Doanh nhân Dương Minh Dũng thành công nhờ nuôi gà trên đất Mỹ

Trong khi hầu hết người Việt làm nghề nuôi gà chọn cách nuôi gia công cho các hãng lớn của Mỹ theo các hợp đồng có giá trị 10 đến 15 năm, thì anh Dương Minh Dũng, cư dân Austin, Texas, lại chọn một con đường đi khác hẳn cho mình, đó là nuôi ‘gà đi bộ’.

Từ công nhân thành chủ trại gà

Nước Mỹ là một trong những quốc gia sản xuất gia cầm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các công ty chăn nuôi lớn tại Mỹ thường không trực tiếp nuôi mà thuê các hộ gia đình làm việc này. Trừ cơ sở hạ tầng như nhà xưởng và thiết bị kỹ thuật, công ty sẽ cung cấp toàn bộ nguyên liệu đầu vào, từ con giống, thức ăn cho đến thuốc phòng bệnh và bao toàn bộ sản phẩm. Người nuôi chỉ việc chăm sóc và nhận thù lao. Tuy nhiên, công việc mang lại mức thù lao không lớn, chăn nuôi manh mún, hơn nữa người Việt ở Mỹ lại không mấy chuộng thịt gà đông lạnh bày bán tại các siêu thị vì thịt gà này khá bở và có nhiều chất béo, lại không ngọt và thơm như gà đi bộ.

Anh Dương Minh Dũng – Chủ trại gà đi bộ Đồng Nai

Chính vì vậy, anh Dương Minh Dũng bắt đầu bằng việc nuôi vài chục con gà chơi trong nhà để phục vụ nhu cầu của gia đình. Sau đó, nhận thấy nhu cầu ngày càng cao của người Việt tại Mỹ cũng như người dân của nước Mỹ, anh Dũng đã phát triển mô hình chăn nuôi gà đi bộ thành trang trại. Anh mở Công ty gà đi bộ Đồng Nai ở Austin (bang Texas, Mỹ), với 54 chuồng, mỗi chuồng trung bình khoảng 30.000 con. Gà đi bộ Đồng Nai không chỉ có mặt trong các chợ, nhà hàng quanh vùng mà còn được đưa đến bán ở hơn 20 tiểu bang tại Hoa Kỳ. Tại tiểu bang Texas, ngoài các chợ người Việt, chợ Tàu, chợ Hàn Quốc đều có gà Đồng Nai, hiện giờ các chợ của Ấn Độ, Mexico, Pakistan cũng nhập gà đi bộ Đồng Nai về bán theo nhu cầu của khách.

Kể về ngày đầu đặt chân đến đất Mỹ năm 1995, anh Dũng cho biết khi đó anh chưa đến 40 tuổi, sang Mỹ làm công nhân cho một hãng đồ hộp để mưu sinh, sau đó chuyển sang bán taco (một món ăn của người Mexico) cùng lúc làm thêm các công việc lặt vặt khác như tắm cho chó, trông trẻ ban đêm… “Đến năm 2000, khi đi chợ trời mua gà, vịt sống về nấu ăn thấy người ta bán gà con nên mua về nuôi chơi cho vui, cho ăn bắp, gạo, ngô và sống trong vườn nhà. Ở khu vực tôi sinh sống có rất nhiều thóc, ngô và giá thành rất rẻ nên tôi đã nảy sinh ý định chăn gà đi bộ kinh doanh. Khi ấy, một người bạn đã cho tôi mượn miếng đất 10 mẫu, tôi lấy lưới vây lại một góc và mua 100 con gà con thả vô nuôi trong đó. Bốn tháng sau, tôi mang gà về làm ăn, ai cũng khen thịt gà ngon, không như ăn gà Mỹ. Thế là tôi mua gà bỏ thêm vào nuôi. Cuối tuần hai vợ chồng bắt gà về nhà làm, \nhổ lông bằng tay, y như hồi ở Việt Nam, rồi bán cho người quen, bạn bè”, anh Dương Minh Dũng chia sẻ.

