KHU LĂNG MỘ HIỂN QUẬN CÔNG THƯỢNG TƯỚNG QUÂN ĐÔ CHỈ HUY SỨ DƯƠNG QUỐC CƠ

          Cụ Dương Quốc Cơ (1684 – 1740) quê ở làng Vân Cốc, xã Vân Trung, huyện Việt Yên – Bắc Giang. Tuy nhiên, khu Lăng mộ cụ hiện nằm trên một thế đất đẹp, theo lưu truyền do cụ chọn trước từ lúc sinh thời, tại đất làng BêTô, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng – Bắc Giang, cách quê không xa.

Toàn cảnh các khu lăng mộ

          Khu Lăng mộ gồm một ngôi mộ đất tròn, cao 4m, đường kính 13m, được xây bó xung quanh. Trước mộ có đền thờ, một tấm bìa chữ Hán do cụ Nguyễn Nghiễm thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du soạn văn, dựng năm Giáp Thìn (1774), nói về thân thế và sự nghệp cụ Dương Quốc Cơ, đã được ông Võ Vinh Quang, cán bộ Viện nghiên cứu Hán Nôm Quốc gia, phiên âm và dịch nghĩa năm 2013.

          Trong bài này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bà con Dòng Họ phần dịch bia và một vài tư liệu liên quan đến Hiển Quận Công Dương Quốc Cơ.

          Tên bia là TỪ VŨ BIA KÝ, theo tên lưu truyền trong dòng họ Dương ở địa phương.

            Dịch nghĩa:

           Bài bia ký ở lăng mộ tiên chính đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Đô Chỉ Huy Sứ, Ty Đô Chỉ Huy Sứ, Hiển Quận Công, tặng “Đô Hiệu Điểm, ty tả hiệu điểm” Dương Quốc Cơ. (Huyện) Yên Việt có điều rằng: “Giồng bắt nguồn từ núi Hiểm”: Từ Thiếu Tổ, vượt qua núi Tam Tằng, leo đến Chinh Sơn, rồi xuống (thôn) Bùi Giáp (xã) Yên Xá Thì (Nơi đây) bốn bề là núi bao bọc, chính giữa trơ chọi một vùng cây cối um tùm; ấy là nơi bắt đầu tạo lập từ đường Hiển Quận Công vậy. Ông có họ Dương, húy Quốc Cơ người Vân Cốc – Yên Dũng. Thuở nhỏ nhậm chức quan (tính tình) khảng khái có năng lực. Tiếng tăm (của ông ) đã được (vua chúa) yêu mến đề bạt chức quan trong cung dần thăng lên chức quan võ nắm giữ quân binh, nhận mệnh vua đi sức phương bắc, đốc quân binh tuần xét ái tây. Bấy giò (ông) luôn chông đợt lắng  nghe (ý kiến) ở người, xem mọi người là thân tín (của minh) tính tình nghiêm nghị trời phú, đam mê thư tịch và ham thích cổ tích (chuyện xưa) dậy dỗ (người) trong nhà gữi đạo hiếu, hữu (tình bạn) giữ lòng trung thành với Tổ quốc hòa kính với tông tộc và tốt đẹp với xóm giềng. Ánh sáng đạo lý rực rỡ (của ông) lan tỏa khắp nơi không gì lay chuyển được, và đức độ tình cảm ấy, cũng làm (mọi người) quý mến luôn luôn. Chốn sông núi (nơi đặt nhà thờ) này từng mưu tính là vùng đất quan trọng, nên được chọn mà xây dựng (nhà thờ) với kiểu mái nhà trồng, với hai hành lang (hai bên) kiểu cách cao ráo sáng sủa, là chốn thư thái vui vầy lúc dảnh dang. Sau khi ngài (Quốc Cơ) qua đời thì vùng đất này trở thành nơi u tịch. Ngôi đền thờ đến nay đã hơn 30 năm, sự rực rỡ tráng lệ ấy qua thời gian thực khó (lưu giữ) lâu bền. Nay thì nhà thờ được A Bảo, bảo phó suy trung tán trị tuyên lực rực vận đồng đức, phụ quốc tráng liệ, cương chính công thần trưởng doanh, các doanh trung dũng, trung khuông, quản lãnh công thần, tiền hậu đẳng tích, trưởng phủ sự, tham dự triều chính.

          Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc, đại tư đồ quốc lão chí sỹ Việc công Hoàng Thai Công (Hoàng Ngũ Phúc) kiến lập; Căn cứ theo kiến trúc cũ mà làm to lớn, tươi mới thêm, một gian nhà ngoài, ba gian nhà thờ, ngói đều nghiêng đổ, thì dùng gạch nung hoa văn để sửa chữa. Bốn phía xây tường vòng quanh chu vi hơn 8 thước bao bọc lại để dùng được lâu dài là khu đất kế thừa thờ tự. Tiếp đó người dân Ấp Bùi bố trí ruộng thờ, cấp lệ đinh, giúp thêm ngân tiền, phẩm vật theo đúng nghi lễ phối hưởng hàng năm. Chép thành điều ước muôn năm hương hỏa, đời đời giữ lễ không quên. Ấy đều là ân tình báo đáp của ông quốc lão đối với ngài lớn (Dương Quốc Cơ) chu toàn hết lòng vậy. Ông Quốc lão (Hoàng Ngũ Phúc) quê ở Phụng Công với ngài lớn (Dương Quốc Cơ) đều là người cùng huyện (hai ông) gặp gỡ nhau trong trốn trần ai này, ấy là điều mong cầu vô hạn. Lúc còn sống (ngài Quốc Cơ) dậy dỗ (Hoàng Ngũ Phúc) nghĩa tình hết mực, đến như thành tựu vô cùng, công lao to lớn, sự nghiệp lẫy lừng (của Hoàng Ngũ Phúc) phần nhiều đếu từ sự (dậy dỗ mà có được), hôm nay (Hoàng Ngũ Phúc) làm việc nghĩa ấy là điều tất nhiên. Công việc (xây dựng nhà thờ) đã xong ,(Tôi) chắp bút mà ghi chép, trình thuật vài lời vụng về đại khái như thế. Ngày tốt tháng 5 năm Giáp Ngọ niên hiệu Cảnh Hưng Triều Hoàng Lê thứ 35 (1774). Chính tiến sỹ khoa tân hợi (1731) đặc tiến Kim Tử Vĩnh Lộc đại phu, nhập thị Tham Tụng, hộ bộ Thượng Thư, chi trung Thư Giám, kiêm tri đông các, Quốc Sử tổng tài, đại tư đồ trí sỹ khởi phục xuân Quận Công Nguyễn Hy Tư soạn.

        Chú thích: Do giới hạn bài viết, chúng tôi xin trích dịch bài ký ở mặt trước, còn mặt sau văn bia là sự thống kế sự đống góp công đức của nhân dân nơi đây, liệt kê các tiết lệ trong năm và 1 bài văn tế mẫu. Thì xin được bổ xung ở bài viết khác.

          Một vài tư liệu khác về Dương Quốc Cơ

        Danh nhân Dương Quốc Cơ một võ tướng có vị trí và vai trò rất lớn trong xã hội Đại Việt thế kỷ XVIII. Đương thời ông nhận Hoàng Ngũ Phúc (Hoàng Công Thai) lúc 12 tuổi , năm 1715 khi ông về Xương Giang công tác gặp Văn Thai đi chăn trâu, ông về gia đình, xin Hoàng Công Thai về triều nuôi, dậy ăn học để thành người, khi trưởng thành Hoàng Ngũ Phúc đã trở thành một vị tướng văn võ toàn tài phục vụ cho chính quyền Lê Trịnh. Năm 1740 Dương Quốc Cơ qua đời, Hoàng Ngũ Phúc được vua chúa cử giữa chức thượng tướng quân thay (cha nuôi Dương Quốc Cơ). Hoàng Ngũ Phúc đánh Nam, dẹp Bắc liên tục chiến thắng, công danh sự nghiệp lẫy lừng của Hoàng Ngũ Phúc được như vậy là do sự dậy dỗ chăm lo học hành, lễ phép, nề nếp gia phong đã in sâu vào trí nhơ tâm hồn của Hoàng Ngũ Phúc. Đối với vương triều Dương Quốc Cơ là một võ tương trung thành với tổ quốc, một nhân vật quan trọng trong cung đình, giúp vua, chúa đẩy lùi được sự nhũng nhiễu về thi cử gian lận làm sáng tỏ không nể nang dám nói thẳng ra sự thật, giúp triều đình tuyển trọn người tài phục vụ trong triều chính:

          a/ Vào tháng 3/1704 Trịnh Luân và Trịnh Phất làm phản mưu giết tiết chế Trịnh Cương, lấy lý rằng: “Luân và Phất là con Trịnh Bách, tiết chế đã chết, có quyền được nối ngôi, huống chi Cương chỉ là chắt”, sau nhờ mật tâu kịp thời của Dương Quốc Cơ, Luân và Phất bị giết, Nguyễn Công Cơ (Dương Quốc Cơ) được thăng hữu thị lang bộ công.

