Phần thứ nhất: CỘI NGUỒN VÀ ĐỊA BÀN KHỞI SINH CỘNG ĐỒNG HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
- 24/09/2023
- Ban Thông tin truyền thông
- 374
Phần thứ nhất: CỘI NGUỒN VÀ ĐỊA BÀN KHỞI SINH CỘNG ĐỒNG HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
Tính đến năm 2012, trong tổng số 90 triệu dân (lấy số tròn) toàn quốc, Họ Dương có 1.246.843 nhân khẩu, chiếm 1,3% dân số Việt Nam. Phân bố số người trong dòng họ theo cấp tỉnh, ta thấy như sau:
Họ Dương tập trung đông nhất ở 4 tỉnh, thành phố phía Bắc: Lạng Sơn (73.974 người), Thái Nguyên (65.388 người), Bắc Giang (64.694 người), Hà Nội (59.998 người). Tiếp đó, Họ Dương tập trung ở 3 tỉnh phía Nam: Trà Vinh (59.901 người), Đồng Nai (48.586 người), Kiên Giang (46.586 người). Có 5 tỉnh có trên 4 vạn người thuộc Họ Dương sinh sống bao gồm: Hà Tĩnh (44.060 người), Quảng Nam (41.163 người), Bắc Ninh (41.024 người), Đồng Tháp (40.763 người), An Giang (40.132 người).
Đối với 41 tỉnh, thành phố còn lại, số liệu như sau: Bến Tre (34.501 người), Phú Thọ (34.285 người), Sóc Trăng (33.619 người), Hưng Yên (32.304 người), Nam Định (31.597 người), Thanh Hóa (29.739 người), Vĩnh Phúc (29.572 người), Tiền Giang (28.420 người), Bình Định (27.654 người), Bình Dương (27.434 người), Cà Mau (27.295 người), Long An (26.654 người), Cần Thơ (25.560 người), Thừa Thiên Huế (23.821 người), Nghệ An (23.270 người), Quảng Ngãi (23.109 người), Lâm Đồng (23.088 người), Tây Ninh (22.794 người), Khánh Hòa (22.684 người), Đắk Lắk (22.225 người), Vĩnh Long (22.054 người), Bình Thuận (21.389 người), Hải Dương (20.988 người), Quảng Bình (20.123 người), Gia Lai (18.867 người), Phú Yên (17.488 người), Hồ Chí Minh (16.778 người), Hà Nam (16.504 người), Quảng Ninh (16.453 người), Hải Phòng (16.296 người), Cao Bằng (15.971 người), Đà Nẵng (15.277người), Quảng Trị (14.381 người), Bình Phước (13.993 người), Hậu Giang (13.984 người), Ninh Thuận (13.395 người), Tuyên Quang (12.536 người), Ninh Bình (11.280 người), Hà Giang (9.714 người), Hòa Bình (9.201 người), Thái Bình (9.129 người), Đắk Nông (8.180 người), Yên Bái (6.655 người), Kon Tum (5.280 người), Lào Cai (3.807 người), Bạc Liêu (3.742 người), Sơn La (2.896 người), Điện Biên (1.873 người), Bà Rịa – Vũng Tàu (1.751 người), Bắc Kạn (1.651 người), Lai Châu (1.073 người).
Như vậy, theo số liệu trên, Họ Dương có mặt và phân bố khắp các địa phương trong cả nước, tập trung đông nhất là khu vực trung du, miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ. Về tổng thể, sự phân bố trên đã phần nào khắc họa địa bàn cư trú đầu tiên, nơi khởi phát của dòng họ. Tuy nhiên, để chính xác hơn, cần điểm lại diễn trình lịch sử phân chia các đơn vị hành chính lãnh thổ kết hợp với lấy số liệu phân bố năm 2012 để hình dung diện mạo của quá khứ.
