Giá trị kinh tế của Cây mắc ca
- 18/01/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 8012
Macadamia hay còn được biết đến với tên gọi là mắc ca, là một loại cây có xuất xứ từ Úc và đã du nhập vào Việt Nam hơn 10 năm nay. Cây mắc ca là một loại cây rừng, có sức sống mạnh mẽ, dễ trồng, phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Hạt mắc ca có giá trị sử dụng cao, vỏ được dùng làm chất đốt, phân bón và nhiên liệu.
Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng
Tại Việt Nam, ngoài 2 vùng trồng chính là Tây Nguyên và Tây Bắc, cây mắc ca còn có thể trồng ở các tiểu vùng khí hậu như Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, vùng miền núi phía Bắc và các tỉnh vùng ven của Tây Nguyên… Các vùng khí hậu này có đặc tính bắt đầu lạnh khoảng dưới 18 độ về ban đêm từ tháng 10 – 11 (âm lịch), là điều kiện thích hợp để cây mắc ca phân hóa mầm hoa, chuẩn bị cho thời kỳ ra hoa.
Cây mắc ca sẽ bắt đầu ra hoa từ tháng 1-3 (âm lịch), nếu mưa nhiều hoặc độ ẩm cao trong thời gian này cây sẽ rụng hoa và không đậu quả nhưng với mỗi giống mắc ca khác nhau thì thời điểm ra hoa cũng khác nhau. Lựa chọn được giống phù hợp với từng vùng sẽ ít bị ảnh hưởng của thời tiết khi cây mắc ca ra hoa
Giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe
Có tới 90% mắc ca được dùng cho mục đích thực phẩm, bởi rất giàu vitamin A, Omega 3 và các chất dinh dưỡng khác. Những người sử dụng mắc ca thường xuyên rất có lợi cho sức khỏe tim mạch, giúp chống oxy hóa, giúp giảm cân, tạo cơ bắp, hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa loãng xương và làm giảm triệu chứng về bệnh xương khớp…
Sản phẩm đa dạng
Mắc ca có thể chế biến thành nhiều sản phẩm trong những ngành hàng khác nhau như thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… các sản phẩm từ các bộ phận khác của cây như vỏ hạt mắc ca có thể làm phân bón, chất đốt… Mật ong cũng là một nguồn thu nhập lớn (ở Tây Nguyên những vườn trồng thuần mắc ca với mật độ 300 cây/ha có thể thu nhập thêm đến 7-8 triệu đồng/ha/năm từ mật ong, mật ong mắc ca đậm đặc hơn mật ong thường và có giá trị dinh dưỡng cao nên giá bán cao hơn mật ong thường trên thị trường). Ví dụ như cà phê chủ yếu dùng làm đồ uống và một phần trong công nghệ thực phẩm nhưng Việt Nam đã trồng cả triệu ha, trong khi mắc ca có thể làm thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác. Một người bình thường có thể tiêu thụ 3 tách cà phê/ngày thì tiềm năng tiêu thụ mắc ca sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Dễ chế biến, bảo quản
Mắc ca dễ chế biến và bảo quản hơn các loại cây ăn quả khác, ví dụ như thanh long vừa rồi bị các thương lái nước ngoài từ chối nhập khẩu, dẫn tới việc thanh long bị tồn đọng, lưu kho với số lượng lớn và bị hư hỏng toàn bộ. Câu chuyện này với mắc ca thì hoàn toàn khác, vì là hạt nên có thể chế biến sấy khô, lưu kho lâu ngày nên không sợ thương lái trở mặt và có thể chế biến ra rất nhiều loại sản phẩm khác nhau.
Thị trường tiêu thụ rộng lớn
Xu hướng tiêu thụ các loại thực phẩm từ hạt trên toàn thế giới ngày càng tăng với xu hướng sử dụng làm đồ ăn nhẹ lành mạnh, giúp giảm cân và giữ gìn sức khỏe. Một khẩu phần hạt có thể là sự thay thế có lợi cho thịt chế biến, khoai tây chiên hoặc đồ ăn nhẹ có đường. Xu thế tiêu thụ hạt mắc ca trên thế giới ngày càng tăng, hiện nay sản lượng mắc ca chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu tiêu thụ của người dân trên thế giới.
Theo dự báo của Hiệp hội hạt và quả khô quốc tế (INC), đến năm 2030, lượng cung mắc ca trên toàn thế giới mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Thị trường chính tiêu thụ các sản phẩm mắc ca hiện nay là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, các nước Trung Đông… Trong tương lai, số lượng người tiêu dùng biết đến các sản phẩm mắc ca tại các quốc gia đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ… sẽ tăng nhanh, vì vậy nhu cầu tiêu thụ mắc ca tại các thị trường tiềm năng này sẽ ngày càng tăng cao.
