Cống hiến của Dương Tam Kha trên lĩnh vực quân sự

Trước yêu cầu cấp bách của sứ mệnh lịch sử, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, những người đại diện chân chính của dân tộc ta lúc đó đã xây dựng được một đội quân mạnh, khá đông đảo và có đội ngũ tướng lĩnh, vốn là những hào kiệt trung thành và tài năng. Trong số đó có Dương Tam Kha, danh tướng đã có những đóng góp nhất định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược lần thứ nhất ( 930-931), giúp Dương Đình Nghệ khôi phục quyền tự chủ (931-937); đặc biệt là góp phần vào thắng lợi oanh liệt trong trận Bạch Đằng (938), chấm dứt hoàn toàn thời kỳ đô hộ hơn 1000 năm của các triều đại phong kiến phương Bắc, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc lâu dài và phát triển rực rỡ của đất nước ta. Trong phạm vi bài tham luận này, chúng tôi xin đề cập đến một số cống hiến của Dương Tam Kha trên lĩnh vực quân sự.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có thế lực ở làng Giàng, nay thuộc xã Dương Xá, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Dương Tam Kha đã nhanh chóng trở thành một hào trưởng giàu có, nhiều thế lực trong vùng. Cũng như nhiều hào kiệt ở các địa phương, Dương Tam Kha sớm nhận thức và ngày càng có ý thức trách nhiệm trước nền tự chủ dân tộc mới được khôi phục lại bị đe dọa cả thù trong và giặc ngoài.

Trước sự phản bội của Kiều Công Tiễn và nguy cơ xâm lược của quân Nam Hán, Ngô Quyền đã đứng ra đảm đương sứ mệnh đoàn kết và lãnh đạo các lực lượng yêu nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Để chuẩn bị đối phó với quân Nam Hán xâm lược, Ngô Quyền và các tướng, trong đó có Dương Tam Kha (danh tướng đã trải qua chiến đấu và xây dựng chính quyền tự trị) xác định việc cần kíp trước hết là nhanh chóng diệt trừ bọn phản bội trong nước, đập tan lực lượng nội ứng cho giặc.

Tháng 10 năm 938, từ Ái Châu (Thanh Hóa), Ngô Quyền cùng với Dương Tam Kha và một số tướng lĩnh cầm quân được sự ủng hộ của nhân dân các địa phương tiến ra Bắc, nhằm diệt trừ Kiều Công Tiễn phản bội. Dương Tam Kha và Đỗ Cảnh Thạc được giao trực tiếp chỉ huy cuộc tiến công thành Đại La. Trước khí thế tiến công mạnh mẽ của các đội quân Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Đỗ Cảnh Thạc, đội quân của Kiều Công Tiễn hết sức khiếp sợ và không thể chống đỡ đã bị tiêu diệt. Thắng lợi này có ý nghĩa rất quan trọng, vừa diệt trừ được lực lượng phản động do Kiều Công Tiễn cầm đầu, vừa phá tan âm mưu dùng nội ứng của địch, tạo ra thế chủ động cho công cuộc chuẩn bị kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược.

Cuối năm 938, quân thủy Nam Hán do Hoằng Thao chỉ huy tiến vào vùng biển Đông Bắc xâm lược của quân Nam Hán, Ngô Quyền nhận định: “Hoằng Thao là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mệt mỏi, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mệt mỏi, tất phá được”.

Sau khi dẹp xong lực lượng phản động Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền nhanh chóng tổ chức lực lượng, cùng các tướng lĩnh, trong đó có Dương Tam Kha kéo quân đến vùng biển Đông Bắc chuẩn bị trận quyết chiến, chiến lược tiêu diệt quân Nam Hán ngay khi chúng vừa mới tiến vào địa đầu của Tổ quốc. Theo kế hoạch, một trận địa cọc ngầm được gấp rút bố trí ở hai bên cửa sông Bạch Đằng và trên các dải chắn khi triều lên thì cả bãi cọc ngập nước, thuyền bè có thể đi lại, đến lúc triều xuống, hàng cọc nhô lên cản trở thuyền khó qua lại được. Công việc cho quân lấy cọc gỗ lớn, vát nhọn đầu, bịt sắt đóng xuống lòng sông thật không đơn giản. Giữa vùng thiên nhiên sông biển Bạch Đằng, hai bên là những cánh rừng, Dương Tam Kha cùng các tướng Dương Thục Phi, Dương Cát Lợi huy động quân dân vào rừng đẵn nhưng cây gỗ lớn, lần lượt chuyển khoảng 3.000 cây về vát nhọn, đầu bịt sắt rồi đóng xuống lòng sông thành những hàng cọc dài, tạo nên một bãi chướng ngại thiên nhiên hiểm hóc hai bên cửa sông.

