Dương Đình Nghệ – Vị trí, vai trò của ông trong lịch sử dân tộc hồi thề ký thứ X

 

 

     Thế kỷ X – thế kỷ đặc sắc trong lịch sử, được nhìn nhận như một thế kỷ bản lề chuyển tiếp từ hơn 1.000 năm Bắc thuộc sang kỷ nguyên độc lập tự chủ lâu dài của đất nước.

 

     Quá trình vận động phát triển mạnh mẽ của lịch sử thế kỷ X qua các bước giành quyền tự chủ, xây dựng đất nước, chống xâm lăng với những mốc năm 905, 932, 938, 968, 981, 982. Những mốc trên gắn liền với tên tuổi các vị Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn. Những thành tựu vẻ vang của dân tộc trong thế kỷ X tập trung vào hai vấn đề cơ bản của đất nước xưa cũng như nay, đó là giữ nước và dựng nước. Hơn một ngàn năm bị lệ thuộc mà cuối cùng giành được độc lập, xây dựng đất nước, đánh thắng mọi kẻ thù lớn nhỏ, giữ vững quyền tự chủ, đưa đất nước vào kỷ nguyên Đại Việt huy hoàng là một kỳ tích hiếm thấy trong lịch sử cổ kim đông tây. Trong những gương mặt sáng chói, tiêu biểu cho ý chí và nghị lực của dân tộc trong lịch sử hồi thế kỷ X có Dương Đình Nghệ.

 

    Xuất thân từ từng lớp hào trưởng như Khúc Thừa Dụ, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Dương Đình Nghệ đã sớm hòa mình vào trào lưu cứu nước từ những năm đầu thế kỷ. Với tư cách là bộ tướng của họ Khúc, ông đã góp phần vào giành giữ quyền tự chủ, xây dựng đất nước với những cải cách, quản lý đất nước theo phương châm “Khoan giản an lạc” (khoan thư, giản dị, yên vui), thỏa mãn nguyện vọng của dân chúng sau một thời gian dài sống dưới ách bạo tàn của bọn đô hộ ngoại bang. Họ Khúc sau gần 20 năm cầm quyền, đến Khúc Thừa Mỹ tỏ ra bất lực, để bản thân bị giặc bắt, đất nước rơi vào tay Nam Hán. Dương Đình Nghệ – nha tướng của họ Khúc, lúc này chỉ là một hào trưởng ở Châu Ái. Bất chấp những ràng buộc mua chuộc của Nam Hán, ông tập hợp dưới quyền 3.000 “nghĩa tử”, thực chất là gia binh, binh lính, chuẩn bị lực lượng đánh đuổi quân Nam Hán.

 

    Sử Toàn Thư chép: “Mùa đông, tháng 12 Dương Đình Nghệ nuôi con nuôi 3.000 người, muốn khôi phục. Lý Tiến biết, chạy báo với vua Nam Hán. Năm ấy (932) Đình Nghệ đem quân vây Tiến. Vua Hán sai Thừa chỉ Trần Bảo đem quân ra đánh. Bảo thua trận. Bây giờ Đình Nghệ tự xưng là tiết độ sứ, trông coi việc châu” (TT – bản dịch, tập I, NXB VHTT, tr. 190). Giết Trần Bảo, đuổi Lý Tiễn giành lại Đại La, nắm quyền Tiết độ sứ, Dương Đình Nghệ không chỉ trả thù được cho chủ (họ Khúc) mà ông đã rửa được hận mất nước của dân tộc.

 

    Ông cầm quyền giữ nước từ năm 932 đến năm 938 với danh hiệu “tiết độ sứ”. Trong 6 năm cầm quyền, ông đã làm được những gì, lịch sử không ghi chép, hoàn toàn không có tư liệu. Đó là tình trạng khan hiếm tư liệu nói chung của lịch sử thế kỷ X. Tuy nhiên, có thể suy đoán mà không sợ sai lầm rằng, ông tiếp tục cải cách, sửa đổi sắp đặt đơn vị hành chính, hương giáp xã, quản lý xã hội theo hướng “khoan giản an lạc” của họ Khúc, cũng như ông tiếp tục duy trì chức danh Tiết độ sứ vậy. Sự suy đoán trên hoàn toàn có cơ sở. Đó là trong 6 năm cầm quyền giữ nước của ông, đất nước yên bình, đời sống nhân dân được cải thiện, không xảy ra loạn lạc, tạo nên một cơ sở xã hội vững mạnh đủ để quân dân đánh tan giặc Nam Hán ở cửa sông Bạch Đằng do Ngô Quyền chỉ huy vào năm 938, sau khi ông bị Kiều Công Tiễn giết hại.

