Chiến sĩ cảm tử Dương Văn Bé (1927-1947) – người lao bom diệt bốt Vĩnh Tuy
- 31/03/2017
- Ban Thông tin truyền thông
- 12412
Trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hình ảnh các chiến sĩ cảm tử ôm bom ba càng diệt xe tăng địch trên đường phố đã trở thành biểu tượng cao đẹp của tinh thần hy sinh “Thà chết chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của quân dân Thủ đô.
Nhưng ôm bom diệt bốt địch là chiến công “Độc nhất vô nhị” của chiến sĩ Dương Văn Bé thuộc Đại đội 3, quận 6, Mặt trận Hà Nội đầu năm 1947.
Anh hùng LLVTND – Liệt sĩ Dương Văn Bé (1927-1947)
Tôi viết bài này dịp kỷ niệm 60 năm Hà Nội mở đầu kháng chiến toàn quốc, khi các nhân chứng của Đại đội 3 và bà Dương Thị Lộc còn minh mẫn; việc thẩm định, xác minh sự kiện rất công phu, tỉ mỉ. Ba cuộc tọa đàm xác minh tư liệu với các nhân chứng đã được tổ chức ở nhà ông Dương Văn Thắng, chính trị viên Đại đội, sống tại phường Vĩnh Tuy.
Kỷ niệm 70 năm kháng chiến Toàn quốc, bà Dương Thị Lộc vẫn còn sống, nhưng và nhiều cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ở mặt trận Vĩnh Tuy đã mất, bài viết được nhuận sắc, bổ sung thêm tư liệu mới, tri ân Anh hùng LLVT Dương Văn Bé và tự vệ Vĩnh Tuy cùng cán bộ chiến sĩ Đại đội 3, quận 6, Mặt trận Hà Nội năm 1947.
*Tuổi thanh niên sôi nổi theo cách mạng.
Thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông đã cho đặt tên vùng đất do tù binh Chiêm Thành khai phá ở phía đông nam kinh thành là Vĩnh Hưng trang. Đất đai làng xóm dần dần trù phú, Vĩnh Hưng Trang có tên mới là Vĩnh Tuy.
Đầu thế kỷ XIX, thôn Vĩnh Tuy Đoài thuộc xã Vĩnh Tuy, tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Năm 1915, xã thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Từ tháng 12 năm 1942 đến tháng 5-1946, xã thuộc Tổng Hoàng Mai, Đại lý Hoàn Long (ngoại thành Hà Nội). Từ tháng 5-1946, cả ngoại thành được chia thành 5 khu: Lãng Bạc, Đống Đa, Đại La, Mê Linh, Đề Thám, thì xã Vĩnh Tuy thuộc khu Mê Linh.
Các chiến sĩ pháo đài Láng chuẩn bị chiến đấu, 19/12/1946.
Gia đình Dương Văn Bé cũng như bao gia đình của làng Vĩnh Tuy sống bằng nghề trồng rau tươi các loại cung cấp cho nội thành. Cuộc sống nghèo khổ đã sớm cướp đi cả Cha-Mẹ của năm anh chị em. Dương Văn Bé, người con thứ hai trong gia đình ở với anh cả Dương Văn Bát và chị dâu Dương Thị Lộc, sau đó vào làm thợ học việc ở xưởng cơ khí Fevreau (Phe-vrô) của tư nhân Pháp ở cảng sông Hồng. Những ngày tháng Tám sôi sục, anh cùng lực lượng thanh niên vũ trang mang giáo, mác, mã tấu dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Dương Ngà, cán bộ Việt Minh, làm nòng cốt cho dân làng vào nội thành tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, chiếm trại Bảo an binh (40 Hàng Bài ) ngày 19-8-1945, sau đó về làng tịch thu ấn triện của lý trưởng. Tháng 10-1945, anh gia nhập Thanh niên Cứu quốc và say mê lao vào các hoạt động tuyên truyền nhân dân chống giặc đói, giặc dốt, bỏ hủ tục của xã hội cũ – cờ bạc, thuốc phiện…, xây dựng đời sống mới, bảo vệ quê hương. Từ sau khi Hiệp định Sơ bộ được ký kết (6-3-1946), thôn Vĩnh Tuy Đoài do ông Dương Văn Hảo làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng đã tăng cường xây dựng lực lượng tự vệ, củng cố mọi mặt góp phần kháng chiến – kiến quốc. Dương Văn Bé tham gia trung đội tự vệ thôn, tích cực luyện tập quân sự, phòng trừ việt gian. Tháng 12-1946, trước những hành động khiêu khích trắng trợn của quân đội Pháp, toàn thành phố gấp rút chuẩn bị kháng chiến. Vĩnh Tuy Đoài nhận lệnh của Uỷ ban bảo vệ khu Mê Linh, vừa tiêu thổ kháng chiến vừa là hậu phương trực tiếp của Mặt trận Liên khu II tại khu vực Đồn Thủy-STAI Quai-cảng Phà Đen. Anh Bé cùng anh em tự vệ ngày đêm đào hào, làm công sự đắp ụ chiến đấu ở dốc Vĩnh Tuy, Lương Yên – Lò Lợn…
Những ngày đầu kháng chiến ở Hà Nội, 12-1946
Từ đêm 19-12-1946 đến cuối tháng 12-1946, anh luôn luôn xung phong đi chiến đấu và phục vụ cho các chiến sĩ thuộc tiểu đoàn 212 và các pháo thủ đóng ở lò bát Thanh Trì đánh vị trí Đồn Thủy, STAI Quai, giữ vững trận địa Lương Yên – Lò Lợn -6 Vĩnh Tuy trước những đợt tấn công của địch. Trong sổ ghi chép, xác minh sự kiện đánh bốt Vĩnh Tuy vẫn còn lưu những dòng tốc ký khi nghe bà Dương Thị Lộc, chị dâu liệt sĩ Dương Văn Bé kể “ông Bát nhà tôi và chú Bé cứ đi suốt, lăn lộn ngoài cảng với bộ đội. Chúng tôi ở trong tổ tiếp tế phải gánh cơm lên tận rặng ổi Thanh Lương (nay là ngõ 121 phường Thanh Lương). Gian khổ nhưng mà vui lắm.
