Dương Văn Hồng – nghệ nhân làng nghề đúc đồng Lộng Thượng
- 18/03/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 884
Một buổi sáng ngày cuối năm, đến làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm), tỉnh Hưng Yên, chúng tôi được nghe âm thanh của búa đập, hơi ấm của ngọn lửa cháy đỏ trong các lò đúc dường như xua tan những giá lạnh của ngày đông.
Tết gần kề, bàn tay của những người thợ làng nghề dường như nhanh hơn, vội vã hơn để hoàn thành những sản phẩm kịp cho những chuyến hàng. Trên những con đường bê tông phẳng lì, những chuyến xe ra vào tấp nập đã làm tăng thêm sức sống cho làng nghề.

Trong khung cảnh nhộn nhịp ấy, chúng tôi có dịp gặp gỡ nghệ nhân Dương Văn Hồng, người có gần 40 năm làm nghề. Tâm sự với chúng tôi, nghệ nhân Hồng cho biết, từ nhỏ đã phụ giúp cha chế tác những sản phẩm từ đồng và dần dần tự làm những sản phẩm bằng đồng của riêng mình. “Thấy tôi có thể ngồi cả ngày bên những bức tượng bằng đồng, bố tôi đã quyết định truyền nghề cho tôi” – nghệ nhân Hồng cho biết. Sẵn có năng khiếu cộng với niềm đam mê, anh Hồng bắt nhịp rất nhanh. Miệt mài, tỉ mỉ đến từng chi tiết, các sản phẩm đồng do anh làm ra được người trong nghề cũng như khách hàng đánh giá rất cao về kỹ, mỹ thuật. Theo anh Hồng, để làm ra sản phẩm đẹp, tinh xảo đòi hỏi người thợ phải bền bỉ, khéo léo, tính toán căn cơ, chuẩn mực trong từng chi tiết, đồng thời cũng tốn rất nhiều thời gian và hơn cả là niềm đam mê, “thổi hồn” vào mỗi sản phẩm. Vì yêu nghề, anh Hồng đã không ngần ngại truyền dạy cho nhiều người học nghề tại địa phương và khu vực lân cận. “Phải dồn tâm huyết vào từng công đoạn thì tác phẩm mới đẹp, mới có hồn được, nếu cho rằng công việc này quá dễ, mình làm nhiều rồi và coi thường nó thì không thể cho ra một sản phẩm như ý được” – anh Hồng chia sẻ kinh nghiệm. Đó là bí quyết mà nghệ nhân Hồng luôn tâm niệm và truyền dạy lại cho thế hệ sau, chính điều này đã giúp xưởng đúc đồng của gia đình cho ra đời những tác phẩm để đời. Điển hình trong số đó phải kể đến bức tranh đồng Văn miếu Xích Đằng đạt giải Nhất trong cuộc thi Thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Hưng Yên 2020. Để làm ra bức tranh này, nghệ nhân Hồng đã mất 1 năm rưỡi ấp ủ, tìm hiểu cùng với tâm huyết, kinh nghiệm gần 40 năm làm nghề để thực hiện.
Nghệ nhân Dương Văn Hồng chia sẻ: Nghề đúc đồng truyền thống của quê hương tôi cũng đầy sóng gió. Những ngày tháng làng nghề gặp khó khăn, nhiều gia đình đã phá bỏ lò, chuyển sang làm nghề khác. Đã có lúc, tôi cũng từng trăn trở trước quyết định giữ lại nghề bởi phải đối mặt với khó khăn về kinh tế. Nhưng cuối cùng, tình yêu quê, yêu nghề đã khiến tôi quyết tâm giữ nghề. Tôi đã đến nhiều địa phương trong nước để tham khảo cách thức làm đồng, cách phát triển thị trường. Tôi phát hiện ra rằng, chỉ có thay đổi mẫu mã sản phẩm theo xu thế của thị trường thì làng nghề mới đứng vững được. Sau nhiều lần thử nghiệm, tôi đã có thể làm thay đổi màu sắc của những chiếc lư đồng, tượng đồng mà không làm giảm chất lượng sản phẩm. Nhờ những cải biến trong sản phẩm, đồ đồng Lộng Thượng đã dần tìm lại chỗ đứng trên thị trường.
Gắn bó với nghề đúc đồng gần 40 năm, chứng kiến sự đổi thay, phát triển vượt bậc của làng nghề, người nghệ nhân phấn khởi bởi sản phẩm làng nghề đã có nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú hơn trước. Và khi đất trời sắp vào xuân, nghệ nhân Dương Văn Hồng cùng với những người thợ lại hối hả lao động, cho ra đời những sản phẩm phục vụ thị trường tết. Dường như mùa xuân đến sớm hơn với làng nghề đúc đồng Lộng Thượng bởi những âm thanh náo nhiệt của làng nghề, những “bức tranh xuân” được bày khắp nhà, rợp ngõ để du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng và mua sắm.
Nguồn: Báo Hưng Yên