Nghệ nhân Dương Văn Hồng: Người giữ gìn tinh hoa nghề đúc đồng

Không chỉ nổi tiếng với những ngôi nhà cổ mang năm gian mang đậm nét lối kiến trúc đặc trưng của làng Việt cổ, vùng đất Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên còn nổi tiếng với nghề đúc đồng. Đây được coi như “báu vật,” là niềm tự hào của người dân thôn Lộng Thượng, xã Đại Đồng mỗi khi nhắc đến truyền thống quý báu của cha ông.

Lộng Thượng từng là một làng nghề nổi tiếng hưng thịnh một thời với những sản phẩm được đúc bằng đồng. Những sản phẩm bằng đồng được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa của vùng đất này. Theo thời gian, làng nghề dần mai một, có lúc chỉ còn vài ba gia đình duy trì nghề của thôn. Ông Dương Văn Hồng là một trong những người như thế.

Trước những năm 1990, nghề đúc đồng ở đây bị mai một, có nguy cơ thất truyền. Gia đình ông Hồng là một trong 3 gia đình trong thôn duy trì nghề truyền thống của cha ông. Để giữ nghề truyền thống lúc ấy là cực kỳ khó khăn, bởi các sản phẩm công nghiệp sản xuất ra lấn át các sản phẩm truyền thống. Có những lúc gia đình ông Hồng tưởng không thể bám trụ được với nghề, nhưng vì tình yêu với nghề, mong muốn gìn giữ tinh hoa của cha ông nên ông Hồng từng bước vượt qua khó khăn, miệt mài với việc duy trì và phát triển nghề truyền thống.

Nghệ nhân Dương Văn Hồng, thôn Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm) và các sản phẩm đồ đồng tinh xảo của gia đình

Ông Hồng xác định, việc cải tiến mẫu mã là yếu tố sống còn để duy trì và phát triển nghề. Chính vì vậy ông đã đầu tư máy móc vào sản xuất để cao độ tinh xảo của sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm để thu hút người tiêu dùng.

Để sản phẩm làm ra có dỗ dày chuẩn, đều, tỉ lệ đối, ông Hồng là một trong những người đầu tiên đưa máy ép khuôn vào thay thế cho khuôn đất trong sản xuất vào năm 2015. Nhờ đầu tư cải tiến, sản phẩm từ xưởng sản xuất của ông được khách hàng đánh giá cao, dễ tiêu thụ. Tiếng lành đồn xa, nhiều lao động đã tìm đến xưởng của gia đình ông để làm việc và học nghề. Xưởng sản xuất của gia đình ông đã phát triển lên tới 400m2. Trung bình mỗi năm, xưởng sản xuất của gia đình ông Hồng truyền nghề cho khoảng 10 lao động. Sau khi học thành nghề, có khoảng 60% số học viên đã mở xưởng để phát triển nghề truyền thống của địa phương. Đội ngũ những người lao động này đã góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông. Từ chỗ chỉ còn vài ba gia đình bám trụ với nghề, đến nay, Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, đã có gần 200 hộ làm nghề, các lò đúc đồng luôn đỏ lửa, làng nghề ngày càng phát triển.

Không chỉ bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của quê hương, xưởng sản xuất của gia đình ông Hồng còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với nguồn thu nhập ổn định. Với ông Hồng, nghề đúc đồng là một phần máu thịt, là điều không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Chính vì vậy, dù xưởng đã có người quản lý và thợ làm nhưng ngày ngày ông Hồng vẫn trực tiếp đến xưởng được sống với nghề.

Dương Thùy Dịu

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com