GS.TS Dương Nguyên Vũ – ‘cha đẻ’ 2 chương trình đào tạo nhân tài xuất sắc
- 19/12/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 1076
Nếu các nhà khoa học thường tự hào với công trình nghiên cứu để đời, những bài báo có tầm quốc tế, thì với GS.TS Dương Nguyên Vũ, niềm tự hào của ông là thành công của sinh viên.
GS.TS Dương Nguyên Vũ là cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Đầu thập niên 1980, ông đến Pháp, được nhận vào học đồng thời tại trường Kiến trúc thuộc Học viện Quốc gia Mỹ thuật (Ecole Nationale des Beaux-Arts) và trường Quốc gia Cầu cống (Ecole Nationale des Ponts et Chaussees) thuộc Viện Công nghệ Paris (Paris Institute of Technology).
GS Dương Nguyên Vũ từng là giám đốc nghiên cứu đổi mới sáng tạo, cố vấn khoa học cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Hàng không châu Âu (Eurocontrol), đồng thời là giáo sư tại trường EPHE Sorbonne và giáo sư thỉnh giảng của trường Telecom-ParisTech, Pháp.
GS.TS Dương Nguyên Vũ, chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu trong lĩnh vực hàng không. Ảnh: NVCC.
“Iron-man” và dấu ấn Việt Nam trên bản đồ tri thức thế giới
Năm 1990, ông ghi dấu Việt Nam trên bản đồ tri thức thế giới với sáng kiến “Bay tự do hơn” – ứng dụng Toán học để tối ưu dự đoán, điều tiết lịch trình bay và công trình về đường bay tự kiểm soát. Sáng kiến này đã đưa ông trở thành chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hàng không.
Lần đầu tiên ông về Việt Nam năm 1994, khi đang làm việc cho Tập đoàn Dầu khí Schlumberger (Mỹ). Ông kể với bạn bè của mình rằng trên chuyến bay từ Singapore đến Sài Gòn, ông đã bật khóc và tự thấy mình phải có trách nhiệm trở về, làm gì đó cho quê hương.
Năm 1998, khi hay tin Viện Tin học Pháp ngữ Hà Nội cần người dạy về trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính, GS Vũ chủ động gửi thư ngỏ ý muốn đảm trách nhiệm vụ này. Từ đó, ông bắt đầu hành trình với khoa học và giáo dục nước nhà.
GS Dương Nguyên Vũ xem thể thao như bài tập về tính kỷ luật. Ảnh: NVCC.
Khi GS Vũ quyết định về nước để cống hiến cho quê hương, rất nhiều người đặt câu hỏi với ông: Vì sao? Vì sao ông chọn trở về khi đang trong thời kỳ nghiên cứu khoa học đỉnh cao và là một trong những chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu trong lĩnh vực hàng không thế giới? Ông có cảm thấy tiếc nuối? Ông sảng khoái trả lời: “Có gì phải tiếc nuối khi mình đang vui sống từng ngày”.
Ông có hai con, đều xuất sắc. Con trai lớn hiện làm việc cho tập đoàn Amazon, trụ sở Luxembourg. Con gái của GS Vũ học thạc sĩ tại London, Anh. Quan điểm của ông là để con được tự do trong tư duy và phải có trách nhiệm với xã hội.
GS Vũ là người có lối sống lãng mạn, lành mạnh. Ông được mệnh danh “Iron-man”, thường tham gia các cuộc đua xe đạp và chạy marathon. Ông là con người nhiệt huyết, lạc quan với nụ cười thường thấy trên khuôn mặt. Ông nấu ăn rất khéo và thích uống rượu vang hay uống bia với bạn bè. Ít ai biết ông còn là DJ chuyên nghiệp khi chưa dành hết quỹ thời gian cho các nhà khoa học trẻ.
Dành tất cả cho sinh viên, chú trọng phát hiện và bồi dưỡng nhân tài
GS.TS Dương Nguyên Vũ may mắn khi được ảnh hưởng của nhiều thầy giỏi. Ông cũng muốn truyền năng lượng, kiến thức, kinh nghiệm, tạo sự ảnh hưởng với tương lai sinh viên.
