Gặp gỡ Họ Dương ở đảo Lý Sơn – Cù lao Ré

Cuộc gặp gỡ này chúng tôi đã có dự định từ 5 – 6 năm về trước. Đó là vào mùa Thu năm 2014, tôi liên hệ với ông Dương Thể người Họ Dương đảo Lý Sơn để tìm hiểu lịch sử Họ Dương và truyền thống học tập vươn lên của người Họ Dương ở đây, chuẩn bị bài cho kỷ yếu Hội thảo “Họ Dương Việt Nam với phong trào khuyến học khuyến tài” sắp được tổ chức tại Hà Nội. Rồi tiếp đó tôi liên hệ với cụ Dương Quỳnh 94 tuổi, nhận bài của Cụ gửi cho Bản tin Họ Dương số 12, tháng 1 năm 2015 phục vụ Lễ hội Mùa Xuân Họ Dương Việt Nam năm 2015. Qua báo chí tôi biết cụ Dương Quỳnh là người đầu tiên dịch sắc lệnh Hoàng Sa góp phần vào cuộc đấu tranh giữ gìn lãnh thổ biên cương của Tổ quốc. Huyện đảo Lý Sơn, còn được gọi là Cù Lao Ré được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi theo quyết định của Thủ tướng chính phủ năm 1992, và trở thành huyện đảo tiền tiêu từ khi đó.

Người dân đảo Lý Sơn thường xuyên phải chống chọi với thiên tai, địch họa. Nhưng với lòng yêu nước truyền thống từ khi các vị tiền hiền các dòng họ Nguyễn, Dương, Đặng, Phạm, Trương, Trần… đến đảo khai hoang, lập làng cách ngày nay ba bốn trăm năm, ngư dân Lý Sơn quyết tâm bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc, giữ vững và phát huy truyền thống yêu nước của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa.

“Ở Lý Sơn có nhiều ngôi nhà cổ gần 200 năm tuổi. Mỗi ngôi nhà cổ ở đây được ví như một bảo tàng thu nhỏ, trong đó cất giữ nhiều chứng cứ và tài liệu khẳng định chủ quyền Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, đã được các tộc họ trên đảo giữ gìn qua hàng trăm năm”(1).

“Ông Quỳnh là người phát hiện và dịch đầu tiên tờ sắc lệnh phái binh phu đi Hoàng Sa, trong số các giấy tờ, gia phả ở nhà thờ họ Đặng năm 1999. Đó là bản dịch tốt và hay nhất”(2).

Những hiểu biết bước đầu về đất và người Lý Sơn càng thôi thúc chúng tôi tổ chức chuyến điền dã tìm hiểu về Họ Dương đảo Lý Sơn và được gặp gỡ, trò chuyện với người đầu tiên dịch sắc lệnh Hoàng Sa là cụ Dương Quỳnh, năm nay đã ở tuổi 100…

