Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Dương Thanh trong Lịch sử đấu tranh chống Bắc thuộc của Dân tộc Việt Nam”
- 09/11/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 10134
Sáng ngày 9/11/2019, tại Khách sạn Mường Thanh Sông Lam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An đã diễn ra Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Dương Thanh trong Lịch sử đấu tranh chống Bắc thuộc của Dân tộc Việt Nam”.
Hội thảo do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và Hội đồng Họ Dương Việt Nam phối hợp tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 1200 năm khởi nghĩa Dương Thanh.
Tham gia buổi Hội thảo có ông Hồ Mậu Thanh – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Nghệ An cùng các ông bà đại diện cho các cơ quan, ban, ngành đoàn thể trực thuộc Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An.
Về phía Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ông Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS.TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các đại biểu thuộc Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, Viện Lịch sử Quân sự, Viện Sử học Việt Nam… cùng các đại biểu là các nhà khoa học đại diện cho các cơ quan, ban ngành đoàn thể Trung ương và tỉnh Nghệ An.
Về phía Hội đồng Họ Dương Việt Nam có ông Dương Công Minh – Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam cùng các ông/bà Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam, các thành viên Câu lạc bộ Lão thành Họ Dương Việt Nam, các ông, bà là Chủ tịch Hội đồng Họ Dương các tỉnh/TP trên cả nước và nước ngoài, cùng đông đảo bà con trong và ngoài Họ Dương quan tâm đến cuộc sự kiện quan trọng này.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Dương Công Minh – Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam khẳng định: “Cuộc Khởi nghĩa Dương Thanh đã giành thắng lợi bằng việc đánh chiếm phủ thành Tống Bình vào ngày 19 tháng 8 năm Nguyên Hòa thứ 14 (tức năm 819), giết tên đô hộ An Nam Lý Tượng Cổ, giành quyền tự chủ, thiết lập bộ máy chính quyền độc lập, làm chủ thành Tống Bình (tức thủ đô Hà Nội ngày nay), tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống nhà Đường. Mặc dầu bộ máy chính quyền do Dương Thanh đứng đầu chỉ tồn tại hơn bẩy tháng do quá chênh lệch về tương quan lực lượng nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng cuộc khởi nghĩa của Dương Thanh là một trong những cuộc khởi nghĩa mang ý nghĩa lịch sử trọng đại. Cuộc khởi nghĩa của Dương Thanh đã thể hiện tinh thần quật khởi của dân tộc ta, là cuộc tập dượt, báo hiệu một thời kỳ mới trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Có thể nói Thế kỷ thứ IX, thứ X và thứ XI, lịch sử đã liên tục chứng kiến những người Họ Dương xuất sắc nhất như: Nam bang Đại tướng Dương Thanh, Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, Bình vương Dương Tam Kha, Thái hậu Dương Vân Nga, đứng ra gánh vác trọng trách trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, chủ quyền của Đất nước, thoát khỏi ách đô hộ 1000 năm của phong kiến phương bắc.
Cho đến nay, sử sách nước ta viết chưa nhiều về Nam bang Đại tướng Dương Thanh, nhân dân ta còn ít biết về Ông. Ngày hôm nay, Hội thảo khoa học: “Khởi nghĩa Dương Thanh trong lịch sử đấu tranh chống Bắc thuộc của dân tộc Việt Nam” được tổ chức là một việc làm thiết thực nhằm đánh giá sâu sắc hơn ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Dương Thanh trong lịch sử chống Bắc thuộc của dân tộc ta, tìm hiểu về quê hương, gia đình, thân thế, sự nghiệp của Dương Thanh và những vấn đề khác liên quan đến nhân vật lịch sử Dương Thanh và cuộc khởi nghĩa chống nhà Đường do ông lãnh đạo”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Mậu Thanh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đã hoan nghênh HĐHDVN phối hợp với Hội Khoa học lịch sử và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc hội thảo này rất có ý nghĩa. Ông cũng đã nêu lên một số vấn đề quan trọng: Qua nghiên cứu về cuộc Khởi nghĩa Dương Thanh, cần làm rõ hơn ý chí độc lập, tự chủ của nhân dân ta trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chính ý chí ấy đã thúc đẩy hàng ngàn, hàng vạn con dân nước Việt bất chấp gian khổ, hy sinh chiến đấu chống quân cướp nước, sau lời hiệu triệu khởi nghĩa của Thủ lĩnh Dương Thanh; Làm rõ nguyên nhân thành công cũng như thất bại của khởi nghĩa để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; Làm rõ vai trò của Thủ lĩnh khởi nghĩa Dương Thanh, đồng thời làm rõ vai trò và sự đóng góp to lớn của nhân dân trong cuộc khởi nghĩa, vì đây mới chính là nguồn lực quan trọng của khởi nghĩa này; Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về cuộc khởi Dương Thanh có nên kiến nghị việc đưa nội dung này vào sách giáo khoa lịch sử một cách hợp lý, để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hay không? Cuối cùng ông
PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị các đại biểu tập trung trung thảo luận các vấn đề cụ thể sau đây:
1. Bối cảnh trong nước và quốc tế khi cuộc khởi nghĩa Dương Thanh nổ ra
2. Thân thế, bao gồm gia đình, quê hương và sự nghiệp của Dương Thanh, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.
3. Tổ chức bộ máy chính quyền sau khi khởi nghĩa giành được thắng lợi, đánh đuổi được quân xâm lược nhà Đường.
4. Nguyên nhân cuộc khởi nghĩa mau chóng giành được thắng lợi và nguyên nhân thất bại.
5. Tác động của cuộc khởi nghĩa Dương Thanh đối với phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta cuối thế kỷ IX sang thế kỷ X. Vị trí của cuộc khởi nghĩa Dương Thanh trong lịch sử chống Bắc thuộc của dân tộc Việt Nam.
Hội thảo đã được nghe nhà khoa học phát biểu tham luận về các vấn đề quan trọng xung quanh cuộc Khởi nghĩa Dương Thanh, một biểu hiện của tinh thần yêu nước Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước.Trong phần thảo luận, có nhiều ý kiến rất sôi nổi tập trung theo các nội dung: Thân thế Duơng Thanh, diễn biến cuộc khởi nghĩa, nguyên nhân thất bại, tính chất, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa…
Kết luận Hội thảo, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định cuộc khởi nghĩa Dương Thanh có vai trò vô cùng to lớn trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đặc biệt trong đấu tranh chống Bắc thuộc của dân tộc ta. Trong thời gian tới, Hội Khoa học Lịch sử cùng các cơ quan, ban ngành sẽ kiến nghị việc đưa nội dung này vào sách giáo khoa lịch sử một cách hợp lý, để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Hiền Hòa