Điền dã tìm hiểu di tích lịch sử Động Hoàng Xá tại thị trấn Quốc Oai – Hà Nội
- 27/05/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 2226
Ngày 12/5/2020, Ban nghiên cứu lịch sử Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã tổ chức Điền dã thực tế di tích lịch sử động Hoàng Xá (Hoàng Động), thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội để thu thập tài liệu, tư liệu thực tế góp phần làm sáng tỏ địa danh Man Hoàng Động nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Dương Thanh năm 819. Đoàn điền dã Ban Nghiên cứu lịch sử Hội đồng Họ Dương Việt Nam do ông Dương Văn Đảm – Phó Chủ tịch, Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử làm trưởng đoàn và các thành viên: Ông Dương Đức Quảng – Phó ban Nghiên cứu lịch sử, ông Dương Văn Tất – nguyên thành viên Ban Nghiên cứu lịch sử, ông Dương Việt Hòa – nhân viên Ban Nghiên cứu lịch sử. Cùng đi với đoàn có ông Dương Văn Sơn – Trưởng ban Kiểm tra, thành viên Ban Nghiên cứu lịch sử Hội đồng Họ Dương TP.Hà Nội; ông Dương Văn Thịnh – Chủ tich, ông Dương Đình Hồng – Phó Chủ tịch và ông Dương Đình Khôi – Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp – Doanh nhân Họ Dương liên huyện Quốc Oai – Thạch Thất.
Đoàn đã dâng hương tại chùa Hoa Vân Tự, động Hoàng Xá và đã có buổi làm việc thân tình, cởi mở với đại diện chính quyền địa phương thị trấn Quốc Oai gồm: Ông Trần Văn Luận – Phó Chủ tịch UBND thị trấn – Trưởng ban Quản lý di tích; ông Tạ Văn Hòa phụ trách Ban Văn hóa thị trấn, Phó ban Quản lý di tích và ông Nguyễn Duy Lộc – nhà giáo, Trưởng ban Hương lão tại di tích động Hoàng Xá.
Qua khảo cứu thực tế tại động Hoàng Xá – vùng “đất địa linh nhân kiệt” thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai thành phố Hà Nội những điều chúng tôi được mắt thấy tại nghe liên hệ với ghi nhận trong “Đại Việt sử ký toàn thư” tập 1: “Tướng của Tượng Cổ là Dương Thanh đời đời làm tù trưởng Man. Khoảng năm khai nguyên nhà Đường làm Thứ sử Hoan Châu. Tượng Cổ vẫn e dè gọi cho làm nha tướng, đến đây sai đi đánh người Man ở Hoàng Động. Thanh nhận thấy lòng người oán giận Tượng Cổ, ban đêm quay về đánh úp lấy Châu…” (2); “Đại Việt sử ký tiền biên” của Ngô Thì Sỹ chép: “Gặp lúc sai đi đánh bọn Man ở Hoàng Động, Tượng Cổ giao cho 3.000 quân đi đánh, Thanh và con là Chí Liệt quay về đánh úp chiếm Phủ Thành, giết Tượng Cổ và cả gia đình…” (3) hoặc như “Lịch sử Việt Nam” tập I – Viện hàn lâm KHXH Việt Nam, NXB KHXH – 2017 viết “Năm 819 tộc người thiểu số ở tả hữu giang (sử nhà Đường gọi là Man Hoàng Động) luôn nổi dậy chống lại nhà Đường. Lý Tượng Cổ ban phát khi giới, trao cho Thanh 3.000 quân sai đi đánh dẹp Hoàng Động, sẵn có lực lượng quân đội trong tay được binh lính yêu nước ủng hộ Dương Thanh đem quân trở lại tập kích phủ thành An Nam giết chết Lý Tượng Cổ cùng hơn 1.000 gia thuộc, bộ hạ của hắn, chiếm giữ phủ Thành…” (4). Đối chiếu với các tài liệu, tư liệu của những người họ Dương đã nghiên cứu như: Cụ Dương Văn Lý thường gọi là cụ đồ Lý quê ở ga Đò Chè – Nam Định, ngay từ những năm 1977 – 1978 đã nghiên cứu về gia phả họ Dương làng Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên tỉnh Nam Định đã thấy viết về cuộc khởi nghĩa Dương Thanh – trong bản “Dương tộc kỷ sử” chữ Hán, chữ Nôm “tuy có sự rách nát nhưng lắp ghép lại vẫn đọc được” (5). Đến năm 2002 Phó Giáo sư, Tiến sĩ – Nhà giáo nhân dân Dương Hồng Quý cũng đã “tận mắt chứng kiến các tập gia phả” (6) và đã viết nhiều bài nghiên cứu về lịch sử họ Dương và lương y Dương Văn Tất cũng đã nhiều lần thực tế tại động Hoàng Xá, đã có bài nghiên cứu tham gia Hội thảo khoa học về: “Khởi nghĩa Dương Thanh trong lịch sử đấu tranh chống Bắc thuộc của dân tộc Việt Nam” tại Nghệ An.