Để lập ra các khối liên minh bộ lạc – nhà nước sơ khai như Xích Quỷ, Văn Lang, Âu Lạc, ngoài Lộc Tục (Kinh Dương Vương), Sùng Lãm (Lạc Long Quân), các Vua Hùng hoặc Thục Phán (An Dương Vương) còn có nhiều nhân vật của các dòng họ khác xuất hiện trong các ngọc phả, thần phả. Mặc dù phải tới khi kinh thành Cổ Loa ra đời, sử sách mới ghi nhận các nhân vật lịch sử như Lý Ông Trọng (Thụy Hương, Từ Liêm, Hà Nội), Dịch Hu Tống (Quân trưởng Tây Âu), Cao Lỗ (Ngòi Sảo, Gia Bình, Bắc Ninh), Lữ Gia (Lôi Dương, Thọ Xuân, Thanh Hóa), song theo truyền thuyết và huyền thoại, từ khi Nhà nước Văn Lang 24 Cộng đồng Họ Dương Việt Nam trong lịch sử dân tộc xuất hiện, Họ Dương cũng xuất hiện nhiều bậc tiên liệt như Dương Minh Tiết, Dương Minh Thắng (Dương tộc Kỷ sử), Dương Hoằng Nghị, Dương Lôi Đình, Dương Đô Thiên (Ngọc phả thôn An Thái, Bình Lục, Hà Nam), Dương Đông Bảng (Ngọc phả thôn Nội, Bình Lục, Hà Nam), Dương Cảnh Công (Thần phả đình La Cả, Hà Đông, Hà Nội), Dương Viết Điển (Thần tích đình Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội), Dương Như Tồn. Các thần tích, thần phả kể trên, ngoài minh chứng việc Họ Dương ra đời sớm, còn cho thấy người Họ Dương đã sớm tham gia vào nhiều công việc lớn của đất nước.
Cây phả Họ Dương Việt Nam do cụ Dương Văn San (Nam Định) xây dựng năm 1975
Suốt thời kỳ Bắc thuộc, những bậc anh hùng như Dương Quốc Trinh, Dương Học, Đô Dương, Dương Bốc, Dương Công, Dương Giã Tiên, Dương Nước, Dương Đình, Dương Ngọc… đã đứng lên tập hợp lực lượng, tham gia các cuộc khởi nghĩa, lật đổ ách thống trị của phong kiến phương Bắc, khẳng định tinh thần quật khởi, ý chí độc lập của người Việt.
Sau sự tham gia của nữ tướng Dương Khoan Khoáng vào cuộc khởi nghĩa Lý Bí, của Dương Vạn, Dương Kế Thành trong phong trào Phùng Hưng, đến đầu thế kỷ IX trở đi, sử sách dành cho Họ Dương nhiều trang sử vàng rực rỡ về bậc viễn tổ Dương Thanh, bậc khởi tổ Dương Đình Nghệ – trú tại Kẻ Giàng, nơi xưa kia là lỵ sở của huyện Tư Phố và trị sở của Cửu Chân (nay là Dương Xá, xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa), quê tại Long Vĩ, hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, nay thuộc thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh).
Từ thời kỳ Dương Thanh – Dương Đình Nghệ tới nay, hơn một thiên niên kỷ đã trôi qua. Bao tên tuổi, bao lớp người trong dòng họ vẫn tiếp nối truyền thống xả thân vì nền độc lập và sự giàu đẹp của đất nước. Thông qua những tên tuổi và địa bàn cư trú của các bậc tài danh đó, có thể khẳng định, khu vực đôi bờ sông Cầu chảy qua địa bàn Ninh – Thái, tức hai trấn Kinh Bắc và Thái Nguyên ngày xưa, chính là nơi sinh tụ đầu tiên của dòng Họ Dương Việt Nam, nơi mà sách An Nam chí lược của Lê Tắc thời Trần, sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng thời Minh gọi là Dương Xá Châu, Dương Huyện, nơi có Đại Sơn long đầu khởi (chỉ vùng núi cao Thái Nguyên, nơi sinh tụ đầu tiên của dòng tộc Họ Dương Việt Nam), Cù vĩ ẩn Châu Minh (chỉ vùng Đuôi Rồng – Long Vĩ của hương Diên Uẩn, 26 Cộng đồng Họ Dương Việt Nam trong lịch sử dân tộc sinh quán các bậc viễn tổ Dương Vạn – Dương Thanh và bậc khởi tổ Dương Đình Nghệ, người mở nền độc lập và thịnh vượng của đất nước). Lời tiên đoán kể trên là của Trưởng lão Đinh La Quý đọc vào năm 936, sau khi Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ.
