PGS.TS Dương Thúy Yên: “Có quyết tâm sẽ vượt qua mọi khó khăn”
- 16/11/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 711
Nói về cơ duyên đến với nghề giáo, PGS.TS Dương Thúy Yên chia sẻ, đó là cái duyên. Nhà giáo cần có tấm lòng vì học trò, có quyết tâm sẽ vượt qua mọi khó khăn.
Giữ trọn đam mê nghiên cứu
PGS.TS Dương Thúy Yên, sinh năm 1969, chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ Thuỷ sản. Hiện là Phó trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi Thủy sản nước ngọt, Khoa Thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ). Với 25 năm thâm niên công tác tại Trường ĐH Cần Thơ, cô đạt được nhiều kết quả tích cực trong nghiên cứu khoa học và trong giảng dạy.
Trong quá trình giảng dạy, PGS.TS Dương Thúy Yên luôn luôn truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho các học viên, sinh viên. Ngoài việc dạy cho sinh viên tại trường, cô còn tham gia giảng dạy các chương trình đại học và cao đẳng bằng tiếng Anh. Vừa qua, PGS.TS Dương Thúy Yên tham gia hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải Nhì cấp trường và giải khuyến khích cấp Bộ.
Với những nỗ lực nghiên cứu khoa học không ngừng nghỉ, năm 2015, TS Dương Thúy Yên vinh dự được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn Phó Giáo sư. Từ tháng 5/2018, cô được giao trọng trách Phó trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi Thủy sản nước ngọt, Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ.
Nói về lý do đến với nghề giáo, PGS.TS Dương Thúy Yên chia sẻ, đó là cái duyên. Trước đây, cô rất thích và đam mê nghiên cứu trong lĩnh vực thuỷ sản nên lựa chọn học ngành Nuôi trồng thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ).
Cô kể, năm 1995, là một người vùng quê ngoại tỉnh, theo chồng đến Cần Thơ nhận công tác nghiên cứu dinh dưỡng Thuỷ Sản trong một dự án của Trường ĐH Cần Thơ.
Lúc bấy giờ cô thấy bản thân bị “tụt hậu”, so với công việc. Đó là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học cô đều kém và không thể theo kịp công việc. Phải mất gần 2 năm, ngày đi làm, tối phải đến các trung tâm ngoại ngữ để học. Còn vi tính thì nhờ gia đình và bạn bè luyện tập. “Và rồi cái nghề nó chọn mình, đến năm 2002, cô được các thầy cô ở Khoa Thuỷ sản chuyển vào công tác giảng dạy của bộ môn Di truyền của khoa” – cô tâm sự.
Tiếp tục truyền lửa nghề giáo
Thời ấy nghề giáo còn khó khăn, nhất là từ một cán bộ làm công tác nghiên cứu sang giảng dạy. Cô Yên thầm nghĩ “sao thấy khó khăn vậy mà các thầy cô vẫn vượt qua được”. Nên bản thân cũng giữ vững lòng tin vượt qua khó khăn đó.
Ban đầu chuyển sang công tác giảng dạy, cô gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng nhờ tính cần cù, chịu khó mà cô đã tự tìm hiểu, tự học từ bạn bè và đồng nghiệp. Sau đó cô cũng được các đồng nghiệp ở khoa hỗ trợ, tạo điều kiện đi học nâng cao trình độ thạc sĩ, rồi tiến sĩ.
Với kinh nghiệm từ quá trình giảng dạy và trong cuộc sống, PGS.TS Dương Thúy Yên chia sẻ rằng: Trong cuộc sống cũng như trong công tác, có những lúc khó khăn. Cô muốn nhắn nhủ đến các giảng viên trẻ yêu nghề, có tấm lòng vì học trò, có quyết tâm sẽ khắc phục vượt qua khó khăn.
Nghề giáo giờ phải phấn đấu học cao hơn, làm tốt hơn. Gần 25 năm công tác, cô cũng sắp đến tuổi về hưu. Cô cũng luôn cần có đội ngũ kế cận, mong muốn đội ngũ kế cận mình phải có đủ năng lực, đủ tâm huyết và ý chí để phấn đấu.
Cô cũng rất mong muốn học trò, các đồng nghiệp trẻ tiếp nối, phát triển Khoa, phát triển nhà trường tốt hơn. Ngoài giúp đỡ về chuyên môn cho các thế hệ giảng viên trẻ tại trường, PGS.TS Dương Thúy Yên cũng dành nhiều tâm huyết truyền lửa nghề giáo cho các sinh viên…
Khi nhận được đề cử tham dự chương trình “Thay lời tri ân năm 2020”, PGS.TS Dương Thúy Yên tâm sự: “Cô cảm thấy hạnh phúc và vui mừng vì được lựa chọn tham dự chương trình lớn của ngành Giáo dục. Đây là dịp để ghi nhận những cống hiến của đội ngũ nhà giáo khắp cả nước”.
Vừa tích cực trong giảng dạy, vừa đam mê nghiên cứu, PGS.TS Dương Thúy Yên đã tạo nên nhiều dấu ấn khi làm Chủ nhiệm 2 đề tài cấp nhà nước (NAFOSTED), 2 đề tài cấp Bộ, 1 đề tài cấp tỉnh và 2 đề tài nhánh thuộc chương trình dự án ODA, cùng 4 đề tài cấp trường. Tham gia một số đề tài khác thuộc cấp tỉnh, cấp Bộ và dự án hợp tác quốc tế (Pangagen, AquaFish). Đáng chú ý, cô đã có 18 bài báo tiếng Anh (11 bài thuộc ISI) và 38 bài báo tiếng Việt. Đồng thời cũng là tác giả và đồng tác giả 2 giáo trình, sách tham khảo…
Nguồn: Giáo dục và Thời đại