Chương trình “Giới thiệu cơ hội đầu tư và gọi vốn hợp tác”
- 09/07/2023
- Ban Thông tin truyền thông
- 374
Một phần đặc biệt và rất thực tế trong Ngày hội Doanh nghiệp Doanh nhân và Thanh niên Họ Dương khu vực Tây Nam Bộ năm nay đó là chương trình “Giới thiệu cơ hội đầu tư và gọi vốn hợp tác kinh doanh” được diễn ra chiều ngày 8/7/2023. Mục đích của chương trình nhằm để tạo cơ hội hợp tác và hỗ trợ cho những doanh nghiệp nhỏ đang bắt đầu khởi nghiệp các ý tưởng và mô hình kinh doanh của mình. Thông qua đó cũng là một trải nghiệm mới mẻ và thú vị cho những doanh nghiệp đang có ý định tham gia các chương trình gọi vốn có thể lúc rút kinh nghiệm và cách thức trình bày ý tưởng của mình. Chương trình đã diễn ra trong một thời lượng rắt ngắn nhưng có ý nghĩa to lớn giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội kết nối và trao đổi cụ thể cũng như đưa ra những phương án hợp tác chi tiết sau chương trình.
Tham dự chương trình, về phía Hội đồng họ Dương Việt Nam có bà Phạm Thị Thu Hằng – Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam – Phó Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Doanh nhân Họ Dương Việt Nam, ông Dương Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hội đồng họ Dương Việt Nam – Phó ban Xây dựng Dòng tộc phụ trách khu vực Đông Bắc Bộ, ông Dương Công Đức – Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam – Phó ban Xây dựng Dòng tộc phụ trách khu vực Đông Nam Bộ – Trưởng ban tổ chức Ngày hội, ông Dương Công Thuyên – Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam – Phó Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Doanh nhân Họ Dương Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Việt Phú An. Tham dự chương trình còn có ông Dương Long Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương tỉnh Long An – Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Doanh nhân Họ Dương tỉnh Long An và Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thắng Lợi – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Long An.
Tại chương trình có 3 đại diện dự án được giới thiệu và kêu gọi góp vốn đầu tư góp vốn đến từ 3 doanh nghiệp của Họ Dương Việt Nam khu vực Đông Nam Bộ. Ba dự án này đã thành công để vượt qua vòng sơ loại của Ban tổ chức có mặt trong chương trình để trình bày và đưa ra những phương án hợp tác. Căn cứ theo thời lượng cho phép và thể lệ của chương trình, mỗi phần trình bày sẽ là 20 phút, trong đó 10 phút để trình bày và 10 phút để trả lời cho những câu hỏi của các nhà đầu tư và khán giả. Các cơ hội đầu tư có thể sẽ không chốt được ngay trong buổi chia sẻ nhưng các doanh nghiệp sẽ có rất nhiều cơ hội để trao đổi trực tiếp chi tiết chương trình nếu các nhà đầu tư cảm thấy hứng thú với dự án mà doanh nhân chia sẻ.
Phần trình bày đầu tiên là Thạc sĩ Dương Minh Thông – CEO Công ty Cổ phần truyền thông và giáo dục Lyon, Anh trình bày về “Dự án khởi nghiệp”. Anh có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực như giáo dục, giảng viên, vừa là thành viên trong ban quản lý giáo dục, và đào tạo chuyên sâu về tài chính. Anh trình bày một dự án mà công ty Lyon sẽ thực hiện.

Khi bắt đầu, anh Dương Minh Thông đã đưa ra câu hỏi MINDXZ sẽ giải quyết vấn đề gì? Anh đưa ra ví dụ như lúc bị mất ngủ thì nên gặp chuyên gia tâm lý và đưa ra 4 vấn đề tâm lý về sức khỏe tinh thần, chúng ta thường có xu hướng lờ đi và không biết tìm được giải pháp nào để thoát ra. Lúc đó, dự án MINDXZ App là một ứng dụng trên điện thoại có thể được tải về. Các giải pháp của MINDXZ là (1) xây dựng một nền tảng ứng dụng theo nhu cầu để cải thiện sức khỏe tinh thần; (2) tư vấn cá nhân 1:1 và hỗ trợ các giải pháp trợ giúp tâm lý cho mọi người; (3) kết nối với các tổ chức giáo dục để đưa giáo dục cảm xúc vào trường học; (4) tổ chức các chương trình cảm xúc, thực hành chú tâm, liệu pháp tâm lý.
