Dương Không Lộ – Quốc sư triều Lý
- 20/12/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 6498
Chúng ta đã biết, ở nước ta hai triều đại Lý (1010 – 1225) và Trần (1225 – 1400) đã coi đạo Phật là quốc đạo, nằm trong chiến lược “trị quốc an dân” của các bậc quân vương. Giáo lý nhân từ bác ái của đạo phật kết hợp với triết lý sâu sắc của đạo Nho đã tạo nền tảng vững chắc cho những thắng lợi mọi mặt và sự tồn tại lâu dài của hai triều đại. Các vị Thiền sư là những nhân vật có công đối với đất nước.
Dương Không Lộ – Quốc sư triều Lý – được nói đến cả trong truyền thuyết, cổ tích và lịch sử. Trong tâm thức dân gian Không Lộ là “ông khổng lồ” có phép thần thông biến hóa, sức mạnh phi thường rời non lấp biển; là vị Thần y chữa bệnh hiểm nghèo cho vua; là ông tổ nghề đúc đồng nước Nam ta…
Đáng lưu ý là, người ta hay có sự nhầm lẫn giữa hai vị Thiền sư triều Lý là Dương Không Lộ (1016 – 1094) và Nguyễn Minh Không (1066 – 1141). Hai ông sinh cách nhau 51 năm, ở hai triều vua khác nhau, quê khác nhau, mất cách nhau 48 năm ([1]). Tập sách về phật giáo cổ nhất Việt Nam – Thiền Uyển Tập Anh – hiện nay vẫn còn cũng đã nói lên điều đó ([2]).
Để góp phần làm sáng tỏ thêm về nhân vật Họ Dương đặc biệt này, chúng tôi trân trọng gửi đến bà con Dòng tộc bài viết trên cơ sở tham khảo tài liệu sưu tầm được, đặc biệt là các tài liệu, tư liệu, thực tế thu nhận được trong các chuyến điền dã tìm hiểu di tích về Dương Không Lộ ở một số địa phương.
- CHÙA KEO THÁI BÌNH
Chùa Keo Thái Bình (Thần Quang Tự) thờ phật, đồng thời thờ Thánh Tổ Dương Không Lộ, hiện tại ở thôn Hành Dũng Nghĩa (làng Keo), xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; nằm bên tả ngạn sông Hồng. Bên hữu ngạn sông Hồng đối diện, tại thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cũng có một ngôi chùa cổ được gọi là Chùa Keo.
Nguồn gốc hai ngôi chùa Keo được giải thích như sau:
Ngày xưa, ở ấp Giao Thủy – Nam Định, tên Nôm là ấp Keo hay làng Keo, có ngôi Chùa Nghiêm Quang được xây dựng năm 1061 đời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072). Đến năm 1167 đời vua Lý Anh Tông (1138 – 1175) Chùa Nghiêm Quang được đổi thành Chùa Thần Quang (Thần Quang Tự). Đến năm Tân Hợi (1611), một trận lũ lụt lớn khác thường, nước sông cuộn cuộn dâng trào, phá hủy làng mạc, chùa chiền ([3]). Từ đấy, người dân ấp Keo cũ phải dời đi hai nơi. Một chuyển về Đông Nam hữu ngạn sông Hồng, nay là đất làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường – Nam Định, một sang tả ngạn sông Hồng về phía Đông Bắc; nay là đất thôn Hành Dũng Nghĩa, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Như vậy, sau trận lũ lụt năm 1611, làng Keo (ấp Giao Thủy) được chia làm hai làng, rồi hai làng đều dựng chùa thờ Thánh Tổ Dương Không Lộ, đều gọi là Chùa Keo, đồng thời đều có tên tự là Thần Quang Tự. Chùa Keo Thái Bình còn được dân gian gọi là Chùa Keo trên vì ở phía thượng nguồn sông Hồng, Chùa Keo Nam Định là Chùa Keo dưới vì ở phía hạ nguồn sông Hồng.
