Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – Liệt sĩ Dương Bình Giang

Dương Bình Giang (tên khai sinh là Huỳnh Chí Công, thường gọi Năm Giang), sinh năm 1923, tại xã Tân An, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang.

Tháng 3/1945, Dương Bình Giang gia nhập Tổng bộ Việt Minh tỉnh Châu Đốc. Năm 1946, vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1947, ông nhận nhiệm vụ Thư ký Mặt trận Liên Việt tỉnh Châu Đốc. Năm 1948, phụ trách Phó văn phòng Tỉnh ủy Long Châu Tiền, năm 1949 được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long Châu Tiền, phụ trách Trưởng ban Tự túc Mặt trận Liên Việt tỉnh, kiêm Bí thư chi bộ cơ quan. Năm 1951, là Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc tỉnh Long Châu Sa, kiêm Bí thư chi bộ cơ quan tỉnh.

Cuối năm 1952, giữ nhiệm vụ Tỉnh đội phó Tỉnh đội Long Châu Sa cho đến khi kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi.

Sau đình chiến, Dương Bình Giang tình nguyện ở lại miền Nam công tác, trong vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên tỉnh Châu Đốc, bí mật bám vùng đô thị, tôn giáo, tạo vỏ bọc hợp pháp như những người dân hồi cư để làm công tác vận động thanh niên.

Năm 1958, Dương Bình Giang là cán bộ quân sự của Quân khu. Đầu năm 1960, được giao phụ trách mảng quân sự, tích cực xây dựng lực lượng vũ trang cho tỉnh An Giang để chuẩn bị hưởng ứng phong trào Đồng Khởi toàn miền. Tháng 3/1960, Tiểu đoàn 512 được thành lập do Dương Bình Giang làm Tiểu đoàn trưởng.

Ngày 12/3/1960, Dương Bình Giang chỉ huy Tiểu đoàn 512 phục kích lực lượng bảo an, dân vệ đồn Bắc Đao (Lương Phi) khi chúng đi càn về ngàn Ô Cạn. Kết quả, diệt tại chỗ 5 tên, 1 tên bị thương, thu 6 súng (trong đó có 1 trung liên).

Ngày 11/4/1960, ông chỉ huy tiểu đoàn kết hợp với nội tuyến tấn công hai tiểu đội dân vệ Lương Phi, Châu Lăng, diệt 4 tên, thu 3 súng. Ngày 13/5/1960, chỉ huy tiểu đoàn phục kích lính quận Tri Tôn tại xã Lê Trì, làm chết và bị thương 5 tên, trong đó có tên Quận trưởng, thu 1 súng.

Trong vai trò chỉ huy, Dương Bình Giang phân công các Tiểu đoàn 512 thực hiện hỗ trợ quần chúng trong tỉnh nổi dậy trong phong trào Đồng Khởi, giải phóng xã Lương Phi và một phần xã Ba Chúc; hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành chính quyền 24/34 ấp trong toàn huyện Tịnh Biên.

Đối với công tác xây dựng và phát triển đơn vị, ông Dương Bình Giang đã cùng với Ban Chỉ huy tiểu đoàn đưa ra nhiều quyết định sáng suốt, góp phần không ngừng củng cố và phát triển đơn vị, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu tác chiến và phục vụ tác chiến của tiểu đoàn, như: thành lập bộ phận công binh xưởng; quân y; vận tải; giao liên; quân báo; đặc công; trính sát… dần khẳng định vai trò là đơn vị chiến đấu chủ lực, nòng cốt với khả năng tác chiến độc lập và hỗ trợ tích cực, hiệu quả; với năng lực sáng tạo, bản lĩnh quyết đoán của cán bộ chỉ huy và tinh thần dũng cảm của anh em chiến sĩ. Trong đó, vai trò của Tiểu đoàn trưởng Dương Bình Giang giữ vị trí tiên quyết để Ban Chỉ huy hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo đơn vị vừa xây dựng, vừa chiến đấu.

Năm 1961, Tiểu đoàn 512 nhận nhiệm vụ chiến đấu giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, phối hợp với địa phương quân các nơi đánh địch, thu vũ khí, phát triển lực lượng, tích cực hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị trong quần chúng.

Ngày 8/11/1961, Dương Bình Giang chỉ huy đơn vị Dũng Tiến, Tiền Phong vượt kinh Vĩnh Tế, vòng qua Campuchia về khu vực biên giới giáp An Khánh, Khánh Bình, phối hợp với địa phương quân An Phú và du kích xã tấn công bọn Cù – Đởm ở căn cứ Vạt Lài (Khánh Bình). Bị đánh bất ngờ, địch chạy về xã Khánh Bình xin tiếp viện. Chiều 9/11/1961, tên Sum chỉ huy lính Bảo an chi khu An Phú từ Phú Hội kéo ra tiếp viện thì bị quân ta chặn đánh, buộc chúng phải chạy về Nhơn Hội, Khánh Bình; ta thu được 44 súng, 6.400 viên đạn, chiếm lại được căn cứ Vạt Lài.

Ngày 20/11/1961, Dương Bình Giang chỉ huy tiểu đoàn đánh phục kích Tiểu đoàn biệt động quân 360 và Bảo an Tri Tôn hành quân vào Lương Phi để giải tỏa đồn Tà Dung đang bị bao vây. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng, đơn vị thiết lập trận địa bao vây, đánh bất ngờ khiến địch trở tay không kịp, phải cầu viện pháo binh tại Tri Tôn bắn sang yểm trợ để rút chạy. Trận này, Tiểu đoàn 512 đã diệt và làm bị thương 40 tên (trong đó có một chuẩn úy biệt động quân); đơn vị hy sinh 4 đồng chí, 10 đồng chí bị thương, tổn thất lớn nhất là Tiểu đoàn trưởng Dương Bình Giang trúng pháo địch hy sinh.

Dương Bình Giang hy sinh không chỉ là tổn thất lớn đối với Tiểu đoàn 512, mà còn là tổn thất lớn đối với lực lượng vũ trang cách mạng của tỉnh tỉnh nói chung; Tiểu đoàn 512 mất đi người chỉ huy mưu dũng, Lực lượng vũ trang tỉnh mất đi một cán bộ quân sự tài ba. Chính vì vậy, Dương Bình Giang mất đi đã để lại sự tiếc thương và một khoảng trống khó bù đắp trong lòng đồng đội, đồng bào và toàn lực lượng.

Quá trình chiến đấu, công tác, chỉ huy đơn vị với nhiều thành tích nổi bật, Dương Bình Giang được Đảng và Nhà nước khen tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; cùng nhiều danh hiệu cao quý khác. Đặc biệt, ngày 9/10/2014, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 2557/QĐ-CTN, truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho liệt sĩ Dương Bình Giang.

Dương Bảo

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com