Dương Đại Lâm cùng vợ và gia đình nuôi Bác Hồ ở Pác Pó năm 1941

Nhân kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Ban Thông tin truyền thông xin giới thiệu bài viết của tác giả Hoàng Quảng Uyên về Dương Đại Lâm, người bảo vệ Bác Hồ trong thời gian Bác về Cao Bằng lãnh đạo cách mạng.

Bản Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) trước cách mạng là một bản nhỏ chỉ có mươi nóc nhà, nằm ven con suối Giàng. Trong bản có nhà ông Dương Văn Đình, người Nùng. Ông Dương Văn Đình làm nghề thầy tảo, người trong vùng thường gọi là “Tảo Thình”. Ông có 7 người con (5 trai, 2 gái). Năm người con trai tên là: Giàng Vần Ú, Giàng Vần Thủ, Giàng Vần Tú, Giàng Vần Shù, Giàng Vần Dảo. Sau ngày Bác Hồ về nước (ngày 28-1-1941), Bác Hồ đã kết nghĩa anh em với ông Dương Văn Đình, Bác đặt tên cách mạng cho 5 anh em họ Dương là: Dương Đại Vinh, Dương Đại Phong, Dương Đại Long, Dương Đại Lâm, Dương Đại Hoa. Cả 5 người con của ông Dương Văn Đình đều tích cực tham gia đóng góp cho cách mạng. Sau cách mạng thành công 5 người đều là cán bộ chủ chốt của xã Trường Hà, của huyện Hà Quảng và của tỉnh Cao Bằng. Dương Đại Lâm tham gia quân đội, được phong hàm Đại tá – Tham mưu trưởng Quân khu Việt Bắc. Trong bài viết này xin được kể đôi nét về Dương Đại Lâm – Người học trò của Bác Hồ ở làng Pác Bó.

Tháng Giêng năm Tân Tỵ (1941). Dương Đại Lâm lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, ngay dưới hang Cốc Bó.

“Một hôm, bố tôi dậy rất sớm đánh thức cả nhà dậy đi cuốc nương chuẩn bị trồng ngô Xuân.

Đạp gai, lội suối len lỏi theo con đường lởm chởm toàn đá dưới chân núi, mấy bố con đến bãi nương Lũng Mịn, xung quanh bãi là núi đá um tùm, những cây gỗ nghiến lớn chưa có dấu rìu khai phá.

Đang gắm nhìn phong cảnh, mấy bố con trông thấy một ông cụ, nét mặt hiền từ đi tới. Cụ lên tiếng chào thân sinh của tôi: “Năm mới, chúc cụ khỏe. Chúc các cháu một năm mới thêm một tuổi tốt đẹp”.

Bố con tôi thấy ông cụ lần đầu tiên mà như quen biết từ bao giờ. Câu chuyện giữa bố tôi và ông cụ lúc đầu còn chuệch choạc vì người thì không thạo tiếng địa phương, người thì không biết tiếng phổ thông, sau hai người dùng tiếng Quảng Đông nói chuyện với nhau một cách lưu loát, thỉnh thoảng lại bút đàm bằng chữ Hán. Câu chuyện vì thế ngày càng đậm đà. Bố tôi và ông cụ già ra bờ suối rửa tay, nói chuyện, câu chuyện kéo dài không dứt…”. (BÁC HỒ ĐẾN BẢN TÔI –Hồi Ký ĐẦU NGUỒN – Nhà xuất bản Văn học – 1977)

Sau lần gặp đầu tiên đó, Dương Đại Lâm còn đến làm nương nhiều ngày dưới hang Cốc Bó, mang lương thực, thực phẩm đến cho “ông cụ” và những người ở trên hang, được “ông cụ” – “Đồng chí già” cho lên hang, dạy chữ, dạy làm cách mạng. Sau ngày “ông cụ” chuyển sang Khuổi Nặm, Dương Đại Lâm vẫn tiếp tục là người học trò nhỏ, là người liên lạc của “ông cụ”,Tham gia Đội du kích Pác Bó do “ông cụ” tổ chức.

Được “ông cụ” chỉ bảo, chăm sóc, Dương Đại Lâm nhanh chóng trở thành quần chúng cách mạng tốt và được “ông cụ” tổ chức kết nạp vào Đảng.

Bác Hồ thăm Pác Pó vào tháng 2/1961

“Cho đến đêm 11-5-1941 (tức là ba tháng sau Người về Pác Bó quê tôi) dưới vầng sáng của mảnh trăng non chiếu mờ tỏ trong túp nhà sàn chỉ đủ mọi người nhìn thấy mặt nhau, hai đồng chí Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm đã nghiêm trang giới thiệu tôi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Thay mặt cấp trên, đồng chí Phùng Chí Kiên công nhận tôi là một đảng viên và nhắc nhở tôi nhiệm vụ nặng nề mà từ nay tôi phải cùng các đồng chí gánh vác. Trong không khí im ắng của đêm rừng biên giới, tĩnh mịch đến nỗi nghe rõ cả giọng suối rì rầm, cả tiếng cây đổ sâu tít trong núi đá, tôi nhìn các đồng chí và rưng rưng xúc động, hứa hẹn với Đảng, nguyện một đời trung thành, phấn đấu vì Đảng, vì cách mạng và nhân dân. Giọng tôi nghẹn ngào, muốn nói rất nhiều, nói cả công ơn của “đồng chí già” nhưng không sao nói được”. (BÁC HỒ ĐẾN BẢN TÔI).