Hòng chọc thủng sườn mặt trận Hà Nội ở phía đông nam, chiếm bằng được Vĩnh Tuy từ đó thọc ra Chợ Mơ – Ngã Tư Vọng, mờ sáng 15-1-1947 (tức 24 tháng Chạp năm Bính Tuất, 1946), địch huy động cả thủy-lục-không quân đánh chiếm mặt trận Vĩnh Tuy, đốt sạch, phá sạch; làng xóm trơ trụi, tan hoang, gần 100 người dân bị giết dã man, nhiều chiến sĩ vệ quốc đoàn và tự vệ Vĩnh Tuy Đoài đã hi sinh ngay trên trận địa. Sau này, trở lại làng, các gia đình lấy ngày đau thương này là ngày giỗ chung, nhắc nhở con cháu không quên tội ác của bọn thực dân tàn bạo.
*Cảm tử lao bom, đánh bốt Vĩnh Tuy
Chiếm được Vĩnh Tuy Đoài, địch cho một trung đội lính da đen trên 30 tên do tên quan Hai chỉ huy, đóng tại ngôi nhà hai tầng của cụ Cửu Đối và biến nhà thành bốt gác khá kiên cố. Bốn phía khu nhà chúng đặt 4 ụ súng máy, trọng liên 12,7 ly. Tầng 2, chúng đặt 4 khẩu trung liên; rào tre đắp bao cát thành ụ cao xung quanh nhà để phòng vệ. Lúc này, lực lượng tự vệ của khu Mê Linh và Đề Thám rút ra ngoài xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì), phiên chế thành 3 đại đội của Quận 6 do đồng chí Tiến Đức làm Quận đội trưởng. Đại đội 3 có 120 chiến sĩ gồm ba trung đội (635,637,639) do đồng chí Nguyễn Quốc Hùng làm Đại đội trưởng, đồng chí Dương Văn Thắng làm chính trị viên. Những chiến công vang dội của dân quân du kích Thủ đô ở Cự Đà, Khúc Thuỷ (Thanh Oai) làm nức lòng các chiến sĩ Quận 6. Đồng chí Lâm Văn Son, Quận đội phó quyết định đánh bốt Vĩnh Tuy Đoài, một vị trí quân sự quan trọng của địch kiểm soát cả vùng rộng lớn ven sông Hồng, án ngữ cả đường bộ và đường thủy vào Lò Lợn, Ô Đông Mác, Phà Đen, Đồn Thủy. Nhiệm vụ quan trọng này được Quận đội giao cho Đại đội 3. Dưới ánh đèn dầu của nhà dân ở làng Lạc Thị, xã Vĩnh Quỳnh, Ban chỉ huy Đại đội chụm đầu bàn cách đánh; cuối cùng, chọn cách một chiến sĩ dùng bom công phá, sau đó, 2 trung đội phục sẵn, cách bốt 100m xung phong đánh giáp lá cà, tiêu diệt địch, chiếm bốt. Nhưng chọn ai làm nhiệm vụ cảm tử? Tại sân nhà cụ Phó Ban, các chiến sĩ nghe quán triệt chủ trương của Quận đội hưởng ứng phong trào thi đua “Luyện quân lập công”, ai ai cũng nức lòng muốn lập công dâng Bác. Ngay sau đó, Dương Văn Bé, chiến sĩ trong tổ quân báo và Nguyễn Văn Năm, chiến sĩ của tiểu đội 3, trung đội 637 vốn quê Yên Sở cùng xung phong ôm bom, phá bốt. Nhớ lại sự kiện để lại kỷ niệm sâu sắc trong đời mình, ông Dương Văn Thắng xúc động kể: “Tôi và Bé là cháu dì cháu già, tôi hiểu tính Bé lắm. Anh rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Anh nói: Để tôi ôm bom vào đánh bốt trả thù cho dân làng Vĩnh Tuy bị địch sát hại ngày 15- 1-1947. Vả lại, Bé ở trong tổ quân báo rất thuộc đường vào bốt Vĩnh Tuy nên chúng tôi quyết định chọn Bé là chiến sĩ cảm tử.