Lễ dâng hương tại nhà thờ cụ Dương Công Thọ

Ngày 16/06/2020, Ban nghiên cứu lịch sử HĐHDVN rời Hà Nội đi đảo Lý Sơn. Ngay đầu giờ chiều hôm ấy, chúng tôi đã được gặp gỡ các cụ cao tuổi Họ Dương Lý Sơn cùng các ông đại diện HĐHD đảo Lý Sơn, tay bắt mặt mừng, thấm tình Dòng tộc, tại nhà thờ cổ Họ Dương Lý Sơn do ông Dương Quang Định kế tự hương khói, đồng thời cũng là Văn phòng của HĐHD huyện đảo Lý Sơn, ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn được xây dựng cách đây hơn 150 năm. Ngôi nhà cổ diện tích 250m2, hiện là nơi sinh sống của gia đình ông Định và cũng là nhà thờ Tổ cùng dân binh đội Hoàng Sa của dòng Họ. Ba gian thờ cúng, cột kèo được chạm hình rồng phượng, có nhiều hoành phi, câu đối cổ chạm khắc công phu… Sau lễ dâng hương là buổi tọa đàm tìm hiểu lịch sử Họ Dương Lý Sơn diễn ra hào hứng với mọi người tham dự, theo những vấn đề cơ bản mà đoàn điền dã đã thống nhất trước với HĐHD đảo Lý Sơn. Cụ Dương Quỳnh chủ trì giới thiệu sự hình thành Họ Dương trên Đảo, từ thủy tổ đến ngày nay. Mọi người hỏi han, bàn luận, cùng nhau lập phả hệ dòng họ… Ông Định thủ nhang nhà thờ giới thiệu nghi thức hành lễ vào các ngày lễ trọng tại nhà thờ Họ, có chiêng, trống, tế lễ trang nghiêm. Ông Dương Thể – Chủ tịch HĐHD đảo Lý Sơn cùng ông Hải, ông Thành… vừa tham gia bàn luận, vừa giới thiệu và cung cấp cho chúng tôi nhiều loại tài liệu về Họ Dương Lý Sơn như gia phả, văn tế, bài vị Tổ… Cụ Dương Quỳnh thì chậm rãi giới thiệu và bàn giao cho tôi từng loại tài liệu chữ Hán: Linh vị Tiền Hiền Dương Đệ Nhị Lang, các văn bản liên quan đến công việc của Ngài Tả Hình Bộ Đô ngự sử Dương Quang Duyệt, như lệnh thăng lên làm Phủ Lễ Sinh trong Phủ Quảng Ngãi [Cảnh Hưng năm thứ 25 (1765), có đóng dấu ấn đỏ Phó Vương Chi Ấn 副王之印]; lệnh thăng Dương Quang Duyệt làm huấn đạo Phủ Gia Định [Cảnh Hưng năm thứ 31 (1771), có đóng dấu ấn đỏ Phó Vương Chi Ấn]; Dương Quang Duyệt huấn đạo Gia Định dâng tờ tâu xin thăng chức chi huyện huyện Bình Sơn – Quảng Ngãi [Cảnh Hưng năm thứ 34 (1774)]… Tiếp theo, tôi nhận thấy gương mặt cụ Quỳnh biểu hiện xúc động thật sự khi trao cho tôi bản Sắc lệnh Hoàng Sa bằng chữ Hán, ban hành ngày 15/04 năm Minh Mạng 15 (1834), cụ vừa tự tay sao lại cách đây ít ngày theo yêu cầu của tôi, để tôi có thể đọc được dễ dàng mà giới thiệu với bà con Dòng tộc.

Đoàn điền dã và các cụ cao niên cùng HĐHD Lý Sơn tại Văn phòng HĐHD huyện đảo Lý Sơn. Người đứng thứ 5 (từ trái sang phải) là cụ Dương Quỳnh

Như vậy, hôm nay các cụ cao niên Họ Dương Lý Sơn và mọi người Lý Sơn có mặt trong buổi gặp gỡ này đã cung cấp cho đoàn điền dã chúng tôi thêm nhiều hiểu biết về Họ Dương trên hòn đảo tiền tiêu này. Cùng với những tài liệu, hình ảnh về Họ Dương Lý Sơn do ông Dương Hồng Sơn chủ tịch HĐHD tỉnh Quảng Ngãi chuyển cho mấy lần trước, Ban nghiên cứu lịch sử HĐHDVN đến nay đã có trong tay khá nhiều tài liệu về Họ Dương ở đảo Lý Sơn.

Ôm tập tài liệu, trong lòng thỏa thuê, tôi ngước mắt đảo nhìn hoành phi, câu đối trong ngôi nhà thờ cổ Họ Dương Lý Sơn, như muốn tìm hồn cốt của những con chữ trên đó. Như đọc được suy nghĩ của tôi, cụ Dương Quỳnh giới thiệu cho tôi đôi câu đối cổ ở gian giữa nhà thờ, nói về nguồn gốc tổ tiên:

Chữ Hán: 名 盖 平 山 百 粤 鼻 祖

                  源 流 安 海 垂 裕 後 昆

Phiên âm:

Danh Cái Bình Sơn Bách Việt Tỵ Tổ

Nguyên Lưu An Hải Thùy Dụ Hậu Côn

Nghĩa là:

Thủy Tổ nguồn gốc Bách Việt (3) khởi đầu đến cư trú ở Bình Sơn

Đời sau về định cư ở An Hải sinh sôi con cháu nhiều đời.