Xây dựng trận địa cọc ngầm ở cửa sông Bạch Đằng là nét độc đáo sáng tạo của nghệ thuật thủy chiến Việt Nam, mà Ngô Quyền là người khởi xướng và Dương Tam Kha cùng các tướng là những người có công tổ chức, huy động quân dân tham gia đông đảo; đặc biệt là chỉ đạo vát nhọn đầu những cây cọc gỗ lớn, bịt sắt, đóng chắc xuống lòng sông rất khó phát hiện khi triều lên, do bãi cọc hoàn toàn bị ngập nước. Trận địa cọc ngầm có vị trí đặc biệt quan trọng trong thế trận thủy chiến Bạch Đằng, song chỉ phát huy hết tác dụng khi thuyền giặc bị đánh bại ở phía trong hàng cọc lúc triều xuống. Chính vì thế, sau khi xây dựng xong trận địa cọc ngầm, Ngô Quyền tập trung lực lượng bố trí trận địa mai phục ở phía trong hàng cọc vùng hạ lưu và cửa sông Bạch Đằng.

Sử cũ của ta ghi lại rất ít về việc bố trí lực lượng ở trận địa mai phục, nhưng qua khảo sát thực địa, nghiên cứu về dấu tích thành lũy, di tích và phong tục thời Ngô Quyền, các truyền thuyết dân gian liên quan, nhất là qua một số thần tích ở vùng ven sông Bạch Đằng và gia phả họ Dương ở làng Giàng (Dương Xá, Thiệu Hóa, Thanh Hóa), ta có thể hình dung được một phần tình hình chuẩn bị kháng chiến và cách bố trí lực lượng trong trận quyết chiến chiến lược ở Bạch Đằng lúc đó. Toàn bộ quân thủy, bộ đặt dưới sự thống lĩnh tối cao của Ngô Quyền. Tham gia trận quyết chiến chiến lược này dưới quyền chỉ huy của Ngô Quyền có các tướng Dương Tam Kha, Ngô Xương Ngập, Đỗ Cảnh Thạc, Phạm Bạch Hổ… Dương Tam Kha được giao chỉ huy cánh quân chủ yếu là thủy binh thiện chiến, bố trí bên tả ngạn sông Bạch Đằng, phục sẵn ở các kênh rạch bên sông, lợi dụng xuôi gió và thuận dòng nước triều xuống, bất ngờ chặn đầu, tiến công thẳng vào đoàn thuyền địch, đẩy chúng sa vào khu vực trận địa cọc ngầm bố trí của ta. Tham gia cánh quân này còn có đội thuyền do Đào Nhuận chỉ huy.

Trong khi đó, một cánh quân khác, gồm cả thủy binh, bộ binh và dân binh, do Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy mai phục bên hữu ngạn sông Bạch Đằng, phối hợp tác chiến với cánh quân của Dương Tam Kha ở bên tả ngạn đánh thẳng vào đoàn thuyền chiến của quân Nam Hán, chặn không cho chúng tiến vào sâu nội địa nước ta. Sự bố trí kết hợp giữa hệ thống bãi cọc ngầm và quân mai phục chúng tỏ quyết tâm chiến lược của quân dân ta hồi đó là tiêu diệt hoàn toàn quân xâm lược bằng một trận quyết chiến ngay từ cửa ngõ của Tổ quốc, nhằm giành lại quyền độc lập tự chủ.

Cuối tháng 12 năm 938, đoàn binh thuyền quân Nam Hán, do Vạn Vương Hoằng Thao chỉ huy từ Quảng Đông (Trung Quốc) vượt vùng biển Đông Bắc tiến vào vịnh Hạ Long không gặp sự kháng cự nào của ta. Hoằng Thao là viên tướng trẻ càng hung hăng, chủ quan thúc quân tiến thẳng vào cửa sông Bạch Đằng. Về diễn biến trận đánh, Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Khi nước thủy triều lên, Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu khích, giả thua chạy để dụ địch đuổi theo. Hoằng Thao quả nhiên tiến quân vào”. Đoàn thuyền chiến của Hoằng Thao tăng tốc đuổi theo tiến sâu vào cửa sông Bạch Đằng, vượt qua bãi cọc ngầm lọt vào trận địa mai phục của quân dân ta, cũng là lúc nước triều bắt đầu rút xuống.