Ngày cô gái Tày Nông Thị Trưng lên Pác Bó, Dương Đại Lâm đã đưa cô lên lên Khuổi Nặm gặp ông cụ:

“Sớm nay, tôi cùng Đại Lâm vào gặp “ông ké”. Đại Lâm đi trước, tôi theo sau trong lòng náo nức: Không hiểu đồng chí Lâm đưa mình đi gặp ông ké nào nhỉ ? ông ké là ai mới được chứ ?…

Càng đi vào rừng sâu, tôi càng thấy rùng rợn, phải lội ngược qua nhiều con suối chảy rất mạnh, có cả thác nước rất cao, đi rất chật vật mới trèo qua được hai cái thác. Đến cái thác thứ ba tôi nhìn thấy rất cao và rùng rợn. Vì muốn leo lên mà không thể nào lên được. Đồng chí Lâm kéo giật một cái dây dài ngoằn ngoèo làm hiệu. Tự nhiên ở trên cao có cái thang thò xuống. Vượt khỏi cái thác thứ ba này rồi len lỏi qua nhiều chặng gai góc um tùm nữa mới tới một cái lán nhỏ dựng gần con suối. Vừa bước chân đến đầu lán tôi chợt thấy một ông cụ mặc bộ quần áo Nùng, màu vải chàm đã bạc màu. Thoáng nhìn, tôi thấy ông cụ có vầng trán cao, có chòm râu dài, trông rất quắc thước, đang ngồi xem sách…” (NHỮNG NGÀY SỐNG GẦN BÁC – Hồi ký cách mạng của Nông Thị Trưng).

Năm 1944, bản Pác Bó chuyển sang ở tạm bản Khum Đắc bên Trung Quốc.  Bác Hồ sau khi thoát khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch trở về, Dương Đại Lâm là người đầu tiên đón Bác, cùng gia đình chăm sóc bảo vệ Người. Đưa người trở lại Pác Bó làm việc. Đón Trung úy phi công người Mỹ Uyliam- Sao, bị rơi máy bay ở Cao Bằng trở về Côn Minh (Tỉnh Vân Nam – Trung Quốc) giao cho Trung tướng Sê Nôn, tư lệnh binh đoàn Hổ bay của Mỹ.

Người vợ của Dương Đại Lâm tên là Vương Thị Hú – Được Bác Hồ đặt tên cho là Vương Thị Kim Liên. Cùng người chồng của mình có công chăm sóc bảo vệ “ông cụ”. Được Người rất quý mến.

“Hồi Bác Hồ ở Pác Bó, tôi là một trong những người đưa cơm hàng ngày cho Bác ở trên hang. Lúc đầu tôi đưa thức ăn chín cho Bác, về sau có người nấu bếp cho Bác, tôi chỉ đem thức ăn tươi sống: Gạo, bí, rau xanh,… Mỗi lần đi đưa thức ăn tôi để gạo vào đáy “Thông phjắc mu” phủ lá rau lợn rừng lên trên giả vờ như đang đi tìm rau lợn trên đồi. Làm dâu thì phải chịu thương chịu khó nên bọn chức dịch địa phương thấy tôi đeo “Thông phjắc mu” lên rừng thường xuyên cũng không nghi ngờ”.

Năm 1961, Bác Hồ trở lại thăm Pác Bó sau hai mươi năm xa cách, Người lên nhà thăm Kim Liên, hỏi Kim Liên bằng tiếng Nùng:

“Kim Liên dú tờ” ? (Kim Liên đâu rồi?).

Tôi mừng rỡ chào Bác. Bác hỏi chuyện vẫn bằng tiếng Nùng:

– Bấy lâu công tác gì ?

– Con làm bí thư phụ nữ xã ạ ! Tôi trả lời vậy. Chữ nghĩa quá ít khó công tác ạ.

Bác nói như an ủi:

– Không được học lấy đâu mà biết nhiều. Phải bổ túc thêm vẫn hơn”.

(NHỮNG KỶ NIỆM VỀ MỘT NGƯỜI CHA –Hồi ký Vương Thị Kim Liên).

 

Nhớ lại những ngày đầu cách mạng gian khổ, hy sinh, nhớ công lao trời biển của Đảng, Bác Hồ, của những người đã hết lòng vì cách mạng, góp công, góp sức giành độc lập, tự do cho tổ quốc. Nhớ những người dân ở Pác Bó, những gia đình cách mạng như gia đình ông Dương Văn Đình, nhớ Dương Đại Lâm – Người học trò nhỏ của Bác Hồ Pác Bó – Trong những ngày cách mạng gian khổ, hy sinh mà hào hùng của dân tộc ./.

Tháng 8/2019

Hoàng Quảng Uyên

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com