Điền dã tìm hiểu di tích Động Hoàng Xá ở thị trấn Quốc Oai – Hà Nội liên quan đến khởi nghĩa Dương Thanh năm 819

Động Hoàng Xá (Hoàng Động) ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội với “Man Hoàng Động” trong khởi nghĩa Dương Thanh năm 819 có phải là một hay không, hay còn có một “Hoàng Động” khác?

Để góp phần làm sáng tỏ vấn đề “Man Hoàng Động” được chép trong sử sách Việt Nam và trong “Dương tộc kỷ sử” – Bộ lịch sử cổ nhất của Họ Dương Việt Nam, ngày 24 tháng 9 năm 2020, Ban nghiên cứu Lịch sử HĐHDVN kết hợp với Ban biên soạn bộ sách “Lịch sử Họ Dương Việt Nam” tổ chức đi điền dã tìm hiểu khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Động Hoàng Xá tại thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, tp Hà Nội. Đoàn điền dã do ông Dương Văn Đảm – Phó Chủ tịch HĐHDVN, Trưởng ban nghiên cứu Lịch sử HDVN làm trưởng đoàn cùng các thành viên là: Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm – Trưởng Ban biên soạn bộ sách “Lịch sử Họ Dương Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm, thành viên Ban biên soạn, ông Dương Đức Quảng – Phó Ban Nghiên cứu Lịch sử và ông Dương Việt Hòa – nhân viên Văn phòng HĐHDVN; cùng đi với đoàn có ông Dương Văn Khá – Chủ tịch HĐHD TP. Hà Nội, ông Dương Viết Quang – Trưởng ban nghiên cứu lịch sử HĐHD TP.Hà Nội.

Đoàn điền dã tại cổng vào Động Hoàng Xá, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội.

Tham gia điền dã cùng đoàn về phía HĐHD huyện Quốc Oai có ông Dương Văn Thịnh – Chủ tịch, ông Dương Văn Nhân – Phó chủ tịch và đại diện Ban quản lý khu di tích Động Hoàng Xá.

Đoàn điền dã dâng hương tại đền Thượng – Đền Tử Đồng Đế Quân trên đỉnh núi Hoàng Xá.

Trước khi tiến hành khảo sát thực tế, đoàn đã đến dâng hương tại đền Thượng – Đền Tử Đồng Đế Quân tại đỉnh núi Hoàng Xá do thượng thư Tiến sĩ. Nguyễn Công tự Địch Tâm xây lập nơi thờ tự cụ Tổ tiên hiền khai sinh ra vùng đất Động Hoàng Xá và dâng hương tại ban thờ Dương Thanh – Dương Chí Liệt cùng các anh hùng nghĩa sĩ của cuộc khởi nghĩa tại Động Hoàng Xá. Sau đó đoàn điền dã khảo sát thực tế các dấu tích lịch sử của khu di tích Động Hoàng Xá là một động rất cao, rộng có nhiều ngách lớn có thể chứa được hàng ngàn người. Trên vách động người xưa đã tạc bức đại tự “Hoàng Thạch Động”, trên vách đá cao còn có tượng ông Cao Xuân Dục – Tri phủ Quốc Oai cùng các bài thơ chữ Hán, Nôm của Cao Bá Quát. Dãy núi bên trái động có nhiều hang động nhỏ hơn, tương truyền nơi đây giặc nhà Đường đã đánh úp dã man cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Hoàng Động đến nỗi “xác chết đầy hang”. Đoàn điền dã đã khảo sát Mộ gió – Đế Viêm và một số dấu tích khác.

Đoàn điền dã thảo luận về cuộc khởi nghĩa của Viễn Tổ Dương Thanh bên cạnh nơi thờ tự nghĩa quân Hoàng Động

Sau buổi điền dã, đoàn đã thảo luận và thống nhất một số vấn đề sau:

– Cuộc khởi nghĩa Dương Thanh có đội ngũ đông đảo nghĩa sĩ là người Man (người Việt) sinh sống ở vùng rừng núi có nhiều hang động (hiện tại Động Hoàng Xá – Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nằm trong quần thể di tích chùa Thầy).

