Họ Dương Việt Nam: Một dòng họ khoa bảng
- 14/12/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 2270
Họ Dương Việt Nam là một Dòng tộc xuất hiện sớm trong lịch sử truyền thống yêu nước và hiếu học của dân tộc Việt Nam, tinh thần ấy được tiếp nối qua bao thế hệ từ thời sơ khai cho đến ngày nay.
Lễ vinh danh khen thưởng Khuyến học – Khuyến tài năm 2017
Đi qua chiến tranh rạng danh Dòng tộc
Vào thời Kinh Dương Vương, Họ Dương có Dương Lạc Tướng (Lạc tướng Họ Dương) giúp vua Thủy tổ Kinh Dương Vương, dựng nước sơ khai, Kinh đô đóng tại Luy Lâu (Thuận Thành – Bắc Ninh). Thừa tướng Dương Minh Triết giúp vua Hùng Vương thứ nhất lập 15 bộ quản lý đất nước, đánh thắng giặc Ân có Lạc tướng Dương Minh Thắng thời Hùng Vương thứ VI.
Thời Bắc thuộc, thế kỷ I có Dương Thi Sách cùng vợ là Trưng Trắc, thế kỳ IX có Dương Thanh, thế kỷ X có Dương Đình Nghệ, Dương Tam Kha. Dựng xây một nền tự chủ có Thái hậu Dương Văn Nga, có tướng quân Dương Tự Minh nhiều lần đánh thắng giặc Tống bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc, nhà Trần – Lê có Dương Công Đình, nhà Lê – Mạc một huyện Tân Yên (Bắc Giang) có 18 quận công họ Dương.
Thời kì chống Pháp, chống Mỹ có Dương Đình Hậu (Cai Hậu – Phó tướng của Đề Thám), Dương Văn Hạnh (Phó tướng của Trương Định), Dương Quốc Chính, Dương Bá Trạc, Dương Minh Châu… và các thế hệ người Họ Dương đã không tiếc máu xương cùng cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ tổ quốc.
Sau chiến tranh, người Họ Dương ba miền (Bắc – Trung – Nam) đã tìm đến nhau để thành lập Ban liên lạc là tiền thân của Hội đồng Họ Dương Việt Nam ngày nay – một tổ chức mang tính xã hội để chăm lo sự nghiệp phát triển của Họ Dương Việt Nam và nhiệm vụ trọng tâm số một là khuyến học – khuyến tài.
Gương mặt khoa bảng nổi tiếng dòng Họ Dương
Trạng nguyên Dương Phúc Tư sinh năm Ất Sửu (1505), người mở đầu Hòng Họ khoa bảng, ngụ tại xã Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc xưa (nay là xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Ông đỗ Tiến sĩ cập đệ, Đệ Nhất danh, tức Trạng nguyên khoa Đinh Mùi, đời Mạc Phúc Nguyên (1547). Sau khi từ quan, ông về quê Lạc Đạo sinh sống với con cháu và dạy học. Học trò của ông rất đông, thành đạt, trong đó có nhiều người đỗ cao như Trạng nguyên Phạm Trấn Đỗ (1556). Ông dạy học rất hiệu quả, là tấm gương hiếu học, đạo đức, mô phạm… được con cháu kế thừa và noi theo. Theo Giáo sư Sử học Văn Tạo – nguyên Viên trưởng Viện Sử học Việt Nam viết: “Trạng nguyên Dương Phúc Tư là người mở đầu cho một trong những dòng họ Khoa bảng lớn nhất ở Việt Nam”.
Trạng Nguyên Dương Phúc Tư (ảnh minh họa)
Dương Chấp Trung sinh năm (1414 – 1469) quê ở huyện Kỳ Hoa, tỉnh Hà Tĩnh (nay là huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Vào thời nhà Minh xâm lược nước ta, nhà Hồ bị mất, cha con Hồ Quý Ly bị bắt ở núi Thiên Cầm – Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh, quan quân tan rã. Cha cụ Dương Chấp Trung là Dương Công Nguyên gốc là Võ tướng, về làng Tư Dụng (Cẩm Lạc ngày nay) ẩn dật, sau vào vùng Cẩm Minh lấy vợ sinh con. Khởi nghĩa Lê Lợi năm 1418 – 1424, Nguyễn Chích từ Thanh Hóa theo đường Thượng Đạo vào giải phóng Nghệ An – Hà Tĩnh. Ông xung phong đứng vào hàng ngũ quân khởi nghĩa, được Trần Nguyên Hãn cử làm Phó tướng. Trong trận Xương Giang nổi tiếng ở Bắc Giang ông tử trận. Sau ngày toàn thắng năm 1428, Trần Nguyên Hãn tâu lên công lao của Dương Công Nguyên đã chém nhiều tướng giặc, tử trận anh dũng. Nhà vua cho con của công thần đã mất kế nghiệp cha. Vì thế, Dương Chấp Trung được vào cung hầu hạ Lê Lợi. Năm 1448, ông đậu Đệ nhị giáo (Hoàng giáp), được cử làm quan Khởi cư xã Nhân Sơn Tây, sau thăng chức Chuyển vận sứ huyện Thủy Đường. Năm 1467 làm Hình bộ hữu thị lang có chức giữ chức Đô Đốc Thủy quân… Ông là người khai khoa mở đường cho trí tuệ Cẩm Xuyên để muôn đời sau các thế hệ tiếp tục noi gương học tập.