Chùa Keo Thái Bình được xây dựng năm 1632. Đáng lưu ý là ngôi Chùa Keo cổ ở ấp Giao Thủy – Nam Định được Dương Không Lộ xây dựng năm 1061 và tu hành ở đây, gọi là Nghiêm Quang Tự, tức Chùa Nghiêm Quang. Sau khi Dương Không Lộ viên tịch, xá lị được nhập Tôn Tháp tại đây, chùa được đổi tên thành Thần Quang Tự, nghĩa là Chùa Thần Quang. Vào thời nhà Lý, nhà sư Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải đều tu tại đây. Thái sư Nguyễn Minh Không (1066 – 1141) cũng từng đến đây ([4]).
Theo văn bia tại Chùa Keo: Chùa Keo Thái Bình xây dựng ban đầu năm 1632 gồm 21 công trình và 54 gian nhà. Hơn 300 năm tồn tại chùa bị hư hỏng, nhiều lần được trùng tu, nhưng các hạng mục chính cơ bản vẫn giữ được kiến trúc cổ truyền triều Lê, tiêu biểu là gác chuông và phần kiến trúc phía trước chùa thờ phật và phần kiến trúc phía sau thờ thánh Dương Không Lộ (楊空路),có tượng đồng mới đúc gần đây, hậu cung có tượng gỗ hương tạc Đức Thánh từ xa xưa.
Trong chùa có nhiều cổ vật: 3 tấm bia đá, chuông, khánh, câu đối, hoành phí, đồ thờ tự …
Tấm bia đá hình vuông có chữ Hán bốn mặt khắc niên hiệu Chính Hòa 10 (1689), khẳng định: Tòa Thánh thờ Dương Không Lộ Thiền sư, với chi tiết “Chùa này thờ Không Lộ rất linh thiêng, được vua Lý cấp ruộng nghìn mẫu”.
Về tiểu sử Dương Không Lộ, theo Thiền Uyển Tập Anh: “Chùa Nghiêm Quang, hương Hải Thanh. Thiền sư Họ Dương người Hải Thanh, nhà mấy đời làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề theo tu hành đạo phật. Sư chuyên chú tu trì pháp môn Đà-La-Nì (Dharàni). Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059 – 1065); đời Lý Thánh Tông, sư cùng đạo hữu là Giác Hải đi vân du cõi ngoài, dấu kín tung tích, đến chùa Hà Trạch, ăn rau mặc lá quên cả thân mình, dứt hết mọi điều mong muốn, một lòng chuyên chú tu tập Thiền định. Rồi mơ thấy tâm thần, tai mắt ngày càng sáng láng thông tỏ, bay trên không, đi dưới nước, hàng long, phục hổ, muôn nghìn phép lạ không lường hết được. Sau sư về bản quận (nghĩa là quê hương – chú thích của DVĐ) dựng chùa trụ trì” ([5]).
“Thiền sư Dương Không Lộ thuộc Dòng pháp của thiền sư Vô Ngôn Thông thế hệ thứ chín (8 người, 3 người khuyết lục).
Quốc sư Minh Không (1066 – 1141), thuộc thiền pháp của Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi Chùa Pháp Vân, thế hệ 13 (6 người, 2 người khuyết lục)” ([6]).
Theo Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng: “Không Lộ họ Dương, húy là Minh Khiêm, quê Hải Thanh, sinh năm Bính Thìn niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 đời Lý Thái Tổ (1016), mất năm Giáp Tuất niên hiệu Hội Phong năm thứ 2 đời Lý Nhân Tông (1094)”.
“Minh Không họ Nguyễn, húy là Chí Thành, quê ở Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên – Ninh Bình, sinh năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương, thiên tự nguyên niên đời Lý Thánh Tông (1066), mất năm Tân Dậu, niên hiệu Đại Định thứ hai, đời Lý Anh Tông (1141)” ([7]).
Trong không gian điện thờ Thánh Không Lộ Chùa Keo Thái Bình có nhiều hoành phi, câu đối cổ bằng chữ Hán, nói lên tài năng đức độ của Ngài. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một vài bức trong số đó.