Kể từ đây trở đi, trong các bộ Quốc sử của Đại Việt, nhiều nhân vật Họ Dương hiện hữu như Dương Cát Lợi, Dương Huy, Dương Tiến Lộc, Dương Trường Huệ, Dương Bình, Dương Không Lộ, Dương Đạo Gia, Dương Công Đán, Dương Hoàng hậu (Thượng Dương), Dương Cảnh Thông, Dương Thọ Văn, Dương Tụ, Dương Tự Hưng, Dương Tự Minh, Dương Tuệ, Dương Anh Nhĩ, Dương Mục, Dương Ổ (Đảo), Dương Hoán, Dương Tinh, Dương Chu Cá, Dương Ý, Dương Kính Tu, Dương An Dưỡng, Dương Nhật Lễ, Dương Chưởng, Dương Đạc (Độ), Dương Khắc Chung, Dương Thế Châu, Dương Tiến Giang, Dương Cự Giác, Dương Cung, Dương Thái Nhất, Dương Huyền Trang, Dương Thị Bí, Dương Thắng Kim. Có một điều khá kỳ lạ là trong những nhân vật họ Dương nổi tiếng kể trên, số người để lại tổ quán và công nghiệp của tổ tông gần như không có. Chỉ đến khi chắp nối với minh văn, bi ký ta mới có được vài phác thảo về Dương Công Đán (quê ở Bình Lục – Sơn Nam, hy sinh tại ải Kê Minh), Dương Không Lộ (tổ quán Thiên Trường – Sơn Nam), Dương Cảnh Thông (một đại quan thời Lý), Dương Tự Minh (con trai Dương Tự Hưng), Dương Nhật Lễ (tức Vong Danh – theo Hồ Nguyên Trừng).
Như vậy, cội nguồn, địa vực khởi sinh của dòng Họ Dương Việt Nam cũng như nơi tụ cư, sinh sống qua nhiều giai đoạn lịch sử, chủ yếu phải dựa vào ghi chép của Chính sử, tộc phả – gia phả, sách vở, bia đá, chuông khánh… Điều hiển nhiên này tưởng dễ dàng nhưng vẫn còn không ít trở ngại và khó khăn, nhất là do thời gian đã lùi xa và tài liệu lưu trữ không còn được lưu giữ.
Người Việt có lãnh thổ và tổ chức xã hội, nhà nước sơ khai và ý thức cộng đồng từ rất sớm. Tuy nhiên, con đường trở thành một quốc gia của cộng đồng là một quá trình đầy gian nan: lãnh thổ luôn bị thôn tính, tổ chức xã hội bị tàn phá, nhà nước sơ khai bị thủ tiêu, ký ức tập thể bị chia cắt. Bên cạnh đó, trong suốt hàng nghìn năm Bắc thuộc, lịch sử của cộng đồng người Việt được ghi chép một cách thiếu sót và phiến diện. Đó là chưa kể, vào đầu thế kỷ XV, nỗ lực lưu giữ, ghi chép lại lịch sử của người Đại Việt qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ tiếp tục bị hủy hoại gần như triệt để, như Lê Quý Đôn ghi lại “đời Nhuận Hồ mất nước, tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách vở cổ kim của ta gửi theo đường sông về Kim Lăng” dù cho sau đó, nhà Lê ra sức thu thập, nhưng “mười phần chỉ còn được bốn năm phần”.
Lớp trí thức Nho học thời Hậu Lê đã cố gắng hồi phục ký ức về lịch sử dân tộc trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư nhưng cũng còn sơ lược. Số lượng bi ký, minh văn tạo dựng từ nửa sau thế kỷ XV tuy còn tới hàng vạn văn bản – trong đó có hàng ngàn tấm liên quan đến Họ Dương sinh sống trên địa bàn Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam; tuy nhiên, ở Thái Nguyên, Lạng Sơn – những nơi Họ Dương cư trú đông đảo nhất – số lượng bi ký ghi nhận không có nhiều.
