Bàn về khởi nghĩa Dương Thanh

Hội đồng Họ Dương Việt Nam đang phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo Khởi nghĩa Dương Thanh trong lịch sử chống Bắc thuộc của Dân tộc Việt Nam nhân kỷ niệm 1200 năm ngày khởi nghĩa Dương Thanh.

Nhân dịp này, Ban Thông tin truyền thông sẽ lần lượt đăng tải bài viết của các chuyên gia nghiên cứu về khởi nghĩa Dương Thanh để bà con Dòng tộc đón đọc.

Dưới đây là bài viết của nhà nghiên cứu Đặng Thanh Bình

Bài viết chỉ dừng lại ở việc đặt một giả thuyết khác về cuộc khởi nghĩa của Dương Thanh hay nói cách khác bài viết góp những bằng chứng cho ghi chép của Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Cuộc khởi nghĩa Dương Thanh năm 819 tại An Nam được nhiều sách sử ghi chép lại và cũng có nhiều bài khảo cứu, song hoàn chỉnh nhất có lẽ là bài: Khảo cứu lại khởi nghĩa Dương Thanh của Phạm Lê Huy. Trong bài viết, ngoài những sử liệu đã được biết đến, thì tác giả khảo sát thêm 2 nguồn tư liệu là Mộ chí và Sách phủ nguyên qui, từ 2 nguồn tài liệu quan trọng và được đánh giá là có giá trị cao, tác giả đã trình bày hoàn chỉnh cuộc khởi nghĩa mà những tác giả trước đó chưa làm được. Tôi cho rằng đây là một bài khảo cứu mẫu mực! Và không có bình luận thêm, chỉ duy có một sự kiện muốn bàn thêm, ấy là việc: Dương Thanh có chết vào năm 820 hay không mà thôi?

Khảo cứu lại khởi nghĩa Dương Thanh của Phạm Lê Huy viết đại ý: Các cuốn sử như Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tư trị thông giám và Sách phủ nguyên qui đều ghi chép là Quế Trọng Võ đã giết Dương Thanh vào năm 820, chỉ duy có Đại Việt sử ký toàn thư là chép: Quế Trọng Võ đã không giết được Dương Thanh, không những thế năm 828 Dương Thanh còn đuổi Đô hộ Hàn Ước về Quảng Châu. Người đầu tiên phát hiện ra khác biệt này là Ngô Thì Sĩ, tuy nhiên Thì Sĩ không có câu trả lời! Về sau Trần Quốc Vượng và Keith Weller Taylor nhận thấy những ghi chép của Ngô Sĩ Liên là không có đủ cơ sở, vì thế mà 2 vị ấy theo thuyết Dương Thanh bị Quế Trọng Võ giết. Cuối cùng tác giả đưa ra những căn cứ: thứ nhất, ít nhất là về mặt thông tin thì Dương Thanh bị giết, thứ hai, ngoài những sách kể trên thì căn cứ vào mộ chí của Lý Tượng Cổ và Lý Hội Xương cũng như vào việc năm 825 Đô hộ Lý Nguyên Hỷ định rời phủ thành sang phía bắc sông Tô Lịch mà sử sách còn ghi thì quân Đường tái chiếm phủ thành An Nam là có thật, thứ ba, liên quan tới việc hoạt động của Dương Thanh sau khi phủ thất thủ, thì Cựu-Tân Đường thư chép rằng năm 822 Hoàng Man Động liên kết với Hoàn Vương quốc đánh hạ Lục Châu giết Thứ sử Cát Duy, đồng thời cũng chép rằng năm 828 Đô hộ Hàn Ước bị đuổi về Quảng Châu nhưng chỉ ghi do quân An Nam làm loạn mà không nhắc tới Dương Thanh. Chính vì thế mà trong điều kiện tư liệu như vậy, tác giả tán thành quan điểm về những ghi chép của Cựu-Tân Đường thư, Tư trị thông giám và Sách phủ nguyên qui là đáng tin cậy hơn về mặt sử liệu.

