Đề tài cấp bộ do ông Dương Văn Huế làm chủ nhiệm được xếp loại xuất sắc
- 05/12/2024
- Ban Thông tin truyền thông
- 56
Ngày 22/11/2024 Hội đồng Khoa học Thanh tra Chính phủ đã nghiệm thu đề tài cấp bộ do ông Dương Văn Huế, Phó Chánh Văn phòng, Thanh tra Chính phủ làm Chủ nhiệm với kết quả xuất sắc.
Qua kết quả nghiên cứu đề tài cấp bộ “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam”, ông Dương Văn Huế cho biết: công tác tiếp công dân là trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị, với vai trò quan trọng nhất thuộc về các cơ quan hành chính Nhà nước như Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp. Tuy nhiên, pháp luật tiếp công dân hiện nay còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế.
Theo đó, pháp luật hiện chỉ quy định về quyền của người khiếu nại, tố cáo (KNTC) mà không đi kèm với nghĩa vụ tương ứng. Điều này dẫn đến tình trạng một số cá nhân lợi dụng quyền dân chủ để kích động, lôi kéo, tổ chức khiếu nại đông người hoặc vượt cấp. Chưa có chế tài xử lý cụ thể đối với các hành vi này. Chưa quy định rõ ràng về xử lý cán bộ tiếp công dân có hành vi vi phạm pháp luật. Không có mức xử phạt cụ thể cho từng hành vi vi phạm trong hoạt động tiếp công dân.
Bên cạnh đó, quy định về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan tiếp công dân từ Trung ương đến địa phương còn thiếu thống nhất. Các cơ chế phối hợp giữa Ban Tiếp công dân với các cơ quan Đảng trong việc tiếp dân cũng chưa được quy định cụ thể. Chưa có tiêu chí xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC, gây khó khăn trong việc theo dõi, quản lý và giải quyết các vụ việc từ Trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, một số lãnh đạo bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác tiếp công dân. Trình độ và kỹ năng của một bộ phận cán bộ tiếp công dân còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết KNTC chưa cao. Các kết luận thanh tra thường chung chung, xử lý cán bộ vi phạm chưa nghiêm minh.
Theo ông Huế nhận định, nguyên nhân của những bất cập này đến từ cả nhận thức và thực tiễn tổ chức. Lãnh đạo ở nhiều cấp chưa nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng của công tác tiếp công dân. Bên cạnh đó, pháp luật về tiếp công dân còn thiếu đồng bộ và chưa theo kịp thực tế, dẫn đến hiệu quả tổ chức thấp và làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống cơ quan nhà nước.
Ông Dương Văn Huế (ảnh đứng) trình bày kết quả nghiên cứu Ảnh: TH
Để giải quyết các bất cập trên, ông Dương Văn Huế đã đưa ra một loạt các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và tổ chức công tác tiếp công dân.
Theo đó, hoàn thiện pháp pháp luật quy định cụ thể trụ sở Tiếp Công dân trung ương theo hướng là nơi để công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Trung ương hoặc lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương; đồng thời quy định cụ thể các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân phải có trách nhiệm cử đại diện tham gia tiếp dân thường xuyên để tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về nội dung thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức mình tại trụ sở tiếp công dân.
Mặt khác, phải hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh/huyện theo hướng, mỗi tỉnh, thành trực thuộc Trung ương là nơi tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh với tỉnh ủy (huyện ủy), thành ủy (quận ủy, thị ủy), đoàn đại biểu quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh/huyện.
Tại các bộ, cơ quan ngang bộ cần phải theo hướng tiếp công dân hoặc bố trí công chức thuộc thanh tra bộ làm công tác tiếp dân. Việc tiếp công dân của tổ chức trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định phù hợp với yêu cầu theo tình hình thực tế.
Theo chủ nhiệm đề tài, hoàn thiện pháp luật tiếp công dân cần đồng bộ, thống nhất với các quy định khác và các quy định của Đảng, cần phải quy định đồng bộ với các văn bản pháp luật về đất đai, các văn bản khác liên quan và các quy định của Đảng; quy định phù hợp với thực tế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quy định về “quyền” đi đôi với “nghĩa vụ” của người khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, việc chọn và bố trí cán bộ tiếp dân phải đạt yêu cầu, năng lực, trình độ và kỹ năng; cần ban hành trình tự, thủ tục giải quyết cho từng loại đơn.
Nghiên cứu để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh của công dân; nghiên cứu ban hành Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.
Trong đó có quy định chế tài xử lý đối với cán bộ tiếp công dân có hành vi vi phạm pháp luật, ban hành quy chế chung phối hợp tiếp công dân thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời, pháp luật tiếp công dân cần quy định thêm quyền nhận, phân loại và giải quyết, quy định cụ thể giải quyết đối với vụ việc có nội dung liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, có nhiều người cùng khiếu nại.
Chủ nhiệm đề tài cũng cho rằng, cần quy định cụ thể về thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết đơn thuộc cơ quan nào, cơ quan đó giải quyết; quy định cụ thể công dân phải nộp đơn đúng cơ quan thuộc thẩm quyền…
Tại hội nghị nghiệm thu, Hội đồng Nghiệm thu đánh giá nghiên cứu của ông Dương Văn Huế có tính cấp thiết và giá trị ứng dụng cao. Đề tài đã giải quyết tốt các mục tiêu nghiên cứu, với các giải pháp mang tính đồng bộ và khả thi trên thực tế.
Các kết quả nghiên cứu không chỉ giúp hoàn thiện công tác tiếp công dân tại Việt Nam mà còn làm tài liệu tham khảo hữu ích trong hoạt động giảng dạy và tập huấn nghiệp vụ. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc.
Nghiên cứu của ông Dương Văn Huế, Phó Chánh Văn phòng Thanh tra Chính phủ đã cung cấp những cơ sở khoa học và thực tiễn để đổi mới công tác tiếp công dân tại Việt Nam. Các giải pháp được đề xuất kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quyền lợi công dân và xây dựng niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị.
Theo ThanhtraVietNam