Cựu chiến binh viết sách hay, đắp tranh, tượng giỏi
- 07/09/2023
- Ban Thông tin truyền thông
- 203
Ông Dương Cao Miên lại có nhiều “tài lẻ” đó là đắp tranh, tượng rất giỏi, nhiều người ngợi khen. Bên cạnh đó, ông Miên còn viết hồi ký về quá trình sống trong quân ngũ, kể lại những khốc liệt của chiến trường.
Tri ân những đồng đội đã ngã xuống
Trong cái nắng oi ả đầu tháng 7, chúng tôi tìm đến nhà ông Dương Cao Miên, SN 1946, ở thôn Hà Hương, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Hỏi người dân về ông Dương Cao Miên, ai cũng biết và chỉ đến nhà ông ở gần trường THPT Liên Hà. Gặp chúng tôi là một người đã gần 80 tuổi, dáng người mảnh khảnh nhưng giọng nói cao, vang.
Sau phút giây trò chuyện làm quen, ông Miên cho biết, năm 1963 khi 17 tuổi ông đã giấu bố mẹ đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự và trúng tuyển. Tháng 4 năm 1963, ông nhập ngũ và được bàn giao cho Trung đoàn Công binh 229, đơn vị đóng quân tại xã Trung Hà, huyện Bất Bạt (tức huyện Ba Vì ngày nay) thuộc tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Sau đó, Đoàn 559 lấy anh em lái xe ở các đơn vị nên ông được chuyển về Đoàn 559 với nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam và Hạ Lào.
“Thời điểm lái xe ở đường Trường Sơn rất khốc liệt, chúng tôi luôn xác định tư tưởng được ngày nào biết ngày ấy. Sau vài lần suýt chết thì tôi bị thương và sức khỏe yếu đi nên năm 1974 tôi được ra quân, kết thúc 11 năm phục vụ trong quân đội”, ông Miên chia sẻ.
Theo ông Miên, khi về thời bình, ông luôn nung nấu viết lại những câu chuyện trong quân ngũ cũng như chiến trường khốc liệt nhưng ông không có thời gian bởi phải chăm sóc, chữa trị cho một người con bị chất độc màu da cam. Đến tháng 3/2021 vừa qua, do ảnh hưởng của Covid-19, mọi người hạn chế đi lại nên ông có thời gian ở nhà nhiều hơn và đã tập trung, chắp bút viết cuốn hồi ký về câu chuyện đời thực trong thời gian quân ngũ. Đến tháng 12/2021, ông Miên hoàn thành cuốn hồi ký này.
“Tôi muốn viết lại câu chuyện của mình để cho con cháu và những cháu mới vào bộ đội xem, biết được quá trình cha ông ta chiến đấu gian khổ, hi sinh ra sao mới giành được độc lập ngày nay. Nhiều khi cái chết cận kề bởi máy bay ném bom B52 đang bay ở trên đầu. Lúc đó, chúng tôi chỉ biết ngồi chờ và xem bom có rơi vào chỗ mình không, may mắn thì sống sót. Đồng thời, tôi viết cuốn hồi ký này với mong muốn tri ân đến những đồng đội của tôi đã nằm xuống ở chiến trường”, ông Miên tâm sự.
Sau khi viết xong bản thảo, ông Miên đã được Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp xuất bản cuốn hồi ký “Mùa hoa lửa”. Cuốn sách này được in nhằm phục vụ cho các chiến sĩ bộ đội đọc cũng như ông gửi tặng bạn bè, người thân, chưa bán ở thị trường.
Đam mê đắp tranh, tượng
Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, ông Miên không làm nghề lái xe mà lại chọn làm nghề đắp tranh, tượng. Điều đặc biệt là ông không học qua trường lớp đào tạo về mỹ thuật hay đắp, vẽ nào mà chủ yếu là do ông đam mê, tìm tòi học hỏi.
Đến giờ, ông Miên không nhớ nổi số lượng công trình ông đã đắp nhưng điển hình có thể nói đến tượng Quan Thế âm Bồ tát và cổng chùa Hà Hương, ông thiết kế và giám sát thi công cổng đình Hà Hương và ngay tại nhà ông cũng có bức họa về phong cảnh làng quê thanh bình, hòn trống mái, cá chép ngắm trăng,…
“Tôi đắp tượng Quan Thế âm Bồ tát ở chùa Hà Hương từ năm 1998 và đắp lầu che năm 2003. Đến năm 2004 tôi bắt đầu đắp cổng chùa Hà Hương và hoàn thành vào năm 2005. Cả 3 công trình trên đều là tôi đắp lần đầu và các công trình này tôi tự thiết kế, tự thi công”, ông Miên chia sẻ.
Theo ông Miên, ngoài công trình ở chùa Hà Hương thì ông còn thiết kế và giám sát thi công tại đình Hà Hương, nơi đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Cổng đình này được xây dựng bằng tiền của và công đức đóng góp của toàn thể Nhân dân trong đó, ông cũng đóng góp một phần nhỏ.
“Tôi mong rằng với cuốn sách “Mùa hoa lửa” của tôi cũng như những công trình tôi đắp đã và đang tồn tại với thời gian sẽ được thế hệ con cháu ghi nhớ cũng như noi theo. Tôi mong mọi người hãy sống, cống hiến và hết mình với niềm đam mê cũng như hãy cho đi để cuộc sống tràn đầy tình yêu thương”, ông Miên tâm sự.
Ông Đinh Công Ty, nguyên Chính ủy Cục xăng dầu, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng – người đóng góp một số ý kiến vào bản thảo “Mùa hoa lửa” đánh giá: “Hồi ký mô tả nhiều tư liệu quý, em Miên viết rất hay”.
Nguồn: Báo kinh tế và Đô thị