Khởi nghĩa Dương Thanh – Đôi điều suy ngẫm

(Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Dương Thanh trong Lịch sử đấu tranh chống Bắc thuộc của Dân tộc Việt Nam” tổ chức ngày 9/11/2019 tại Nghệ An)

Ban liên lạc Họ Dương Việt Nam (BLL HDVN), là tiền thân của Hội đồng Họ Dương Việt Nam (HĐHDVN) ngày nay, ngay từ ngày đầu thành lập (22/3/1992) đã coi trọng việc nghiên cứu lịch sử Họ Dương Việt Nam. Ngày 25 tháng 3 năm 2001, tại Hội nghị toàn thể lần thứ ba, BLL HDVN đã suy tôn cụ Dương Thanh là Viễn Tổ của Họ Dương (1). Tuy nhiên đến nay kết quả nghiên cứu về cụ Dương Thanh còn rất hạn chế, do nguồn tài liệu trong nước ít, lực lượng mỏng. Trong Hội thảo này, tôi xin bày tỏ một vài hiểu biết cùng đôi điều suy ngẫm của chúng tôi về Viễn Tổ Dương Thanh và về cuộc khởi nghĩa Dương Thanh.

I. Thân thế và sự nghiệp Dương Thanh

Tổ tên húy là Thanh, tên tự là Trạm Thanh (2); vốn dòng dõi hào trưởng lâu đời có nhiều thế lực; làm Thứ sử Châu Hoan (Nghệ Tĩnh) (3) vào thời nhà Đường đô hộ nước ta.

Quê quán cụ Dương Thanh nêu trong các tài liệu rất khác nhau:

– Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Dương Thanh là người Giao Châu (4);

– Theo Dương tộc kỷ sử, Dương Thanh quê ở Thanh Hóa (5).

– Theo tộc hệ họ Dương, Dương Thanh, quê quán ở Long Vỹ, châu Cổ Pháp – Bắc Ninh (6).

– Theo gia phả họ Đào, Dương Thanh quê ở Long Vỹ, Cổ Pháp – Bắc Ninh (7)

– Theo Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm, lưu vực Sông Cầu thuộc địa phận các trấn Thái Nguyên, Kinh Bắc (Bắc Giang – Bắc Ninh) là nơi sinh tụ dòng Họ Dương Việt Nam trong đó có sinh quán của Viễn Tổ Dương Thanh (8).

Bởi vậy cần tiếp tục nghiên cứu để rút ra kết luận có sức thuyết phục về quê quán của Viễn Tổ Dương Thanh.

Dương Thanh vốn là một tù trưởng thế tập của người Việt có lực lượng mạnh, giàu lòng yêu nước, căm thù bọn cướp nước. Bởi vậy khi sang An Nam làm quan Đô hộ, Lý Tượng Cổ một tôn thất nhà Đường, luôn tìm cách kiềm chế bớt sức mạnh của ông. Mặc dù căm ghét ông chúng vẫn giao cho ông chức Thứ sử Châu Hoan, rồi Tướng Nha môn ở phủ Tống Bình (9), điều này càng khiến Dương Thanh bất bình, nén sâu uất hận, nuôi chí lớn, chờ thời cơ vùng lên đánh giặc.

Đền thờ Dương Tướng Công tại làng Văn Lang, xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An

II. Khởi nghĩa Dương Thanh (819 – 820)

1. Tóm tắt diễn biến cuộc khởi nghĩa

Vào thời nhà Đường năm Nguyên Hòa 14 – năm 819, Lý Tượng Cổ được cử đi An Nam làm quan đô hộ. Với bản chất tham lam hung bạo, hắn kéo hơn một nghìn gia thuộc, bộ hạ sang nước ta, hòng đàn áp bóc lột nhân dân ta.

Lý Tượng Cổ gọi Dương Thanh đang làm Thứ sử Châu Hoan ra phủ Tống Bình giao cho làm Tướng Nha môn. Dương Thanh âm thầm nhận lệnh chỉ.