Ông hạnh phúc mỗi khi kể về học trò của mình: “Sinh viên là niềm tin, mơ ước của tôi và là tiềm năng của tương lai. Được dùng tri thức, đam mê của mình để tác động đến tương lai của thế hệ trẻ là trọng trách lớn lao mà thầy giáo có được. Người giàu có đến mấy cũng không thể sở hữu vinh dự ấy”.
Từng là chàng sinh viên nghèo trên đất Pháp, mỗi tháng phải nhịn ăn từ 7 đến 10 ngày, GS Vũ luôn ước mơ sinh viên của mình đi học không phải lo nghĩ về tài chính. Dù phần lớn thời gian làm việc ở nước ngoài, ông có nhiều đóng góp cho giáo dục Việt Nam. Trong đó, nổi bật là hai mô hình đào tạo nhân tài xuất sắc.
Năm 2005, PGS Dương Anh Đức, lúc đó là trưởng khoa Công nghệ Thông tin, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), giao cho GS Vũ nhiệm vụ xây dựng chương trình tiên tiến khoa học máy tính hợp tác giữa ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Portland State University (Advanced Program in Computer Science – APCS). Đây là một trong 10 chương trình được Bộ GD&ĐT thực hiện nhằm tiếp thu có chọn lọc và đào tạo một số chương trình và giáo trình tiên tiến hiện đại đang giảng dạy ở các trường đại học nước ngoài phù hợp yêu cầu phát triển của Việt Nam.
Từ cách học thụ động của sinh viên Việt Nam, GS Vũ nhận thấy nếu giữ nguyên chương trình theo khuôn mẫu của ĐH Portland sẽ không phù hợp và hiệu quả. Ông mạnh dạn đưa ra nhiều thay đổi trong chương trình và mời thầy cô nước ngoài về dạy.
Ông đề nghị trong quá trình học, sinh viên phải được đào tạo về kỹ năng mềm, bao gồm kỹ năng quan sát và tư duy trừu tượng, tư duy phản biện khoa học với các minh chứng từ khoa học, tư duy về chiến lược và người dẫn dắt, tư duy đổi mới và sáng tạo khởi nghiệp.
Vì GS Vũ quan niệm những sinh viên xuất sắc phải là nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nhà khoa học thực sự. Ở thời điểm những năm 2005-2006, rất ít người nghĩ về kỹ năng đổi mới và tinh thần kinh doanh cho sinh viên.
Ông luôn dạy sinh viên năm nhất và dành phần lớn thời gian hướng dẫn các bạn trẻ cách học kỹ năng mềm. Nó góp phần tạo ra khác biệt giữa sinh viên học chương trình APCS và những bạn khác, thậm chí cả với hệ cử nhân tài năng.
Lúc đó, dù đang là giám đốc khoa học cho Eurocontrol, giảng dạy tại EPHE và Telecom-ParisTech, ông xin nghỉ không lương 20% thời gian, cộng thêm nghỉ phép, để về Việt Nam giảng dạy cho chương trình APCS mỗi tháng một lần, mỗi lần một tuần. Cũng từ đó, GS Dương Nguyên Vũ nghĩ đến khả năng về Việt Nam làm việc.
Năm 2008, giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM có ý định thành lập trung tâm xuất sắc về khoa học máy tính và công nghệ thông tin với mong muốn tạo môi trường nghiên cứu khoa học cách tân, không nặng nề về cấu trúc hành chính, tự trị về quản lý và tự do về học thuật.
GS Dương Nguyên Vũ được mời về chịu trách nhiệm Viện John von Neumann với mục đích kết nối sức mạnh tri thức Việt trong và ngoài nước, tạo môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi để thu hút người Việt ở nước ngoài đóng góp cho quê hương.
Năm 2010, GS Vũ nhận nhiệm vụ giám đốc Trung tâm Xuất sắc John von Neumann (nay là Viện John von Neumann – JVN). Nhưng phải đến năm 2012, ông mới thu xếp được công việc và gia đình để bắt đầu cuộc sống mới ở Việt Nam.
