Những gì nhà thơ – nhà báo Dương Đức Quảng để lại…

Thuở sinh thời, nhà báo Dương Đức Quảng có nhẽ là chân đi quyết liệt. Thuở trẻ anh vào tuyến lửa Quảng Bình, rồ vượt Trường sơn vào Quảng Đà, cùng các anh Phạm Đức Long” chiến  đấu” cho thông tấn xã giải phóng… khi tuổi đã cao , lại vần là những chuyến đi khi Đồng Tháp Mười, Long An, Hạ Long, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và miền Tây Nam Bộ, rồi Đà Lạt, Tây Nguyên, và những  chuyến đi ba tỉnh miền Trung cứu trợ đồng bào bị lũ lụt…

Từ trái sang: Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, Nhà báo Dương Đức Quảng, Nhà thơ Thanh Quế, Nhà thơ Trần Vũ Mai khi ở chiến trường Trung Trung bộ

…Những đồng nghiệp báo chí và ngân hàng đi với ông mới hiểu ông năng động và trẻ trung so với cái tuổi sắp  “xưa nay hiếm” của mình, mới hiểu ông còn “duyên dáng”, hóm hỉnh hơn rất nhiều so với vị thế của một nhà báo VIP, một “quan báo” trước đây. Và đi với ông mới hiểu ra rằng ẩn giấu sau mỗi dòng tin, mỗi vần thơ, mỗi bài báo của ông… là một trái tim mãnh liệt của một nhà báo đa tài và một tư thế sống rất đáng vị nể…

Tôi, từ đứa trẻ mồ côi mẹ khi chưa đầy 5 tháng tuổi, trải qua tuổi thơ nhọc nhằn, nghèo khổ trong chiến tranh chống Pháp, đến chàng sinh viên khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp danh giá một thời. Từ những năm tháng lăn lộn trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ ở dải đất miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi… với “mưa bom, bão đạn” và những ngày đói quay đói quắt, hàng tuần lễ không biết đến hạt gạo là thế nào đến những ngày được biết thế nào là dạ tiệc ở “chốn cung đình”; Từ cuốc bộ rạc cẳng, ngồi xe bò, xe trâu đi học, hoặc kẽo kẹt trên chiếc xe đạp cà khổ, “vành cong, lốp quấn”, đi làm, đến những lần ngồi máy bay chuyên cơ cùng các VIP vượt đại dương “vi vu” tới nhiều nước trên thế giới; Từ ngủ bờ, ngủ bụi, nằm hầm tránh các đợt máy bay B52 ném bom vào căn cứ, hay ngâm mình trong bãi bói dọc sông Thu Bồn ở Quảng Đà (Quảng Nam, Đà Nẵng bây giờ) hàng tuần lễ, thấp thỏm lo đến thót tim mỗi khi máy bay trực thăng HU.1A của Mỹ quần thảo trên đầu, cứ nghĩ họng súng liên thanh trên máy bay đang chĩa xuống sắp nhả đạn vào đầu mình, đến những đêm ngả mình trên đệm êm chăn ấm trong phòng máy lạnh khách sạn 5 sao ngay tại thủ đô Washington DC của Mỹ khi được mời là khách VIP sang thăm Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”…

Ấy là những dòng tâm sự về mình mà ông đã kể cho tôi nghe trên những “dặm đường thiên lý” khi tôi được đi cùng ông. Rất giàu xúc cảm của một nhà thơ, nhưng nói thật, cũng chưa thể gọi là đủ khi nói về ông. Nói một cách khác, điều đó còn quá khiêm nhường so với những gì ông đã trải qua. Bởi những chặng đường đời đã qua của ông là vậy mà cũng không hẳn chỉ là vậy. Những tháng năm ông đã trải qua trong đời làm báo gần 50 năm như một bản nhạc trầm bổng, trong đó không thiếu những nốt nhạc cao ngất, đáng tự hào.

Ông đã có một thời là chàng sinh viên Văn khoa thuộc thế hệ vàng của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng cùng “dùi mài kinh sử” ở nơi trường sơ tán trên vùng núi Đại Từ, Thái Nguyên những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước với các bạn học, sau này phần lớn trở thành các nhà báo, nhà văn, nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, tổng biên tập báo, đài… có tên tuổi, có người còn trở thành Tổng Bí thư của Đảng. Ông lại có thời là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam tại tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh trong  những năm đầu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, sát cánh cùng nhiều nhà báo có tên tuổi trong làng báo Việt Nam, như nhà báo Hữu Thọ, sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; nhà văn Nguyễn Sinh, sau này là Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ; Nghệ sĩ nhân dân, nhà quay phim nổi tiếng Phan Trọng Quỳ, từng quay bộ phim Lũy thép Vĩnh Linh, được giải Vàng quốc tế.