Chữ Hán: 李 世 國 師
Phiên âm: Lý Thế Quốc sư
Nghĩa là: Quốc sư triều Lý
Chữ Hán: 大 法 法 師
Phiên âm: Đại Pháp Pháp sư
Nghĩa là: Pháp sư có pháp thuật lớn
Chữ Hán: 南 天 聖 祖
Phiên âm: Nam Thiên Thánh Tổ
Nghĩa là: Thánh tổ trời Nam
Câu đối chữ Hán:
興 隨 意 通 北 南 帝 王 師 烈 處
龍 揮 法 妙 百 針 誡 勇 鋭 鋒 無
Phiên âm: Hứng tùy ý thông Bắc Nam đế vương sư liệt xứ
Long huy Pháp diệu bách châm giới dũng nhuệ phong vô.
Nghĩa: Đi khắp trời Nam Bắc các bậc đế vương đều tôn làm thầy
Tài năng pháp thuật diệu linh không gì sánh được.
Từ xa xưa Chùa Keo là công trình kiến trúc quy mô rộng lớn. Theo văn bia và địa bạ Chùa Keo thì diện tích toàn khu kiến trúc rộng 28 mẫu (108.000m2). Khu di tích Chùa Keo hiện nay tọa lạc trên khuôn viên diện tích 40.907,9m2 tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là ngôi cổ tự còn hiện hữu nhiều kiến trúc độc đáo giữa một miền quê êm đềm ruộng đồng, sông nước. Từ phía trước nhìn vào theo trục dọc là toàn bộ các kiến trúc chính, lần lượt: Tam quan ngoại, hồ nước lớn, tam quan nội, chùa Phật, đền Thánh, cuối cùng là gác chuông. Năm 1962 Chùa Keo được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích Quốc gia. Hiện tại, những công trình kiến trúc chính của Chùa Keo là 12 tòa, gồm 102 gian và các công trình phụ trợ gồm 4 tòa, 24 gian.
Hằng năm làng Keo có hai lần mở hội chùa: Hội Xuân ngày mùng 4 Tết, lễ Phật và thi tài nhà nông; Hội Thu từ 13 đến 15 tháng 9 là hội chính; khai hội 13 tháng 9 để nhớ 100 ngày Thiền sư Dương Không Lộ qua đời, ngày 14 kỷ niệm ngày sinh của Ngài; Ngày 15 hôm rằm hội mở thêm là lễ tiết hàng tháng của đạo Phật.
Hội Thu tháng 9 Chùa Keo Thái Bình là dấu vết hiếm hoi của Hội Thu truyền thống còn lưu giữ được trong tất cả các lễ hội truyền thống của người Việt – Đồng bằng Bắc Bộ.
“Với tất cả những ý nghĩa trên, Chùa Keo có thể được coi là một công trình kiến trúc phật giáo sáng giá nhất trong toàn bộ kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện tồn” ([8]).
Ngày nay, Chùa Keo Thái Bình là điểm đến quanh năm của Phật tử và nhân dân từ mọi miền đất nước hành hương lễ Phật, lễ Thánh, vãn cảnh chùa.
(còn nữa)
Bài viết: Dương Văn Đảm
Ảnh: Dương Việt Hòa
[1] Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng. Quốc sư Bảo lục,11.1898.
[2] Kim Sơn. Thiền Uyển Tập Anh,1377. Sài Gòn 1976,1999. Lê Mạnh Thát dịch theo bản khắc năm 1715. Tr58 và 129 (điện tử).
[3] Phạm Đức Ruật, Bùi Duy Lan. Chùa Keo. Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình, 1985
[4] Phạm Đức Ruật, Bùi Duy Lan. Sách đã dẫn Tr.33
[5] Thiền Uyển Tập Anh, bản khắc năm 1715. Sách đã dẫn. Ngô Đức Thọ dịch, NXB văn học, H.1990. Tr.80 (điện tử).
[6] Thiền Uyển Tập Anh, bản khắc năm 1715, Lê Mạnh Thát dịch. Sách đã dẫn Tr.58 và 129 (điện tử)
[7] Lý lịch di tích chùa Keo Thái Bình. Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình.2012
[8] Đặng Hữu Tuyền. Chùa Keo. NXB Mỹ thuật, 1995. Tr.77