Có một loại tài liệu nữa có thể giúp ta hình dung được địa bàn cư trú phổ quát của Họ Dương, đó là địa bạ – sổ sách ghi chép về chủ sở hữu ruộng đất của một đơn vị hành chính – cộng đồng cơ sở, được lập chủ yếu bởi nhà nước với mục đích trước hết là quản lý đất đai và thu thuế. Tuy nhiên hiện nay chỉ còn địa bạ thời Gia Long và Minh Mệnh có khả năng giúp ta hình dung lại đôi nét một vài chủ thể cần đi sâu tìm hiểu.
Khảo sát các bộ địa bạ được làm vào năm Gia Long thứ 7 (1808), năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), hầu hết các huyện nằm trong khu vực được giả định là địa bàn cư trú chính của Họ Dương Việt Nam thuộc Kinh Bắc, Thái Nguyên, đều xuất hiện các chỉ số cao lên tới 30 – 50% các chủ sở hữu mang Họ Dương, tương đương hoặc gần bằng các chủ sở hữu Họ Nguyễn vốn khi nào cũng chiếm tới 40% dân số.
Cùng với việc dịch chuyển các đơn vị địa lý hành chính, trong khoảng hơn 10 thế kỷ qua, Họ Dương cũng có những biến động theo tiến trình của lịch sử dân tộc. Từ cái lõi Dương Xá Châu, trong danh sách xã thôn đã thấy xuất hiện Dương Xá tại các tổng Minh Long – Đường An, tổng Hòa Đan – Cẩm Giàng (Hải Dương), tổng Kỳ Cầu – Thanh Liêm, tổng Đặng Xá – Hưng Nhân (Sơn Nam), tổng Lôi Dương – Đông Sơn, tổng Thọ Hạc và Đại Bối – Đông Sơn (Thanh Hóa), tổng Phù Long – Hưng Nguyên, tổng Hạ Nhất – Thạch Hà (Nghệ An).
Cây Tổ Dã Hương hơn 600 năm ở làng Dương Phạm xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định
Có nhiều ý kiến cho rằng, nhiều dòng họ ngày xưa thường tụ cư trong một khu vực, tạo ra các xá riêng biệt.
Thống kê ban đầu đối với các tỉnh ở phía Bắc cho thấy, có khoảng trên 100 làng có tên gọi như trên – trong đó Hoàng Xá có 36 làng, Lê Xá 26 làng, Vũ Xá 19 làng, Dương Xá có 10 làng, tương đương Đào Xá, Phạm Xá, Lưu Xá. Cây Dã Hương mà Họ Dương Việt Nam ngày nay chọn làm Cây Tổ, được nhân giống từ cây Dã Hương gần 700 tuổi tại làng Dương Phạm (xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) do tổ Dương Công Đình đưa từ châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang vào trồng được coi là vật tổ của dòng họ (Dã Hương = D’hương = Dương).
Dần dần theo bước chân Nam tiến của cha ông, Họ Dương có mặt ở hầu hết các địa phương vùng Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Ngoài cư dân bản địa lấy chữ đầu của tên buôn làng nơi cư trú như người đàn ông làng Dương Hòa thì lấy Họ Dương, làng Trà Tiên lấy Họ Trà, làng Thuận Yên lấy Họ Thuận, còn có thực tế là triều đình nhà Nguyễn ban họ cho các bộ tộc thiểu số. Theo Quốc triều chinh biên toát yếu (Quyển III), vào tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), “chuẩn cho người xứ Tây Ninh phải đặt họ bằng chữ Lý, Đào, Dương, Hạnh, Ngưu, Tượng, Mã…”, ban cho dân huyện Long Khánh các họ Dương, Đào, Lâm, Lý, Mai, còn đối với người Chăm thì buộc phải ăn mặc như người Việt, đổi họ thành Lưu, Hàn, Đăng, Nguyên, Trương, Châu, Phú, Dương. Bên cạnh việc làm kể trên, vùng đất Nam Bộ còn được bổ sung tới 45 dòng họ của người Hoa và Minh Hương – trong đó có Họ Dương.
Như vậy là, trên địa bàn từ Trung Trung Bộ vào đến Nam Bộ trong suốt thời kỳ Nam tiến, bên cạnh dòng Họ Dương thuần Việt đã có thêm nhiều dòng Họ Dương mới. Tất cả những gia tộc Họ Dương ấy đã hòa chung vào cộng đồng Họ Dương Việt Nam trong quá trình sinh sống.
