Dương Công Lãm: Lão nông làm giàu từ giống nhãn ra trái quanh năm

Thất bại từ việc phát triển cây hồ tiêu khiến nợ nần, tuy nhiên không vì thế mà ông Dương Công Lãm ở thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, Gia Lai từ bỏ. Ông quyết định chuyển đổi mô hình trồng tiêu sang trồng giống nhãn Hương quý hiếm có nguồn gốc từ Hưng Yên đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Vốn quê gốc ở Hải Hưng (nay tách ra Hưng Yên – Hải Dương), trước đây theo kêu gọi của nhà nước ông Lãm đi phát triển vùng kinh tế mới tại vùng đất Gia Lai của cao nguyên Tây Nguyên. Dù bản tính chăm chỉ cần cù nhưng cố gắng mãi gia đình ông Lãm vẫn không có của ăn của để.

Năm 2012, ông Dương Công Lãm mạnh dạn vay ngân hàng 1 tỷ đổng để đầu tư vào cây hồ tiêu. Nhưng lời lãi chẳng thấy đâu còn mang nợ và lâm vào cảnh khốn khó. Hồ tiêu dịch bệnh và rớt giá không phanh khiến nợ nần chồng chất, ông phải bán mấy vườn cà phê để trả nợ ngân hàng.

Thất bại cộng nợ nần chồng chất tuy nhiên ông không nản chí. “Sau thất bại, tôi mới nghiền ngẫm và quyết chọn cây nhãn để làm lại từ đầu. Tôi quê gốc ở Hải Dương, cách đây 20 năm đã trồng nhãn rồi nên rất tự tin. Đặc biệt cây nhãn trồng trên đất bazan nơi đây rất hợp, ra trái trĩu cành, vừa ngọt, vừa thơm. Tôi ép cây nhãn ra trái quanh năm, thu hoạch được đều bán tươi ngay tại vườn” – ông Dương Công Lãm chia sẻ.

Ông Dương Công Lãm bên vườn nhãn Hương có giá trị kinh tế cao.

Để giảm thiểu tối đa chi phí cũng như rủi ro, cách làm của ông Dương Công Lãm đó là cứ mỗi gốc hồ tiêu hỏng hoặc nhổ bỏ, ông lại trồng một gốc nhãn để tận dụng tối đa diện tích, khi nhãn giao tán với nhau thì tỉa bớt những cây yếu, không gây ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt được lắp đến tận nơi.

Điều đặc biệt, cả vườn nhãn của ông Dương Công Lãm là loại nhãn Hương quý, ra trái quanh năm chứ không theo mùa vụ. Ông Dương Công Lãm tiết lộ, trước đây người ta dùng phương pháp tiện (gọt quanh thân cây) để ép ra hoa trái vụ, bây giờ không cần nữa. Trung bình, mỗi cây đạt 40kg quả, cây nhiều lên 80kg… Nhãn tạo chùm lớn, có chùm nặng tới 8kg.

Ông Dương Công Lãm cho biết, trung bình mỗi ngày ông thu nhập từ bán nhãn khoảng 1 – 2 triệu đồng, ngày cao điểm 14 – 15 triệu đồng. Ngoài ra ông còn trồng xen cây đinh lăng cũng cho thu nhập khá, năm 2019 bán gốc đinh lăng được 200 triệu đồng.

“Thời gian qua, có rất nhiều nông dân đến tham quan mô hình trồng nhãn trái vụ của gia đình, tôi đều tận tình hướng dẫn, không giấu giếm gì. Chỗ đơn giản thì nói qua điện thoại, những ca khó tôi phải đến tận vườn của bà con để hướng dẫn” – ông Dương Công Lãm chia sẻ.

Hiện tại với 1.000 gốc nhãn đem lại thu nhập từ 500 – 700 triệu đồng 1 năm. Mô hình của lão nông Dương Công Lãm đang được nhân rộng tại Gia Lai cũng như cao nguyên Tây Nguyên.

Dương Hạnh

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com