Theo tông đồ Họ Dương Công tại từ đường Trưởng tộc là Dương Tư: Tỵ Tổ (Thủy Tổ) là Dương Công Cao, sinh cụ Dương Công Lương, mới đầu cư trú ở tổng Binh Điền huyện Bình Sơn.

Năm 1603, đời vua Lê Kính Tông (1600 – 1619), Tổ Dương Công Lương cùng Tổ bà Huỳnh Thị Cóc từ Bình Sơn về An Hải (Lý Sơn) lập nghiệp, đến nay đã là đời thứ 12 (chưa tính đời con, cháu của đời thứ 12).

Tiếp theo chương trình đoàn điền dã làm lễ dâng hương tại nhà thờ các phái họ Dương đảo Lý Sơn, được các gia đình và ông Thủ hương đón tiếp thân tình và hướng dẫn thực hiện các nghi thức lễ Tổ.

Lễ dâng hương tại nhà thờ cụ Dương Công Thành

Hiện nay, Lý Sơn có 450 hộ Họ Dương với số nhân khẩu 1700 người trong số 21000 người dân số cả huyện, chủ yếu làm nghề trồng hành tỏi và khai thác đánh bắt hải sản. Mặc dù đời sống nhiều khó khăn, việc học tập của con em vẫn được các gia đình quan tâm chăm sóc. Chẳng hạn, gia đình ông Dương Thể ở thôn Đông, xã An Hải có 8 người con, thì 6 con đã tốt nghiệp đại học; gia đình ông Dương Văn Hạnh ở thôn Đông, xã An Vĩnh có 6 người con thì 5 con đã tốt nghiệp đại học, 1 con có bằng cao đẳng… Họ Dương Lý Sơn đã tham gia sinh hoạt Họ Dương Việt Nam từ năm 2013. Trong họ có 3 nhà thờ chính và 5 nhà thờ các chi nhánh.

Lễ dâng hương tại nhà thờ cụ Dương Công Núi

Phần tiếp theo của bài viết, tôi trân trọng giới thiệu với bà con Dòng tộc đôi nét về cụ Dương Quỳnh người cao tuổi nhất Họ Dương đảo Lý Sơn – ông đồ già minh triết cuối cùng còn sót lại trên đảo Lý Sơn, người đã dịch Sắc lệnh Hoàng Sa…

Cụ Dương Quỳnh sinh năm 1920, và lớn lên ở Lý Sơn, từ nhỏ thông minh hiếu học. Từ lâu cụ đã được người dân ở đây biết tiếng là người thông tuệ Hán văn, tinh tường tiếng Pháp, đọc gia phả làu làu. Là thầy giáo ở đảo, cụ được người dân kính trọng.

Tờ sắc lệnh phái các binh phu ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa ban hành ngày 15 tháng 4, triều vua Minh Mệnh năm thứ 15, năm Giáp Ngọ (1834), được lưu giữ tại nhà thờ họ Đặng ở đảo Lý Sơn đã hơn 100 năm. Ngày trước trong nhà thờ của 13 tộc họ ở đây đều có tài liệu cổ lưu trữ. Nhưng vào tháng 3 năm 1979, có một người xưng là người của nhà nước (?) đến gom hết gia phả, sắc lệnh của các họ, riêng họ Đặng còn giữ được tráp gia phả của họ mình, trong đó có tờ lệnh (4).