Sau khi khái quát lại một cách vắn tắt về sự hiện diện của người Họ Dương ở những địa bàn điển hình nhất thông qua sử sách, thần tích, thần phả, tộc phả, gia phả,… từ thời thượng cổ đến khoảng đầu thế kỷ XV – những thiên niên kỷ và thế kỷ ký ức của tổ tiên ta bị quân xâm lược và thống trị Đại Minh thủ tiêu, qua dòng chảy thời gian đưa đẩy sự chuyển đổi qua lại từ họ này qua họ khác, ta quay trở lại mặc định số liệu thống kê năm 2012 để khôi phục một phần nào đó hiện thực ở 4 trọng trấn và 1 ngoại trấn liên quan nhiều đến cội nguồn và địa bàn khởi sinh của Họ Dương Việt Nam.
1.Trấn Sơn Tây, nay gồm tỉnh Vĩnh Phúc (trừ Bình Xuyên, tức Bình Tuyền hoặc Bình Lệ Nguyên xưa của trấn Thái Nguyên), tỉnh Phú Thọ (trừ Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập xưa thuộc trấn Hưng Hóa) và mấy quận nội thành, mấy huyện phía tây Hà Nội, ta có số liệu 229.010 người Họ Dương xứ Đoài.
2.Trấn Thái Nguyên, lấy trở lại số người Họ Dương của huyện Bắc Sơn – Lạng Sơn (vốn được tách ra từ huyện Võ Nhai), huyện Bình Xuyên – Vĩnh Phúc và tỉnh Bắc Kạn, ta có số liệu 120.180 người Họ Dương sống trên cương vực xứ Thái.
3.Trấn Kinh Bắc, gộp số liệu của hai tỉnh Bắc Ninh – Bắc Giang (trừ huyện Sơn Động của Lạng Sơn), cùng với Hữu Lũng – Lạng Sơn; Sóc Sơn, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm – Hà Nội; Văn Lâm, Văn Giang – Hưng Yên, ta có số liệu 108.878 người Họ Dương xứ Bắc.
4.Trấn Sơn Nam, gộp số liệu ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình cùng các huyện phía nam Hà Nội, một số huyện của Hưng Yên, ta có số liệu 85.350 người Họ Dương xứ Nam.
5.Trấn Hải Dương, gộp số liệu với Hải Phòng và mấy huyện chuyển sang Hưng Yên, ta có số liệu 47.693 người Họ Dương sống trên địa bàn xứ Đông.
Với các số liệu về 4 trọng trấn và 1 ngoại trấn kể trên, Lạng Sơn chỉ còn 26.836 người họ Dương xứ Lạng, trong đó riêng thành phố tỉnh lỵ đã tập trung tới 15.577 người.
Trên cương vực của các xứ Lạng, Thái, Đông, Đoài, Nam, Bắc thời xưa, theo ước lượng số người Họ Dương ở các nơi ấy vào năm 2012, tương tự ta có 67.330 người Họ Dương xứ Nghệ (Nghệ An, Hà Tĩnh) và 41.019 người Họ Dương xứ Thanh (Thanh Hóa, Ninh Bình). Từ kết quả trên, ta có sơ đồ dòng chảy, dịch chuyển người Họ Dương như sau:
Sơ đồ trên cho ta thấy, người Họ Dương phân bố rộng khắp từ núi rừng Đông Bắc đến vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Vào lúc nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương ra đời, người Họ Dương đã xuất hiện ở vùng núi Đông Bắc. Sang thời Hùng Vương, họ tràn xuống xứ Thái, xứ Đoài với các nhánh về mạn Phổ Yên – Phú Bình và một nhánh về Bạch Hạc (Việt Trì) – nơi có Quốc đô Phong Châu của Nhà nước Văn Lang. Từ hai hướng trên, tổ tiên của dòng họ theo lưu vực sông Hồng, sông Cầu xuống phía nam Kinh Bắc và Sơn Nam, bắc Kinh Bắc và Hải Dương.
Còn tiếp …