Lợi ích môi trường
Cây mắc ca về bản chất là cây rừng vì vậy trồng mắc ca chính là trồng rừng. Tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều đất trống, đồi trọc vừa lãng phí về kinh tế, nguồn lực vừa tạo điều kiện cho mưa bão, lũ lụt hoành hoành. Trồng mắc ca là một cách hữu hiệu để giữ sự màu mỡ cho đất, và giữ lại nguồn nước ngầm vốn đã bị bào mòn trong một thời gian dài. Ngoài ra, việc vận động bà con tại các khu vực vùng cao trồng và chăm sóc cây mắc ca cũng là một phương án tạo công ăn việc làm cho người dân, giảm đói nghèo và các tội phạm xã hội do đói nghèo gây ra. Nói cách khác, trồng mắc ca là chúng ta có thể giải quyết được 3 bài toán về kinh tế, xã hội và môi trường.
Sự ủng hộ của các cấp chính quyền
Trong chuyến công du tại Úc vào tháng 3 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trước các nhà đầu tư lớn từ Úc và các nước khác, Thủ tướng đã cầm trên tay một sản phẩm mắc ca của Việt Nam và nói rằng nó ngon hơn sản phẩm của chính nước Úc – nơi sản sinh ra cây mắc ca. Thủ tướng và các lãnh đạo cao cấp khác của nước Việt Nam rất ủng hộ mắc ca
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành những văn bản, thông tư thể hiện sự ủng hộ và hỗ trợ việc trồng mắc ca tại Việt Nam như các văn bản hướng dẫn trồng và chăm sóc chế biến mắc ca, văn bản quy trình công nhận cây mắc ca đầu dòng.
Tại tỉnh Lai Châu, chính quyền tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ bà con nông dân cây giống cũng như các chính sách hỗ trợ trồng và phát triển mắc ca với số tiền là 20 triệu đồng/ha trồng mắc ca.
Hiệu quả kinh tế
Với hình thức trồng thuần cây mắc ca và giá bán ước tính 70.000 đồng/kg (giá thị trường hiện nay vào khoảng 90.000 đồng/kg), từ năm thứ 5 khi cây đã cho sản lượng thu hoạch ổn định thì doanh thu đem lại trung bình từ 200 – 400 triệu đồng/ha/năm với chi phí chăm sóc hàng năm chiếm khoảng 25% doanh thu. So sánh với cây keo lai, người trồng thu hoạch sau 5 năm thu được 65 triệu/ha, tính bình quân được khoảng 13 triệu đồng/ha/năm, sau khi trừ các loại chi phí thì lợi nhuận thu được là 8 triệu đồng/ha/năm.
Sự hỗ trợ của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt
Mắc ca là loài cây duy nhất tại Việt Nam được hỗ trợ bởi một ngân hàng và một hiệp hội riêng biệt. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam được thành lập với vai trò lớn nhất là đảm bảo quyền lợi và định hướng những cá nhân, tổ chức trồng và chăm sóc cây mắc ca tại Việt Nam. Những nhiệm vụ rõ ràng nhất của hiệp hội bao gồm: Hướng dẫn, huấn luyện kĩ thuật cho bà con trồng và chăm sóc mắc ca hay đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các thành viên của mình với giá 85% giá mắc ca của Úc (hiện tại giá mắc ca của Úc tương đương khoảng 85.000 đồng, Hiệp hội sẽ bao tiêu với giá 75.000 đồng), hợp đồng bao tiêu sẽ có giá trị trong thời gian 10 năm từ khi bắt đầu trồng.
Hiệp hội Mắc ca Việt Nam còn đóng vai trò cầu nối giữa hai đơn vị kinh tế vững mạnh là Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam với bà con trồng và chăm sóc cây mắc ca bằng những định hướng lâu dài của mình. Ngoài ra, Hiệp hội còn hỗ trợ xây dựng các mô hình doanh nghiệp về mắc ca tại các vùng trồng lớn với nhiệm vụ làm mẫu, hướng dẫn cho bà con các quy trình kỹ thuật và sau này sẽ trực tiếp bao tiêu sản phẩm của bà con tại chính địa phương. Đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp và địa phương.
Với các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam cũng như các yếu tố về thị trường, sự hỗ trợ về kỹ thuật của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, sự hỗ trợ về tài chính của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Đặc biệt, với sự quan tâm của Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam về việc phát triển cây mắc ca để góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân, đây là một cơ hội để cho bà con họ Dương triển khai phát triển cây mắc ca để làm giàu cho chính mình cũng như cho đất nước.
Huỳnh Ngọc Huy
Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam