Nghĩa lộ xây dựng cung thất. Tuy nhỏ nhưng hành cung cũng đủ: Sảnh đường, phòng thất, nội tẩm cho Thái phi, đông cung cho Thế tử, nhà học văn, luyện võ, nhà hát nhà ở cho đào nương, người ở, nơi ăn ở của cung tần nội giám, nơi ở của thầy dạy học cho Thế tử là Nguyễn Khản, Trần Thản… công trình như một Phủ Chúa thu nhỏ.
Khu ao Vạc cạnh làng Tuân, được xây dựng thành hồ sen, thuyền rồng có thể bơi được, giữa là thủy đình, khuôn viên được trồng rất nhiều loại cây, cỏ lạ và chim thú quí hiếm. Cảnh trí tuy xa nơi đô hội nhưng phóng khoáng, đầy thi vị, đã làm đẹp lòng Chúa, người vốn thích lãng du, giỏi thơ văn, tức cảnh.
Sống ở đây, còn có ý khác nữa là Thái phi biết Chúa chưa bao giờ yêu mình thực sự. Tình yêu ấy Chúa đã trao cho Đặng Thị Huệ, sớm muộn cũng sinh chuyện không hay cho hai mẹ con bà. Nay lánh đi một nơi, nuôi dạy con khôn lớn, may có thể tránh được chuyện thị phi….
Và từ đó tiếng hát ả đào vang lên suốt cả ngày và vào các đêm trăng thanh gió mát. Khi thì có các cuộc trình diễn ở Thủy Đình mỗi khi Chúa ngự về hay lúc hội hè. Các đào nương ở vùng Tam Lộ – Ngũ Lãm được phô diễn tài năng ca trù cảu vùng quê danh tiếng.
Từ đây nhiều giáo phường ca trù được lập ra, phát triển rất mạnh như Giáo phường họ Nguyễn Văn ở Yên Lộ có câu ca: “Tiếng đàn Phó Liễu, giọng hát nàng Oanh, cây héo lại xanh, người già trẻ lại”. Vùng đất ca trù phát triển rộng ra các nơi như Nhân Trạch, Mai Lĩnh, Thanh Thần, Kim Bài, Mai Cát, Quán Cốc, Đồng Trữ, An Lạc, Phương Viên, Đào Nguyên, Phượng Cách…
Thái phi Dương Thị còn tậu hơn 30 mẫu ruộng để cấp cho những người đi lính gọi là “Binh điền”, và cấp cho học trò được đi thi Hương, thi Hội, thi Đình gọi gọi là “Học điền”.
Từ khi Thái phi về xây dựng nơi đây, nhiều công trình công cộng kinh tế, giao thông, đình chùa, văn hóa, được mở mang. Nhân dân địa phương rất ơn Bà. Làng Nghĩa Lộ (Yên Định) vẫn giữ Húy kỵ của bà với 3 tuần tế tại đình và ngày 15/02 Âm Lịch.
Do sự nông nổi của Trịnh Khải, ở vụ án năm Canh Tý 1780, Trịnh Sâm nổi giận toan chém Trịnh Khải. Triều thần hết sức can ngăn, Chúa bèn giáng xuống làm con út và lập Trịnh Cán, con trai Truyên phi Đặng Thị Huệ lên ngôi Thế tử lúc 5 tuổi. Điều mà bà Thái phi lo từ trước đã xảy ra. Khi chúa Trịnh Sâm mất (1782), Trịnh Cán nối ngôi, Đặng Thị Huệ nhiếp chính, Triều thần không phục, phế bỏ Cán, lập Trịnh Khải làm Chúa, đây là thời kỳ rối ren hủy hoại gia phong, pháp luật dẫn đến suy vong của vương triều sau đó. Bà ốm nặng và qua đời sau đó. Mộ bà táng ở khu rộng “Trũng Táo” là khu ruộng và của làng Do Lộ (Tuân), giáp với làng Nghĩa Lộ. Hiện nhân dân ở đây vẫn gọi khu đồng này là khu mộ bà Chúa.
Khi Nguyễn Hữu Chỉnh phản bội Nhà Trịnh, theo Tây Sơn, đem quân đánh Trịnh Khải. Chỉnh đã cho người triệt phá phủ đề của Chúa Trịnh ở đây thành bình địa. Chúa Trịnh Khải chạy lên vùng Sơn Tây. Nhiều người họ Trịnh ở đây lo sợ bị trả thù, đã đổi sang họ khác để tồn tại.
Cuối năm 2006, do Nhà nước lấy đất ở khu mộ của bà Thái phi làm Khu công nghiệp. Dân làng Nghĩa lộ đã đưa, rước mộ bà và nhà tưởng niệm của thôn. Quá trình di chuyển, ngôi mộ được giữ nguyên, không bật nắp ván thiên. Đã phải dùng xe cẩu để đưa toàn bộ áo quan cùng quách bằng bột đá trộn muối, mật lên mặt đất. Lễ đưa rước được tổ chức hết sức long trọng. Mộ được xây kiên cố với diện tích 12m2, vị trí trang trọng, bên trái nhà Tưởng niệm. Ban Liên lạc họ Trịnh tỉnh Hà Tây có mặt kịp thời và có tham gia cùng dân làng trong quá trình xây dựng mộ bà trong khu tưởng niệm.
Hiện Di tích của cung phủ bà Chúa còn nhiều như các hiện vật bằng đá, các câu đối, hoành phi… ở rải rác các gia đình, nhà thờ họ Lê, nhà thờ chi họ Đại tướng Lê Trọng Tấn….
Trường lưu Hát thủy Lê gia phái
Bán nguyệt liên hồ Trịnh tích di.
Nghĩa: Họ Lê dài lâu như dòng sông Hát, hồ sen bán nguyệt (kia) là di tích Phủ Trịnh.
Đây là một di tích nhà Trịnh có thể nói là gần đây nhất đã được xác định, tôn tạo và được thờ cúng tôn nghiêm ở Yên Nghĩa, thành phố Hà Đông. Địa điểm sát cạnh Kinh đô Thăng Long xưa.
Sưu tầm và biên tập: Dương Phúc Hiệu
BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved
Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com