Lúc bấy giờ, tộc người thiểu số Man ở Hoàng Động thường xuyên nổi lên chống lại nhà Đường. Vua Đường xuống chiếu chỉ sai Lý Tượng Cổ mang quân đi đàn áp.

Lý Tượng Cổ trao cho Dương Thanh ba ngàn quân sai đi đánh Hoàng Động.

Có quân đội và vũ khí hẳn đã từng là điều trăn trở của Thủ lĩnh Dương Thanh!

Sẵn có lực lượng và vũ khí trong tay, Dương Thanh cùng con trai là Dương Chí Liệt và một người thân tín là Đỗ Sĩ Giao, bàn kế kêu gọi binh lính không nên đi đánh nhân dân Hoàng Động, mà trở giáo đánh lại Lý Tượng Cổ và bè lũ đô hộ. Được binh lính yêu nước ủng hộ, ngay đêm xuất quân, Dương Thanh đã cùng nghĩa binh quay lại tập kích phủ An Nam, giết Lý Tượng Cổ, cùng toàn bộ bộ hạ, gia thuộc của hắn, chiếm giữ phủ thành Tống Bình. Theo sách Cựu Đường thư, đó là ngày 19 tháng 8 năm Nguyên Hòa 14 – năm 819 (10). Dương Thanh thiết lập bộ máy chính quyền độc lập tự chủ, làm chủ thành Tống Bình, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc Đường.

Trong cuộc chiến ở phủ thành, Thủ lĩnh Dương Thanh và nghĩa binh là người chiến thắng hoàn toàn, quan quân đô hộ nhà Đường thất bại thảm hại.

Vua Đường xảo quyệt giả vờ tha tội cho Dương Thanh, ban chiếu chỉ cử ông đi giữ chức Thứ sử Quỳnh Châu ở đảo Hải Nam, nhằm đẩy ông đi biệt xứ rồi tìm cách ám hại ông. Không mắc mưu giặc, Dương Thanh chống lại lệnh nhà Đường, kiên quyết ở lại giữ thành Tống Bình.

Không thực hiện được mưu đồ “điệu hổ li sơn”, vua Đường cử Quế Trọng Võ tiếp tục sang An Nam làm quan đô hộ thay Lý Tượng Cổ đã bị giết. Trọng Võ cho chiêu dụ hào phú, tù trưởng, dùng kế ly gián Dương Thanh với các thủ lĩnh nghĩa quân khác; chia rẽ nghĩa quân với Dương Thanh, mua chuộc binh sĩ dưới quyền ông… Rồi cắt đại quân tiến đánh thành Tống Bình, giết được Dương Thanh và con trai ông là Dương Chí Trinh. Dương Chí Liệt và Đỗ Sĩ Giao lui quân về giữ Tạc Khẩu ở Trường Châu, Yên Mô – Ninh Bình, nhưng ít lâu sau cũng bị thất bại. Theo sách Tân Đường thư, thành Tống Bình thất thủ, thủ lĩnh Dương Thanh bị sát hại ngày Tân Mùi 29 tháng 3 năm Nguyên Hòa 15 – năm 820 (11).

Thời gian của cuộc khởi nghĩa Dương Thanh từ lúc phát nổ đến kết thúc chỉ hơn 07 tháng. Sự kiện về cuộc chiến không có nhiều. Tuy nhiên, những sự việc diễn ra với Thủ lĩnh Dương Thanh cả trước và trong cuộc khởi nghĩa đáng để chúng ta suy ngẫm. Bởi đây là con đường có thể giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về con người Dương Thanh và ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa. Tôi xin nêu một số sự việc thu hút sự suy nghĩ của tôi trong phần tiếp theo của bài viết dưới đây.

2. Ngẫm theo cuộc chiến

Dương Thanh nhậm chức Tướng Nha môn

Nhà Đường áp dụng chính sách sử dụng một bộ phận quan lại và binh lính người Việt trong chính quyền đô hộ của chúng phục vụ âm mưu đàn áp, bóc lột dân ta. Biết vậy, tại sao Dương Thanh một người yêu nước, căm thù giặc, lại nhận chức quan này?

