Nhà thơ Dương Đức Quảng: Chưa bao giờ tôi nghĩ mình là nhà thơ và sẽ in thơ thành tập
- 19/02/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 1336
Xuất thân từ một nhà báo chiến trường trong những năm kháng chiến chống Mỹ và được đào tạo bài bản tại Đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng với sự đa tài của mình nhà báo Dương Đức Quảng còn được công chúng đón nhận là một nhà thơ.
Dương Đức Quảng làm thơ. Ông không viết nhiều so với lĩnh vực báo chí của mình. Thơ, với ông, không cầu sự nổi tiếng, ông không làm thơ để trở thành nhà thơ. Thơ, với ông là sự ghi lại những rung động trong ký ức. Chiến tranh, những thân phận người, đồng đội, sự sống, cái chết, những chiêm nghiệm về đời sống, nhân tình thế thái. Bất chợt thấy mình lặng lẽ/ Trong tiếng hò reo vang trời/ hay Có phải càng bình dị/ Cuộc đời càng lớn lao…
Những câu thơ giản dị nhưng ngẫm sâu sự đời. Và hình như ông không chỉ nói câu chuyện của thơ. Những tình đời, những thân phận, trong câu thơ của ông, gần gũi đấy, hiện hữu đấy, nhưng trong đời sống tất bật hôm nay, mấy ai bận tâm. Nếu ai đó đọc thơ tôi, đọc xong vô cảm thì tôi rất buồn. Nỗi buồn của ông khiến tôi giật mình khi sự vô cảm đang chiếm lĩnh tâm hồn mỗi chúng ta.
Cứ tưởng nước chảy xiết
Là không dám lội qua
Cứ tưởng lời ly biệt
Là mãi mãi cách xa
…
(trích 4 câu đầu bài thơ Cứ tưởng của Dương Đức Quảng)
Đối với ông, một ngày được sống trên cuộc đời này, sống và thấm hiểu sự sống của mình đã đánh đổi bằng máu và nước mắt của đồng đội, là một ngày lãi. Nào có đi buôn mà tính lãi/ Cuộc đời lời lỗ mấy ai hay/ Chiến trận bao phen còn sót lại/ Chẳng lãi là chi, lãi từng ngày.
Lạ thay, con người đó, đi hết cả cuộc đời vẫn không thoát khỏi những ám ảnh về chiến tranh. Sau này, khi đã nghỉ hưu, ông đã viết liên tục và cho ra đời hai tập sách xúc động về những khuôn mặt của đồng đội năm xưa: Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị Tướng, Trầm luân nào có chừa ai – Nhà xuất bản Lao Động, 2012.
Nhà thơ Ngô Thế Oanh, đồng đội Dương Đức Quảng ở mặt trận liên khu 5, tâm sự: “Tôi còn nhớ những cảm xúc đầu tiên khi được đọc bài thơ Gửi dòng sông thân yêu của Dương Đức Quảng, in trên tờ Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ năm 1972. Một cảm xúc thật gần gũi, ngỡ như tác giả đã nói hộ được cho nỗi lòng tất cả những ai có những năm tháng gắn bó với Thu Bồn: Tôi cứ nghĩ về một dòng sông xa xôi/Nơi con sóng tự biết mình bé nhỏ/Đêm tháng năm lặng im theo nhịp thở/Nhớ sao trời và cá quẫy trong nhau… Gần như tất cả những người làm thơ ở chiến trường những năm tháng ấy cũng bị ám ảnh về dòng sông này. Vì vẻ đẹp khi êm đềm, khi dữ dội của nó. Nhưng có lẽ, sâu xa hơn còn là vì những đau thương và anh hùng mà dòng sông đã trải qua.
Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Á – Phi, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nói: “Tôi quen biết nhà thơ Dương Đức Quảng đã lâu. Ông là một con người giản dị và chân thành. Từ ông luôn mang lại cho chúng ta cảm giác sự gần gũi và tin tưởng. Điều làm cho tôi rất kính trọng ông là sự im lặng của ông. Chính sự biết im lặng ấy đã cho ông những câu thơ, những bài thơ mà có lúc tôi đã giật mình. Ông im lặng nhưng lòng ông luôn luôn cuộn chảy bởi ký ức và những suy ngẫm có khi dằn vặt đau đớn. Hầu như mỗi bài thơ của ông là một câu hỏi về chính ông và về chúng ta. Câu hỏi về đạo làm người mà chúng ta phải trả lời, một câu trả lời dài đúng bằng cuộc đời mình, kể từ khi cất tiếng khóc chào đời và khi rời bỏ thế gian này”.
Trong tập thơ Đôi điều với con của ông, có không ít những câu thơ xuất thần: Gối chỉ quỳ/ Một lần/ Duy nhất/ Là lúc đưa cha về với mẹ cuối trời… Và có nhiều bài hay, như Đồng Hới, Mời rượu bố vợ, Liêu xiêu, Gửi dòng sông thân yêu, hay Bạn cũ: Bạn cũ gặp nhau ở tuổi 50/ Dẫu ông nọ bà kia vẫn hồn nhiên đáo để/ Chén rượu đầu xuân cùng nhau san sẻ/ Bạn bè ơi, đâu phải rượu mà say…
Tiếng thơ của Dương Đức Quảng đau đáu mang chất riêng của người lính, của thực tế của những ray rứt như chính con người ông. Khi còn sống, nhà báo, nhà thơ Dương Đức Quảng từng tâm sự: “Chưa bao giờ tôi nghĩ mình là nhà thơ và sẽ in thơ thành tập”, nhưng ông vẫn làm thơ và không xa nổi thơ…
Dương Hường