Trận địa chống xe tăng Pháp tại Trại Găng, Hà Nội, 1946.
Ngày 9/4/1947, đúng 9 giờ tối, lực lượng đánh bốt xuất quân từ nhà cụ phó Ban làng Lạc Thị qua Văn Điển, Sở Thượng, Khuyến Lương, Nam Dư hạ, Đông Thiên. Để vác quả bom nặng 10 kg, một đầu có kíp nổ, đầu kia có ba cánh, ông Ban khàn nghĩ ra sáng kiến làm rọ tre dài có cán dài khoảng 1m, nhốt quả bom vào rọ mà vẫn an toàn trên đường hành quân. Đến vị trí tập kết là quán bánh ở đầu làng Vĩnh Tuy Đoài, cách bốt khoảng 400m, Đại đội trưởng Quốc Hùng ra lệnh cho trung đội 637 bố trí quân phía đông nam bốt, cách 70-80m, hỗ trợ cho tổ xung kích. Trung đội 639 án ngữ các mũi tiến quân của địch ở STAI Quai, Đồn Thuỷ, Chợ Mơ phải ém quân ở ngã ba dốc Vĩnh Tuy và rặng ổi Thanh Lương. Đại đội 635 là lực lượng dự bị. Ông Dương Văn Thắng đã kể rằng: “Tổ quân báo do anh Dương Văn Sung dẫn đường cắt rào cho anh Dương Văn Bé chui vào, vượt qua ụ súng, lên cầu thang, lao bom vào phía cửa sổ ở tầng 1. Vài phút sau, ở vị trí tập kết, mọi người nghe tiếng nổ đinh tai và quầng lửa lớn chùm lên bốt, khói cuộn lên mù mịt. Địch hoảng hốt bắn đạn như mưa ra bốn phía. Kế hoạch xung phong vào bốt không thực hiện được. Hơn 2 giờ sáng chúng tôi phải lui quân về đình Lạc Thị”. Ông Dương Văn Sung bổ sung ngay vào câu chuyện: “Nghe tiếng nổ long trời, tôi được lệnh trở vào nhưng nó vãi đạn không sao vào được để biết Dương Văn Bé nằm đâu cõng ra. Vài hôm sau, nghe dân kể lại bốt Vĩnh Tuy Đoài bị sập mảng lớn tường và mái, địch huy động xe về chở khoảng 20 tên chết, bị thương. Sáng ngày 10-4-1947, địch tập trung dân ra đình tra khảo thu dọn bốt. Anh nằm cách bốt không xa, toàn thân đen sạm. Bọn địch dã man bắt dân làng vứt xác anh xuống sông Hồng, không cho chôn. Dân đấu tranh, hôm sau,chúng chỉ cho mai táng anh ở ngoài đê, không được vào nghĩa trang của làng. Gia đình chỉ có em gái là Dương Thị Hồi ra được với anh”.
Ngày 15/4/1947, tại Lạc Thị, Đại đội tổ chức lễ truy điệu Liệt sĩ Dương Văn Bé và phát động các chiến sĩ học tập gương chiến đấu hi sinh anh dũng của người Anh hùng. Trận đánh có tiếng vang và sức cổ vũ lớn đối với quân dân Thủ đô trong những ngày đầu thành phố mới bị giặc chiếm đóng. Sau trận này, địch phải xây bốt trên đê Vĩnh Tuy, không dám để trong làng nữa.
Cũng như các anh Lê Gia Đỉnh ôm bom quyết tử bảo vệ Bắc bộ phủ đêm 19-12-1946, Trần Thành ôm bom ba càng diệt xe tăng địch, bảo vệ trụ sở Bộ Tổng Tham mưu ở 18 Nguyễn Du ngày 23-12-1946, Dương Văn Bé đã nêu tấm gương ngời sáng của thanh niên Thủ đô sẵn sàng nhận lấy cái chết cho quê hương đất nước trong cuộc chiến đấu sinh tử vì độc lập dân tộc. Ghi nhớ chiến công của người chiến sĩ anh hùng, ngày 21/10/1957, Thành đội Hà Nội làm giấy báo tử, sau đó, Bộ Quốc phòng và Thành đội Hà Nội đã trang trọng làm lễ, đưa hài cốt Anh từ ngoài đê sông Hồng vào Nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch tại dẫy 1, khu D2. Ngày 3/3/1958, Nhà nước đã truy tặng Anh Huy chương Chiến thắng hạng Nhất.
Tên anh đã được ghi trong trang sử vàng của quân dân Thủ đô thời kỳ chống Pháp xâm lược.
Với công lao và cống hiến của liệt sĩ Dương Văn Bé đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân theo Quyết định số 212/QĐ-CTN ngày 23/02/2010. Cử tri và nhân dân phường Vĩnh Tuy đã có kiến nghị, đề xuất lấy tên của Liệt sĩ Dương Văn Bé đặt tên cho tuyến đường trên địa bàn phường.
Dương Văn Thành sưu tầm