Khi Dương Thanh đang làm Thứ sử Châu Hoan, thì Tượng Cổ lại gọi ông giao cho làm Tướng Nha môn khiến ông rất bất bình. Bất bình vì phải nhận thêm một chức quan cao hơn, tay sai cho bọn cướp nước. Nhận lệnh vì tuân lệnh quan trên. Nhưng, hẳn là đã lóe lên trong ông “thời cơ” đánh giặc ông đã ấp ủ từ lâu. Thời cơ “nội công” hy vọng sẽ xoay chuyển cục diện đất nước.

Quả vậy, Dương Thanh đã trở giáo đánh lại Lý Tượng Cổ trong tâm trạng thời cơ đã đến. Về sự kiện này, Tư trị thông giám chép: “Năm Nguyên Hòa 14 [819], mùa Đông tháng mười, Dung Quản [Kinh lược sứ] tấu: An Nam tặc là Dương Thanh hạ đô hộ phủ (An Nam đô hộ phủ trị tại Giao Châu), giết đô hộ Lý Tượng Cổ và vợ con, quan thuộc, bộ khúc hơn một nghìn người. Tượng Cổ là anh của Đạo Cổ. Do tham lam, hà khắc nên đã mất lòng người. Thanh nhiều đời làm tù trưởng người Man. Tượng Cổ gọi về làm Nha Tướng. Thanh u uất, bất đắc chí. Tượng Cổ sai Thanh dẫn ba ngàn quân đánh Man Hoàng Động. Thanh nhân lòng người phẫn uất, dẫn quân ban đêm tập kích phủ thành, hạ thành” (12).

Quyết định khởi nghĩa là hành động táo bạo của Dương Thanh, bất ngờ với địch, nhưng đã được Dương Thanh ngầm chuẩn bị từ trước, có niềm tin ở bản thân và quân sĩ, tin ở thắng lợi của trận đánh phủ thành, với suy nghĩ và hành động của một vị chủ tướng, quyết không phải là hành động bột phát.

Dương Thanh cầm quân đánh thành Tống Bình thắng lợi

Tượng Cổ giao cho Dương Thanh cầm ba ngàn quân đi đánh người Man Hoàng Động chứng tỏ Lý Tượng Cổ tin tưởng ở tài năng chỉ huy và uy tín của Dương Thanh trước quân lính. Còn việc “nổi loạn” của viên Tướng Nha môn thì có lẽ bọn chúng chưa nghĩ tới, vì tin rằng Dương Thanh luôn trong vòng kiềm tỏa của chúng. Ở đây phải nghĩ đến cái tài của Dương Thanh. Vốn vị thế là thủ lĩnh người Việt, tư tưởng yêu nước thương nòi, căm thù giặc luôn thường trực trong ông, và thường xuyên được truyền bá cho mọi người ở mọi nơi, mọi lúc với tài dân vận và địch vận của ông. Ba ngàn quân dưới sự chỉ huy của Dương Thanh đang trên đường đi đánh người Man theo lệnh của Tượng Cổ, lại quay lại đánh phủ thành Tống Bình nhằm diệt Tượng Cổ, thì không phải chỉ bằng lệnh phát ra đột ngột của chỉ huy trước trận tiền, mà phải bằng chính tư tưởng, lòng yêu nước, căm thù giặc Đường mà họ đã được giác ngộ từ trước, chỉ đợi tín hiệu lệnh của chỉ huy là thực hiện. Bộ chỉ huy mật trận của Dương Thanh, như sử sách đã ghi là những người thân tín như Đỗ Sĩ Giao, Dương Chí Liệt… và những nghĩa binh có sẵn quyết tâm đánh giặc, phải có sự thống nhất chỉ huy và hành động. Đây là nguyên nhân quan trọng nhât đảm bảo cho trận đánh thắng lợi.