Rồi, sau đó ông lại có thời lặn lội tại chiến trường khu V, Quảng Đà, Quảng Ngãi, cùng chiến trường với nhà báo, nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý và bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm vào những năm chống Mỹ ác liệt nhất. Để rồi sau này ông là người khởi xướng cùng các nhà văn, nhà báo cùng chiến trường xưa đưa câu chuyện về Nhật ký Đặng Thùy Trâm ra công luận, trở thành sự kiện truyền thông lớn nhất nước trong năm 2005

Sau chiến tranh, ông là Phó Tổng biên tập báo Tuần Tin Tức vào thời điểm tờ báo này cùng báo chí cả nước đi đầu trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Ông cũng có thời gian dài là phóng viên đặc biệt chuyên đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư Lê Duẩn và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, được tháp tùng nhiều vị lãnh đạo cao cấp khác của Đảng và Nhà nước đi công tác trong nước và nước ngoài.

Ông cũng có thời gian dài, trên mười năm, vừa làm báo vừa làm “quan báo” trên cương vị Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Văn phòng Chính phủ, dưới thời hai Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải… Ông còn là Tổng Biên tập đầu tiên của Trang Thông tin điện tử (nay là Cổng Thông tin điện tử) của Chính phủ. Một đời làm báo như thế trong làng báo nước nhà mấy người có được? Một đời người như thế, cũng đủ trải nghiệm qua bao “vực thẳm núi cao”, thử hỏi mấy người có được như ông?

Ấy là chưa kể, giờ đây tuổi đã cao, ông vẫn được mời làm Trưởng ban Thông tin Truyền thông của VietinBank, một ngân hàng thuộc loại lớn nhất nước, tiếp tục cầm bút, lại có tiếp những chuyến đi, những công việc thấm đượm tình người trên những nẻo đường làm công tác an sinh xã hội của VietinBank ở khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đúng là “chân chưa chồn, gối chưa mỏi, mặt chưa tư lự đăm chiêu” ở một ông già còn sung sức trong làng báo mà phía trước còn là những chuyến đi, những con đường rộng mở…

Cũng bởi vậy mà tôi đã viết ở trên: “Đi với ông mới hiểu ông năng động và trẻ trung hơn rất nhiều so với cái tuổi  sắp  70, “xưa nay hiếm” của mình, mới hiểu ông còn “duyên dáng”, hóm hỉnh hơn rất nhiều so với vị thế của một nhà báo VIP, một “quan báo” trước đây. Và đi với ông mới hiểu ra rằng, ẩn giấu sau mỗi dòng tin, mỗi vần thơ, mỗi bài báo của ông… là một trái  tim mãnh liệt của một nhà báo đa tài và một tư thế sống rất đáng vị nể”…

Vì thế mà trong một lần đón ông từ Trường Sa về, tôi đã tặng ông chín chữ: “Bay như chim, tâm như Phật, viết như Thần”. Nhiều đồng nghiệp, bạn bè của ông và của tôi đều nói với tôi rằng: Dương Đức Quảng đúng là như vậy…

Nhà báo Dương Đức Quảng bật khóc khi thấy lại tấm dù của mình gửi anh Hoàng Quốc Thăng mang ra Bắc nằm lại cùng liệt sĩ Thăng trong hang đá trên núi Hòn Tàu (Quảng nam) sau gần 40 năm

Trước mắt tôi là tập sách Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị Tướng của Dương Đức Quảng, do Nhà xuất bản Lao động ấn hành trong năm 2013, dày 560 trang khổ 16×24, phong phú về nội dung, đẹp về hình thức. Đây là một trogn hai tập sách để lại của ông, mà tập kia là một tập thơ do chính Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- khi ấy là Giám đốc NXB Hội nhà văn in tặng ông.Nhiều người làm xuất bản đánh giá đây là   những cuốn sách bề thế nhất trong năm. Và dù giá bán rất “khủng”, đến 160 ngàn/tập nhưng bạn hãy thử đến nhà sách, còn có thể tìm ra quyển nào không? Đông đảo bạn đọc đã tìm đến tác phẩm của ông như tìm đến một tri âm…