          b/ Một việc hiếm xẩy ra trong chế độ phong kiến là tổ chức thi lại, để loại trừ kẻ bất tài, nhờ chạy chọt mà đỗ đạt. Năm Bính Ngọ (1726) Nguyễn Công Cơ (Dương Quốc Cơ) tâu lên chúa rằng: “chuyện thi cử có nhiều nhũng lạm, phần lớn con em nhà quyền thế đỗ hương cống không có thực tài”, Trịnh Cương hạ lệnh cho thi lại, đánh hỏng 28 người, trong số đó có con tham tụng Lê Anh Tuấn, con Huân quận công Đặng Đình Giám, con nuôi nội giám Đỗ Bá Phẩm, bọn này bị giao xuống cho pháp đình trị tội nặng. Nguyễn Công Cơ (Dương Quốc Cơ ) vì giám nói thắng được thăng chức Thiếu Bảo. Hiển quận công, Thượng tướng quân Dương Quốc Cơ trong suốt chiều dài lịch sử gần 40 năm, cùng với Triều đình Lê Trịnh đất nước được bình yên. Tiếng nói của ông, được vua, chúa tin dùng, các quan lại mến phục, một vị quan thanh liêm, kính vua yêu chúa, đối với quan lại thì hòa đồng hữu hảo, đối với gia tộc kính trên nhường dưới, đối với xóm giềng hết mực yêu thương, giúp đỡ người nghèo khó, thương yêu trẻ mồ côi…. Với nghĩa tình cao đẹp ấy, cốt để làm đẹp cho đời, cho trần thế. Tại vùng Kinh bắc Bắc Giang, đã có 5 nơi thờ tự ông như: “lăng mộ, đình, chùa làng Vân Cốc” hàng năm vào ngày 21/11 dân làng cùng tư văn tổ chức tế lễ ở đình rất trang nghiêm và long trọng, ngoài ra còn 2 nơi thờ tự là: “Đình làng Thành và đền làng Vẽ”  thờ Dương Quốc Công (tên cúng cơm) dân làng, cùng các cụ tư văn tế lễ rất long trọng.

          Danh nhân Dương Quốc Cơ, một võ tướng có vị trí vai trò rất lớn trong xã hội Đại Việt thế kỷ XVIII và là một danh nhân tiêu biểu nhất trong truyền thống văn hóa của mảnh đất Kinh bắc – Bắc Giang. Cuộc đời và sự nghiệp của ông, đương thời không chỉ được ghi chép trong gia phả, mà còn được nhiều vị quan lại cao cấp của chính quyền Lê Trịnh như: “Nguyễn Nghiễm, Hoàng Ngũ Phúc, Như Đinh Toản”… vinh danh, góp công xây dựng trùng tu miếu vũ, đình, đền cũng như chắp bút soạn văn bia để lại cho hậu thế đó là điều chắc chắn nhất cho công lao, đức độ của Hiển Quận Công, thiết nghĩ rằng chúng ta cần có những giải pháp, nghiên cứu sưu tầm những tư liệu vật thế và phi vật thể còn lưu giữ lại ở địa phương, để làm sáng tỏ công lao đức nghiệp của ông. Kính mong các ban nghiên cứu lịch sử Họ Dương và các nhà sử học Việt Nam, nắm bắt nguồn tư liệu quý giá này để nghiên cứu và làm rõ thân thế và sự nghiệp của hiển quận công Dương Quốc Cơ, thể hiện đạo lý uống nước, nhớ nguồn thiêng liêng và cao cả của dân tộc Việt Nam.

                Chú thích:

a và b tư liệu lấy từ: các triều đại Việt Nam  trang 274, 275,276 theo tư liệu của thư viện quốc gia Việt Nam nhà sử học Quỳnh Cư và Đức Hùng.

                                                                   Dương Hồng Điệu

                                                                  ĐT: 0166 380 2474

 

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com