PGS.TS Dương Thu Hằng: Thành công và đam mê

      Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với Dương Thu Hằng là khuôn mặt hiền, nụ cười sáng, phong cách giản dị và điềm đạm. Trò chuyện với chị, người ta dễ bị lôi cuốn bởi lối nói chuyện mộc mạc, hóm hỉnh mà sâu sắc. Hiểu hơn về chị, không ít người ngỡ ngàng: dường như vóc dáng nhỏ bé ấy không tương xứng với những việc chị đã làm, những thành công mà chị đã đạt được.

      Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất trung du nghèo, Dương Thu Hằng đau đáu với tuổi thơ mà nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Mẹ nhọc nhằn, chật vật nuôi cả bầy con thơ dại bằng mẹt hàng tạm bợ; chị em xoay xỏa phụ mẹ, người nọ nhường người kia để được đến trường. Chính sự nghèo khó ấy đã hun đúc nên một nghị lực phi thường. Để tri ân, cô bé ngày ấy biến những tình cảm, niềm tin của người thân, bạn bè, thầy cô thành những vần thơ tình nghĩa và thành động lực để học tập. Chẳng thế mà ngoài các giải thưởng Học sinh giỏi tỉnh những năm 1994- 1995, Dương Thu Hằng còn là cái tên được các thầy cô và bạn bè trìu mến nhắc đến nhiều nhất ở Câu lạc bộ Én Xuân – CLB Văn học – trường THPT Chuyên Thái Nguyên lúc bấy giờ. Sau bốn năm trời vừa đi làm, vừa đi học, vừa say sưa sáng tác, với thành tích đáng ghi nhận, cô sinh viên nghèo Dương Thu Hằng được giữ lại làm giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

      Các thế hệ sinh viên Văn khoa từ năm 2001 đến nay được trao truyền tình yêu văn học bằng mạch nguồn dồi dào và sâu lắng qua những bài giảng đầy nhiệt huyết của cô giáo trẻ. Sinh viên Nguyễn Thị Thu Hương (lớp Văn K39, nay là giảng viên Khoa Văn – Xã hội  Đại học Khoa học Thái Nguyên) chia sẻ “…Sinh viên được gợi mở để tiếp cận với tác phẩm văn học Việt Nam thời kỳ trung đại, chủ động tìm hiểu và đưa ra các nhận định cá nhân, sau đó được thảo luận với giảng viên và các bạn cùng lớp. Nhờ vậy, mỗi giờ giảng của cô luôn sinh động, và mỗi sinh viên sẽ thấy yêu văn chương hơn, ham khám phá cái hay, cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ hơn.”

      Ngoài giờ lên lớp, chị trở về căn phòng làm việc nhỏ với những chiếc giá sách “khủng” ăm ắp tài liệu, nơi có những công trình khoa học đang được hoàn thiện ở các giai đoạn khác nhau. Là chủ nhiệm của 4 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, là tác giả của 24 bài báo khoa học đã được đăng tải trên các tạp chí quốc gia, 2 báo cáo khoa học tại các Hội thảo khoa học quốc tế, chị thực sự đã khẳng định được vị trí của mình. Đáng quý hơn, nhà khoa học tâm huyết ấy còn truyền lại kinh nghiệm nghiên cứu của mình cho biết bao thế hệ sinh viên, học viên cao học. Rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên và luận văn tốt nghiệp đại học, hàng chục luận văn thạc sĩ đã hoàn thành dưới sự dìu dắt nghiêm khắc mà ân cần của chị. Bốn năm liên tiếp (từ 2010 đến 2013) chị hướng dẫn được nhiều sinh viên NCKH đạt giải Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam (02 giải Ba, 02 giải Khuyến khích) và nhiều giải thưởng NCKH cấp Đại học Thái Nguyên, giải Tuổi trẻ sáng tạo trẻ do Tỉnh đoàn Thái Nguyên trao tặng… Với những cống hiến ấy, chị được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư năm 2015. 

      Ngoài khoảng thời gian dành cho những luận điểm khoa học đầy tính logic và khách quan, Thu Hằng trở lại là một hồn thơ đằm thắm. Có tác phẩm đăng báo từ khi còn cắp sách với tập thơ Men đầu (xuất bản năm 2000), Đón lá (2004) và tập truyện ngắn Ngày cho em (xuất bản năm 2002),  Lá thư không gửi (2003), đến nay chị đã có hàng trăm bài thơ, truyện ngắn được đăng tải với một số giải thưởng văn học như: Giải 3 Hương đầu mùa báo Hoa học trò năm 1993 – 1994, Giải thưởng Văn học tuổi xanh – 1994, Tặng thưởng tác phẩm Văn học tuổi xanh báo Tiền phong năm 1997, Giải thưởng VNTN 5 năm (1997-2002), Giải thưởng Truyện ngắn báo Gia đình và Trẻ em năm 2004,… Thơ chị không cầu kỳ, gọt giũa mà chan chứa tình đời. Truyện ngắn của chị thường khai thác những đề tài quen thuộc của đời sống nội tâm, không gay cấn, kịch tính cao độ mà thiên về triết lý sâu xa. Những truyện ngắn: “Những bìa đậu vỡ”, “Mùi thuốc bắc”… đã ghi dấu cái tên Dương Thu Hằng trong lòng độc giả trong và ngoài tỉnh. Trong làng văn xứ Bắc, cây bút trẻ này định hình được phong cách độc đáo với sự hồn hậu và chất men rất riêng, nồng nàn và dễ say. 

      Đam mê với nghiệp văn, từng có lúc hài hước “hễ dừng bút lâu không viết là người ngợm như bị mất hồn”, song vài năm gần đây, công việc chuyên môn cuốn chị đi, cuộc sống gia đình với những bổn phận lớn lao khiến chị phải tạm “xếp” tình yêu văn chương lại. Đôi lúc, đang cười toe toét, chị chợt sững lại, ngại ngùng: “Lâu quá chả sáng tác gì, không biết Hội còn cho làm hội viên nữa không?”. Ngừng một lát, chị tự nhủ: “Thôi, hết đợt này lại phải viết mới được. Thèm viết lắm rồi”. 

      Chúc Phó giáo sư trẻ Dương Thu Hằng sẽ luôn thành công như đã thành công. Một gia đình nhỏ ấm áp, một công việc có ý nghĩa với bản thân và những người bạn, những học trò luôn hướng về mình, đó là những gì Dương Thu Hằng đang có. Và Chi hội Văn xuôi, nơi chị đang sinh hoạt gần 20 năm qua vẫn luôn mong ngóng chị “trở về”, sau khi đã hoàn thành những phần việc quan trọng của cuộc đời người làm khoa học, để dành lại cho mình một chút đam mê. Bởi như chị quan niệm: “Do what you love and love what you do – Hãy làm những việc bạn yêu và yêu những việc bạn làm”.

D. Oanh – sưu tầm

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com