Thu tiền tỷ từ trang trại tổng hợp
- 23/05/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 3883
Về thôn Đồng Sơn, xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình hỏi thăm gia đình anh Dương Văn Thưởng hầu như ai cũng biết. Bởi anh là người chăm chỉ, chịu khó và luôn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp, ngay từ khi còn nhỏ, anh Dương Văn Thưởng đã quen dần với những công việc của nhà nông. Ngày mới khởi nghiệp, anh làm đủ thứ nghề nhưng thu nhập không được là bao, cuộc sống cứ quẩn quanh mãi với không biết bao nhiêu là khó khăn, chật vật. Vốn đam mê với nghề chăn nuôi, ngoài việc chăm sóc mấy sào ruộng của gia đình, anh mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn, vịt.
Tuy nhiên với cách chăn nuôi thủ công cộng với việc không chủ động được nguồn giống, không dự đoán được giá cả thị trường… nên mấy vụ chăn nuôi đầu anh bị thua lỗ nặng. Khó khăn là thế nhưng chưa bao giờ anh Dương Văn Thưởng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Được sự động viên của gia đình, anh tiếp tục đào ao, thả cá và chăn nuôi bán chuyên nghiệp.
Năm 2011, anh Thưởng quyết định tìm hiểu, tham quan, học hỏi những mô hình chăn nuôi có cách làm hay và hiệu quả kinh tế cao từ các địa phương lân cận, rồi mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch, bắt tay cải tạo diện tích đất đấu thầu thành khu chăn nuôi tập trung, quy mô, khang trang và sạch sẽ.
Hiện trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh thường xuyên duy trì nuôi trên 1.500 con vịt đẻ, 120 con lợn thịt, 50 con heo nái. Với số lượng vật nuôi này, anh chủ động được nguồn giống, kiểm soát được dịch bệnh và cung cấp các sản phẩm uy tín ra thị trường. Ngoài ra anh còn dành gần 2ha đất phát triển mô hình tổng hợp lúa – cá với gần 3 vạn con cá đủ các loại rô phi, trắm, mè…/lượt thả; cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các trang trại lân cận… Từ mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp này, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 1,5 đến 2 tỷ đồng.
Trang trại tổng hợp của gia đình anh Dương Văn Thưởng cho thu nhập 1,5 – 2 tỷ/năm
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh trang trại, anh Dương Văn Thưởng phấn khởi cho biết, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ vào sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của Ðảng ủy, chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã và các tổ chức tín dụng.
Anh chia sẻ: người chăn nuôi phải có quyết tâm cao, luôn tìm tòi, học hỏi, nắm vững các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; tích cực học hỏi tiếp thu những kinh nghiệm của các mô hình sản xuất, kinh doanh đã thành công, rút ra những kinh nghiệm áp dụng sáng tạo vào mô hình của gia đình mình để đạt hiệu quả cao nhất. Và điều quan trọng là bản thân người làm kinh tế cũng phải luôn nghiên cứu để nắm vững xem nhu cầu của thị trường cần loại sản phẩm gì để quyết định đầu tư nuôi, trồng bảo đảm đem lại giá trị thu nhập cao. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng cần đặc biệt quan tâm đến công tác thú y và chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Đức Thuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Lộc cho biết: Là một trong những xã đặc biệt khó khăn của địa bàn huyện Bố Trạch, hiện nay xã Sơn Lộc đang khuyến khích bà con nhân dân chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình chăn nuôi tổng hợp. Trên địa bàn xã hiện có 12 trang trại và nhiều gia trại chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao.
Nhằm tiếp sức cho bà con, hàng năm, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm dạy nghề của tỉnh và của huyện tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chọn giống, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, hội còn đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng cho các gia đình mở rộng và phát triển sản xuất.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục mở các lớp tập huấn, tổ chức cho các hội viên đi tham quan các mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao để chia sẻ kinh nghiệm, học tập và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương; nhân rộng những điển hình trong phát triển kinh tế địa phương như tấm gương vượt khó làm giàu của của anh Dương Văn Thưởng.
Th.H (Báo Quảng Ninh)