– Xét về vị trí Động Hoàng Xá tại Quốc Oai chỉ cách Hà Nội (nơi xưa kia có thành Tống Bình lỵ sở của nhà Đường) chỉ chừng 30 km.

– Một số sách sử Việt Nam đã viết về khởi nghĩa Dương Thanh và “Hoàng Động” thời Đường như sau: Đại Việt sử ký toàn thư chép: “ Tượng Cổ vẫn e dè gọi cho làm nha tướng đến đây sai đi đánh người Man ở Hoàng Động”; Đại Việt sử ký tiền biên ghi: “Gặp lúc sai đi đánh bọn người Man Hoàng Động, Tượng Cổ giao cho 3000 quân giúp Thanh đi đánh”; Lịch sử Việt Nam tập 1 (từ Khởi Thủy đến thế kỷ X) chép: “Năm 819 tộc người thiểu số ở miền tả, hữu giang (nhà Đường gọi là Man Hoàng Động); Còn “Dương tộc kỷ sử” chép: “Ở vùng Hoàng Động, dân tộc Tày, Nùng nổi dậy chống bọn phong kiến nhà Đường”; Ngay trong đêm quay lại bao vây đánh chiếm phủ Thành An Nam giết chết Lý Tượng Cổ cùng hơn 1000 gia thuộc, bộ hạ của Hắn, chiếm giữ phủ Thành…”.

– Về việc này đoàn điền dã có nhận xét: Ngay trong đêm khởi binh đi đánh Hoàng Động mà Dương Thanh cùng với nghĩa binh đã quay về giết Lý Tượng Cổ, làm chủ thành Tống Bình, thì Hoàng Động mà Dương Thanh nhắm tới chỉ có thể là Động Hoàng Xá là phù hợp.

Đoàn điền dã chụp ảnh lưu niệm tại cửa Động Hoàng Xá

– Đối chiếu với các tài liệu, tư liệu của những người Họ Dương đã nghiên cứu về khởi nghĩa Dương Thanh như: Cụ Dương Văn Lý (cụ đồ Lý) ở ga Đò Chè – Nam Định đến nghiên cứu và thực tế tại Động Hoàng Xá năm 1978, đã cho ra đời tập sách “Dương tộc toàn tập” trong đó có bài thơ lục Bát “Hoàng Động Xá”

“ Hoàng Động Dương Xá Quốc Oai

Chiêu dân khởi nghĩa một thời lừng danh

Nhớ về Tổng quản Dương Thanh

Cháu con phụng tự lòng thành tri ân…”

Hay PGS. TS – Nhà giáo nhân dân Dương Hồng Quý người đã trực tiếp chứng kiến các tập gia phả Họ Dương khi lên thăm Động Hoàng Xá đã phấn khởi thốt lên rằng: “xét về mọi khía cạnh thì đúng là Hoàng Động trong gia phả đây rồi không thể khác được. Cần có kế hoạch nhờ các nhà khảo cổ khai quật các hang động ở đây thì mọi việc sẽ được sáng tỏ”.

Qua thực tế khảo sát Động Hoàng Xá – Đoàn điền dã kính đề nghị Thường trực HĐHDVN, Ban chỉ đạo Biên soạn bộ sách “Lịch sử Họ Dương Việt Nam” xem xét chỉ đạo Ban Biên soạn bộ sách “Lịch sử Họ Dương Việt Nam” lựa chọn những tư liệu, sự kiện lịch sử có giá trị trong “Dương tộc kỷ sử” khi biên soạn Lịch sử Họ Dương phần cổ sử nói về khởi nghĩa Dương Thanh.

Dương Đức Quảng

Ảnh: Dương Việt Hòa

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com