Câu hỏi trước nhất mà chúng ta phải đặt ra ở đây là: Nếu như sử sách (Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tư trị thông giám) đã ghi chép rõ ràng như vậy rồi, thì hà cớ gì mà Ngô Sĩ Liên lại vẫn cứ kết luận Dương Thanh không bị Quế Trọng Võ giết? Trước hết, tất cả những tư liệu mà Ngô Sĩ Liên có được thì Quốc sử quán triều Nguyễn và chúng ta đều đã biết, Sĩ Liên không thể có hơn một tư liệu nào cả! Mà nếu có thì khả năng cao là Sĩ Liên sẽ giới thiệu cho chúng ta biết! Có khi nào Sĩ Liên lại thu thập những câu chuyện dân gian về Dương Thanh để làm tư liệu hay không? Nếu Sĩ Liên suy đoán thì có 3 cơ sở là gần nhất: Thứ nhất, là các sách sử như Cựu Đường thư, Tân Đường thư và Tư trị thông giám xác định sai về thời gian mà Dương Thanh bị giết; thứ hai, Cựu Đường thư chép: “Chém Thanh và con là Chí Trinh, tịch biên hết tài sản. Chí Liệt và Sĩ Giao thua trận, giữ đất Tạc Kê ở Trường Châu, sau bị truy đuổi phải đem quân lính dưới quyền ra hàng” và thứ ba, việc Hoàng Man Động (đồng minh của Dương Thanh) liên kết với Hoàn Vương tấn công An Nam năm 822 và quân lính tại An Nam làm loạn năm 828, tuy nhiên với những căn cứ này thì đúng như Trần Quốc Vượng và K W Taylor kết luận.

Mộ chí của Lý Tượng Cổ do Vương Trọng Chu soạn năm 821 chép: “Đất Việt có An Nam Đô hộ kiêm Ngự sử Trung thừa Lũng Tây Lý công, húy là Tượng Cổ, xuân thu (hưởng thọ) 53 tuổi. Ngày 19 tháng 8 mùa thu năm Nguyên Hòa 14 [819], gặp phải loạn của bộ tướng là Dương Trạm Thanh ở quân quận, công [tức Lý Tượng Cổ] và vợ là Vi Thị Kịp, 3 con trai và 2 con gái trong khoảnh khắc đều bị hại, chìm dưới bến sông sâu. Sau khi hết việc binh, di cốt đều bị hủy hoại hết”. [xin xem thêm Khảo cứu lại khởi nghĩa Dương Thanh của Phạm Lê Huy]

Mộ chí của Lý Hội Xương do nghĩa đệ là Lý Phùng soạn trước tháng 11 năm 821 chép: “Gặp phải vụ phản loạn của thổ tướng là Dương Trạm Thanh. Khi tên bắn đến nhà, bọn quân lại không ai dám tiến lên. Anh [tức Lý Hội Xương] trong lòng đã quyết, cứng cỏi xin lệnh, dẫn bọn tả đảm đánh nhau với giặc ở cửa, hăng hái xông lên trước, phía sau không có người tiếp ứng, liền bị hại dưới đao của giặc, lúc đó là ngày 19 tháng 8 năm Nguyên Hòa 14 (…) Trạm Thanh là giặc của quốc gia, em đây chưa thể báo thù được cho anh”. [xin xem thêm Khảo cứu lại khởi nghĩa Dương Thanh của Phạm Lê Huy].

Tư trị thông giám chép: “[Năm Nguyên Hòa 14 – 819] Mùa đông tháng 10, Dung quản [Kinh lược sứ] tấu An Nam tặc là Dương Thanh hạ Đô hộ phủ (An Nam đô hộ phủ trị tại Giao châu), giết Đô hộ Lý Tượng Cổ và vợ con, quan thuộc, bộ khúc hơn 1000 người. Tượng Cổ là anh của Đạo Cổ. Do tham lam, hà khắc nên để mất lòng người. Thanh nhiều đời làm tù trưởng người Man. Tượng Cổ gọi về làm nha tướng. Thanh u uất, bất đắc chí. Tượng Cổ sai Thanh dẫn 3 nghìn quân đánh Hoàng Động Man. Thanh nhân lòng người phẫn uất, dẫn quân ban đêm tập kích phủ thành, hạ thành”.

