Nhạc sĩ Dương Trọng Thành nâng tình hữu nghị Việt – Nga qua âm nhạc
- 08/04/2024
- Ban Thông tin truyền thông
- 649
Xúc động với công việc nghiên cứu sinh thái cạn trong rừng sâu của cán bộ Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cũng như tình bạn khăng khít, bền chặt giữa cán bộ nghiên cứu khoa học hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, Thiếu tá, nhạc sĩ Dương Trọng Thành (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) đã sáng tác ca khúc “Tình em rừng xanh” (thơ Thiếu tá Trần Thu Phương, công tác tại Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga) đầy da diết, tình cảm.
Tác giả thơ-Thiếu tá Trần Thu Phương cho biết, bài thơ “Tình em rừng xanh” là sáng tác chị dành tặng riêng cán bộ nghiên cứu khoa học Phạm Thị Hà Giang (Viện Sinh thái nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga). Chính những chuyến đi công tác ròng rã ở khắp các khu rừng nhiệt đới trên cả nước của chị Giang cùng các chuyên gia Nga cũng như nghị lực phi thường để chạm tới ước mơ trở thành một trong số ít cán bộ nghiên cứu chuyên sâu về nấm lớn ở Việt Nam của chị Giang đã là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để chị viết nên bài thơ này.
“Để người đọc có thể hình dung ra công việc của cán bộ nghiên cứu khoa học ngành sinh thái cạn mà không bị khô khan, nhàm chán, tôi đã chọn viết về một câu chuyện tình không biên giới của cán bộ nghiên cứu khoa học người Nga Anton với những cánh rừng già nhiệt đới Việt Nam. Trong hành trình khám phá, nghiên cứu rừng Việt Nam, anh có nhiều kỷ niệm với cán bộ nghiên cứu Phạm Thị Hà Giang”, Thiếu tá Trần Thu Phương chia sẻ.
Ngay khi đọc được bài thơ này, Thiếu tá, nhạc sĩ Dương Trọng Thành đã đồng cảm, sẻ chia và biết ơn sự cống hiến thầm lặng của những cán bộ nghiên cứu khoa học ngành sinh thái cạn. Anh đã chủ ý khoác cho bài thơ “đôi cánh âm nhạc” mềm mại, uyển chuyển để khi giai điệu cất lên, người nghe không cảm thấy sự khô khan, cứng nhắc.
Tác giả thơ và tác giả nhạc say sưa tập luyện ca khúc “Tình em rừng xanh”.
Trong bài hát, người nghe xúc động khi các địa danh về cánh rừng nguyên sinh của Việt Nam được nhắc đến, đồng thời khắc họa một cách tỉ mỉ, chi tiết chân dung, công việc của các cán bộ nghiên cứu khoa học sinh thái cạn: “Dịu dàng em-nhánh lan rừng Xuân Sơn trong nắng sớm/ Mong manh em-giọt sương mai Bidoup Núi Bà/ Và mạnh mẽ cũng như em-Chư Yang Sin hùng vĩ/ Băng rừng vượt suối bước chân em nhẹ tựa mây ngàn/ Đôi mắt sáng kiếm tìm, bàn tay nâng niu từng loài mới/ Hạnh phúc ngập tràn cùng tôi em mơ về bạt ngàn rừng xanh…”.
Tại Lễ bế mạc Trại sáng tác âm nhạc toàn quân năm 2023, giai điệu của ca khúc “Tình em rừng xanh” lần đầu tiên được vang lên qua giọng hát của Trung tá Lê Thủy (Binh chủng Thông tin liên lạc). Chia sẻ về ca khúc này, Trung tá Lê Thủy cho biết: “Bài hát có ca từ và giai điệu rất đẹp, mượt mà, uyển chuyển. Tôi đã hát bằng tinh thần, niềm cảm phục, sự trân trọng của một người lính với những cán bộ nghiên cứu khoa học trong Quân đội. Sau đó, ca khúc tiếp tục được vang lên tại buổi giới thiệu tác phẩm mới tại Hội Âm nhạc Hà Nội vào tháng 7-2023 qua tiếng hát của Thiếu tá, ca sĩ Thanh Trúc (Đoàn Văn công Quân chủng Hải quân).
Nghe và cảm nhận ca khúc “Tình em rừng xanh”, Thượng tá Phạm Việt Hải, Chủ nhiệm Chính trị Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cho biết: “Tình em rừng xanh” không chỉ đơn thuần là bài hát ca ngợi tình yêu rừng, tình yêu khoa học mà còn mang thông điệp ngợi ca tình hữu nghị Việt-Nga.
Điều đó không chỉ thể hiện qua ca từ mà trong cả giai điệu khi nhạc sĩ Dương Trọng Thành đã kết hợp uyển chuyển, nhuần nhuyễn giữa nhạc dân gian Nga và nhạc trữ tình Việt Nam. Mong rằng ca khúc sớm được dịch sang tiếng Nga như một minh chứng cho tình hữu nghị Việt-Nga.
Theo Quân đội Nhân dân