MINDXZ có 6 chức năng chính: create (có thể được tạo ra để sử dụng trong môt thời gian dài để theo dõi các vấn đề về sức khỏe tinh thần; track (cung cấp những đoạn track ngắn để luyện tập, thực hành; practice (liên quan đến thực hành Yoga; sleep (cấu thành giấc ngủ); meditate (thiền định); challenge (thử thách giúp bạn tự tạo cho mình một kế hoạch tiếp tục duy trì những phần bài tập của mình). Khách hàng mục tiêu có 2 đối tượng và độ lớn thị trường tính trên quy mô dân số 100 triệu người, tính đến cuối năm 2022 là 1.000 tỉ đồng và đây là dự án chăm sóc sức khỏe tinh thần có dùng tiếng Việt đầu tiên.
Sau khi trình bày dự án, anh Dương Minh Thông kêu gọi lời mời đầu tư về cả vốn và tư vấn chiến lược và khẳng định đây là dự án được thực hiện trong dài hạn.
Sau phần trình bày của thạc sĩ Dương Minh Thông, các đại biểu tham sự chương trình đã đưa ra những câu hòi để tác giả dự án giải đáp. Bà Phạm Thị Thu Hằng đưa ra câu hỏi: Khi một bạn trẻ có vấn đề sức khỏe tinh thần và không có đủ năng lực để xác định là mình có muốn dùng app để chữa trị bệnh trầm cảm hoặc hưng cảm do tiếp xúc nhiều với các app trên smartphone, máy tính… vậy doanh nghiệp có cách nào để họ tiếp xúc với app của mình không? Dự án này cần bao nhiêu vốn?
Trả lời cho câu hỏi này, anh Dương Minh Thông đáp: Quy mô của thị trường hiện tại rất lớn vì không phải chỉ với những người có vấn đề về sức khỏe tinh thần thì mới dùng app này, tất cả mọi người đều có thể dùng để chăm sóc và duy trì sức khỏe của mình. Quy mô vốn đầu tư giai đoạn hạt giống thì cần 3 tỉ đồng cho dự án này và hiện nay đã góp vốn khoảng 300 triệu.
Ông Dương Long Thành đưa ra câu hỏi: Đây là dự án đang ở mô hình trong giai đoạn đang phát triển và đề nghị nên kết hợp với các doanh nghiệp khác. Ông cũng đưa ra câu hỏi với tác giả dự án là sẽ dùng bao nhiêu tiền khi muốn chiếm được thị trường là 1 triệu người dùng.
Về câu hỏi này, anh Dương Minh Thông cho biết: Mỗi người dùng sẽ tốn khoảng 25 nghìn đồng, như vậy cần ít nhất là 250 tỉ đồng. Thời điểm này dự án này chưa phù hợp, có thể sau năm 2028. Hiện tôi cần có số vốn nhất định để thu hút người dùng.
Ông Dương Công Đức nêu ý kiến: Tôi có nhận xét và đề nghị đây là một dự án rất hay vì nó gắn liền với việc bảo vệ sức khỏe của con người. Hiện nay, người ta sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để bảo vệ sức khỏe, mang tính trí tuệ cao vì đây là xu hướng phát triển công nghệ cao, vốn kêu gọi đầu tư là 3 tỉ đồng tương đối ít thì sẽ có tiềm năng với điều kiện là sẽ kêu gọi đầu tư nếu tin tưởng. Thông đã tạo nên một cảm giác tin tưởng từ sự chân thành. Tôi đề nghị một số việc cần làm là cho người ta thấy được độ bền của dự án, về mặt kỹ thuật thì đảm bảo mức độ tiện nghi là phải dễ sử dụng để tăng lượng người dùng; giảm chi phí từ 25 nghìn đồng xuống còn vài nghìn đồng. Chúng ta có thể kêu gọi đối tượng là các bạn thanh niên Họ Dương.
Phần trình bày thứ hai là của anh Dương Anh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ – xây dựng Nam Thành Phát với dự án “Phát triển cửa hàng mô hình kinh doanh Azmart Coffee and Tea”. Anh đã phân tích tổng quan của thị trường và phát triển chuỗi vì khả năng phát triển của chuỗi sẽ rất cao. Azmart Coffee and Tea sẽ tập trung vào thị trường nước uống chất lượng cao nhưng bình dân. Sau dịch bệnh, mọi thứ bị ảnh hưởng đến mọi nhu cầu nên việc xây dựng một mặt hàng và hệ thống siêu thị kết hợp kinh doanh ăn uống là một điều cần thiết.

