Đại sứ Dương Văn Quảng: Từ cây tre, nghĩ về hình tượng Việt Nam thời hội nhập

Bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, PGS.TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore và UNESCO cho rằng, đã đến lúc phải xây dựng một biểu tượng văn hóa của Việt Nam ở thế kỷ XXI và có thể suy nghĩ từ hình tượng cây tre.

Thưa Đại sứ, phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc” tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12 đã nhắc tới “trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam”, Đại sứ suy nghĩ như thế nào về điều này?

– Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dùng hình ảnh cây tre để khái quát nền ngoại giao Việt Nam. Hình tượng cây tre thể hiện triết lý ngoại giao, phương pháp luận ngoại giao, nội dung ngoại giao; đồng thời thể hiện được cái gốc của ngoại giao Việt Nam, xuất phát từ truyền thống cha ông mà cụ thể là truyền thống ngoại giao “tâm công” của cha ông ta.

Bản thân cây tre là văn hóa Việt Nam, với cây tre quan trọng nhất là gốc rễ. “Ngoại giao cây tre Việt Nam” cũng phải bám vào gốc rễ là văn hóa Việt Nam, truyền thống hòa hiếu của ngoại giao Việt Nam-ngoại giao “tâm công” từ xa xưa.

Như vậy, đó là một cái gốc rất bền vững. Cây tre Việt Nam có thể sống được ở mọi miền đất, trên dải triền sông có đất phù sa nhưng cũng có thể sống ở những vùng đất cằn cỗi để nói lên rằng, “ngoại giao cây tre” có thể phát triển, phát huy được vai trò khi đất nước phồn thịnh cũng như khi đất nước gặp khó khăn.

Ngày nay, khi chúng ta đã phát triển đất nước cũng là lúc chúng ta có những điều kiện cần thiết để xây dựng đất nước, “ngoại giao cây tre Việt Nam” sẽ phát triển trên mảnh đất hiện tại, mảnh đất toàn cầu hóa, hội nhập toàn diện.

Nói về thân cây tre và sức sống của cây tre, có thể thấy, cây tre có thể sống trong gió bão, bất kể thời tiết; sống uyển chuyển theo thời cuộc để thấy “ngoại giao cây tre Việt Nam” là một nền ngoại giao có thể thích ứng với thời cuộc, điều kiện, yêu cầu của đất nước đối với nền ngoại giao.

Trong một môi trường như vậy, “cây tre” muốn tốt tươi thì phải tận dụng được những tinh hoa tốt nhất của “mảnh đất nuôi sống mình” cũng như “ngoại giao cây tre Việt Nam” phải tận dụng được tốt nhất những tinh hoa của thời đại hiện nay để phục vụ cho lợi ích quốc gia dân tộc.

Vì vậy, có thể chưa chính thức nhưng hình tượng “ngoại giao cây tre Việt Nam” là một hình tượng đầy đủ để thể hiện, biểu tượng hóa nền ngoại giao Việt Nam ở thời đại hiện nay, có quá khứ, có hiện tại và tương lai.

Là nhà ngoại giao am hiểu sâu sắc về ngoại giao văn hóa, Đại sứ nhận định như thế nào về vai trò của việc lồng ghép văn hóa vào ngoại giao để ngoại giao mang bản sắc văn hóa đậm nét Việt Nam?

– Đã nói ngoại giao thì phải nói đến văn hóa cũng như đã nói đến văn hóa đối ngoại thì phải có ngoại giao trong đó. Ngoại giao và văn hóa có mối quan hệ biện chứng với nhau. Hiện nay, trong quan hệ quốc tế, ngoại giao là một trong 4 trụ cột của phát triển bền vững bên cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Từ năm 1980, Hội nghị cấp cao toàn cầu đã xác định văn hóa là một trong 4 trụ cột của phát triển bền vững, vì vậy, nói ngoại giao là nói tới văn hóa và ngược lại.

Vậy văn hóa là gì của ngoại giao? Văn hóa vừa là nội dung của ngoại giao, vừa là bản chất, công cụ của ngoại giao. Ngoại giao sử dụng văn hóa vì mục đích chính trị, ngoại giao thì gọi là ngoại giao văn hóa; nếu thuần túy là trao đổi văn hóa thì gọi là văn hóa đối ngoại.

Làm thế nào để sử dụng được một cách tốt nhất văn hóa trong ngoại giao? Về vấn đề này, mỗi nước có một cách tiếp cận khác nhau, tùy thuộc vào suy nghĩ và văn hóa. Nhưng dù tiếp cận theo cách nào chăng nữa thì đều phải hiểu rằng văn hóa là một trong những trụ cột của phát triển, công cụ, nội dung của ngoại giao.

Phát triển ngoại giao chính là để phát triển văn hóa. Phát triển văn hóa là quảng bá những giá trị hay nhất, để tạo ra hình tượng đẹp nhất của đất nước ở bên ngoài nhưng đồng thời cũng phải tiếp thu lại tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác. Ngoại giao văn hóa là hai chiều.

Vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế, văn hóa Việt Nam nên chăng cũng cần được lan tỏa hơn nữa trên toàn cầu, thưa Đại sứ?

– Việt Nam có rất nhiều biểu tượng về văn hóa. Nhưng tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một biểu tượng văn hóa của Việt Nam ở thế kỷ XXI, thế kỷ hội nhập. Tôi vẫn chưa có một câu trả lời cụ thể, tuy vậy, tôi cho rằng phải cho thế giới thấy được chiều sâu văn hóa của đất nước, bản sắc văn hóa của Việt Nam xưa và nay; kết hợp ngoại giao hòa hiếu của cha ông để xây dựng lên hình tượng của Việt Nam hiện nay.

Hình tượng này phải thể hiện được bản sắc của Việt Nam, bản chất của thời đại ta đang sống, thể hiện được sự kết nối giữa các nền văn hóa với nhau.

Chúng ta cũng có thể suy nghĩ từ hình tượng cây tre để tạo ra hình tượng của Việt Nam trong thời đại hội nhập quốc tế hiện nay. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, hình tượng Việt Nam là chủ nghĩa anh hùng dân tộc.

Tổng Bí thư đã nói về sức mạnh của Việt Nam: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Từ sức mạnh đó, chúng ta cần tìm ra một hình tượng của Việt Nam ở thế kỷ XXI, bắt rễ ở quá khứ, phát triển ở hiện tại và tương lai.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com