Đợi xuân này, nhớ xuân xưa
- 17/01/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 2014
Trong không khí bà con Họ Dương cả nước đang chờ đón Ngày hội Văn hóa Mùa Xuân Họ Dương Việt Nam năm 2019, bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam xin gửi tới bạn đọc bài viết của bạn Dương Thị Hải Yến – Chủ tịch Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương thành phố Hà Nội về những cảm nhận, niềm tự hào của bạn về các mùa Lễ hội Mùa Xuân đã qua.
Là một người con gái Họ Dương và cũng là một trong số những người gắn bó với Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương từ những ngày đầu tiên, tôi luôn cảm thấy may mắn và tự hào vì đã có cơ duyên gặp gỡ và tận hiến một phần tuổi trẻ của mình cho các hoạt động của Câu lạc bộ và của Dòng tộc. Kể từ ngày tham gia vào Tổng hội, đã ba lần tôi tham gia Chương trình Lễ hội Mùa xuân Họ Dương Việt Nam và hai lần với vai trò phụ trách các bạn sinh viên hỗ trợ Ban Lễ tân và Ban Khánh tiết. Ba mùa Lễ hội với những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng có lẽ mùa Lễ hội để lại trong tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng nhất chính là Lễ hội Mùa xuân Họ Dương Việt Nam năm 2015.
Nhắc đến Lễ hội mùa xuân Họ Dương Việt Nam năm 2015, trước tiên tôi muốn nói đến cơ duyên để tôi gặp gỡ, tham gia và cống hiến cho Câu lạc bộ. Cơ duyên ấy bắt nguồn từ một người bạn đại học (không phải Họ Dương) của tôi. Ngày đó, bạn ấy gửi cho tôi nội dung bài viết thông báo thu hồ sơ học bổng đối với sinh viên đạt loại giỏi năm học 2013-2014 của Câu lạc bộ. Nhận được tin ấy, tôi bất ngờ và vui sướng vô cùng, đối với một sinh viên thì hai triệu đồng cũng không phải là khoản tiền nhỏ, nhưng rồi lại bán tín bán nghi, bởi lẽ tôi chưa hề biết gì về tổ chức của Câu lạc bộ, của Dòng tộc. Thế rồi tôi theo dõi trang Facebook của Câu lạc bộ, bắt đầu tìm hiểu về nó và biết được tin là có buổi sinh viên Họ Dương gặp mặt, giao lưu ở đình làng Vĩnh Tuy. Tự nhủ với mình nhất định phải đến tham gia để tìm hiểu thực hư và thế rồi tôi đã đến. Ngày gặp gỡ ấy (tôi không còn nhớ chính xác là ngày nào) đã thay đổi cuộc đời tôi, chí ít là về suy nghĩ và tinh thần. Tôi vốn là một người con gái nhút nhát, dè dặt trong các mối quan hệ xã hội, ấy thế mà không hiểu sao trong cái ngày gặp mặt đầu tiên ấy, tôi dám đứng lên nhận nhiệm vụ phụ trách đội sinh viên làm lễ tân phục vụ cho Lễ hội Mùa Xuân Họ Dương Việt Nam năm 2015, trong khi còn chưa biết người mình sẽ phụ trách là những ai. Có lẽ một phần là vì tôi chưa biết được quy mô, ý nghĩa, tầm quan trọng của nó và tôi đã dám liều.
Lễ thành lập Tổng hội Thanh niên, học sinh – sinh viên Họ Dương Việt Nam
Sau hôm đó, tôi tìm hiểu nhiều hơn về những thứ liên quan đến dòng họ và kết nối với nhiều người hơn, đặc biệt là các bạn sinh viên Họ Dương đang học tập và sinh sống tại Hà Nội. Thế nhưng mọi thứ cũng vẫn còn mơ hồ và chưa có gì thay đổi nhiều cho đến cái ngày đầu tiên tôi cùng chị Dương Tử Quỳnh sang Văn phòng Họ Dương Việt Nam ở Bắc Ninh để họp cùng các bác chuẩn bị cho Lễ hội Mùa Xuân Họ Dương Việt Nam năm 2015. Chỉ một ngày thôi cũng đủ khiến tôi vỡ ra nhiều thứ trong đầu. Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Văn phòng Họ Dương, được biết đến các bác trong HĐHD Việt Nam, những người mà trước đây tôi đã nghe tên ở đâu đó và chưa từng nghĩ tới chuyện sẽ có cơ hội gặp mặt trực tiếp và làm việc cùng. Tôi vui sướng và tự hào! Và quan trọng hơn cả, tôi đã biết chương trình “Lễ hội Mùa Xuân” là gì và quan trọng như thế nào. Nhận trọng trách tập hợp hơn 100 bạn sinh viên tham gia làm lễ tân cho chương trình, tôi bắt đầu hoang mang và lo lắng, tôi sợ rằng mình không hoàn thành được nhiệm vụ các bác giao, tôi sợ nhiều thứ. Bởi lẽ kể từ lúc nhận nhiệm vụ, mỗi lần tập kết, chưa lần nào tôi tập hợp được đầy đủ mọi người, cho đến hôm tổng duyệt chương trình trước Tết cũng chỉ có được khoảng 30 bạn tham gia, còn lại tôi cũng chỉ liên hệ qua điện thoại và Facebook. Lúc ấy tôi cũng chỉ biết tin vào cái được gọi là tình yêu và ý thức Dòng tộc của mọi người mà thôi. Thế nhưng rồi sau một vài lần tiếp tục sang Văn phòng hỗ trợ các bác trong công tác chuẩn bị cho Lễ hội và được chị Quỳnh hướng dẫn, động viên, giúp đỡ và truyền cảm hứng, tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ các bác giao. Chuyện gì đến rồi cũng đến, tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn vì mình cũng đã cố gắng hết sức rồi.