Tuy nhiên, khi nuôi 10 con, 100 con thì rất đơn giản, đến khi phát triển chuồng gà lên 500 con, 1000 con thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Gà lớn bắt đầu mổ nhau chết, gà ốm, chết không rõ nguyên nhân khiến anh Dũng vô cùng lo lắng, có ngày ở trại gà tới 20-22 tiếng để lo cho chúng. “Vì không phải dân trong nghề, chăn nuôi thủ công toàn bộ, nên có ngày chỉ có cho gà uống nước và ăn đã hết cả ngày trời”, anh Dũng chia sẻ.

Thành công lớn nhờ nuôi ‘gà đi bộ’ trên đất Mỹ ảnh 3Gà đi bộ phải nuôi trong thời gian dài, mỏ gà dài sẽ mổ nhau chết nên ngay từ nhỏ anh Dũng đã phải cắt mỏ cho đàn gà con

Thời điểm đó may mắn nhận được sự hỗ trợ từ một người bạn từng làm cho một trại gà công nghiệp của Mỹ, và anh được giới thiệu tới thăm mô hình chăn nuôi gà công nghiệp, kể từ đó mới biết đến hệ thống cho ăn uống tự động, máy sưởi và các phương pháp chăn nuôi tiên tiến khác. Nhận được sự hướng dẫn tận tình từ người Mỹ, anh Dũng bắt đầu xây dựng chuồng gà thứ hai, thứ ba và giờ đã là 54 chuồng.

Nguồn gốc thương hiệu gà đi bộ “Đồng Nai”

Sau khi nuôi được nhiều gà, anh Dũng bắt đầu tiến hành gửi bán tại chợ Mỹ Thành ở Austin và nhận được sự ủng hộ của khách hàng, đặc biệt là bà con người Việt tại đây. Tuy nhiên, chẳng bao lâu thì gà của anh Dũng bị Sở Y tế xuống kiểm tra. “Kiểm tra ở đây không giống như ở Việt Nam là bắt, phạt mà là để biết và hướng dẫn đăng ký kinh doanh. Khi đó tôi không hiểu luật gì hết, mà luật pháp Mỹ rất hay, khi biết mình không có giấy tờ, không biết luật, là họ tận tình hướng dẫn cách cho mình xin giấy phép, chở tôi đến chỗ làm giấy tờ. Đến lúc họ hỏi tên công ty là gì để điền vào, tôi mới giật mình, không chuẩn bị sẵn, chỉ nhớ hồi xưa mình ở Đồng Nai, nên đề nghị họ cho mình lấy tên Đồng Nai và thương hiệu gà đi bộ Đồng Nai ra đời trong hoàn cảnh như vậy”, anh Dũng hào hứng chia sẻ.

Thời điểm đó, công ty được cấp phép đưa ra thị trường dưới 10.000 con gà mỗi năm, và nếu muốn bán thêm thì cần đi đăng ký lại. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, anh Dũng đã phải đi đăng ký lại vì số lượng cung cấp ra thị trường đã vượt quá 10.000 con. Để đảm bảo, Sở Y tế đã cử nhân viên xuống lò mổ mỗi ngày để kiểm dịch, đảm bảo an toàn cho sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Thức ăn cho gà tại trang trại của anh Dũng chủ yếu là ngô, đậu phộng, đậu nành, đậu xanh, lúa mì nghiền

Để có loại gà đi bộ được người tiêu dùng ưa chuộng, anh Dũng cho biết điều quan trọng nhất là ở giống và thức ăn cho gà. Gà Mỹ nuôi công nghiệp chỉ nuôi trong thời gian 6-7 tuần, mà trọng lượng con gà có thể đến 4 kg. Còn gà nuôi tại trại của anh Dũng phải tới 4 tháng rưỡi, trong không gian chuồng rộng rãi nhưng cũng chỉ nặng từ 1,7 -2kg. Gà công nghiệp Mỹ nuôi thức ăn chứa protein rất cao, và giống gà lớn như thổi. Còn gà đi bộ nuôi như ép xác, chỉ cho ăn no nhưng protein rất thấp, gà tăng trưởng chậm nên cho thịt ngon hơn.

Anh Dương Minh Dũng trước trại gà 54 chuồng của mình

Hiện nay, công ty của anh Dũng trở thành công ty chăn nuôi gà lớn nhất của người Việt tại Mỹ. Trung bình từ thứ hai đến thứ sáu, trại gà của anh Dũng cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 con gà đi bộ, số lượng này tăng lên rất nhiều vào những dịp Lễ, Tết.

Nhung Anh

 

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com