Rực rỡ sắc màu trong cuộc thi trình diễn trang phục các dân tộc Tây Bắc

Trong khuôn khổ Ngày hội Doanh nghiệp Doanh nhân và Thanh niên Họ Dương khu vực Tây Bắc Bộ, tối 21/7/2023, tại Đoàn An điều dưỡng 18, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra cuộc thi trình diễn trang phục các dân tộc Tây Bắc. Cuộc thi nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống và khơi gợi lòng tự hào gắn kết tinh thần người Họ Dương.

Tham dự cuộc thi là 5 đội đến từ Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương các tỉnh: Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang. Các đội thi đã mang đến những trang phục truyền thống thể hiện nét văn hóa độc đáo thể hiện bản sắc của mỗi tộc người, chứa đựng những giá trị nghệ thuật độc đáo.

Với trang phục dân tộc Tày và Dao, đại diện cho 13 dân tộc đang sinh sống tại Yên Bái, Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Yên Bái mở màn đêm trình diễn trang phục các dân tộc Tây Bắc. Người Tày và người Dao là 2 dân tộc chiếm số đông ở Yên Bái sau người Kinh. Mang đến cuộc thi bộ trang phục của phụ nữ Dao quần chẹt và phụ nữ Tày, phần trình diễn của Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Yên Bái khá thuyết phục khán giả. Câu hỏi của Ban giám khảo đưa ra đối với phần trình diễn của Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh yên Bái “Khi trình diễn trang phục dân tộc này, bạn muốn gửi thông điệp gì đến khán giả, đặc biệt là thanh niên Họ Dương” đã nhận được câu trả lời khá thuyết phục. “Hiện nay những bộ trang phục truyền thống đã mai một nhiều, mỗi dân tộc có một bản sắc riêng của mình, mong muốn các bạn thanh niên biết nhiều hơn đến trang phục dân tộc để cùng chiêm ngưỡng và gìn giữ” – đó là câu trả lời cho câu hỏi của Ban giám khảo, cũng là thông điệp các bạn thanh niên muốn gửi đến chương trình.

Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Hà Giang mang đến cuộc thi trang phục truyền thống của người Dao, Lô Lô, Mông. Trang phục Dao đỏ là bộ trang phục được trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt, được chăm chút tỉ mỉ, tinh tế. Trang phục Lô Lô hoa sử dụng những trang trí vải màu trên vài chàm. Trang phục của người H’Mông mang nhiều màu sắc thể hiện sự khéo léo tài tình của người phụ nữ miền sơn cước đã làm nên những bộ trang phục tinh tế. Trang phục nam giới H’Mông mộc mạc như chính núi rừng.

Phần trình diễn của Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Hà Giang

“Bạn nghĩ sao về việc bảo tồn và giữ gìn trang phục dân tộc trong thời hiện đại?” là câu hỏi Ban giám khảo đặt ra với đội thi đến từ Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Hà Giang. Câu trả lời “Chúng em cảm thấy rất tự hào về trang phục dân tộc của mình và chúng em cảm thấy mình có nghĩa vụ rất trong việc gìn giữ và bảo tồn trang phục dân tộc, không chỉ mang đến cuộc thi mà chúng em muốn góp phần để gìn giữ những trang phục này” là câu trả lời thuyết phục đói với Ban giám khảo.

Mang đến cuộc thi trang phục của dân tộc H’Mông, Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Phú Thọ góp thêm một nét chấm phá vào bức tranh đầy sắc màu của các dân tộc vùng Tây Bắc. Với dân tộc Mông, trang phục là sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại. Người H’Mông thường sống trên các sườn núi nên họ chọn màu sắc sặc sỡ với mong muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Họa tiết trong trang phục của người Mông chủ yếu là hoa văn hình xoắn ốc, trái tim, hình vuông, chữ nhật, dích dắc và một số biểu tượng gắn liền với cuộc sống như: Sấm chớp, dụng cụ lao động, con vật, các loài hoa… Tất cả được thể hiện qua từng đường nét uốn lượn trên thân áo, váy, để gửi gắm nhiều ước vọng. Đó là khát vọng con người được sống hòa hợp với thiên nhiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình yên ấm, an vui.

Phần trình diễn của Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Phú Thọ

Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Lào Cai mang đến cuộc thi trang phục của người Pa Dí. Trang phục chủ đạo là màu chàm đen được điểm xuyết những hoa văn màu trắng trên nền chàm với trang phục của người phụ nữ. Chất liệu bằng vải bông nhuộm chàm đen với một vài nét hoa văn chấm phá tạo nên nền nã nhưng cũng đầy duyên dáng. Nét độc đáo là chiếc mũ hình mái nhà mang nhiều thông điệp về một mái nhà chung sum vầy, hạnh phục.

“Nếu như các bạn có cơ hội các bạn có vui mừng thể hiện trang phục này ở sân khấu khác và vì sao. Rất mòng muốn và tự tin để trình diễn trang phục Pa Dí và các trang phục khác” là câu hỏi Ban giám khảo đưa ra cho phần trình diễn của Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Lào Cai. Câu trả lời “rất mong muốn được trình diễn, giới thiệu những bộ trang phục này đến với nhiều người hơn nữa” của Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh lào Cai đã thuyết phục được Ban giám khảo.

Phần trình diễn của Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Lào Cai

Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Tuyên Quang mang đến cuộc thi trang phục dân tộc Mông, Thái, Tày. Dân tộc Thái với áo cóm và chân váy tôn lên vẻ đẹp mềm mại thướt tha của người phụ nữ. Trang phục thể hiện sự khéo léo của người con gái Thái. Trang phục Mông không lẫn với dân tộc nào với màu sắc rực rỡ, hoa văn cầu kỳ Trang phục Tày mang nét đẹp đơn giản, dịu dàng với màu sắc chủ đạo là đen chàm, nổi bật bằng đồ trang sức như xà tích, vòng bạc… thể hiện sự nền nã, duyên dáng của người phụ nữ.

Phần trình diễn của Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Tuyên Quang

5 đội thi đã mang đến bức tranh đa sắc màu của núi rừng Tây Bắc qua những những bộ trang phục dân tộc độc đáo. Ban giám khả rất khó khăn khi lựa chọn ra đội thi xuất sắc nhất bởi phần thi của đội nào cũng rất ấn tượng.

Với phần thi ấn tượng, độc đáo, trình diễn nghệ thuật và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo thuyết phục nhất, phần thi của Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tình Hà Giang được Ban giám khảo lựa chọn trao giải Nhất. Giải Nhì được trao cho đội thi đến từ Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Lào Cai. Giải Ba được trao cho đội thi đến từ Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang.

Một số hình ảnh đêm trình diễn:

Dương Phạm Ngọc – Dương Văn Mão

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com