Như vậy sau vài ngày bao vây thì đến ngày 19 tháng 8 năm 819 Dương Thanh hạ được phủ thành, giết Lý Tượng Cổ, Lý Hộ Xương cùng gia quyến và thân sĩ, còn ngày 17 tháng 10 năm 819 là ngày mà triều đình nhận được bản tấu của Dung quản kinh lược sử gửi từ Quảng Châu (Tư trị thông giám chép là tấu; Cựu-Tân Đường thư chép là giết).

Cựu Đường thư chép: “Lệnh cho Thứ sử Đường Châu là Quế Trọng Võ làm Đô hộ, chiếu dụ xá tội cho Thanh, cho làm Thứ sử Quỳnh Châu. Trọng Võ đến biên giới, Thanh không cho vào. Thanh câu thúc thủ hạ, hình phạt nghiêm khắc, người dưới không biết nhờ vào đâu sống được. Trọng Võ sai người chiêu dụ bọn tù hảo, được mấy tháng, nối nhau qui phụ, được quân lính hơn 7 nghìn người, thu lại được thành, chém Thanh và con là Chí Trinh, tịch biên hết tài sản”.

Sách phủ nguyên qui chép: “Quế Trọng Võ làm An Nam Đô hộ. Tháng 6 năm Nguyên Hòa 15 (820), tấu:“Ngày 29 tháng 3, thu hồi An Nam, xử trí xong bọn tặc đảng Dương Thanh”. Ngày Giáp Tuất tháng 8, Trọng Võ gửi thủ cấp của tướng phản loạn Dương Thanh đến trạm dịch Trường Lạc, lệnh cho trung sứ ra đón”.

Một số vấn đề về phương pháp luận sử học và vấn đề thời điểm bùng nổ của khởi nghĩa Mai Thúc Loan của Phạm Lê Huy viết: “Nói tóm lại, cần nhận thức các cuộc nổi dậy – khởi nghĩa ở Việt Nam dưới thời thuộc Đường luôn là một quá trình, trong đó bao gồm nhiều sự kiện khác nhau gắn liền với những mốc thời điểm khác nhau. Các bộ chính sử Trung Quốc chỉ lựa chọn một, hoặc một vài dấu mốc trong quá trình đó để ghi chép. Hơn nữa, luôn có “độ trễ” nhất định giữa thời điểm xảy ra sự kiện trên thực tế và thời điểm chính quyền trung ương nhà Đường nhận được tin tức về sự kiện đó. Theo những phân tích của chúng tôi ở trên, khoảng thời gian – “độ trễ” để thông tin, sự vật di chuyển từ phủ thành An Nam đến Trường An (và ngược lại) sẽ dao động trong khoảng 57- 124 ±α ngày, tức là khoảng từ 2 – 4 tháng”.

Như vậy là sau khi nhận được bản tấu, nhà Đường cử Quế Trọng Võ làm An Nam đô hộ, lệnh cho Thanh làm Thứ sử Quỳnh Châu, nhưng Thanh giữ chặt biên ải bất tuân, Trọng Võ án binh chiêu dụ tù hào, Thanh câu thúc thủ hạ, hình phạt nghiêm khắc nên Trọng Võ phá được thành, chém Thanh và con trai vào tháng 3 năm 820, gửi bản tấu về triều đình vào tháng 6 năm 820 và gửi thủ cấp của Dương Thanh đến Trường Lạc vào tháng 8 năm 820.

Câu hỏi thứ hai của chúng ta ở đây là: Vì sao có sự khác nhau về thời gian trong việc gửi bản tấu và thủ cấp lên triều đình? Nếu chỉ đơn giản là gửi thủ cấp lên triều đình thì Quế Trọng Võ có thể gửi cùng với bản tấu, như vậy thì bản tấu lại càng được minh xác. Liệu có khi nào thủ cấp cần được bảo quản do đó việc vận chuyển sẽ phức tạp nên chậm trễ hơn tờ thư tấu? Hoặc sau khi nhận được bản tấu, triều đình không tin, nên lệnh cho Trọng Võ phải gửi đầu về kinh thành do đó mà có sự sai khác? Và có thể khi gửi bản tấu lên triều đình, sau đó một thời gian An Nam đô hộ mới gửi thủ cấp của Dương Thanh về bắc? Chúng ta vẫn chưa biết chính xác chuyện gì đã xảy ra dẫn đến sự sai khác về thời gian giữa việc triều đình nhận được bản tấu và thủ cấp đến Trường Lạc.

Giả thuyết về việc Trọng Võ bắt đầu gửi bản tấu và thủ cấp ở 2 thời điểm khác nhau do đó mà thời điểm triều đình nhận được cũng khác nhau, không phải là không có cơ sở. Như Cựu Đường thư cho biết, sau khi thất thủ con Dương Thanh là Chí Liệt và thân tín là Sĩ Giao chạy về giữ đất Tạc Khê ở Trường Châu, sau thì ra hàng. Vì thế mà không loại trừ trường hợp Thanh cũng rút về Tạc Khê, sau khi ra hàng mới bị giết.

Câu hỏi thứ ba của chúng ta là: Liệu rằng ở thời diểm nhận được thủ cấp, phía triều đình có thể xác nhận được đó đúng là thủ cấp của Dương Thanh hay không?

Giả thuyết rằng triều đình không tin bản tấu của Quế Trọng Võ không phải là không có cơ sở. Ngày 17 tháng 10 năm 819 triều đình nhận được bản tấu của Dung quản kinh lược sứ gửi từ Quảng Châu, ngày 21 tháng 10 năm 819 cử Thứ sử Đường Châu Quế Trọng Võ làm An Nam đô hộ, thế nhưng sau hơn 4 tháng, Võ không thu hồi được An Nam nên ngày 22 tháng 2 năm 820 nhà Đường bổ nhiệm Quế quản quan sát sứ Bùi Hành Lập làm An Nam đô hộ, bản quản Kinh lược sứ thay Quế Trọng Võ, biếm Võ làm An Châu thứ sử, thế nhưng Hành Lập qua đời ở trấn Hải Môn trên đường đi nhậm chức. Như vậy rõ ràng là triều đình phương bắc đã có thời điểm không còn tín nhiệm Quế Trọng Võ.

Chúng ta sơ qua về tình hình nhà Đường thời điểm trước và sau cuộc khởi nghĩa Dương Thanh. Phía tây nam, năm 737 với sự hỗ trợ quân đội từ phía nhà Đường, Mông Bì La Các thống nhất lục chiếu thành lập ra vương quốc Nam Chiếu. Năm 750 Nam chiếu chống đối nhà Đường, năm 751 và 754 quân Đường tấn công Nam Chiếu nhưng thất bại. Các hoạt động quân sự của nhà Đường ở đây lắng xuống do sự kiện loạn An Sử năm 755 – 763. Trong khi đó Nam Chiếu lại phát triển và bành trướng rất nhanh, năm 764 Nam Chiếu thiết lập kinh đô thứ hai ở Vân Nam, giáp với địa giới của An Nam. Phía nam, vùng Quảng Tây, năm 756 động chủ Hoàng Càn Diệu xưng là Trung Việt vương, cùng với các động khác nổi lên chống lại nhà Đường. Năm 785 động chủ Hoàng Thiếu Khanh mang quân đánh Ung châu và chiếm 4 châu khác, con là Xương Miện chiếm thêm 13 châu. Năm 786 Hoàng Thiếu Độ khởi binh.

An Nam năm 791 Đỗ Anh Hàn khởi binh hạ phủ đô hộ, triều đình cử Triệu Xương làm Đô hộ, năm 794 Nam Chiếu đánh dẹp các bộ lạc người Man, uy hiếp An Nam, Triệu Xương hoà hoãn với Nam Chiếu nên vùng núi phía tây bắc tạm ổn. Năm 802 – 803 Bùi Thái thay Xương làm đô hộ, bị Hoàn Vương phía nam tấn công châu Ái, châu Hoan, phía bắc thì bị các Man Hoàng Động quấy nhiễu. Đến thời Trương Chu thông qua việc sử dụng các thủ lĩnh địa phương, đặc biệt là Đỗ Anh Sách mà An Nam yên. Năm 808 Hoàng Man Động phía bắc động binh, năm 809 Hoàn Vương phía nam động binh. Tôi cho rằng: việc Trương Chu phá được Hoàn Vương là dựa vào các thủ lĩnh địa phương trong đó không loại trừ gia thế của Dương Thanh ở Hoan Châu.