“Từ lâu tôi đã có ý định tập hợp các bài báo viết về những người thật, việc thật mà tôi đã gặp trong mấy chục năm làm báo để in thành một tập sách dành cho bạn đọc và những người tôi yêu quý. Đó như là một sự tri ân của tôi đối với tất cả những người anh, người chị, người bạn – những người có mặt trong các bài báo của mình, những người tôi cảm thấy có lỗi nếu như chưa viết hoặc không viết được về họ. Đó hầu hết là những người tôi rất kính trọng, tự bản thân cuộc đời của họ đã như một tấm gương mà ai soi vào đó cũng có thể thấy được một phần đời của mình, cũng có thể đồng cảm, chia sẻ và cả học được một điều gì đó từ những con người này. Mỗi người là một số phận và mỗi số phận của từng người đều như biết nói, đều có nỗi niềm riêng, chẳng ai giống ai”.

Trong cuốn sách này, bạn đọc có thể gặp hình ảnh và cuộc đời của một số đồng chí lãnh đạo cao cấp, các anh hùng, liệt sĩ, nhà văn, nhà báo, có người nổi tiếng và có cả những con người rất đỗi bình thường nhưng rất đáng kính trọng, như ông Tạ Văn Sình, “người của CIA” nhưng lại là người có công với cách mạng mà tôi đã gặp trong đời. Cũng trong cuốn sách này, tôi dành một phần để trân trọng giới thiệu bài viết tổng hợp lại các bài tôi đã viết xung quanh câu chuyện về tấm gương của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và sự trở về như huyền thoại của cuốn nhật ký của chị sau 35 năm lưu lạc trên đất Mỹ. Tôi cũng muốn đem đến cho bạn đọc những câu chuyện và việc làm rất có ý nghĩa của Fred – người cựu binh Mỹ đã trao lại Nhật ký Đặng Thùy Trâm cho gia đình”.

“Viết về những người tốt, những người tôi kính trọng và quý mến, tôi không thể không viết về cha tôi và về một người chị của tôi, những người cũng có số phận ám ảnh trong tôi như biết bao người tốt tôi đã gặp trong cuộc đời này. Có khác chăng đó là những người ruột thịt của tôi mà tôi biết ơn suốt cả cuộc đời không chỉ vì có những kỷ niệm sâu sắc và gắn bó mà nếu không là con, là em thì tôi không thể nào viết ra được”

Tôi thật sự rất tâm đắc với những lời tâm sự đầu sách này của ông. Nó giản dị, mộc mạc và chân tình như chính con người ông. Nhưng qua đó là thăm thẳm nỗi niềm và những suy tư về đất nước, con người, cuộc sống. Và về chính mình. Tôi thầm nghĩ đông đảo bạn đọc đến với ông, yêu quý ông trước hết cũng chính vì những điều này. Nếu như một trong những chuẩn mực của văn chương gói gọn trong 8 chữ “Trái tim rung động, trí tuệ ngạc nhiên”, thì  những trang viết của Dương Đức Quảng lung linh cả 8 chữ này…

Nói về tập sách này, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, ghi nhận: “Gấp sách của Dương Đức Quảng viết về những con người hiện lên những nét đáng yêu để yêu thêm con người, dù cho họ là người lãnh đạo đương chức hay đã nghỉ hưu, khi là những cán bộ bình thường với những số phận khác nhau không phải ai cũng suôn sẻ trên đường đời. Với những người làm báo thì có thể thấy thêm những bài học về nghề nghiệp của một nhà báo có tấm lòng yêu người, yêu nghề, có nghề và luôn giữ nguyên tắc về nghề”…

Đấy là những ghi nhận của một trong những nhà báo hàng đầu về tập sách và những trang viết của Dương Đức Quảng. Nhưng thật lòng tôi, xin nhà báo lão thành Hữu Thọ lượng thứ, tôi lại trộm nghĩ những trang viết của Dương Đức Quảng không chỉ đậm đà tính báo chí, mà còn rất giàu chất văn học. Nó là những ký sự văn học đúng nghĩa – những ký sự nhân vật đang trở thành một dòng văn học của chung trong những năm qua. Và không phải dễ gì có được những dấu ấn làm bạn đọc mãi nhớ, hoặc nói một cách khác, không dễ gì đạt tới đỉnh cao khi viết thể loại này.

Nay ông xa chúng ta đã gần 5 năm. Nhưng những gì ông để lại không chí là nụ cười, là những bước chân đi khắp miền đất nước, một tấm lòng ưu ái  và thân thiết với bãn bè, mà còn là những tác phẩm văn học xuất sắc. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Anh em đồng chí đồng đội và bạn bè luôn nhớ ông…

Theo vanhoavaphattrien.vn

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com