“Mưa gió thương ai một góc trời”
- 26/11/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 303
Đầu thế kỷ 20, cùng với cả nước, người Quảng tích cực tham gia các tổ chức, phong trào đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều người đã trở thành chí sĩ, liệt sĩ; trong đó chí sĩ Dương Thạc cho dù “Non xanh nước biếc nấm mồ côi/Mưa gió thương ai một góc trời” (Huỳnh Thúc Kháng dịch từ thơ chữ Hán Phan Châu Trinh), nhưng ông vẫn còn “quy hồn” mãi trong thơ văn – sử sách.
Ảnh hưởng từ phong trào Duy tân
Người Quảng mở đầu phong trào Duy tân. Phong trào Duy tân do Phan Châu Trinh phát động, bắt đầu từ năm 1905 (Nguyễn Phước Tương và Nguyễn Q. Thắng cho rằng năm 1903) và kết thúc năm 1908 tại miền Trung sau khi bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Phong trào này đã có ảnh hưởng sâu rộng đối với Việt Nam lúc bấy giờ. Nổi bật trong đó là “những cuộc biểu tình vĩ đại” về việc cắt tóc và kháng thuế “có tầm mức quan trọng từ trước chưa từng thấy ở Việt Nam” mà sử sách hay gọi là Trung kỳ dân biến năm Mậu Thân 1908. Nguyễn Văn Xuân viết: “Phong trào Duy tân tiếp tục mở những trang huyết sử, hùng sử!” (Phong trào Duy tân, Lá Bối xuất bản, 1969).
Tú tài Dương Thạc (Canh Thìn 1880 – Mậu Thân 1908), hiệu Trường Đình, người làng Hà Đông, phủ Tam Kỳ, từ sớm đã chịu ảnh hưởng của phong trào Duy tân, từ đó tiếp nhận và thực thi tư tưởng dân quyền. Điều này thể hiện ở một số hành động như cầm đầu khiếu kiện về việc thi cử năm 1906 để đòi quyền lợi chính đáng, vận động việc cúp tóc, tụ họp dân chúng kháng sưu… Do vậy, ông đã bị chính quyền Nam triều kết tội “can cậy danh sắc tú tài, ép người cắt tóc, củ chúng làm càn, hạt Tam Kỳ tao động, thật do y xướng suất”, theo Châu bản triều Nguyễn. Nội dung Châu bản trong bài viết này dẫn từ Nguyễn Thế Anh, Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều Duy Tân, Tủ sách Sử học, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1973.
Trở thành Việt Nam chí sĩ
Trong số 51 Châu bản về phong trào kháng thuế năm 1908 trên cả nước do Nguyễn Thế Anh tập hợp, có 2 châu bản liên quan đến Dương Thạc. Châu bản thứ nhất lập ngày ngày 18 tháng 6 năm Duy Tân thứ 2 (16.7.1908), đã viết: “Tú tài Dương Thạc, 27 tuổi, xã Trường An, phủ Tam Kỳ, cùng anh là bọn Dương Thưởng, đương khi hạt dân phiến động, tên ấy dụ tụ họp bậy bạ, người làng cũng sợ thanh thế tú tài của y, bèn xướng làm các việc dân quyền, kết họp lập giới bảo hiểm, tuy không có thực trạng uống huyết đính thề, nhưng kết họp giao hảo, thật mở ra mối càn quấy. Xin chiếu luật “Mưu bạn” (trong đó có chép một khoản: “mưu phản nước mình, ngầm theo nước khác, chỉ là cùng mưu, không phân thủ tùng, đều xử trảm; nếu mưu mà chưa được thực hành, thì vi thủ giảo giam hậu, vi tùng – không phân biệt nhiều ít – đều trượng 100, đày 3.000 dặm…”), nghị xử. Vậy vi thủ là Dương Thạc, xin chiếu luật mưu bạn vi hành, xử giảo giam hậu; Dương Thưởng giảm một bậc, xử trượng 100, đày 3.000 dặm”. Dương Thạc bị giam ở nhà tù Côn Đảo.