Dự án đã tập trung vào các chiến lược phát triển như: (1) chuỗi cửa hàng trà – cà phê và nước uống; (2) kệ siêu thị cung cấp sỉ lẻ các nhãn hàng tốt cho sức khỏe; (3) bán hàng online trên nền tảng thương mại điện tử; (4) nhượng quyền kinh doanh; (5) nhượng quyền thương hiệu. Anh Tuấn khẳng định nguyên liệu, hàng hóa có xuất sứ rõ ràng từ các đơn vị sản xuất trong nước và phân tích rõ ràng lợi nhuận từ các nguồn thu. Anh cũng nêu ra kế hoạch sử dụng vốn bao gồm 60% vốn (mua tài sản là mặt bằng, xây dựng các cửa hàng có vị trí thuận lợi và không gian phù hợp) và 40% vốn (đầu tư phát triển thương hiệu, con người và nhượng quyền kinh doanh). Sau đó, anh Tuấn phân tích về mức lợi nhuận, tăng trưởng và cả cách quản lý tài chính bằng cách giảm chi phí tối thiểu và tăng nguồn vốn.
Cuối cùng, anh Tuấn đưa ra kết luận Azmart Coffee and Tea là một cơ hội đáng xem xét và đầu tư. Anh kêu gọi góp vốn tối đa cho 30% cổ phần tương đương 15 tỉ đồng và góp vốn tối thiểu là 5% cổ phần tương dương 2,5 tỉ đồng.
Sau phần trình bày của anh Tuấn, các đại biểu đã có phần hỏi đáp sôi nổi với tác giả dự án. Ông Dương Công Thuyên đưa ra câu hỏi “Làm sao để có thể có những sẩn phẩm đạt chất lượng cao?”. “Azmarrt có thể mua những sản phẩm chất lượng cao, giá tốt và các doanh nghiệp khác có thể bán sản phẩm trực tiếp cho chuỗi cửa hàng Azmart Coffee and Tea mà không cần phải bỏ tiền ra quảng cáo” là câu trả lời mà anh Dương Anh Tuấn trả lời cho câu hỏi của ông Dương Công Thuyên.
Ông Dương Công Đức đưa ra câu hỏi, tôi thấy được sự nhiệt tình, đam mê khi đang thực hiện dự án, dự án hay nhưng phải tạo một sự khác biệt so với các chuỗi Coffee and Tea khác thì mới có thể đứng vững lâu dài.
Ông Dương Long Thành đã đưa ra câu hỏi: “Đất và nhà mình xây? Có nhà xưởng hay trang trại trồng cafe gì k? Lợi thế của mình là gi khi so voi Phúc Long cũng phục vụ Tea and Coffee? Tôi hiện nay cũng có sẵn cơ sở vật chất nên có thể kết hợp làm ăn trong tương lai. Hãy liên hệ với tôi sau buổi chia sẻ”.
Anh Dương Anh Tuấn đã đưa ra giải đáp cho câu hỏi này: “Đất và nhà là của mình, không phải mua, khách hàng có thể vừa uống, vừa mua sản phẩm về nhà Hiện nay, hệ thống Azmart Coffee and Tea chưa có trang trại trồng cafe nhưng tương lai sẽ có kế hoạch cụ thể”.
Bà Phạm Thị Thu Hằng đưa ra câu hỏi: “Rất đồng tình với ý kiến của 3 vị và ngành nghề này đang có một sự canh tranh khốc liệt từ các đối thủ lớn và chiến lược của dự and này là sẽ cho thuê lại, vậy chiến lược chính là gì? Coffee and Tea hay bất động sản?”. Về câu hỏi này anh Dương Anh Tuấn đã đưa ra câu trả lời: “Chủ yếu về Coffee and Tea, có cơ hội phát triển thì nhượng quyền kinh doanh hoặc thương hiệu”.
Người thứ 3 trình bày dự án trong chương trình là Tiến sĩ Dương Nguyễn Hồng Nhung – giảng viên trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh – nhà sáng lập công ty tư vấn và phát triển công nghệ Rhodi. Chị muốn tạo ra những sản phẩm tích cực vì sự phát triển của công nghệ và thị trường và nêu ra vấn đề hiện nay là ở Việt Nam, việc nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng thị trường. Chị Nhung đưa ra các giải pháp như: Nghiên cứu, phân tích, phát triển sản phẩm theo đặt hàng và tư vấn công nghệ. Từ đó sẽ tạo ra bối cảnh cho các nhà doanh nghiệp là việc sử dụng nguyên liệu kết hợp với công nghệ Nano thì sẽ làm cho nguyên liệu sạch hơn.