Tiến sĩ Dương Đức Nhan “Ái nữ nên duyên cùng Trạng Trình” quê xưa ở xã Hà Dương, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Hà Dương, xã Cộng Hiều, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Ông thi đậu Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, làm quan đến chức Hữu Thị Lang Bộ Hình. Trong một mối lương duyên giữa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với Ái nữ của Dương Đức Nhan được kể như sau: Thời trai trẻ, ngoài việc học hành, văn chương, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn thích giao lưu bạn bè, thăm thú danh lam, thắng cảnh. Tình cờ đi qua đất Hà thành gặp một cô gái đi gánh nước, dáng yêu kiều, xinh đẹp khiến cậu học trò tiến đến gần, nhìn say đắm làm cô gái xấu hổ vứt cả quang gánh mà chạy. Nguyễn Bỉnh Khiêm có phần hối hận về thái độ “sỗ sàng” nhưng mắt vẫn nhìn theo lưu luyến. Thấy chiếc đòn gánh trên đường, chàng thầm vui nhặt lên và viết mấy chữ “Huyền lý hải cầu”. Cô gái chờ người lạ mặt đi xa rồi mới quay lại nhặt chiếc đòn gánh, đọc thấy mấy dòng chữ không hiểu gì, vội vàng về thưa chuyện cùng cha. Nhìn người con gái mặt còn đỏ vì ngượng, lại hỏi ngay ý tứ dòng chữ, ông đọc to, cười lớn và giải thích nghĩa: “Giữ điều thầm kín đến tìm sự tốt lành”. Người cha hỏi con gái ai viết dòng chữ này, “Dạ đó là một anh học trò qua đường”, cô gái trà lời cha. Bằng linh cảm, ông đoán được chàng trai ấy là học trò yêu của quan Tiến sĩ Lương Đắc Bằng. Ông vui cười nói với con gái: Phải chăng chàng trai này muốn nói lên điều thầm kín là đến để tìm người con gái tốt kết làm bạn hồng nhan tri kỷ? Nghe vậy, lòng cô gái xốn xang vội lánh đi để che dấu tình cảm của mình đang hiện rõ trên khuôn mặt xinh đẹp. Ít ngày sau, Nguyễn Bình Khiên nhận được giấy mời của cha cô gái gánh nước. Cuộc tình duyên thắm đẹp giữa đôi trai tài gái sắc chính thức được bắt đầu.
Tiến sĩ Dương Văn Căn “ông tổ làng nghề chài lưới” là con một nhà làm nghề chài lưới ở làng Vạn Nghệ (Hà Nam). Truyện kể rằng: Xưa có đoàn xa giá của vua nhà Nguyễn từ Huế ra kinh lý Bắc Hà, đến xứ Nghệ, nhà vua cho tuyển một số trai tráng làm nghề chài lưới, giỏi sông nước đi theo thuyền vua. Thuyền theo sông Đáy vào sâu địa phận tỉnh Hà Nam, tới ngã ba Phủ Lý, theo sông Châu ra sông Hồng, nhằm hướng kinh thành Thăng Long. Khi qua địa phận làng Đặm, thấy đây là vùng đất đai màu mỡ, nhà vua cho đổi tên thành làng Dũng Kim (nghĩa là Kho vàng). Một số người theo đoàn xin vua cho ở lại đây làm nghề chài lưới lập ra làng vạn chài gọi là Vạn Nghệ, nghĩa là làng của những người làm nghề chài lưới gốc xứ Nghệ. Ngay từ nhỏ, Dương Văn Căn quen cuộc sống vất vả cùng nhiều chuyện bất hòa, khó xử xảy ra giữa những người dân quê khi giành giật nhau lạch cá, cửa sông… Vì thế, sau này, ông lập ra giang bạ, phận chia địa giới, cắm mốc đánh cá cho các làng chài trong tỉnh Hà Nam. Nhờ giang bạ, người dân biết địa phận của mình được tự do thả lưới buông chài, không xâm phạm địa phận làng khác. Việc làm ăn dễ dàng, đời sống phát triển, giữ được tình làng, nghĩa xóm, người dân không quên công lao của ông Nghè Dương Văn Căn.
Ngoài Dương Chấp Trung, Dương Đức Nhan còn có Dương Văn Đán – Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi (1463), đi sứ nhà Minh, quan Thừa chính sứ; Dương Như Châu – Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Binh Tuất (1466) quan Tri Chế Cáo; Dương Tĩnh – Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất (1478) chức quan Công Bộ Tả Thị Lang cùng các Tiến sĩ Dương Bính, Dương Khải, Dương Trí Dũng, Dương Trí Trạch, Dương Thuần, Dương Cáo, Dương Hoàng, Dương Hạo, Dương Công Độ, Dương Lệ, Dương Bật Trạc, Dương Quán, Dương Công Thụ, Dương Trọng Khiêm, Dương Sử, Dương Nguyên Huống.
Ngày nay, Họ Dương được công nhận là Dòng Họ khoa bảng với tổng số 57 vị Tiến sĩ, Trạng nguyên (50 Văn, 7 Võ). Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám với 82 văn bia thì 21 bia có tên người Họ Dương.
Dương Thủy sưu tầm từ báo Giáo dục Việt Nam