Ý định đánh Tống Bình nung nấu trong lòng vị thủ lĩnh; lòng căm thù bọn đô hộ nhà Đường tham lam, tàn bạo, sôi sục trong đám nghĩa binh và nhân dân ta… ấy thế mà cuộc tấn công vẫn giữ được bí mật, bất ngờ. Đây là nguyên nhân tiếp theo đảm bảo thắng lợi cho trận đánh.

Nguyên nhân bao trùm thắng lợi là thời thế khi Dương Thanh khởi sự: Đã suýt một nghìn năm dân ta chịu ách đô hộ của các triều đại phương Bắc, trong đó đã ngót 200 năm dưới thời thống trị của nhà Đường. Nỗi đau khổ đã ê chề, lòng căm thù, sự mong muốn lật đổ ách thống trị đã lên đến cao độ. Trong thời nhà Đường thống trị, trên đất An Nam đã nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa lớn: Khởi nghĩa của Lý Tự Tiên và Định Kiến (năm 687) là cuộc khởi nghĩa đầu tiên dưới thời thuộc Đường; khởi nghĩa Mai Thúc Loan (713 – 722); khởi nghĩa Phùng Hưng (766 – 791), tạo dựng được thanh thế lớn mạnh… nhưng cuối cùng đều lắng xuống.

Sau khi dập tắt các cuộc khởi nghĩa nêu trên, nhà Đường đặt Nhu viễn quân ở An Nam đô hộ phủ để tăng cường trấn áp nhân dân ta bằng quân sự, đồng thời cho tu bổ lại đê La Thành chắc chắn hơn nhằm duy trì sự thống trị lâu dài của chúng. Trước chính sách đô hộ ngày càng hà khắc đó, lòng căm thù giặc của nhân dân ta càng lên cao, các cuộc khởi nghĩa vẫn liên tiếp nổ ra, đỉnh điểm là cuộc khởi nghĩa của Dương Thanh (819 – 820), được đánh giá là cuộc khởi nghĩa lớn nhất trong thế kỷ thứ IX (13).

Lòng dân đang khao khát lật đổ cường quyền, nên sẵn sàng nghe theo tiếng gọi quật khởi diệt giặc của Tướng Dương Thanh. Đoàn quân ba nghìn người phải có sự đồng tình đến mức cần thiết mới có thể cùng nhau nghe theo chủ tướng cùng quay lại, cùng sát cánh bên nhau tiến về phủ thành, cùng quyết tâm đánh bọn đô hộ, thì sau ít ngày mới tiêu diệt được Tượng Cổ, làm chủ được thành Tống Bình, và đó là ngày 19 tháng 8 năm Nguyên Hòa 14 (819). Dương Thanh lập bộ máy chính quyền độc lập, tự chủ, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến.

Rõ ràng là trong cuộc chiến ở phủ thành, Dương Thanh và nghĩa binh là người chiến thắng. Ngày 19 tháng 8 là ngày thắng lợi của khởi nghĩa Dương Thanh.

Dương Thanh chống lệnh phong chức của vua Đường

Đối với nhà Đường, thắng lợi của khởi nghĩa Dương Thanh là một cuộc đại phản loạn, một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền đô hộ thành công của ý chí An Nam. Đương nhiên, bọn chúng sẽ nghĩ cách trừ khử Dương Thanh càng sớm càng tốt, để cảnh cáo dân An Nam, để trấn an bọn quan quân chính quốc, và sẽ thực hiện âm mưu đặt lại ách đô hộ trên đất nước ta. Nhưng chúng đã vờ tha tội cho Dương Thanh, tấn phong ông đi làm Thứ sử Quỳnh Châu ở đảo Hải Nam. Một người mẫn tiệp, mưu lược như Dương Thanh bao giờ lại mắc vướng vào cái “bẫy” tầm thường ấy của bọn đô hộ nhà Đường. Hiển nhiên ông sẽ chống lại lệnh đó, ở lại cố thủ giữ thành Tống Bình, củng cố bộ máy chính quyền, xây dựng lực lượng, thực hiện mong muốn giành độc lập, tự chủ hoàn toàn cho đất nước và dân tộc. Ông cũng đã nhìn thấy nhiều khó khăn đặt ra phía trước, nhưng điều đó không thể làm mất chí khí và lòng dũng cảm của vị thủ lĩnh yêu nước.

