Thầy giáo, Trạng nguyên Dương Phúc Tư

 

 

Nhân kỷ niệm 510 năm ngày sinh cụ Trạng nguyên Dương phúc Tư, là con cháu đời thứ 13 của cụ (theo gia phả), tôi xin có đôi điều viết về cụ như một lời tri ân đến cao tiên tổ.

 

Cụ Trạng nguyên Dương Phúc Tư sinh ra tại Tổng Lạc đạo, Phủ Thuận An, Trấn Kinh Bắc; nay là thôn Ngọc, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây là vùng quê văn vật, có truyền thống khoa bảng của xứ Kinh Bắc. Nói về Kinh Bắc, cụ Phan Huy Chú có viết “Kinh Bắc là nơi có mạch núi cao vót, nhiều sông vòng quanh, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì Phủ Bắc Hà, Lạng Giang là đẹp hơn cả. Văn học thì Phủ Từ Sơn, Thuận An nhiều hơn. Mạch đất tụ vào nên sinh ra nhiều danh nhân”. Vì lẽ đó mà chỉ trong một dòng Họ Dương đã có tới 8 Tiến sĩ và một Trạng nguyên.

 

Theo gia phả dòng họ (được viện Hán nôm dịch), cụ Dương Phúc Tư có tên húy là Phúc Tư, tự là Nhuận Phủ, hiệu là Nột Trai. Cụ đỗ Trạng nguyên năm 1547 dưới triều nhà Mạc và giữ tới chức Thượng thư bộ binh (theo gia phả).

 

Sau 5 năm làm quan, trước những nhũng nhiễu của lịch sử thời Lê – Trịnh – Mạc, nên cụ từ quan về làm thầy giáo. Lúc đầu cụ về Cổ Thiết – Sơn Tây mở trường. Sau vài năm cụ về quê Lạc Đạo tiếp tục mở lớp dạy học. Với danh tiếng là cây bút lớn, là người hiểu nhiều, biết rộng nên lớp học của cụ đã thu hút rất nhiều sĩ tử khắp nơi đến học. Sau 3 năm dạy học, Cụ đã có một học sinh đỗ Trạng nguyên là Phan Trấn (khoa thi năm 1556) quê ở Lạc Hồng, Hải Dương. Tiếng lành đồn xa về “cụ trạng dạy học trò đỗ trạng” nên lớp học của cụ ngày càng nhiều học sinh đến học. Trong những học sinh đó có rất nhiều người đỗ đạt Tiến sĩ, cử nhân và ra làm quan giúp dân, giúp nước.

 

Hàng năm, con cháu Cụ Trạng nguyên Dương Phúc Tư đến kính viếng Cụ và tiên tổ

 

Giai đoạn lịch sử Lê – Trịnh – Mạc diễn ra hết sức phức tạp, nên cụ đã chọn con đường giúp dân, giúp nước bằng nghề dạy học là hoàn toàn đúng đắn. Cụ nghĩ rằng, trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống cũng cần đến học, cần đến trí tuệ và sự hiểu biết. Chỉ có kiến thức, chỉ có sự hiểu biết, con người mới tự mình vươn lên trong cuộc sống, mới đóng góp sức mình để xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, tự do, hạnh phúc.

 

Ngày nay, phát huy truyền thống khoa bảng của tổ tiên, Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã lấy khuyến học – khuyến tài làm một trong những nội dung trọng tâm trong những hoạt động của dòng họ.

 

Trong Điều lệ của Hội đồng Họ Dương Việt Nam có ghi “ … coi trọng tri thức, phát hiện bồi dưỡng nhân tài, giúp đỡ người hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Quan tâm xây dựng Họ Dương thành xã hội học tập”.

 

Hội đồng Họ Dương việt Nam, đã nhiều năm đem hết công sức của mình xây dựng phong trào khuyến học – khuyến tài. Có được kết quả tốt đẹp như ngày nay là nhờ có những con người không tiếc công, tiếc của xây dựng phong trào khuyến học – khuyến tài nói riêng và phong trào xây dựng dòng họ nói chung, ngày càng phát triển.

 

Ngày 31 tháng 7 năm 2015, tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Hội đồng Họ Dương Việt Nam kết hợp với Trung ương Hội khuyến học Việt Nam tổng kết thí điểm xây dựng các mô hình học tập, khuyến học – khuyến tài như: “Gia đình học tập”; “Dòng họ học tập”; “Cộng đồng học tập”. Hội nghị đã rút ra những bài học kinh nghiêm về xây dựng phong trào và đề ra phương hướng hoạt động cho các năm sau.

 

Hội nghị tổng kết thí điểm xây dựng mô hình “ gia đình học tập”;” dòng họ học tập”; tại Vĩnh Yên

 

Để tạo ra một “Cộng đồng học tập”; “Gia đình học tập”; “Chi họ học tập”;  trong Họ Dương Việt nam (kể cả ngoài nước) là một quá trình lâu dài. Để điều đó trở thành hiện thực, ngay bây giờ phải liên kết dòng họ (Hội đồng Họ Dương Việt Nam đang thực hiện), giúp đỡ hỗ trợ nhau trong từng gia đình; trong từng chi họ mới từng bước xây dựng được một “Cộng đồng học tập”; “Gia đình học tập”; “Chi họ học tập” .

 

Khuyến học – khuyến tài, cần được duy trì và phát triển từ đời này sang đời khác. Những người Họ Dương đừng bao giờ chờ đợi, phải tự mình vươn lên. Tuy nhiên, các cụ đã dạy “Một cây làm chẳng nên non; Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, chúng ta phải biết liên kết lại để tự mình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, vươn lên trong học tập.

 

Thủa xưa, ông bà ta biết đoàn kết giúp đỡ nhau trong những việc vui, việc buồn. Khi đó có thóc giúp thóc, có lợn gà giúp lợn gà, có tiền giúp tiền, … công sức thì tất cả quây vào giúp. Việc giúp đỡ, hỗ trợ không phải là cho không, mà là vay nợ. Vay nợ có khác là không phải trả lãi và trả nợ cả đời, khi nào có thì trả. Bây giờ sao chúng ta không làm như vậy? Giúp đỡ nhau để Khuyến học – khuyến tài trong gia đình mình; trong từng chi họ mình là tạo dựng phong trào phát triển bền vững nhất. Vì dù trong chiến tranh, hay trong hòa bình; khi thuận lợi hay lúc khó khăn chúng ta vẫn giúp đỡ nhau được, vẫn hỗ trợ cho nhau được. Các cụ dạy “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”.

 

Để xây dựng Họ Dương Việt Nam thành xã hội học tập, chúng ta phải xây dựng “gia đình học tập” (gia đình khoa bảng xưa); “chi họ học tập” (chi họ khoa bảng); … Trước hết, ngay bây giờ chúng ta tập trung xây dựng “gia đình học tập”, vì gia đình Họ Dương là tế bào cấu thành dòng Họ Dương Việt Nam. Tất cả các gia đình đều động viên, giúp đỡ các cháu học tập tốt và có kết quả tốt thì đương nhiên dòng Họ Dương Việt Nam ta là một xã hội học tập tốt (dòng họ khoa bảng).

 

Ghi chú: Bài viết dùng tư liệu lịch sử; gia phả dòng họ; tài liêu của đồng nghiệp.

 

                                                  Nhà giáo – Nhà báo: Dương Sơn Thạc

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com