Sự trở về của ông ở thời điểm đó kéo theo một “làn sóng trở về” của nhiều trí thức tên tuổi, tầm cỡ thế giới như GS.TS Vũ Hà Văn (giảng viên Toán học của ĐH Yale – Mỹ, từng đoạt các giải thưởng George Polya, NSF Career, Fulkerson), GS.TS Phạm Xuân Huyên (chuyên gia Toán kinh tế – ĐH Paris 7), GS.TS Hồ Tú Bảo (Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Nhật Bản)…
Đặc biệt, JVN đã thu hút rất nhiều tài năng trẻ về Toán, CNTT trở về, trở thành giảng viên cơ hữu của viện như PGS.TS Ngô Quang Hưng (giải nhất Olympic Toán học năm 1990, giải thưởng NSF Career 2004-2009), TS Vũ Duy Thức (tốt nghiệp ĐH Stanford, Mỹ), TS Trần Minh Triết (giải thưởng Quả cầu vàng về CNTT 2009), TS Hứa Minh Đức (tốt nghiệp ĐH Bách khoa Paris, Pháp).
Thời kỳ đầu, GS Vũ gặp khó vì chưa có kinh nghiệm quản lý ở Việt Nam, cũng như chưa có kinh nghiệm về làm nghiên cứu khoa học theo kinh phí nhà nước. Nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải có kinh phí đầu tư và những con người thực sự tài giỏi, nhưng kinh phí vừa ít vừa nhiêu khê về thủ tục. “Có lần, mình đã khóc vì ức… Từ một Iron-man (con người thép), trở thành một Fe-male!”, ông kể (đây là lối chơi chữ độc đáo, Fe là ký hiệu của nguyên tố sắt và Male đàn ông, nhưng Female lại là đàn bà (vốn hay khóc) – người viết).
Không trông chờ vào cơ chế, ông và các cộng sự đã tìm ra phương án đào tạo sau đại học, tìm nguồn tài chính hỗ trợ nghiên cứu khoa học và cộng tác đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp để có nguồn nghiên cứu và tài chính.
Sau đó, JVN gặp khó khăn do thu không đủ chi, doanh nghiệp ngừng tài trợ. Có lúc, GS.TS Dương Nguyên Vũ chấp nhận làm không lương, dành lương của mình để trả cho các cán bộ trong viện. Thậm chí, ông nhận đi làm thêm, giảng dạy các khóa ngắn hạn ở ngoài để lấy tiền nuôi nghiên cứu viên. Nhờ nhiều người giúp sức, guồng máy JVN vận hành ổn định trở lại.
Những năm tháng ấy, GS Vũ say mê, tâm huyết với các chương trình đào tạo người tài cho Việt Nam đến mức ông chấp nhận bỏ toàn bộ thời gian, sức lực, tiền bạc, thậm chí dừng hẳn hoạt động nghiên cứu khoa học của mình. Sự nghiệp nào cũng cần sự đánh đổi, hy sinh. Nhưng APCS và JVN xứng đáng với sự hy sinh đó của GS.TS Dương Nguyên Vũ.
Năm 2017, GS Vũ nhận lời về làm việc tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore). Nhiệm vụ giám đốc JVN được trao lại cho cộng sự thân thiết, GS Hồ Tú Bảo. Còn GS Vũ, ông vẫn dành hai ngày cuối tuần để bay về Việt Nam dạy cho sinh viên của chương trình APCS.
TS Trần Nam Dũng từng là học sinh chuyên Toán trường Trung học Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng. Ông đoạt huy chương bạc Olympic Toán quốc tế năm 1983 tại Paris, Pháp. Sau đó, Trần Nam Dũng sang Nga học đại học và làm nghiên cứu sinh tại ĐH Tổng hợp Matxcova mang tên Lomonosov.Về nước, ông giảng dạy tại khoa Toán – Tin học, ĐH Khoa học Tự nhiên và trường Phổ thông Năng khiếu thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Ông có gần 25 năm kinh nghiệm giảng dạy chuyên Toán, là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Toán trường Phổ thông Năng khiếu giai đoạn 1997-2003.TS Trần Nam Dũng được tặng nhiều bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Trung ương Đoàn, Bộ trưởng GD&ĐT, Chủ tịch UBND TP.HCM, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, Hiệu trưởng ĐH Tổng hợp Quốc gia Matxcova (Nga), Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.
Dương Thủy sưu tầm Zing.Vn