Lập tức, đội thuyền khiêu chiến của ta được lệnh đánh quật trở lại và quân thủy, bộ hai bên bờ sông, trong đó có cánh quân do Dương Tam Kha chỉ huy tiến công tiêu diệt các thuyền chiến của địch. Quân Nam Hán cố tìm cách chống đỡ, nhưng trước sức tiến công mãnh liệt của quân ta, chúng không sao thoát ra biển được. Toàn bộ chiến thuyền của giặc bị đánh chìm, hầu hết địch bị tiêu diệt. Chủ tướng Hoằng Thao bị Dương Tam Kha chém chết tại trận. Về sự kiện lịch sử này, thần tích địa phương và gia phả họ Dương cho biết: Dương Tam Kha cho quân bản bộ dùng tên dài ở bên bờ tả ngạn sông Bạch Đằng bắn xả vào quân giặc, chém được Hoằng Thao, làm cho quân Nam Hán đại bại. Trong bài “Thiên gia thi vựng tuyển”, Tiến sĩ Lê Tung cũng nhắc tới Dương Tam Kha giết tướng giặc. Hiện nay, tại đền thờ Bình Vương Dương Tam Kha ở thị trấn Cổ Lễ có câu đối nêu:

“Khuông phù Ngô chủ, lập Nam Bang, thiên thu hách tạc,

Trảm diệt Hoằng Thao, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong”

Nghĩa là:

“ Dốc phù Ngô chủ, lập Nam Bang, thiên thu hách tạc,

Trảm diệt Hoằng Thao, trừ giặc Bắc, đời đời oai phong”.

Như vậy, trận Bạch Đằng diễn ra và kết thúc chỉ trong vòng một con nước triều, nghĩa là trong một ngày, trong đó thời gian chiến đấu ác liệt nhất là lúc nước triều xuống mạnh đến lúc nước lên, nghĩa là chỉ nửa ngày. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 khẳng định, trong Bộ chỉ huy của quân Ngô Quyền có nhiều vị tướng tài giỏi thuộc lớp “ cự lộc”, “ hảo trưởng”, trong đó có Dương Tam Kha (con Dương Đình Nghệ, em vợ Ngô Quyền) là một trong những người thuộc tầng lớp trên, nhưng yêu nước, căm thù giặc, tự nguyện đứng trong hàng ngũ chỉ huy quân đội “mưu giỏi mà đánh cũng giỏi”.

Với những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi oanh liệt trong trận Bạch Đằng và giúp đỡ Ngô Quyền lập nghiệp, tại đền thờ họ Dương ngày nay vẫn còn câu đối ca ngời Dương Tam Kha:

“ Đằng thủy chiến thanh hàn Bắc lỗ,

Đường Lâm Vương nghiệp sáng Nam Giao”.

Nghĩa là:

“ Trận đánh sông Đằng, giặc Bắc phương run lạnh gáy,

Phú tá Đường Lâm cõi Nam Giao nghiệp sáng vua Ngô”.

Cũng chính vì là một danh tướng đã có nhiều công lao trong trận đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (938) và phù tá Ngô Quyền lên ngôi vua (939), Dương Tam Kha chỉ bị Ngô Xương Văn khi lên ngôi vua (950) giáng chức làm Trương Dương Công và ban cho bổng lộc một vùng đất ở phía Nam thành Cổ Loa. Tại đây, ông khai phá đất hoang, lập vùng quê rộng lớn, đặt tên Chương Dương. Năm 953, Dương Tam Kha chuyển về vùng Giao Thủy (nay là Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định) khai phá vùng đất mới và đổi tên là Dương Tùng Khuê. Năm 980, ông trở về quê cũ làng Giàng (Dương Xá, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) và mất tại đây.

Các bộ sử cũ của ta ghi lại rất ít về thân thế, sự nghiệp, nhất là những cống hiến về mặt quân sự của Dương Tam Kha trong cuộc kháng chiến chống Nam Hán xâm lược lần thứ nhất (930-931), do Dương Đình Nghệ lãnh đạo và kháng chiến chống Nam Hán xâm lược lần thứ hai (938), do Ngô Quyền lãnh đạo; và nếu nói đến cũng chỉ rất vắn tắt, sơ lược. Nhưng với việc tiếp nối truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm  của dân tộc, Dương Tam Kha đã đứng ra chiêu mộ, luyện tập quân sĩ, trở thành vị tướng có uy tín, được Dương Đình Nghệ giao chỉ huy một đội quân trong kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược lần thứ nhất (930-931) và Ngô Quyền giao chỉ huy cánh quân chủ yếu trong cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược lần thứ hai (938) là minh chứng về những đóng góp trên lĩnh vực quân sự, thể hiện năng lực về tổ chức và tài chỉ huy quân sĩ chiến đấu của một vị tướng trong lịch sử dân tộc sẽ mãi được ghi vào trang sử oanh liệt trong hai lần kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược thế kỷ X.

Đại tá TS. Dương Đình Lập

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com