Tôi háo hức mong chờ, nhưng cũng thấp thỏm, lo âu. Thế rồi mùa Lễ hội cũng đến, tôi không biết làm gì ngoài việc lăn xả vào công việc và cố gắng hết sức mình. Ngày đầu tiên (8/1 âm lịch), khoảng 80 bạn sinh viên Họ Dương từ khắp các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam…) đã tụ họp tại thành phố Bắc Ninh. Có những bạn chạy xe máy cả quãng đường xa, có những bạn lần đầu xa nhà nên bố mẹ đưa đến tận nơi gửi gắm Ban tổ chức, thậm chí có những bạn bán tín bán nghi không biết chương trình là có thật hay không, nhưng đến bản thân các bạn cũng không rõ điều gì đã thôi thúc các bạn đến tham gia, có lẽ do một chút tò mò, muốn tìm hiểu, khám phá nhưng chắc chắn lớn hơn cả chính là tình cảm thiêng lương với Dòng tộc, với tổ tiên, cội nguồn. Những con người hoàn toàn xa lạ đến từ mọi miền đất nước nhưng cùng mang trong mình dòng máu Họ Dương đã nhanh chóng hòa nhập và gắn bó với nhau như anh chị em trong nhà. Nhớ buổi sáng mùng 8, những bạn nữ chăm chỉ, khéo léo, tỉ mỉ ngồi cọ từng chiếc lá dong để chuẩn bị cho Hội thi gói bánh chưng xanh, đội hậu cần âm thầm lo từng bữa cơm cho mọi người. Nhớ lắm những buổi tối thức tới tận 1h sáng cùng nhau kê hơn 1500 chiếc ghế cho các đại biểu, đồng thanh hô to “1,2,3” để cùng nhau nâng những chiếc bàn, rồi cùng nhau chia sẻ từng tô cháo, bát mỳ lúc ăn đêm. Năm đầu tiên có sự tham gia của sinh viên nên việc tổ chức và sắp xếp chỗ ăn, chỗ ngủ cho các bạn còn nhiều khó khăn, công việc mang tính chất tự phát, các bác chỉ đâu sinh viên chạy đó. Có những bạn mải “chạy” quên ăn, mãi tới lúc dạ dày lên tiếng mới chợt nhận ra nó bị bỏ đói bấy lâu. Rồi những đêm, cùng nhau đắp tấm chăn trên chiếc giường 8,9 người ngủ chung. Thức khuya là vậy nhưng các bạn luôn đúng giờ, dậy từ 4-5h sáng đi bộ hơn 1km để kịp giờ tập kết. Nhớ những lúc dù đã thấm đẫm mồ hôi nhưng các bạn vẫn cố gắng đưa những bình nước nặng lên các khán đài để phục vụ bà con. khênh từng chồng ghế vào sân nhà thi đấu mặc cho ngoài kia gió lạnh. Rồi cả các bạn lễ tân đội cả trời mưa lạnh nhưng vẫn luôn nở những nụ cười tươi chào đón các đoàn đại biểu từ các tỉnh về. Bốn ngày, ba đêm làm việc, ăn, ngủ cùng nhau khiến mọi người hiểu nhau, thân thiết, gần gũi, gắn bó và gọi nhau bằng những cái tên thân mật như: Linh doanh nhân, Quyền sàn… Bốn ngày ấy tràn ngập tiếng cười nhưng cũng không ít những giọt nước mắt. Những tiếng cười vui vẻ khi làm việc cùng nhau, chơi cùng nhau, “cháy cùng nhau”. Những giọt nước mắt bất lực, chán chường lúc chạy chương trình, quyến luyến lúc chia tay và cả những giọt nước mắt hạnh phúc nghẹn ngào khi chương trình đã kết thúc thành công. Ngày chia tay các bạn trao nhau những cái ôm siết chặt, nắm lấy tay nhau và hẹn ngày gặp lại. Những đôi mắt không biết nói nhưng ai cũng cảm nhận được rằng có một sức mạnh lớn của Dòng tộc đang nhen nhói trong mỗi người. Năm đầu tiên với nhiều khó khăn, vất vả, tôi đã nghĩ rằng đó là năm đầu và cũng là năm cuối huy động được sinh viên tham gia. Nhưng trong buổi tổng kết, tôi hỏi lại mọi người: “Nếu như năm sau lại tổ chức như thế này thì các bạn còn muốn tham gia nữa không?”