Đoàn điền dã làm việc với đại diện chính quyền và ban quản lý di tích động Hoàng Xá
Đặc biệt là năm 1978 cụ Dương Văn Lý sau khi đã nghiên cứu và đi thực tế tại động Hoàng Xá đã cho ra đời tập sách “Dương tộc toản tập” nghĩa là tập sách tập hợp, bổ sung các bài viết về họ Dương. Đáng chú ý nhất trong tập sách này có bài thơ lục bát viết bằng chữ Nho “Hoàng Động Xá”
Hoàng Động Dương Xá Quốc Oai
Chiêu dân khởi nghĩa một thời lừng danh
Nhớ về tổng quản Dương Thanh
Cháu con phụng tự lòng thành tri ân
Vong hồn binh sĩ tướng quân
Nhân dân Hoàng Động hội quần họ Dương
Mối thù truyền kiếp nhà Đường
Sát phu hiếp phụ thảm thương giống nòi
Núi non Hoàng Động khắp nơi
Máu đào tuôn chảy xác người đầy hang
Lòng thành thắp một tuần nhang
Hồn thiêng về cõi Viêm Bang cội nguồn./.”
Vậy thì: Động Hoàng Xá ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội hiện nay với Man Hoàng Động năm 819 – có phải là một không hay là còn có một Man Hoàng Động khác? (như một số người đã nói). Đây là vấn đề không dễ, một câu hỏi khó trả lời ngay vì vẫn biết những vấn đề về cổ sử cách chúng ta hàng ngàn năm không thể một sớm, một chiều tìm hiểu, nghiên cứu đã cho kết quả và được thừa nhận, mà phải có nhiều năm, nhiều lần khảo cứu và kiểm nghiệm với nhiều phương pháp, phương tiện khoa học chúng ta mới có thể phán xét và đưa ra kết luận chính xác, khoa học.
Song dù sao đi nữa điền dã thực tế, khảo cứu di tích lịch sử cụ thể đã cho chúng ta giữ vững một niềm tin: Lịch sử vốn rất công bằng những góc khuất, những tồn nghi lịch sử sớm muộn cũng sẽ được sáng tỏ – Tổ tiên chúng ta linh thiêng phù hộ, chỉ lối soi đường.
Đoàn điền dã Ban nghiên cứu lịch sử Hội đồng Họ Dương Việt Nam xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ, động viên thân tình quý báu cả về vật chất và tinh thần của các ông (bà) đại diện chính quyền, Ban quản lý di tích thị trấn Quốc Oai và Hội đồng Họ Dương TP.Hà Nội, HĐHD liên huyện Quốc Oai – Thạch Thất.
Dương Đức Quảng
Ảnh: Dương Việt Hòa
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thân thế, sự nghiệp và cuộc khởi nghĩa Dương Thanh – Dương Văn Tất (tr.13)
2. Đại Việt sử ký toàn thư tập 1 (tr.160 -162)
3. Đại Việt sử ký tiền biên – Ngô Thì Sỹ (tr.124 – 125)
4. Lịch sử Việt Nam tập I – Viện hàn lâm KHXH Việt Nam, nxb KHXH – 2017 (tr.378 – 379).
5 & 6. Thân thế, sự nghiệp và cuộc khởi nghĩa Dương Thanh – Dương Văn Tất Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Khởi nghĩa Dương Thanh trong lịch sử đấu tranh chống Bắc thuộc của dân tộc Việt Nam”(tr.60)