Tiến sĩ Nhung khẳng định, công nghệ sẽ tạo ra một ưu thế cạnh tranh và đưa ra những kết quả vượt trội từ các sản phẩm đang được phát triển từ nguyên liệu tự nhiên với công nghệ Nano như: Khẩu trang kháng khuẩn từ đinh hương và tràm, serum giảm rụng tóc từ macca và bưởi… Tiến sĩ Nhung cũng đưa ra các chỉ số về mặt đẩu tư cho nghiên cứu trên thị trường thế giới ngày càng tăng, công ty Rhodi có đội ngũ chuyên gia về luật, công nghệ và tài chính, từ việc tư duy về thị trường và hướng đến việc phát triển bền vững vói mô hình phát triển khách hàng là B2B2C, nguồn thu dựa trên (1) quỹ nghiên cứu quốc gia, quốc tế; (2) chi phí tư vấn, nghiên cứu; và (3) bản quyền công nghệ và bán sản phẩm. Sau khi trình bày dự án, Tiến sĩ Nhung kêu gọi vốn và đầu tư vào các sản phẩm nếu có sự phù hợp về tài chính.
Phần hỏi đáp về dự án của Tiến sĩ Nhung diễn ra khá sôi nổi. Ông Dương Long Thành đưa ra câu hỏi: “Dự án chỉ tập trung vào nghiên cứu khoa học chứ chưa có kế hoạch tài chính kinh doanh cụ thể nên tôi sẽ tham gia dự án này với vai trò cố vấn về mặt kinh doanh. Nếu như giá vốn cho serum là 35 nghìn đồng, giá bán ra được 160 nghìn đồng, vậy cần làm gì để bán được 1 triệu sản phẩm serum về tóc?”.
Tiến sĩ Dương Nguyễn Hồng Nhung đưa ra câu trả lời: “Hiện nay đang trên đường phát triển hoàn thiện các sản phẩm, huy động nguồn vốn để có thể tiếp tục công việc nghiên cứu”..
“Tôi cũng rất quan tâm và sẽ có buổi gặp mặt để tìm hiểu và hợp tác. Tôi muốn biết công nghệ này trên thế giới hiện nay như thế nào?” là câu hỏi của ông Dương Công Thuyên đưa ra cho tác giả dự án. Trả lời cho câu hỏi này Tiến sĩ Nhung khằng định phải làm sớm vì các nước khác có thể sản xuất được.
Ông Dương Công Đức cũng đưa ra câu hỏi với Tiến sĩ Nhung: “Tôi hoan nghênh đề án mang tính khoa học, ở Việt Nam chưa được quan tâm về nghiên cứu khoa học và công nghệ cao. Mình phải làm sao lấy được lòng tin của người tiêu dùng, vậy có đủ kinh phí để thử nghiệm tính hiệu quả của nó hay không? Tôi đề nghị mình phải đi sâu vào việc nghiên cứu tính khoa học của sản phẩm hơn nữa. Dự án có cần vốn để đầu tư vào phòng thí nghiệm, nghiên cứu hay là đã có có sẵn?”. Trả lời cho câu hỏi này Tiến sĩ Dương Nguyễn Hồng Nhung khằng định: “Nếu sản phẩm của công ty là một mỹ phẩm thì không cần chứng minh tính khoa học mà mình chỉ cần marketing để lấy lòng tin của người tiêu dùng. Kết hợp cái của mình với những cái đã có sẵn như một đội ngũ hùng hậu của trường đại học, hoặc từ sinh viên. Trong tương lai sẽ có thể huy động vốn để đầu tư”.

Buổi chia sẻ dù trong thời gian ngắn nhưng đã có nhiều được nhiều thông tin hữu ích. Ba vị khách mời đã có phần trình bày các dự án và các đại biểu, các nhà đầu tư đã có phần trao đổi sôi nổi. Hy vọng sau chương trình, các nhà đầu tư và nhà khởi nghiệp có thể gặp được nhau để đưa các dự án khởi nghiệp đi đến thành công.
Dương Thị Kim Hương