Tháng 4 năm 1999 như thông lệ gia tộc họ Đặng lại mở tàng thư Dòng tộc, dần dần công bố từng phần. Ông Đặng Lên cháu 6 đời của Đà công Đặng Văn Siểm – người có tên trong tờ lệnh, cho biết: Gia tộc họ Đặng có 1 cái tráp cổ, có khóa cẩn thận, chỉ người uy tín nhất trong họ mới được cất giữ. Rồi một ngày cũng năm 1999, cụ Quỳnh được ông Đặng Tôn mời đến nhà thờ họ Đặng, trước sự chứng kiến của gia tộc, dịch tiếp một phần Gia phả và các loại giấy tờ trong tráp cổ. Hôm ấy, cụ phát hiện ra tờ lệnh – một báu vật quốc gia.

Ngay đêm đó, trước hương án nhà thờ họ Đặng, cụ Quỳnh phiên âm, dịch nghĩa tờ lệnh. Mười năm sau (2009) họ Đặng mang báu vật đó hiến cho Nhà Nước. Từ đó trở đi, báu vật quốc gia này mới được nhiều người biết đến (5).

Dưới đây tôi lần lượt giới thiệu bản chữ Hán tờ sắc lệnh được sao lại từ bản cụ Quỳnh cung cấp và bản phiên âm, dịch nghĩa năm 1999 của cụ Quỳnh.

I. CHỮ HÁN

 

               
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

沿
 

 

 

 

 

 

 

 
 

 
 

 
 

 
 

 
 

 

 

   
         

 
           

 
           

 
           

 

 
                   
                   

   
 

     

       

       

     

       

       

                 
         

       

   
           

       

   
           

       

   

       

   

       

   

       

     

       

     

       

       

       

         
               

 

II. PHIÊN ÂM

     (Quảng) Ngãi tỉnh Bố Án quan vi bằng cấp sự, chiếu đắc nguyệt tiền tiếp, Binh Bộ tư tự phụng.

     Sắc bộ hành tư, tiên hành dự bát chinh thuyền tam sưu (Tao) tu bổ kiên cố sĩ tại kinh. Phái viên cập thủy quân biện binh tiền vãng hiệp đồng sử thám Hoàng Sa sứ đẳng. Nhân khâm thử kỳ cố bát tại tỉnh Chi Khinh khoái thuyền tam sưu (tao) tinh tùy thuyền vật kiên, các hành tu bổ tái xuất. Khứ niên sở phái chi Võ Văn Hùng cập tăng giản duyên hải chi dân phu, am thục hải trình giả, sung thuyền công thủy thủ. Tiền hậu vụ yếu, mỗi sưu (tao) bát danh. Cai nhị thập tứ danh, vụ ư Tam nguyệt hạ tuần thừa sử phóng đẳng. Nhân tư biện lý, các dĩ thanh thỏa phái viên biện dĩ thừa lê thuyền sử đáo. Tư cứ Võ Văn Hùng lân trạch thiện thủy dân Đặng Văn Siểm đẳng khả kham đà công sự đẳng. Nhân hiệp hành bằng cấp, nghi thừa thuyền nhất sưu (Tao) suất nội thuyền thủy thủ đẳng danh tùng phái viên biền binh tịnh Võ Văn Hùng đồng vãng Hoàng Sa xứ, phụng hành công vụ.

Giá hải trình quan yếu, tu nghi thực lực thừa hành vụ đắc thập phần ổn thỏa, nhược sở hốt tất can trọng tội. sở hữu can danh, khai liệt vu hậu, tu chi bằng cấp giả.

Hữu bằng cấp

     Binh Sơn huyện, An Hải phường, đà công Đặng Văn Siểm, Hoa Diêm thôn Dương Văn Định cứ thử.

Kế

               Thủy Thủ:

Danh Đề               Phạm Quang Thanh       An Vĩnh Phường

Danh Sơ               Trần Văn Kham              An Vĩnh Phường

Danh Lê                Trần Văn Lê                  Bàn An ấp

Võ Văn Công      (Do Kim Thương) (sang) đội nhị danh

Danh Trâm          Ao Văn Trâm                 Lệ Thủy Đông nhị danh

Danh Xuyên       Nguyễn Văn Mạnh         An Hải Phường

Danh Dinh          Nguyễn Văn Dinh          Mộ Hoa huyện-An Thạch, Thạch Hoa thôn

Trương Văn Tài

Minh Mệnh thập ngũ niên, tứ nguyệt, thập ngũ nhật.