. Mọi người đồng thanh “có”. Miệng tôi bật cười nhưng không thể nào ngăn nổi những dòng nước mắt, những giọt nước nghẹn ngào trong niềm hạnh phúc. Mặc dù với các bác, năm đó sinh viên chưa phát huy được hết vai trò như các bác đã kỳ vọng,, nhưng đối với tôi, đó là một mùa Lễ hội thành công. Bởi lẽ nó đã đem lại niềm vui, sự gắn kết cho tuổi trẻ Họ Dương, những người con nhiệt huyết và sẵn sàng cháy hết mình cho tuổi trẻ và cho Dòng tộc.
Thanh niên Họ Dương Việt Nam tham gia hỗ trợ Lễ hội Mùa Xuân Họ Dương Việt Nam năm 2019
Lễ hội Mùa Xuân Họ Dương Việt Nam năm 2015 là lần đầu tiên của nhiều thứ. Lần đầu tiên sinh viên chính thức tham gia và phát huy vai trò của mình và cũng chính năm ấy “Tổng hội thanh niên học sinh sinh viên Họ Dương Việt Nam” (tiền thân của Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương Việt Nam) được thành lập. Lần đầu tiên tôi biết đến HĐHD Việt Nam, Tổng hội thanh niên học sinh sinh viên Họ Dương Việt Nam. Lần đầu tiên tôi kết nối với những người bạn, những người anh chị em Họ Dương sinh sống và học tập ở Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc. Lần đầu tiên tôi dám gạt đi sự lo lắng, đập tan cái vỏ bọc bấy lâu của mình để đứng lên nhận nhiệm vụ và hết mình cống hiến. Lần đầu tiên tôi cháy hết mình cùng với tuổi trẻ Họ Dương.
Lễ hội Mùa Xuân Họ Dương Việt Nam năm 2016 vẫn được tổ chức ở Bắc Ninh, Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương thành phố Hà Nội vẫn là lực lượng chủ chốt nhưng khi ấy Câu lạc bộ Thanh niên dần lớn mạnh và trưởng thành với sự thành lập của Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương ở các miền, các tỉnh: miền Nam, miền Trung, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Phòng, Kinh Bắc, Quảng Ninh… Chính vì vậy mà Lễ hội Mùa Xuân năm ấy, nhiệm vụ được san sẻ cho các Câu lạc bộ, không còn nhiều áp lực như mùa đầu tiên nữa. Năm 2017-2018, Lễ hội Mùa Xuân Họ Dương Việt Nam được tổ chức ở Đà Nẵng và Cần Thơ, Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương thành phố Hà Nội tham gia với vai trò của đội khách nên trách nhiệm cũng nhẹ nhàng hơn những năm trước nữa.
Sắp tới, Ngày hội Văn hóa Mùa Xuân Họ Dương Việt Nam năm 2019 được tổ chức tại Vĩnh Phúc, Hà Nội trở về với vai trò nòng cốt của lực lượng thanh niên cả nước và tôi cũng trở lại với Ban lễ tân của chương trình. Cái cảm giác khi xưa chợt quay về, một chút háo hức, mong chờ, một chút bồi hồi, lo lắng. Sau gần bốn năm hình thành và phát triển, Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương thành phố Hà Nội đã lớn mạnh và trưởng thành hơn trước, rõ ràng có sự đông đảo về lực lượng, mà sao tôi vẫn luôn lo lắng về những điều không chắc chắn. Nhưng quan trọng hơn cả, giờ đây bên tôi luôn có những người anh, người chị, người bạn và những đứa em luôn sẵn sàng cống hiến cho Dòng tộc. Tất cả mọi người đều cố gắng hết mình và chờ đợi một mùa Lễ hội thành công rực rỡ!
Dương Thị Hải Yến