Tháng 8 năm 813 Bùi Hành Lập làm An Nam đô hộ, giống như Triệu Xương và Trương Chu, Hành Lập dùng các thủ lĩnh địa phương. Qua việc Bùi Hành Lập chém Phạm Đình Chi sau đó lại chọn người trong gia tộc họ Phạm để nối chức của Chi, cho thấy Lập là nhân vật vừa cứng rắn nhưng cũng rất khôn khéo. Xã hội Đại Đường phức tạp. Nam Chiếu ở phía tây, Hoàn Vương ở phía nam thế đang mạnh. Qua việc Hành Lập lệnh cho Đỗ Anh Sách chém phản loạn của Hoàn Vương là Lý Lạc Sơn cho thấy chính sách hoà hoãn hữu hảo của Lập. Nam Chiếu và Hoàn Vương là quốc gia bên ngoài nơi biên cảnh, nhưng Man Hoàng Động ở phía bắc An Nam vùng Quảng Tây lại nằm trong lãnh thổ, hơn nữa lại là vị trí trọng yếu giữa An Nam và triều đình, do đó mà Hành Lập có chính sách cứng rắn.

Năm 815 Liễu Tông Nguyên đến Liễu châu làm thứ sử, chính sách giảm bớt sự cai trị hà khắc của Tông Nguyên giúp vùng này tạm yên (năm 819 chết tại Liễu Châu). Khoảng cuối năm 817 Bùi Hành Lập được thuyên chuyển về Quảng Châu, nơi ông bàn tính với các quan chức trong vùng để xin lệnh tấn công Man Hoàng Động tuy nhiên Tiết độ sứ Quảng Châu lúc đó là Khổng Quỳ không đồng ý, dẫu vậy chiến dịch vẫn được triển khai và bị sa lầy ngay từ ban đầu. Kết quả là Man Hoàng Động giành quyền kiểm soát lãnh thổ đồng thời thường xuyên mở các cuộc tấn công.

Cựu Đường thư chép: “Lý Tượng Cổ từ chức Hành Châu thứ sử được phong làm An Nam đô hộ. Năm Nguyên Hoà 14 (819) Lý Tượng Cổ bị Dương Thanh giết, vợ con và bộ khúc không ai sống nổi. Dương Thanh mấy đời làm tù hào phương nam. Lý Tượng Cổ tham lam phóng túng, lòng người không theo. [Tượng Cổ] lại sợ thế lực của Thanh, đưa Thanh từ chức Hoan Châu thứ sử về làm nha môn tướng. [Dương Thanh] trong lòng u uất không vui. Không lâu sau giặc Hoàng gia ở Ung Quản làm phản, triều đình chiếu cho Tượng Cổ phát binh mấy đạo đánh dẹp. Tượng Cổ lệnh cho Dương Thanh dẫn 3000 quân đến. Thanh cũng con là Chí Liệt và người thân tín là Đỗ Sĩ Giao bày mưu làm phản, ban đêm tập kích An Nam, được mấy ngày thành bị hạ”

Năm 818 Hành Châu thứ sử Lý Tượng Cổ được bổ nhiệm chức An Nam đô hộ thay cho Bùi Hành Lập, lo sợ trước thế lực của tù hào Dương Thanh đang là Thứ sử Hoan Châu nên điều về làm nha môn tướng, vì thế mà Thanh trong lòng u uất không vui. Bấy giờ, những hoạt động quân sự của Hành Lập không hiệu quả, để mất kiểm soát vùng lãnh thổ vào tay Man Hoàng Động, lại phải chịu các cuộc tấn công. Chính vì thế mà triều đình lệnh cho Tượng Cổ tấn công Man Hoàng Động. Tượng Cổ lệnh cho Thanh dẫn 3000 quân đến. Dương Thanh đang bị Tượng Cổ kiểm soát, trong lòng u uất, đang muốn thoát ra. Nay nhân việc đánh Man Hoàng Động bàn với con và thân tín, liên kết với Man Hoàng Động, tấn công đô hộ phủ. Kết quả là đúng như kế hoạch.

Còn tiếp kỳ 2….

Ban Biên tập sưu tầm

Tham khảo bài viết Khảo cứu lại Khởi nghĩa Dương Thanh của tác giả Phạm Lê Huy: http://hoduongvietnam.com.vn/khao-cuu-lai-khoi-nghia-duong-thanh-p8541

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com