 

    “Tiết độ sứ” là một chức quan đứng đầu một châu quận biên viễn do nhà Đường đặt, nhưng khi vào tay Họ Khúc, Họ Dương, không còn ý nghĩa là một chức quan của bọn đô hộ, mà thực sự là người đứng đầu của một đất nước vừa giành được quyền độc lập tự chủ. “Tiết độ sứ” lúc này chỉ còn là một cụm từ để chỉ hình thức chính quyền – “chính quyền tiết độ sứ” ở thời kỳ quá độ của một nhà nước còn non trẻ vừa ra đời từ sau khi lật đổ ách đô hộ hơn 1.000 năm mà thôi.

 

    Trên thực tế từ chính quyền tiết độ sứ (Họ Khúc, Họ Dương) sang vương quyền (Họ Ngô) đến đế quyền (Họ Đinh, Họ Lê), là một quá trình phát triển của nhà nước tự chủ cùng với sự trưởng thành của ý thức dân tộc hồi thế kỷ X.

 

    Những hoạt động giải phóng đất nước, xây dựng chính quyền tiết độ sứ của Dương Đình Nghệ là một khâu trong tiến trình lịch sử dân tộc hồi thế kỷ X. Nói một cách khác, các mốc 905 – 923, 923 – 938, 938 – 960, 961 – 980, 981 trở đi gắn liền với Họ Khúc, Họ Dương, Họ Ngô, Họ Đinh, Họ Lê là một chỉnh thể tạo nên bộ mặt đặc sắc của thế kỷ X.

 

    Để nhận thức lịch sử, ta có thể chia thế kỷ X làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu 905 – 938 (Khúc, Dương, và năm đầu Ngô) là giai đoạn giành quyền tự chủ và hoàn thành triệt để trọn vẹn sự nghiệp giải phóng đất nước, giai đoạn 938 về sau là xây dựng và củng cố nền tự chủ, xây dựng khối đoàn kết dân tộc và bảo vệ độc lập. Phân chia như vậy để nhận thức lịch sử, trong thực tế 2 giai đoạn gắn liền nhau, có quan hệ hữu cơ, không thể tách rời nhau. Giai đoạn trước, mỗi giai đoạn có vị trí khác nhau về thời gian lịch sử, nhưng lại có tầm quan trọng như nhau trong việc tạo nên một không gian lịch sử đặc sắc của thế kỷ X.

 

    Trở lại với Dương Đình Nghệ, cuộc đời ông gắn với sự nghiệp giải phóng đất nước qua việc ông gây dựng lực lượng giải phóng Đại La đồng thời gắn liền với xây dựng đất nước thời dưới trướng họ Khúc và trong 6 năm nắm quyền tiết độ sứ. Không chỉ có thế, ông còn có công lớn trong việc gây dựng, vun đắp nên một Ngô Quyền – vị tướng tài ba đánh thắng giặc Nam Hán và kế tục sự nghiệp xây dựng đất nước sau khi ông qua đời vào năm 938. Dương Đình Nghệ đã không nhầm khi đặt niềm tin vào người con trai đất Đường Lâm khi giao Châu Ái – châu bản bộ của mình cho Ngô Quyền. Sau 6 năm dưới quyền quản giữ của Ngô Quyền, Châu Ái đã trở thành trung tâm sức mạnh khi biến cố lớn xảy ra ở Đại La. Ngô Quyền trở thành vị cứu tinh của dân tộc: diệt kẻ phản bội, phản quốc Kiều Công Tiễn, đánh tan giặc Nam Hán.

 

    Những cống hiến cho sự nghiệp giữ nước và dựng nước của Dương Đình Nghệ đã khẳng định ông là một trong những gương mặt chói lọi, tiêu biểu cho dân tộc trong buổi đầu xây dựng nền độc lập tự chủ.

 

    Cùng với Khúc Thừa Dụ, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Dương Đình Nghệ là niềm tự hào của các thế hệ được đời đời ghi nhớ, phụng thờ, lưu danh trong sử sách.

 

    Tên tuổi ông đã được dùng đặt tên phố ở một số địa phương, trong đó có thành phố Thanh Hóa – quê hương ông. Với cống hiến lớn lao cho dân tộc trong lịch sử thế kỷ X, Dương Đình Nghệ xứng đáng được đặt tên phố ở thủ đô Hà Nội – trung tâm của đất nước, như từng có phố Khúc Hạo, phố Đinh Tiên Hoàng, phố Ngô Quyền, phố Lê Đại Hành vậy.

 

 

                                                 PGS. TS. NGUYỄN DANH PHIỆT (Viện sử học)

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com