Dương Thanh không giữ được thành Tống Bình. Khởi nghĩa Dương Thanh kết thúc

Sau 7 tháng 10 ngày (từ 19 tháng 8 năm 819 đến 29 tháng 3 năm 820) chiếm giữ, làm chủ thành Tống Bình, thủ lĩnh khởi nghĩa Dương Thanh bị sát hại. Chính quyền non trẻ của Dương Thanh không đủ sức mạnh để tồn tại lãnh đạo đất nước. Nguyên nhân thất bại căn bản là do giữa Dương Thanh và những người trong bộ máy chính quyền gồm các hào trưởng, trong hàng ngũ nghĩa binh trực tiếp tham gia hay ủng hộ Dương Thanh có thể sẽ vẫn còn những khoảng cách về địa vị xã hội, về tư tưởng vùng miền giữa Giao Châu với các Châu Ái, Hoan, Phong Châu, Trường Châu … vì vậy, trong hàng ngũ nghĩa quân và bộ máy lãnh đạo thiếu sự gắn kết chặt chẽ. Mặt khác, tên quan đô hộ mới Quế Trọng Võ là một tên quan cáo già, trước hết đã biết đánh vào hàng ngũ của Dương Thanh bằng cách chia rẽ lòng người, giữa Dương Thanh với hào trưởng, quân sĩ; lại đi chiêu dụ các thổ hào, đầu sỏ các nơi, thu phục tới 7000 quân lính … cuối cùng dẹp xong cuộc khởi nghĩa.

Về sự việc này sách Cựu Đường thư chép: “Lệnh cho Thứ sử Đường Châu là Quế Trọng Võ làm đô hộ, chiêu dụ xá tội cho Dương Thanh, cho làm Thứ sử Quỳnh Châu. Trọng Võ đến biên giới Thanh không cho vào. Thanh câu thúc thủ hạ, hình phạt nghiêm khắc, người dưới không biết nhờ vào đâu sống được. Trọng Võ sai người chiêu dụ bọn tù hào, được mấy tháng, nối nhau quy phụ, được quân lính hơn 7 nghìn người, thu lại được thành, chém Thanh và con là Chí Trinh, tịch biên hết tài sản” (14).

Cuộc khởi nghĩa của Dương Thanh mặc dù chưa đi tới thắng lợi trọn vẹn, nhung đã cùng những cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta trong gần 300 năm dưới ách đô hộ của nhà Đường, đã khiến cho chính quyền nhà Đường ở chính quốc cũng như ở nước ta ngày một suy yếu, góp phần đưa triều Đường đi đến diệt vong.

Khởi nghĩa Dương Thanh là sự tiếp nối và khởi dậy tinh thần độc lập tự chủ của người Việt chúng ta trong cuộc đấu tranh chống lại sự đô họ của các triều đại phương Bắc, thể hiện tinh thần quật khởi của dân tộc, là “điềm báo trước” cho những sự kiện lịch sử trọng đại sắp diễn ra trong thế kỷ IX – X. Quả vậy, sự đoàn kết kháng chiến diễn ra liên tiếp vào đầu thế kỷ X của ba họ Khúc, Dương, Ngô đã dẫn đến chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc, giành lại nền độc lập tự chủ lâu dài cho đất nước.

Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn của Dương Thanh – một vị anh hùng của dân tộc. Con cháu họ Dương luôn tự hào về cụ Tổ Dương Thanh, người đã mở đầu trang sử vẻ vang của Dòng tộc Họ Dương Việt Nam từ 1.200 năm về trước trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

III. Dấu tích Dương Thanh

Cho đến nay, chúng tôi chưa biết một di tích lịch sử nào về Dương Thanh từ xa xưa để lại. Một nhân vật lịch sử có tên tuổi, tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh đã để lại dấu ấn đậm nét từ đầu thế kỷ IX, lại không có một di tích lịch sử nào xứng tầm, là điều hiếm thấy. Việc thờ cúng cụ cũng chỉ mới thấy gần đây lẻ tẻ ở một số nơi, trên bàn thờ của các gia đình ở Nghệ An, Bắc Giang, Nam Định… Tình trạng không có di tích và nơi thờ cúng Dương Thanh có thể hiểu được, là do cái chết éo le của thủ lĩnh Dương Thanh – bị An Nam đô hộ Quế Trọng Võ chém đầu ngày 29 tháng 3 năm 820, và dâng thủ cấp nộp lên vua Đường vào ngày Giáp Tuất tháng 8 cùng năm (15). Cụ hy sinh trong tình trạng đội ngũ tan rã, tướng sĩ đầu hàng quân giặc, người thân ly tán, nên mộ phần không có, ngày giỗ không ai ghi, nay vẫn phải tìm… Bởi vậy việc HĐHDVN quyết định xây dựng đền thờ Dương Tướng Công làm nơi thờ cúng chính thức Dương Thanh, và tổ chức cuộc hội thảo này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, hợp lòng người.

Đền thờ Dương Thanh tại Nghệ An

Đền thờ Dương Tướng Công được xây dựng tại làng Văn Lang, xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, mới hoàn thành năm 2019, là công trình thờ cúng chính thức Dương Thanh đầu tiên trên đất nước ta, là nơi để con cháu Họ Dương ngày ngày chăm lo hương khói cho Tổ, để đồng bào ta đến hành hương tưởng nhớ người anh hùng dân tộc, từ lâu trong lòng dân đã là vị tướng tài đánh giặc ngoại xâm, với danh hiệu lưu truyền “Nam Bang Đại tướng”. Công trình biểu thị lòng biết ơn của con cháu Họ Dương Việt Nam đối với Tổ tiên, noi theo truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Dương Văn Đảm – Phó Chủ tich HĐHDVN

Chú thích

(1) Hội đồng HDVN K.5. Lược sử và truyền thống Dòng tộc Họ Dương Việt Nam. H.2011. Trang 25.

(2) Phạm Lê Huy. Khảo cứu lại khởi nghĩa Dương Thanh. Nghiên cứu lịch sử số 12, 2012. Tr.23.

(3) Lịch sử Việt Nam tập I. UBKHXHVN. NXB KHXH.H.1971.Tr133 – 134

(4) Đại việt sử ký toàn thư. Ngô Sĩ Liên 1479. NXB Văn học.H.2009. Tr.107 – 108

(5) Dương tộc kỷ sử, quyển I. Tài liệu lưu hành nội bộ. Tr19

(6) Sơ lược tộc hệ tại Nhà thờ họ Dương làng Dương Phạm, xã Yên Nhân, Ý Yên – Nam Định 2013. Người soạn Dương Văn Tất.

(7) Phả đồ họ Đào làng Khả Lao, Kiến Xương – Thái Bình. Nguồn Đào Duy An, chi họ Đào Duy Mưu – Quảng Ngãi.

(8) Đại cương về Họ Dương Việt Nam trong lịch sử dân tộc (từ khởi thủy đến 1945). TS Khổng Đức Thiêm, 12-2018.

(9) Vũ Duy Mền, Phạm Quế Liên. Sự khủng hoảng của triều Đường và cuộc khởi nghĩa Dương Thanh. Tạp chí xưa và nay, số 388, 9-2011. Tr. 13-16

(10) Phạm Lê Huy. Tài liệu đã dẫn. Trang 25.

(11) Phạm Lê Huy. Tài liệu đã dẫn. Trang 29

(12) Đặng Thanh Bình. Bàn về khởi nghĩa Dương Thanh. Hoduongvietnam.com.vn. ngày 3/8/2019.

(13) Vũ Duy Mền, Phạm Quế Liên. Tài liệu đã dẫn.

(14) Đặng Thanh Bình. Tài liệu đã dẫn.

(15) Phạm Lê Huy. Tài liệu đã dẫn. Tr.28

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com