Ông Dương Văn Bảy với ước mơ vào đại học ở tuổi 60

Tốt nghiệp THPT sau 40 năm lỡ hẹn, ông Dương Văn Bảy muốn vào học đại học và mở tủ sách để khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho trẻ con ở vùng quê nghèo Thoại Sơn sau này.

Là một trong những thí sinh lớn tuổi nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, ông Dương Văn Bảy ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, An Giang đã hoàn thành và được công nhận tốt nghiệp sau 40 năm chờ đợi. Mặc dù biết điểm thi từ cuối tháng 8 nhưng phải đến đầu tuần này ông Dương Văn Bảy mới đến Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên nhận giấy báo kết quả và giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.

Được công nhận tốt nghiệp ở tuổi hiếm có nhưng với ông chưa dừng lại ở đó, ông muốn viết tiếp câu chuyện học vấn của mình bằng ước mơ vào Đại học, ông Dương Văn Bảy cho biết: “Tốt nghiệp THPT rồi vào đại học là ước mơ mấy chục năm nay của tôi, trước đây cũng có nhiều lúc muốn buông bỏ rồi”, ông Bảy nói, giọng xúc động. Năm nay, ông đăng ký một nguyện vọng vào ngành Việt Nam học tổ hợp Văn, Sử, Địa, trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Ông Dương Văn Bảy nhận giấy báo điểm và giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên Thoại Sơn

Hơn 40 năm trước, ông Dương Văn Bảy cũng là một người rất mê văn thơ, ông từng nuôi mộng làm thầy giáo dạy Văn. Nhưng khi hoàn thành cấp 2, hoàn cảnh gia đình khiến ông phải bỏ học để phụ giúp kinh tế vì gia đình quá đông anh em.

Những năm ấy, khi các bạn đồng trang lứa, trong đó có bạn gái ông (và là vợ ông sau này), học tiếp cấp 3 để thi tú tài, ông ở nhà phụ gia đình làm nông nghiệp. Khi bạn gái ông thi tốt nghiệp phổ thông, ông ngỏ lời hỏi cưới. Thương chàng trai hiền lành, giỏi văn thơ, người yêu gác lại giấy gọi thi tuyển vào Đại học Sư Phạm TPHCM, và lập gia đình cùng ông.

Vợ vì gia đình phải buôn thúng bán bưng, vun vén mọi việc, ông Bảy tự nhủ: “Nếu có cơ hội, bằng bất cứ giá nào cũng phải đưa vợ quay lại giảng đường đại học”.

5 năm sau khi sinh hai đứa con gái, vợ ông xin việc ở một cơ quan, được cử tuyển và trúng tuyển ngành Tài chính của Đại học Tài Chính – Kế Toán (nay là Đại học Kinh tế TPHCM). Giữ lời hứa với vợ, ông ở nhà làm lụng, nuôi con để vợ lên Sài Gòn học đại học. Nhiều người gièm pha nói ông “gàn” khi để vợ trẻ, đẹp lên thành phố học dễ mất vợ như chơi. Nhưng ông Bảy vẫn bỏ ngoài tai và luôn động viên vợ cố gắng đèn sách. Bởi ông Dương Văn Bảy biết chỉ học mới có thể giúp người ta thay đổi cuộc đời. Sâu thẳm trong tâm ông luôn nghĩ, mình đã bỏ thì phải dồn sức cho vợ học và ông luôn quyết tâm với ý nghĩ đó.

Có dạo không đủ tiền gửi cho vợ ăn học gấp, ông phải bán đi tủ sách quý bằng gỗ rồi cột sách thành từng chồng để trên nóc tủ mà ông dành dụm tiền khá lâu mới mua được.

Ba năm sau, vợ ông tốt nghiệp đại học, trở về quê được phân việc ở UBND huyện. Cuộc sống gia đình dần ổn định, hai con gái của ông cũng lên thành phố học trường chuyên… Đây cũng là lúc ông Bảy tính đường quay lại trường lớp. Ông đăng ký học cấp 3 hệ bổ túc ở trường Trung học Nguyễn Văn Thoại ở Thoại Sơn, xong lớp 12 thì thi tốt nghiệp.

Lần đó không may mắn, ông thi rớt, hai năm sau kết quả cũng chẳng khá hơn, lần nào cũng bị liệt môn Toán. Những năm sau đó ông thực sự đã nản lòng và buông xuôi tự nhủ sẽ không bao giờ đi thi nữa, ông Dương Văn Bảy kể lại.

Ước mơ của ông chỉ được khơi lại, khi cuối năm ngoái, trong một buổi hàn huyên với người bạn, ông được khuyên đi thi lại tốt nghiệp THPT. Ông Bảy cười trừ, gần 20 năm qua rồi, không còn kiến thức để thi nữa. Nhưng người bạn này trấn an, cố gắng thuyết phục ông rằng kỳ thi THPT những năm gần đây đổi mới, nhẹ nhàng hơn. Ông Bảy xuôi lòng sau đó tự tìm hiểu thông tin về kỳ thi này rồi quyết tâm đăng ký.

Ông mua sách giáo khoa Văn, Toán, Sử, Địa tự học rồi đăng ký một khóa ôn ngắn hạn tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thoại Sơn. Thấy sĩ tử 60 tuổi đi ôn, nhiều thầy cô trẻ quý mến, giúp đỡ tận tình nhưng không ai dám nghĩ ông có thể đậu tốt nghiệp. Nhưng rồi tất cả phải ngạc nhiên khi ông đậu tốt nghiệp trong ngày công bố điểm. Với điểm ban C cũng khá nên ông quyết tâm vào Đại học và đặt NV của mình vào ngành Việt Nam học ở Đại học An Giang (Đại học Quốc Gia TPHCM). Với những kiến thức xã hội, văn hóa tôi tự tích lũy được bấy lâu, ông Dương Văn Bảy tin mình sẽ học tốt nếu trúng tuyển.

Cơ hội vào đại học đến muộn khi đã bước sang tuổi lục tuần, vợ nghỉ hưu, con cái trưởng thành ở xa nhưng ông Bảy không muốn bỏ lỡ một lần nữa. Hiểu khát khao ngồi ở giảng đường đại học 40 năm qua của ông, vợ và các con khích lệ hết mình.  Với mong muốn vào Đại học để mở lại tiệm sách, làm thầy giáo như ước mơ ngày ông còn trẻ để cho trẻ con ở quê ông  khơi lên niềm đam mê sách cho chúng, như cách ông đã truyền cho con mình.

Như Cương (T/h)

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com