Châu bản thứ hai ngày 17 tháng 8 năm Duy Tân thứ 2 (12.9.1908) liên quan đến Dương Thạc, chép tổng cộng 27 người, trong đó có 7 người Quảng khác: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Diễn (Duyện), Lê Bá Trinh, Trương Bá Huy, Nguyễn Thành, Hoàng Cảnh, Nguyễn Quần (tức Cò) cũng đều bị bắt và đày giam ở Côn Đảo.
Trong tù, Dương Thạc có làm bài thơ tự bạch để ngôn chí và cũng là để nhắn gửi với đồng chí, đồng bào: “Nhất trích diêu diêu cô đảo trung/Khả liên Nam Bắc bệnh tương đồng/Viêm bang văn hiến khan do tạc/Âu hóa phong trào vị tấu công/Thủy quốc đào thanh tao mộng điệp/Cố san vân ý luyến chinh hồng/Tọa giang mạc sái Tần đình lệ/Đa khủng Côn Lôn hải nhiễm hồng”. Huỳnh Thúc Kháng đã dịch bài thơ này và in trong Thi tù tùng thoại (nhà in Tiếng Dân, Huế, 1939): “Hòn đảo mồ côi giữa cõi cùng/Đày ra Nam Bắc kiếp tù chung/Nước nhà văn hiến còn in cũ/Âu hóa phong trào chửa trót công/Tiếng sóng góc trời rầy giấc điệp/Luồng mây núi cũ mến chim hồng/Thôi đừng rưới lệ Tần đình nữa/E nhuộm Côn Lôn nước biển hồng”.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tại nhà tù Côn Đảo, Dương Thạc cảm hoài “Tần đình” với các đồng chí, thì tại hải ngoại đương thời, Phan Bội Châu cũng nhắc điển “Tần đình” với lãnh đạo Nhật Bản. Tần đình là một điển tích về tiếng gào khóc của kẻ mất nước với mong muốn được phục quốc. Khi bị Mông Cổ xâm lược, Nguyên Hiếu Vấn (nhà Kim – Trung Quốc) khóc ngâm “Tinh Vệ hữu oan điền hãn hải/Bao Tư vô lệ khốc Tần đình” (Tinh Vệ ngậm hờn vì chưa lấp được biển/Thân Bao Tư khóc ở sân nhà Tần đến khô cạn nước mắt). Bài thơ Thân Bao Tư tiên sinh của Phan Bội Châu có câu “Tần đình chi khốc/Thanh động thiên địa” (Tiếng khóc sân Tần/Động khắp đất trời).
Dương Thạc “rưới lệ Tần đình” đến nỗi lâm bệnh và qua đời. Hồ Ngận, trong Quảng Nam xưa và nay, cho biết: “Anh em trong tù khắc bia dựng nơi mộ ông. Bia đề: Việt Nam chí sĩ Dương Trường Đình chi mộ”.
Chép tên trong sử sách
Sau khi Dương Thạc mất, rất nhiều bạn tù và chí sĩ trong nước tiếc thương, làm thơ, làm câu đối viếng ông. Là những vần thơ của Phan Châu Trinh, là những đối liên của Huỳnh Thúc Kháng, của ông Giải Huân, của các bạn đồng châu khác. Thi đối phúng điếu ông cũng là ghi khắc công trạng của ông: “quốc dân gánh nặng”, “chí sĩ ruột đau”, “nổi dậy phong trào lớn”, “hô hào đảng phái mới”…
Tác phẩm Lê Đại (1875 – 1951), con người và thơ văn do Chương Thâu và cháu đích tôn thừa trọng của Lê Đại là Tôn Long biên soạn (2001) có chép lại một câu đối của Lê Đại “khóc ông Tú Dương Thạc người Quảng Nam”:
– Trăm năm ai chẳng chết, chết cũng là thường, xem như ông một lòng vì nước, muốn chen chân lên chốn vũ đài, nào diễn đàn, thư xã, nào thương hội, học trường, người có nhiệt thành, cũng đáng chép tên trong sử sách.
– Một ngày nào còn sống, sống thời phải nghĩ, như chúng ta không tội mà tù, chịu bó gối ngồi trong khổ hải, kìa sĩ tử, tú tài, kìa cử nhân, tiến sĩ, ai không tri sỉ, lẽ nào trơ mặt với non sông.
Lê Đại là bạn tù Côn Đảo của Dương Thạc.
Nguồn: Báo Quảng Nam