III. DỊCH NGHĨA

     Quan Bố chánh và Án sát tỉnh Quảng Ngãi làm việc cấp bằng này.

Chiếu theo tháng trước tiếp được tư văn của Bộ Binh. Vâng lệnh của bộ, trước phải sẵn sàng sắp đặt 3 chiếc thuyền tu bổ bền chắc đợi sẵn tại kinh. Các phái viên và thủy quân trước phải hiệp đồng cùng đi nhanh đến thăm dò xứ Hoàng Sa. Nhân kính tuân theo đó, tỉnh xem xét và chọn 3 chiếc thuyền tốt và nhẹ cùng các vật dụng trong thuyền tu bổ lại ra đi. Năm trước đã cử Võ Văn Hùng, nay được chọn thêm dân miền ven biển, thông thạo đường biển sung vào thuyền công, thủy thủ. Việc cốt yếu phải chọn mỗi thuyền 8 tên, tổng cộng 24 tên, cứ đến hạ tuần tháng Ba thuận theo thời tiết mà đi.

Nhân nay các việc đã được xong xuôi, các phái viên đã đi thuyền đến. Cứ theo đó Võ Văn Hùng chọn người dân giỏi về biển Đặng Văn Siểm có thể nhận làm đà công lái thuyền. Nhân đấy mà cấp cho bằng này để lái một con thuyền đưa các thủy thủ trên thuyền theo phái viên đoàn binh cùng Võ Văn Hùng đến xứ Hoàng Sa làm việc công. Việc trên đường biển rất trọng yếu, phải đem sức lực vâng làm cho được mười phần trọn vẹn, nếu xao lãng, sơ suất phải chịu tội nặng.

Các người có phận sự được kê dưới đây. Vậy nên có bằng cấp này.

Phía hữu là bằng cấp:

     Đặng Văn Siểm là đà công, người phường An Hải, huyện Bình Sơn và Dương Văn Định người thôn Hoa Diêm, cứ theo đây mà thừa hành.

Kế thủy thủ:

Danh Đề               Phạm Quang Thanh              Phường An Vĩnh

Danh Sơ               Trần Văn Kham                     Phường An Vĩnh

Danh Lê                Trần Văn Lê                          Ấp Bàn An

Võ Văn Công      (Do Kim Thương) (Sang) đội 2 tên

Danh Trâm          Ao Văn Trâm                          Lệ Thủy Đông nhị danh

Danh Xuyên       Nguyễn Văn Mạnh                  Phường An Hải

Danh Dinh          Nguyễn Văn Dinh (Doanh)     Huyện Mộ Hoa – An Thạch, thôn An Thạch Thang

Trương Văn Tài

Minh Mệnh năm thứ 15, tháng Tư, ngày 15.

Lý Sơn, tháng 4 năm 1999

Dương Quỳnh phiên âm và dịch nghĩa.

          Chú thích:

1. Hà Minh: Chủ quyền biển đảo trong nhà cổ Họ Dương Lý Sơn, Báo Sài Gòn giải phóng. Theo Bản tin Họ Dương số 12, 1-2015. Tr55.

2. Nam Cường. Người đầu tiên dịch sắc lênh Hoàng Sa. Báo Tiền Phong 14.2.2014. 

3. Theo Tiasang.com.vn// Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa: Từ xa xưa một dải giang sơn mênh mông từ Nam sông Dương Tử (Trung Quốc) trở về Nam là nơi các dân tộc Việt sinh sống. Khi ấy có hàng trăm dân tộc Việt, cho nên sử sách gọi là Bách Việt. Sau, hầu hết Bách Việt bị Hán hóa, trở thành lãnh thổ của Trung Quốc.

4, 5. Nam Cường. Người đầu tiên dịch sắc lênh Hoàng Sa. Tài liệu đã dẫn.

Dương Văn Đảm

Ảnh: Dương Việt Hòa

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com